| Hotline: 0983.970.780

Phòng trừ tổng hợp sâu bệnh hại trên rau cải trái vụ

Thứ Sáu 28/05/2021 , 11:31 (GMT+7)

Sản xuất rau cải (rau họ thập tự) trái vụ mang lại hiệu quả kinh tế cao, song đòi hỏi phải có phương pháp phòng, trừ sâu bệnh hại tổng hợp.

Mô hình phòng trừ tổng hợp sâu bệnh hại trên rau cải trái vụ có số lần sử dụng thuốc BVTV để trừ sâu tơ giảm 2 lần so với biện pháp canh tác thông thường. Ảnh: Đỗ Hậu.

Mô hình phòng trừ tổng hợp sâu bệnh hại trên rau cải trái vụ có số lần sử dụng thuốc BVTV để trừ sâu tơ giảm 2 lần so với biện pháp canh tác thông thường. Ảnh: Đỗ Hậu.

Nhằm đánh giá hiệu quả các biện pháp phòng trừ tổng hợp hạn chế sâu bệnh hại so với tập quán của nông dân, đồng thời, so sánh giữa biện pháp phòng trừ tổng hợp và tập quán của nông dân trong sản xuất rau, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội triển khai các mô hình thử nghiệm kỹ thuật phòng trừ tổng hợp sâu bệnh hại trong sản xuất rau họ thập tự trái vụ.

Địa điểm thực hiện mô hình tại những vùng rau an toàn lớn của Thủ đô, trong đó mô hình thí điểm tại HTX Văn Đức thuộc xã Văn Đức, huyện Gia Lâm bước đầu đang cho thấy rất triển vọng.

Bà Đỗ Thị Hậu, Phó Trạm trưởng Trạm trồng trọt và BVTV huyện Gia Lâm cho biết, phương pháp thực hiện phòng trừ sâu bệnh tổng hợp tại Văn Đức có quy mô 7 sào. Thời gian thực hiện thử nghiệm bắt đầu từ ngày 29/4 trên các chủng rau họ thập tự.

Mô hình tiến hành thử nghiệm gồm 3 công thức. Trong đó, công thức 1: Sản xuất áp dụng biện pháp phòng trừ tổng hợp IPM, quy mô 3 sào; Công thức 2: Sản xuất theo tập quán của nông dân tại địa phương quy mô 3 sào và Công thức 3: Sản xuất áp dụng các biện pháp thủ công, quy mô 1 sào.

Sau khi làm đất nhỏ lần cuối, sử dụng phân hữu cơ vi sinh với lượng 70kg/sào kết hợp với 1kg nấm Trichoderma bón vào đất. Bón thúc lần 1 sau khi gieo 15 ngày với lượng 5kg NPK/sào (tỷ lệ 13:13:13); Thúc lần 2 sau gieo 30 ngày với lượng 5kg NPK/sào.

Lên luống cao 25 - 30 cm, rãnh rộng 30cm, mục đích để ruộng thoát nước tốt nhằm hạn chế một số nấm bệnh hại trong đất khi ẩm độ quá cao. Sử dụng bẫy dính màu vàng để bẫy sâu tơ, bẫy dính xanh để bẫy bọ trĩ để phòng, trừ sâu bệnh hại.

Mô hình sử dụng bẫy dính màu vàng để bẫy sâu tơ, bẫy dính xanh để bẫy bọ trĩ để phòng, trừ sâu bệnh hại. Ảnh: Đỗ Hậu.

Mô hình sử dụng bẫy dính màu vàng để bẫy sâu tơ, bẫy dính xanh để bẫy bọ trĩ để phòng, trừ sâu bệnh hại. Ảnh: Đỗ Hậu.

Sử dụng các biện pháp thủ công khác như tỉa bỏ cây bệnh, ngắt bỏ lá già,... hoặc thuốc BVTV (nếu sâu, bệnh gây hại đến ngưỡng phòng trừ không kiểm soát được bằng biện pháp thủ công) để hạn chế sâu bệnh trong sản xuất rau.

Thời gian điều tra định kỳ 7 ngày/lần, chỉ tiêu theo dõi bao gồm: Chiều cao cây, số lá xanh, số lá vàng. Tỷ lệ sâu, bệnh phát sinh gây hại trên rau. Số lần sử dụng thuốc BVTV để phòng trừ sâu bệnh hại, diễn biến của một số loại thiên địch chính. Đánh giá năng suất và so sánh hiệu quả kỹ thuật, kinh tế giữa các công thức.

Ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc HTX Văn Đức cho biết, kết quả sơ bộ triển khai mô hình kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh hại tổng hợp trên rau họ thập tự trên địa bàn Văn Đức cho thấy, cây rau cải sinh trưởng và phát triển tốt. Số lần sử dụng thuốc BVTV để trừ sâu tơ giảm 2 lần so với biện pháp canh tác thông thường. Đặc biệt, khi áp dụng biện pháp tổng hợp, không phải phòng trừ bệnh lở cổ rễ và thối lá, một bệnh phổ biến trên rau cải.

Ông Nguyễn Văn Minh kỳ vọng, giải pháp kỹ thuật tổng hợp phòng trừ sâu bệnh hại trên rau họ thập tự trái vụ nếu thành công, thực sự sẽ là cuộc cách mạng nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích với nông dân Văn Đức.

Chi cục trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội lưu ý, khi làm đất cần phơi đất ải và bón thêm 10kg vôi bột/sào, mục đích để tiêu diệt các nấm bệnh trong đất. Bón lót phân hữu cơ vi sinh và nấm Trichoderma để cung cấp dinh dưỡng cân đối ngay từ ban đầu giúp cây khỏe mạnh. Những lần thúc sau chỉ bón 5kg NPK/sào để cây rau cứng cáp, giảm được bệnh lở cổ rễ và thối nhũn. Dùng bẫy dính bẫy trưởng thành sâu tơ và bọ trĩ làm giảm mật độ sâu non trên đồng ruộng giúp giảm được việc sử dụng thuốc BVTV.

Xem thêm
Trang trại heo Mavin đạt tiêu chuẩn toàn cầu Global GAP

Tháng 11/2024, 2 trang trại heo của Tập đoàn Mavin tại huyện Anh Sơn (Nghệ An) và huyện Kbang (Gia Lai) chính thức được cấp Chứng nhận Global GAP, phiên bản S.L.P.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.