| Hotline: 0983.970.780

Ô hay sông núi sinh người vậy…

Chủ Nhật 11/02/2024 , 08:30 (GMT+7)

Câu thơ nói trên của Trần Viết Dũng cho thấy khí thiêng sông núi của vùng đất Tây Sơn (Bình Định) đã hun đúc tinh thần thượng võ, sinh ra con người đầy khí phách…

Vùng đất thiêng

Đứng giữa cầu Kiên Mỹ, chiếc cầu nối thị trấn Phú Phong với xã Bình Thành (huyện Tây Sơn, Bình Định) nhìn về phía đầu nguồn sông Kôn, in đậm trên nền trời là quần thể núi non mà theo những bậc cao niên ở địa phương, đây là địa cuộc tạo nên khí thiêng sông núi của vùng đất trung du này.

Giữa dòng sông Kôn là ngọn núi Hoành Sơn (Núi Ngang) nằm ngang như chiếc án thờ khổng lồ, chung quanh bao bọc nhiều dãy núi, mỗi dãy núi mang một dáng vẻ rất riêng. Trước kia, phía trước án thờ Hoành Sơn là đồng bằng trông như chiếc chiếu khổng lồ được thiên nhiên trải dài bên dưới. Bên trái ngọn Hoành Sơn nằm về phía thôn Phú Lạc, xã Bình Thành là ngọn Bút Sơn (Hòn Trưng), bên phải nằm về phía xã Bình Tường là ngọn Nghiên Sơn (Hòn Dũng), 2 ngọn núi nói trên nhô cao trông như 2 chiếc đèn đặt 2 bên án thờ.

Đứng giữa cầu Kiên Mỹ, chiếc cầu nối thị trấn Phú Phong với xã Bình Thành (huyện Tây Sơn, Bình Định) nhìn bao quát quần thể núi Hoành Sơn. Ảnh: V.Đ.T.

Đứng giữa cầu Kiên Mỹ, chiếc cầu nối thị trấn Phú Phong với xã Bình Thành (huyện Tây Sơn, Bình Định) nhìn bao quát quần thể núi Hoành Sơn. Ảnh: V.Đ.T.

Chung quanh ngọn Hoành Sơn là các ngọn núi Cổ Sơn (Hòn Trống), Chung Sơn (Hòn Chuông), Kiếm Sơn (Hòn Hóc Lãnh). Theo các bậc cao niên, địa cuộc quần thể núi non ở đây đã hun đúc khí chất sinh ra Tây Sơn Tam kiệt, những thủ lĩnh của cuộc khởi nghĩa Tây Sơn vào cuối thế kỷ 18. Cũng có người nhìn ra 3 ngọn Bút Sơn, Hoành Sơn, Nghiên Sơn được sắp xếp trông như một chiếc ngai vàng nằm giữa vùng đất Tây Sơn.

Sách "Nước non Bình Định" của thi sĩ Quách Tấn có viết: “Nếu đứng trên đầu Núi Ngang (Hoành Sơn), đưa xa tầm mắt xuống phía đông, thì chúng ta thấy núi chạy liền dây, lớp thì giống những hàng cờ đuôi nheo bay trước gió, lớp thì tựa những chiếc trống trận có người khiêng, linh động nhịp nhàng, chẳng khác một đoàn quân gióng trống xổ cờ xuất trận. Cho nên các thầy địa lý gọi đó là cuộc “Chấn cổ canh kỳ”.

Theo các nhà phong thủy, Hoành Sơn là cuộc đất “đại địa”, hiện nay là 1 trong “Nhị thập bát cảnh” của miền đất võ Bình Định. Theo truyền thuyết, trước ngày 3 anh em nhà Tây Sơn khởi nghĩa, vào thời Định Vương Nguyễn Phúc Thuần (1765 - 1777) trị vì, có 1 thầy địa lý người Trung Hoa đến nhà Nguyễn Nhạc tá túc, ngày ngày mang địa bàn lang thang trong dãy Hoành Sơn để tìm phúc địa. Tò mò, Nguyễn Nhạc lén đi theo. Một hôm, thầy địa lý tìm ra long mạch nhưng chưa biết huyệt khí nằm ở đâu, ông bèn mang 2 cành trúc tươi xanh cắm ở triền dãy núi Hoành Sơn về hướng Phú Lạc (nơi sinh trưởng của 3 anh em nhà Tây Sơn) ở phía bắc 1 cây và phía nam 1 cây để xác định long mạch rồi bỏ đi.

Lăng mộ Mai Xuân Thưởng dưới chân núi Hoành Sơn. Ảnh: V.Đ.T.

Lăng mộ Mai Xuân Thưởng dưới chân núi Hoành Sơn. Ảnh: V.Đ.T.

