| Hotline: 0983.970.780

Phục tráng giống lạc sen, cho năng suất vượt trội

Chủ Nhật 02/06/2024 , 07:52 (GMT+7)

NAM ĐỊNH Lạc sen là giống địa phương có tiềm năng thương mại nhưng đã bị thoái hoá. Đề tài 'Phục tráng, phát triển giống lạc sen Nam Định' đã giải quyết triệt để vấn đề này.

Phục tráng lạc sen

Lạc sen của Nam Định là giống địa phương có tiềm năng khai thác thương mại và sản xuất hàng hóa rất cao nhờ những tính trạng di truyền quý như chất lượng ngon và khả năng chống chịu tốt. Đặc biệt, giá trị thương mại của sản phẩm lạc sen rất cao. Tuy nhiên theo thời gian, giống lạc sen đã dần bị thoái hóa, giảm năng suất, khả năng chống chịu sâu bệnh hại kém...

Giống lạc sen được phục tráng phát triển tốt, khả năng chống chịu sâu bệnh cao, cho năng suất vượt trội. Ảnh: Minh Toàn.

Giống lạc sen được phục tráng phát triển tốt, khả năng chống chịu sâu bệnh cao, cho năng suất vượt trội. Ảnh: Minh Toàn.

Để giải quyết các vấn đề tồn tại do giống bị thoái hoá, lẫn giống làm ảnh hưởng đến độ thuần, sinh trưởng và phát triển kém khiến năng suất thấp, UBND tỉnh Nam Định đã phê duyệt thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ về quỹ gen cấp tỉnh giai đoạn 2021 - 2025: “Phục tráng, phát triển giống lạc sen (lạc đỏ) Nam Định”, hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo tồn đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh.

Đề tài phục tráng, sản xuất giống lạc sen siêu nguyên chủng và nghiên cứu xây dựng hướng dẫn kỹ thuật thâm canh giống lạc sen Nam Định góp phần bảo tồn nguồn gen quý của địa phương. Đặc biệt, giống sau khi phục tráng đã mang lại những tính trạng đặc trưng như sinh trưởng, phát triển tốt, đạt năng suất cao.

Thạc sỹ Nguyễn Việt Hà, Trưởng phòng Nghiên cứu ứng ụng và Phát triển công nghệ (Trung tâm Chuyển giao Công nghệ và Khuyến nông) - Chủ nhiệm đề tài nghiên cứu cho biết: “Chúng tôi đã tiến hành điều tra trên 300 hộ trồng lạc sen tại 2 huyện Giao Thuỷ và Hải Hậu (Nam Định) với diện tích ở vụ xuân trên 500ha và cho thấy năng suất bình quân chỉ đạt hơn 2,5 tấn/ha. Giống đã bị thoái hoá, không còn giữ được năng suất, chất lượng. Vì vậy, chúng tôi đã tiến hành thu thập các mẫu giống dựa trên các đặc trưng vốn có của lạc sen…”. 

Lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Nam Định cùng cán bộ địa phương và nhóm nghiên cứu thu hoạch và đánh giá kết quả đề tài nghiên cứu. Ảnh: Minh Toàn. 

Lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Nam Định cùng cán bộ địa phương và nhóm nghiên cứu thu hoạch và đánh giá kết quả đề tài nghiên cứu. Ảnh: Minh Toàn. 

Điểm mới của đề tài nghiên cứu là sử dụng chỉ thị phân tử để đánh giá đa dạng di truyền các dòng lạc, từ đó chọn lọc các dòng có đặc tính quý để phục tráng, khai thác và phát triển nguồn gen bản địa.

Ông Lê Văn Định, Phó trưởng Phòng NN-PTNT huyện Hải Hậu cho biết, Phòng sẽ tham mưu với UBND huyện để tạo vùng chuyên nhân giống lạc sen phục vụ sản xuất. Bởi nếu bà con tự để lại giống vụ trước gieo trồng cho vụ sau thì sẽ rất dễ dẫn tới thoái hoá giống.

Năng suất vượt trội

Trong vụ xuân năm 2024, thời tiết đầu vụ có mưa ẩm, thuận lợi cho cây lạc nảy mầm, sinh trưởng và phát triển. Lạc sen từ khi gieo đến lúc ra hoa khoảng 40 ngày. Thời gian sinh trưởng khoảng 115 - 120 ngày trong vụ xuân.

