| Hotline: 0983.970.780

Phá mía trồng chanh

Thứ Ba 26/11/2013 , 11:09 (GMT+7)

Do lợi nhuận của cây mía không cao nên một số nông dân huyện Bến Lức (Long An) đổ xô phá mía để trồng chanh.

Do lợi nhuận của cây mía không cao nên một số nông dân huyện Bến Lức (Long An) đổ xô phá mía để trồng chanh. Diện tích mía ngày càng giảm trong khi trồng chanh có xu hướng tăng đột biến.

Mía ngọt thành “đắng”

Được sự giới thiệu của địa phương, chúng tôi đến nhà ông Phan Văn Nhuận, ấp 2 xã Thạnh Hòa. Ông Nhuận là người có gần 20 năm gắn bó với nghề trồng mía. Những năm trước, toàn bộ diện tích đất nông nghiệp khoảng 3,5 ha phần lớn đầu tư trồng cây mía.

Do đất SX không nằm ở vị trí thuận tiện cho vận chuyển mía nên gia đình ông bỏ công sức đào kênh mở lối đi nhỏ. Thời điểm đó, cây mía cho hiệu quả cao. Bản thân ông từng là tổ trưởng tổ kinh tế hợp tác trồng mía trên 10 năm. Nhưng từ những năm 2000, gia đình ông đã không còn mặn mà với cây mía và bắt đầu chuyển dần sang trồng cây khác. Trong đó, chiếm diện tích nhiều nhất là cây chanh.


Nhiều nông dân ăn nên làm ra nhờ trồng chanh

Ông Nhuận cho rằng: “Chúng tôi trồng mía không đem lại hiệu quả. Chẳng những không có lãi mà còn bị thua lỗ. Mía chủ yếu bán cho thương lái với giá thấp, từ 550.000 - 600.000 đồng/tấn. Một phần do thu hoạch sớm nên chữ đường đạt chưa cao. Hơn nữa, vào những tháng cuối vụ, giá mía giảm do nhà vườn không có nhân công đốn chặt và phương tiện vận chuyển.

Vì vậy, phần lớn người trồng mía lâm vào cảnh khốn đốn. Có người phải mắc nợ ngân hàng nhiều năm vẫn chưa trả được. Trong khi cây chanh đang có giá. Riêng gia đình tôi đã chuyển sang đầu tư trồng chanh dây xen chanh không hạt, bước đầu đem lại hiệu quả đáng kể”.

Theo một số nông dân tại Thạnh Hòa, nếu so sánh lợi nhuận giữa cây mía và chanh, rõ ràng trồng chanh có lợi nhuận hơn nhiều. Cùng trồng 1 ha, cả mía lẫn chanh đều tốn khoảng 50 triệu đồng chi phí đầu tư. Nhưng ngược lại, cuối vụ cây chanh có thể cho lợi nhuận 300 triệu đồng/ha/năm.

Trong khi đó, cây mía hầu như không có lãi nhiều. Đó là chưa kể mía chỉ thu hoạch tối đa khoảng 4 vụ (mỗi năm 1 vụ), nông dân sẽ phá gốc để trồng lại cây mới. Trong khi cùng thời gian trồng, nếu biết áp dụng khoa học kỹ thuật chăm sóc cẩn thận có thể từ 8 - 10 năm mới phá gốc.

Bí thư Đảng ủy xã Thạnh Hòa, ông Dương Văn Hừng cho biết, theo từng năm diện tích mía và chanh tại xã có sự thay đổi đáng kể. Trong khi đầu nhiệm kỳ của ông (2010) diện tích mía là 1.010 ha, đến nay giảm gần một nửa (510 ha).

Diện tích cây chanh có xu hướng phát triển ngày càng nhiều. Năm 2010 diện tích chanh toàn xã 960 ha nay tăng lên trên 1.600 ha, năng suất bình quân 35 tấn/ha.

Có nên “ăn xổi ở thì”?

Theo số liệu từ Phòng NN-PTNT huyện Bến Lức, hiện nay diện tích mía niên vụ 2013-2014 trên địa bàn huyện trên 8.500 ha, trong khi đó diện tích chanh gần 3.000 ha, tăng hơn 350 ha so với năm 2012.

Ngoài xã Thạnh Hòa có diện tích chanh tăng, các xã Thạnh Lợi, Lương Hòa cũng trồng tự phát. Tuy cây chanh đang có giá nhưng vẫn chưa ổn định và thường xuyên bị biến động. Đây cũng là nguyên nhân khiến nông dân cảm thấy không yên tâm.

Anh Nguyễn Văn Minh, ấp 6A xã Lương Hòa chia sẻ, gia đình anh đã có nhiều năm trồng mía. Không những vậy, đã 3 năm nay anh còn mướn thêm đất để trồng. Tính đến nay, gia đình anh có tổng cộng 40 ha mía.

Mặc dù thời gian gần đây, mía không có lãi, thậm chí huề vốn. Trong điều kiện cây chanh đang có giá nhưng anh vẫn quyết tâm bám trụ với mía, bởi đã bỏ số vốn lớn đầu tư nên không dám phá để trồng chanh...

Tại hội nghị công bố quy hoạch vùng nguyên liệu mía tỉnh Long An giai đoạn 2011-2020 vừa qua, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Bến Lức Lê Văn Thuận đã nêu lên một số khó khăn cho công tác quy hoạch, trong đó có thực trạng nông dân đổ xô đốn mía trồng chanh vì lợi nhuận trước mắt.

Theo đó, ông Thuận kiến nghị tỉnh nên sớm quy hoạch vùng chanh thương phẩm thời gian tới để phát triển mang tính bền vững.

Xem thêm
Có nhiều hộ chăn nuôi chủ quan với bệnh dịch trên động vật hoang dã

35% người chăn nuôi động vật hoang dã không nhận thức được nguy cơ lây bệnh từ những con vật này sang người. 

Hoàn thành chi trả bồi thường cho các hộ dân có bò sữa bị thiệt hại

Lâm Đồng Công ty Navetco đã hoàn thành chi trả tiền bồi thường cho 350/350 hộ dân ở Lâm Đồng có bò sữa bị thiệt hại với số tiền hơn 41 tỷ đồng vào ngày 21/12.

Thời cơ thuận lợi để phát triển cây ca cao

Sau nhiều thăng trầm, giảm mạnh diện tích, cây ca cao vẫn có chỗ đứng ở Bà Rịa – Vũng Tàu và đang mang lại niềm vui cho nông dân nhờ giá tăng cao.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.