| Hotline: 0983.970.780

Phụ nữ, đừng trở thành nhà tù của con cái

Chủ Nhật 13/03/2022 , 07:09 (GMT+7)

Đồng hành cùng con để chúng lớn lên giữa cuộc đời nhiều nắng gió chứ không phải một cái cây lồng ngồng trong ngôi nhà quanh năm không có ánh mặt trời và sương tuyết.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Con cái trưởng thành là mục tiêu và mơ ước lớn nhất của cha mẹ. Mong con khôn lớn, có công danh sự nghiệp, có một gia đình yên ấm; và sẵn sàng dành hết cho con vì điều ấy. Đó là một sự cao cả, nhưng chưa đủ.

Cái tình cảm và mục đích ấy vì không đi cùng với một ứng xử phù hợp nên lắm khi trở thành một nhà tù giam hãm con cái. Cha mẹ “coi con như của”, “không muốn con lo việc đời”, và luôn giữ chặt trong vòng tay mình. Thậm chí, có những người con đã già, nhưng vẫn chỉ là “đứa trẻ của mẹ”. Mẹ Việt dạy con thì “tránh voi chẳng xấu mặt nào”, “thấy đánh nhau thì đi đường khác”, “đừng đụng vô chuyện người ta”, “chớ ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”, “lo chuyện mình thôi, mặc kệ thiên hạ”, v.v.

Tình yêu thương ấy đã bọc con cái trong những cái kén an toàn, khiến những đứa con suốt đời èo uột. Với những đứa nhiều cá tính, thấy bất công ngang trái mà phản ứng thì cha mẹ “xanh mặt”, kéo tuột về nhà “dạy dỗ”. Dạy không được thì khóc, thì dọa, thì dùng khổ nhục kế, lấy công ơn sinh thành và tuổi tác ra uy hiếp… Cứ thế, những người mẹ (người cha) ấy trở thành nỗi giằng xé, đau khổ của con. Làm con người trung thực thẳng thắn “giữa đường thấy việc bất bằng mà tha” hay giữ tròn đạo hiếu đây?

Cuộc đấu tranh ấy thường kết thúc bằng một sự buông xuôi: nhắm mắt, bịt tai và ngậm miệng.

Gia đình có vai trò quyết định trong việc hình thành và phát triển nhân cách cho mỗi người. Nhưng cái gia đình như thế, hẹp hòi, ích kỷ chỉ bo bo giữ lấy thân mình, thì nhân cách nào sẽ sinh ra? Thế hệ nối tiếp thế hệ, chúng ta mãi chỉ có những lớp người đầy khiếm khuyết về tư cách công dân, về con người xã hội.

Đầu thế kỷ trước, Phan Châu Trinh đã nhận định rằng nước ta cơ bản chỉ có luân lý gia đình mà không có luân lý quốc gia và luân lý xã hội*. Giật mình, đến nay điều ấy vẫn còn đúng.

Giá trị của một con người không chỉ ở chỗ lo “vinh thân phì gia”, mà hơn hết, phải là phẩm cách, đó là ý thức xã hội của người ấy. Sự quan tâm càng lớn thì nhân cách càng mở rộng. Ý thức công lợi phải trở thành thước đo phẩm giá của một công dân.

Chỉ khi nào cái ý thức ấy được hiểu, nuôi dưỡng và khuyến khích thì chúng ta mới có được những lớp người biết chung tay làm sạch và làm đẹp cuộc đời, nhất là giữa lúc bao nhiêu bất công ngang trái và sự lớn mạnh không ngừng của cái xấu cái ác đang hiện diện khắp nơi. Và người mẹ (và người cha) sẽ quyết định phẩm chất ấy.

Công lợi cũng chính là tư lợi. Chỉ có ý thức và hành động vì cái chung thì những quyền lợi cá nhân mới được khẳng định và giữ gìn. Cha mẹ luôn than thở rất nhiều về những tiêu cực trong xã hội mà mình đang sống nhưng lại không muốn con cái nhúng tay vào dọn dẹp. Ai sẽ làm việc đó? Không ai cả, nếu sự hẹp hòi còn ngự trị và trở thành phương cách xử thế chủ đạo như bây giờ trong mỗi gia đình Việt.

Cái giá của văn minh và phát triển không hề rẻ mạt, càng không bao giờ miễn phí. Cha mẹ cần cho con sức mạnh để bước ra khỏi cánh cổng nhà mình, chấp nhận những thiệt thòi trước mắt để đổi lấy lợi ích lâu dài, hãy đồng hành cùng con để chúng lớn lên giữa cuộc đời nhiều nắng gió chứ không phải một cái cây lồng ngồng trong ngôi nhà quanh năm không có ánh mặt trời và sương tuyết.

Mở toang cánh cổng nhà mình cho con cái bước ra. Đó là thiên chức, cũng là trách nhiệm của người mẹ, trách nhiệm đối với con cái và đối với xã hội.

* Theo Nguyễn Văn Dương (biên soạn), Tuyển tập Phan Châu Trinh, NXB Đà Nẵng – Trung tâm nghiên cứu quốc học, 1995.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?

Bình luận mới nhất