| Hotline: 0983.970.780

Phật ở trong tâm!

Thứ Bảy 30/03/2019 , 09:10 (GMT+7)

“Phật trong tâm và tâm trong Phật. Văn hóa truyền khẩu phi vật thể của người Việt tồn tại hàng nghìn năm nay đã đúc kết “thứ nhất tu tại gia, thứ hai tụ chợ thứ ba mới đến tu chùa”.

Đây là quan điểm của ông Đoàn Anh Tuấn, Uỷ viên Thường vụ Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam với KTGĐ xung quanh câu chuyện thương mại hóa tại các di tích lịch sử đền chùa dậy sóng dư luận những ngày qua.

12-12-42_tun
Ông Đoàn Anh Tuấn

Ông lý giải như thế nào về hoạt động văn hóa tâm linh trong đời sống của xã hội hiện nay, dường như có sự cuồng tín, mê muội?

Các tôn giáo ra đời và tồn tại với mục đích giáo dục con người sống hướng thiện. Thời kỳ Lý Trần, vua Trần Nhân Tông lấy Phật giáo làm Quốc giáo. Phật giáo ngấm vào tiềm thức của mọi người dân qua nhiều thế hệ. Vì vậy, di tích lịch sử văn hóa Phật giáo ở đất nước chúng ta hầu như tỉnh huyện, thành phố nào cũng có.

Các di tích lịch sử văn hóa đó chính là phương tiện để người dân, các nhà tu hành tu tập nhằm hướng tới các điều thiện theo tôn chỉ mục đích của nhà Phật.

Trong quá trình hành pháp của người cầm cân nảy mực (sư trụ trì các chùa - PV) vấn đề tâm linh trong cộng đồng có người thấm nhuần được một cách trong sáng thì khi họ truyền đạt lại cho cộng đồng những điều đúng đắn. Nhưng cũng có những người do năng lực còn yếu kém, vì vậy việc hành xử đương nhiên sẽ là những kết quả không tốt.

Hơn nữa, thời kỳ khó khăn, người dân còn mải lo miếng cơm manh áo, thời kỳ phát triển mở cửa chúng ta lại phải lo sự nghiệp, lo cho con cái, áp lực công việc nhiều, thời gian tìm hiểu về các tín ngưỡng hay các quy định của đình chùa miếu mạo không có. Khi người dân không có điều kiện tìm hiểu như vậy mà lại có một số cá nhân không tốt muốn lợi dụng vào sự không được tiếp cận của người dân với các quy định đó lôi kéo để người ta tin theo. Và cứ như thế người nọ mách người kia trở thành trào lưu. Thứ trào lưu mà tôi tin không ai mong muốn.

Như ông chia sẻ, trong giáo lý của của các đạo đều giúp con người ta vô điều kiện nhằm hướng thiện để tốt lên, tuy nhiên hiện tượng thương mại hóa các hoạt động văn hóa tâm linh như cúng giải oan gia trái chủ, cúng dâng sao giải hạn… được đề cập gần đây đều được “ngã giá" bằng tiền. Ông giải thích như thế nào về điều này?

Đây không chỉ là câu chuyện ở chùa Ba Vàng mà là ở nhiều nơi khác. Thương mại hóa ở di tích đình, chùa được biến tướng ở nhiều hình thức khác nhau, chẳng hạn thùng để tiền giọt dầu, người hành hương có thể thấy ở khắp mọi nơi trong mỗi nơi thờ cúng. Mục đích cuối cùng của những hành động này vẫn là thu lợi từ hoạt động tín ngưỡng. Điều này đi ngược với giáo lý nhà Phật, người khoác áo tu hành, là người giữ tinh thần cho cộng đồng, bắt buộc phải giữ thanh tịnh, một cốc nước cũng không được uống của dân, chứ chưa nói, nhà chùa cầm mấy trăm nghìn… núp danh tùy tâm công đức là không thể chấp nhận được.

Theo ông nguyên nhân của tình trạng này là gì?