Vụ xuân năm nay thời tiết đầu vụ có mưa ẩm nên cây lạc sen xuất hiện bệnh héo xanh vi khuẩn, lở cổ rễ; giữa và cuối vụ xuất hiện một số bệnh như gỉ sắt, đốm đen, đốm nâu... Giống lạc sen Nam Định đã phục tráng có tỷ lệ nhiễm sâu bệnh ít hơn giống lạc đỏ du nhập từ địa phương khác đang trồng tại địa phương, có khả năng chống chịu tốt với một số loại sâu bệnh hại, đặc biệt là bệnh gỉ sắt.

Công tác phục tráng đã góp phần duy trì năng suất giống lạc sen. Giống sau khi phục tráng có khả năng kháng bệnh cao, thích nghi được với nhiều điều kiện thời tiết bất thuận, cho năng suất cao và ổn định (đạt 34,47 tạ/ha trong vụ xuân 2024).

Lạc sen sau phục tráng có năng suất cao và ổn định (đạt 34,47 tạ/ha trong mô hình sản xuất vụ xuân 2024 tại Nam Định). Ảnh: Việt Hà. 

Lạc sen sau phục tráng có năng suất cao và ổn định (đạt 34,47 tạ/ha trong mô hình sản xuất vụ xuân 2024 tại Nam Định). Ảnh: Việt Hà. 

Tổng chi phí đầu tư cho 1ha mô hình lạc sen là gần 79 triệu đồng, đem lại thu nhập bình quân đạt hơn 172 triệu đồng. Lãi thuần thu được của mô hình sản xuất lạc sen đạt hơn 93 triệu đồng/ha, cao hơn gần 22% so với lạc đỏ chưa được phục tráng (chỉ đạt hơn 76,6 triệu đồng đồng/ha). 

Ông Nguyễn Văn Mạnh (thị trấn Thịnh Long, huyện Hải Hậu) trực tiếp tham gia mô hình thâm canh giống lạc sen đã được phục tráng trong vụ xuân 2024 đánh giá: So với giống lạc sen địa phương được bà con tự để lại làm giống, giống lạc sen đã được phục tráng sinh trưởng, phát triển rất tốt, chống chịu sâu bệnh, nhánh đẻ đều, thời gian sinh trưởng ngắn. Như nhà tôi năng suất chắc chắn được 2 tạ/sào (sào 360m2) lạc khô. Kỹ thuật canh tác cũng tương đối dễ, chỉ cần không bón phân tươi, kiểm tra sâu bệnh thường xuyên để phòng trừ sớm là được”.

Lạc sen Nam Định là giống có chất lượng ngon, có khả năng thích ứng rộng trên nhiều loại đất, thích hợp nhất là đất cát pha, có khả năng chịu hạn, chịu mặn tốt, ít nhiễm sâu bệnh. Giống lạc này có tiềm năng khai thác thương mại và sản xuất hàng hóa rất cao nhờ những tính trạng di truyền quý.

Ông Trần Huy Quang - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Nam Định đánh giá: Lạc sen là giống quý của địa phương, có chất lượng khác biệt. Đề tài nghiên cứu phục tráng giống lạc sen Nam Định cũng như mô hình thâm canh giống lạc sen phục tráng đã bước đầu cho thấy hiệu quả vượt trội, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, thúc đẩy phát triển sản xuất lạc trên địa bàn tỉnh, nâng cao giá trị và thu nhập cho bà con nông dân. 

Xem thêm
Hiện đại hóa trong chăn nuôi: [Bài 2] Công nghệ giúp trang trại bò sữa bội thu

BÌNH DƯƠNG Những thành công của Công ty Anova Agri Bình Dương đang tạo động lực cho ngành chăn nuôi địa phương chuyển dịch từ chăn nuôi truyền thống sang chăn nuôi hiện đại.

Tỷ lệ tiêm vacxin phòng dịch tả lợn Châu Phi rất thấp

Hiện nay, dù đã có vacxin dịch tả lợn Châu Phi, tuy nhiên, tỷ lệ tiêm vacxin tại các địa phương như Quảng Ninh, Lạng Sơn rất thấp.

Giá dưới 5.000đ/kg, người trồng cam sành thua lỗ nặng

VĨNH LONG Diện tích tăng chóng mặt, cung vượt cầu nên giá cam sành từ đầu năm đến nay chỉ dưới 5.000đ/kg, nông dân thua lỗ nặng.