Sau đó, ngày nào Nguyễn Nhạc cũng đi thăm 2 cành trúc nói trên. Hai tháng sau, Nguyễn Nhạc thấy cành trúc phía bắc ngày càng xanh tốt, cành phía nam thì héo khô. Nguyễn Nhạc cả mừng vì biết long mạch đã ứng hiện nơi cành phía bắc, bèn nhổ cành trúc khô phía nam đem cắm ở phía bắc, cành tươi tốt phía bắc cắm vào chỗ cành ở phía nam để đánh tráo thầy phong thủy.

Đúng 100 ngày kể từ ngày trồng trúc, thầy địa lý quay lại chốn cũ thấy cả 2 cành trúc đều chết cả, ông ta nhún vai, lắc đầu, có ý cho rằng dáng thế long mạch của núi Hoành Sơn chỉ là “giả cuộc”, rồi bỏ đi bặt tăm. Nguyễn Nhạc mừng rỡ về bàn với Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ hốt hài cốt của cha đem chôn nơi cành trúc phía bắc.

Khách du lịch tham quan Bảo tàng Quang Trung (huyện Tây Sơn, Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

Khách du lịch tham quan Bảo tàng Quang Trung (huyện Tây Sơn, Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

Sau khi chôn mộ cha (ông Hồ Phi Phúc) trên Hoành sơn, 3 anh em nhà Tây Sơn bỗng phát tướng. Gương mặt ai cũng tỏa hào quang, học hành thông thái. Thầy giáo Hiến dạy 3 anh em nhà Tây Sơn vốn là người có “thần nhãn”, lại thông thạo về tướng số, nhận thấy anh em Nguyễn Nhạc đã vượng thời nên mang câu sấm “Tây khởi nghĩa, Bắc thu công” ra khuyên Nguyễn Nhạc. Từ đó, 3 anh em Nguyễn Nhạc bắt đầu mưu đồ đại sự, chiêu mộ hào kiệt, lấy dãy Hoành Sơn làm căn cứ cùng nông dân phất cờ khởi nghĩa.

Đất sinh người

Khí thiêng sông núi của quần thể Hoành Sơn tạo nên được sách “Núi non Bình Định” của thi sĩ Quách Tấn miêu tả là cuộc đất “Long bàn hổ cứ”, địa cuộc không chỉ làm nên phong trào khởi nghĩa của 3 anh em nhà Tây Sơn và cuộc khởi nghĩa chống Pháp hưởng ứng phong trào Cần Vương của Mai Xuân Thưởng (năm 1885), mà còn âm ỉ lưu truyền trong dòng máu thượng võ của người dân địa phương từ đời này qua đời khác.

Minh chứng là võ cổ truyền Bình Định tuy xuất hiện từ năm 1471, nhưng đến thời Tây Sơn (thế kỷ 18) mới được kết tinh, hòa quyện giữa các dòng võ, môn võ, phái võ khác nhau; đồng thời sản sinh nhiều anh hùng hào kiệt và nhiều võ quan, võ sư nổi tiếng. Sự tổng hòa nói trên đã tạo nên sức mạnh tổng hợp, hun đúc nên dòng võ đậm nét tinh hoa, bổ sung vào kho tàng di sản võ học chân truyền của dân tộc.

Án thờ trời đất trên đỉnh Ấn Sơn, sau lưng là đỉnh Hoành Sơn. Ảnh: V.Đ.T.

Án thờ trời đất trên đỉnh Ấn Sơn, sau lưng là đỉnh Hoành Sơn. Ảnh: V.Đ.T.

Tây Sơn không chỉ là cái nôi của đất võ Bình Định, mà đây còn là nơi đầu tiên ở Bình Định xuất hiện hình thức tích tụ ruộng đất để phát triển nông nghiệp. Vào thời nhà Nguyễn (1802 - 1945), ông Quách Hội Đồng, hậu duệ đời thứ tư của dòng họ Quách ở làng Thuận Nghĩa (huyện Tây Sơn) đã sớm biết tích tụ ruộng đất, khai thác tiềm năng đất đai, trở thành người giàu có nhất Bình Định thời bấy giờ.

3 đời tiên tổ của dòng họ Quách hành nghề mua bán cao đơn hoàn tán rồi đến kinh doanh hiệu buôn hàng xén ở làng An Thái, xã Nhơn Phúc (thị xã An Nhơn, Bình Định), đến đời ông Quách Hội Đồng, ông này rời đất An Thái, “chia tay” luôn nghề kinh doanh của dòng họ để về làng Thuận Nghĩa, thị trấn Phú Phong (huyện Tây Sơn) định cư, khởi nghiệp với nghề nông.

