Ở quận Bình Thủy, phường Long Tuyền lại "nóng" nhất tình trạng xây nhà không phép, đến nay chưa có giải pháp ngăn chặn.
Từ đơn khiếu nại của công dân
Chiều 13/11, Chủ tịch UBND phường Long Tuyền Lê Thanh Sơn nhận được đơn khiếu nại của anh Nguyễn Văn Cường về việc duy trì luật pháp xây dựng không công bằng.
Lá đơn kể, năm 2011, anh Cường mua một căn nhà (bằng giấy tay) của ông bà Tư Thanh, nằm bên Quốc lộ 91B thuộc khu vực Bình Phó A, phường Long Tuyền. Mua được khoảng 4 tháng thì có quyết định của UBND quận Bình Thủy yêu cầu phải tháo dỡ căn nhà bởi xây dựng không phép. Với tinh thần thượng tôn pháp luật, anh Cường chấp hành.
Thế nhưng, lúc đó ông bà Tư Thanh có 2 căn nhà kề nhau, một căn bán cho anh Cường còn một căn bán cho người khác thì không bị tháo dỡ, mà được liên tục cơi nới. Căn nhà đó tiếp tục bán sang tay và 3 năm nay do bà Nguyễn Thị Huyền Trân sử dụng.
Ngôi nhà bà Trân đang tập kết vật liệu xây dựng để nâng cấp, phần đất trống bên trái là vị trí căn nhà đã phải đập bỏ của anh Cường. |
Bà Trân đã cơi nới căn nhà lấn lề đường phía trước, lấn cả con mương công cộng phía sau kéo dài căn nhà từ gần chục mét ban đầu lên gần 40m và hiện nay, tổ chức nâng cấp.
“Vì sao hai căn nhà liền kề mà căn nhà của tôi thì buộc tháo dỡ trong khi căn nhà của bà Trân vẫn tồn tại và được xây thêm một phần diện tích rất lớn mà không thấy sự vào cuộc xử lý của chính quyền địa phương? Phải chăng có ai đó hỗ trợ, bưng bít để bà Trân được xây dựng trên lề lộ, mương công cộng như vậy.
Cho nên, tôi khiếu nại đến UBND phường Long Tuyền và quận Bình Thủy đề nghị duy trì nghiêm pháp luật, để pháp luật luôn được thượng tôn và mọi công dân được bình đẳng trước pháp luật”, lá đơn viết.
Đến nỗi niềm Chủ tịch phường
Một ngày sau hôm nhận được lá đơn, Chủ tịch phường Lê Thanh Sơn vò đầu bứt tai, nhiệm kỳ trước không hiểu sao lại cưỡng chế một căn nhà mà để lại một căn? Và ông kể, ông làm Chủ tịch phường từ năm 2014 đến nay, nan giải nhất trong quản lý ở địa phương là ngăn chặn tình trạng xây nhà không phép.
Bản thân ông chỉ năm đầu được bầu là chiến sỹ thi đua còn sau đó đến nay, năm nào cũng bị kiểm điểm về trách nhiệm quản lý để xảy ra xây nhà không phép. Dù đã cưỡng chế đập bỏ nhiều nhà mà nhà không phép vẫn “liên tục phát triển”, thống kê sơ sơ hiện có ít nhất 70 căn.
Nhiều khu vực ở phường Long Tuyền kéo dài tình trạng xây nhà không phép như hai bên Quốc lộ 91B nơi vừa có đơn khiếu nại; lý do nữa là diện tích phường cũng lớn, hơn 20% diện tích toàn quận Bình Thủy dù quận có 8 phường. Trong lúc, quận Bình Thủy lại đang nóng nhất TP Cần Thơ về “khu dân cư tự phát” (chiếm 60% tổng số khu dân cư tự phát toàn thành phố), khiến công an vừa khởi tố vụ án hình sự về vi phạm trong quản lý đất và Chủ tịch cùng một Phó chủ tịch UBND quận mất chức.
Phía sau nhà bà Trân xây dựng chiếm mương công cộng. |
Chủ tịch Sơn cho biết, năm 2017, ông đã trực tiếp tổ chức cưỡng chế đập bỏ 10 căn nhà không phép bên Quốc lộ 91B. Phải dùng xe cơ giới mà có ngôi nhà phá mất cả ngày. “Đợt cưỡng chế ấy còn để lại đến nay nợ cho phường kinh phí phá một ngôi nhà. Bởi quy định, kinh phí cưỡng chế do chủ nhà phải chịu nhưng chủ nhà bỏ đi luôn và phường không đòi được", ông Sơn thở dài.
Bên cạnh khó khăn về kinh phí thì thiếu người cũng nan giải. Phường chỉ có một cán bộ phụ trách trật tự xây dựng đô thị, kiêm theo dõi điện, nước và cầu, đường giao thông nên chỉ việc kiểm tra cũng không có thời gian. Trong lúc, cưỡng chế tháo dỡ nhà xây dựng không phép liên quan nhiều quy định chồng chéo, phải báo cáo xin phép nhiều nơi. Còn người dân thì lén lút xây ban đêm, cuối tuần, bị phát hiện lập biên bản là sẵn sàng nộp phạt để tồn tại và nhanh chóng bán sang tay.
“Vì thế mà bản thân tôi nhiều năm nay bị kiểm điểm phê bình và hứa khắc phục nhưng chưa khắc phục được”, ông Sơn cười buồn.
Tuy nhiên, Chủ tịch Sơn cũng khẳng định, với trường hợp đã có đơn khiếu nại của công dân thì sẽ tập trung xem xét, xử lý. “Tôi đã cho cán bộ kiểm tra thực địa, dù sao cũng không được để xây dựng nâng cấp, lấn chiếm thêm đất công”, ông Sơn kết luận.