Như trên tôi đã nói, có nhiều nguyên nhân. Vì người dân không có điều kiện tiếp cận Luật Di sản văn hóa, các quy định của nhà chùa hay các quy định của các đình chùa miếu mạo theo phong tục tập quán của Việt Nam từ sơ sử đến bây giờ. Vì người hành pháp của người cầm cân nảy mực tại cửa chùa cửa đền còn có những nhận thức chưa đúng mực…

Trong đó cơ quan quản lý chưa thể hiện được vai trò của mình trong bối cảnh phức tạp của sự phát triển hoạt động văn hóa tín ngưỡng hiện nay. Bao nhiêu nơi thờ tự lưu giữ Luật Di sản văn hóa, bao nhiêu nhà quản lý, cán bộ văn hóa hiểu và nắm rõ quy định trong Luật Di sản văn hóa? Tôi dám chắc con số nắm vững luật là không nhiều. Tôi đã từng làm việc với nhiều bảo tàng, các nơi thờ tự, bản thân đã phải tự tìm mua Luật Di sản văn hóa để tặng cho các nơi này. Không hiểu luật, thì lấy đâu cơ sở để đơn vị quản lý ngăn chặn kịp thời các hoạt động sai luật.

Đồng nghĩa với việc nhà quản lý phải hiểu di tích lịch sử, chúng ta bảo tồn không phải là bức tường hay pho tượng là vật chứng lịch sử mà cái cốt lõi, linh hồn, là bảo tồn bản sắc văn hóa phi vật thể tồn tại hàng nghìn năm. Có hiểu đúng anh mới ứng xử đúng và như vậy không thể có câu chuyện đáng buồn như thời gian vừa qua. Vì thế, tôi kiến nghị rất cần phải có những cuộc hội thảo từ cấp huyện đến cấp trung ương để hướng dẫn luật. Thông qua những cuộc hội thảo BTC đưa ra những vấn đề dư luận bức xúc để có những chấn chỉnh kịp thời.

Với tư cách là nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, theo ông, việc cúng lễ như thế nào thì phù hợp? Ông có đồng tình với quan niệm, thay vì đi cúng khắp nơi thì mỗi người chúng ta trong cuộc sống thường nhật nên ứng xử với nhau tử tế, sống có trách nhiệm với bản thân và đúng luật pháp?

Quá trình cúng là trao đổi giữa người sống và người mất. Phật trong tâm và tâm trong phật. Chúng ta hãy làm tốt việc cúng quan thần linh thổ địa thổ thần và gia tiên của mỗi gia đình đi đã. Bởi văn hóa truyền khẩu phi vật thể của người Việt tồn tại hàng nghìn năm nay đã đúc kết “thứ nhất tu tại gia, thứ hai tụ chợ thứ ba mới đến tu chùa”.

Còn khi đi vãn cảnh chùa, người dân hãy bớt chút một thời gian tìm hiểu về luật di sản văn hóa, các quy định pháp luật đối với các tôn giáo. Chúng ta nên tập làm những việc mà chúng ta hiểu biết, không nên làm những điều không biết. Tìm hiểu trước khi làm thì chúng ta sẽ nhìn thấy ánh sáng, làm những việc chưa hiểu biết sẽ dẫn tới sự thất vọng.

Câu cửa miệng khi tôi nói với các con và học trò mỗi ngày: sắm sửa lễ vật nhiều làm gì khi trong đời sống hàng ngày mày đã làm được điều gì tử tế chưa? Chúng ta thờ cúng mong cầu an, chúng ta thờ cúng mong mọi điều tốt đẹp đến với cá nhân và cộng đồng của mình. Vì thế, tôi khuyên các con, học trò của mình trước và sau khi cúng cố gắng làm những điều tốt thì xã hội này mới lành mạnh, mới tốt lên được.

Xin cảm ơn ông!

(Kiến thức gia đình số 13)

Xem thêm
Tây Ninh phấn đấu là nơi đáng sống và động lực tăng trưởng vùng

TÂY NINH Với thiên thời, địa lợi, nhân hòa, 'nóc nhà Đông Nam bộ' đặt mục tiêu trở thành nơi đáng sống và động lực tăng trưởng cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Mỗi hợp tác xã cần có thương hiệu

TRÀ VINH Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng cần xây dựng thương hiệu cho HTX. Làm sao mỗi nhà các thành viên HTX đều có bảng thông tin về HTX của mình để họ yêu quý, chăm chút cho HTX.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Điện Biên đưa cửa khẩu thành mũi nhọn phát triển kinh tế

Mường Nhé bây giờ vẫn là một trong những huyện nghèo, chậm phát triển bậc nhất trong cả nước, nhưng người Mường Nhé không thể chấp nhận điều ấy trong 10, 20 năm nữa.