Tịnh Nương Đường, nhà từ đường của dòng họ Quách ở thị trấn Phú Phong (huyện Tây Sơn, Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

Tịnh Nương Đường, nhà từ đường của dòng họ Quách ở thị trấn Phú Phong (huyện Tây Sơn, Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

Thuận Nghĩa là làng quê trù phú, khoảng giữa là bạt ngàn ruộng chạy từ phía tây xuống phía đông, đất đai phì nhiêu nằm dọc theo con mương Văn Phong (hiện đã trở thành đập dâng Văn Phong có ngưỡng tràn hình phím đàn dài nhất thế giới), chia thành 2 vùng nam - bắc. Vùng đất phía bắc gò đống ngổn ngang, ruộng gieo ăn nước trời nối tiếp đất thổ. Vùng phía nam chạy dọc bờ sông Kôn dân cư đông đúc, vườn nối đất soi, soi tiếp nối ruộng, đất đai màu mỡ. Lúc bấy giờ ruộng đất ở phía nam thường bị sông Kôn xâm thực sau những mùa mưa lũ. Nhà nào có ruộng dọc bờ sông ai cũng muốn bán để mua ruộng nơi khác nhằm canh tác ổn định hơn. Ai bán ruộng, ông mua tất. 10 năm sau, một trận lụt lớn đã khiến sông Kôn chuyển dòng về phía nam, phù sa bồi lên phía thôn Thuận Nghĩa thành một vùng đất màu mỡ rộng đến vài trăm mẫu, phần lớn nằm trong phần đất ông Quách Hội Đồng đã mua.

Ngoài ra, nhờ đọc bộ sách “Đào công trí phú”, ông Quách Hội Đồng học được bí quyết nuôi tằm. Tằm nuôi ở nhà họ Quách không bao giờ hư, kén không bao giờ bị lép, vì vậy cơ nghiệp của dòng họ Quách ngày càng phát đạt. Kén bán không hết, ông Quách Hội Đồng cho lập lò ươm tơ ở đầu làng. Tơ nhà họ Quách ươm khéo, nức tiếng khắp nơi nên tiêu thụ rất mạnh. Năm nào nghề tơ tằm cũng mang về cho ông Quách Hội Đồng khoản lãi rất lớn, ông dồn hết để mua ruộng. Nghề nông đã lập đỉnh giàu có cho dòng họ Quách trên đất Tây Sơn.

Chưa hết, vùng đất Tây Sơn sau này còn xuất hiện một hào phú ở làng Mỹ Đức, xã Tây An sở hữu “tiền đống bạc vạn” là ông Văn Phong. Do vợ chồng ông Văn Phong không có con nên ông muốn dùng của cải làm việc công đức cho đời. Là người gắn bó với nông nghiệp, nên ông Văn Phong nhận thấy ruộng nương trong vùng không có nước tưới, trong khi sát bên cạnh là dòng sông Kôn mênh mông nước chảy quanh năm. Thế là ông Văn Phong tự thiết kế, bỏ tiền túi thuê nhân công đắp con đập dâng để phục vụ sản xuất nông nghiệp cho người dân địa phương, con đập mang tên Văn Phong.

Nhà thơ Trần Viết Dũng (bìa trái) trao đổi với tác giả về địa cuộc núi non của quần thể núi Hoành Sơn. Ảnh: V.Đ.T.

Nhà thơ Trần Viết Dũng (bìa trái) trao đổi với tác giả về địa cuộc núi non của quần thể núi Hoành Sơn. Ảnh: V.Đ.T.

Bây giờ, làng rau Thuận Nghĩa ở thị trấn Phú Phong là biểu tượng văn hóa thuần nông của vùng đất trung du Tây Sơn (Bình Định). Làng Thuận Nghĩa hiện có 470 hộ dân thì đã có đến 224 hộ trồng rau với diện tích 36ha, trong đó có 19,5ha được công nhận là rau VietGAP với thương hiệu Lá Lành từ năm 2013. Tương lai, làng rau VietGAP Thuận Nghĩa sẽ là một trong những điểm đến của chuỗi du lịch sinh thái ở Bình Định…

“Ô hay sông núi sinh người vậy!”, câu thơ trong bài thơ “Vua và em” của nhà thơ Trần Viết Dũng chỉ có 7 từ, nhưng đã lột tả hết khí thiêng của địa cuộc quần thể núi Hoành Sơn trên đất Tây Sơn đã sinh ra con người đầy khí phách, khí phách cả trong chinh chiến lẫn trong sản xuất nông nghiệp xây dựng quê hương.

Xem thêm
Phú Thọ dự kiến giảm 48 đơn vị hành chính cấp xã

Trong giai đoạn 2023-2025 tỉnh Phú Thọ dự kiến sắp xếp 80 đơn vị hành chính cấp xã để thành lập 32 đơn vị hành chính, sau sắp xếp giảm 48 đơn vị.

Chia nước theo thứ tự ưu tiên

Do nắng hạn kéo dài, không có mưa đã khiến các hồ đập cạn kiệt nguồn nước, tỉnh Bình Thuận dự kiến sẽ cắt giảm hơn 15.000ha lúa trong vụ hè thu tới.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Quảng Trị, miền đất thiêng nở đóa hoa hòa bình

Chiến tranh đã lùi xa, non sông thu về một mối nhưng còn biết bao người con đất Việt đã nằm xuống. Tất cả đã hóa thân thành bản anh hùng ca bất tử.

Bình luận mới nhất