| Hotline: 0983.970.780

"Quan" xã lấy đất rừng biếu "quan" huyện

Thứ Sáu 11/05/2012 , 11:17 (GMT+7)

Vụ việc kéo dài từ năm 2005 đến nay, người dân đã đâm đơn tố cáo, trong khi đó, việc xử lý vị cán bộ này lại “giơ cao đánh khẽ” đã khiến người dân không đồng tình.

Sự việc ông Nguyễn Ngọc Thuận, nguyên Chủ tịch UBND xã Hương Phú (huyện Nam Đông, TT- Huế) với “kỳ tích” làm nên hàng loạt sai phạm về quản lý, sử dụng đất rừng đã gây bức xúc cho hàng chục hộ dân.

Vụ việc kéo dài từ năm 2005 đến nay, người dân đã đâm đơn tố cáo, trong khi đó, việc xử lý vị cán bộ này lại “giơ cao đánh khẽ” đã khiến người dân không đồng tình.

Coi trời bằng vung

Trong nhiều năm qua, 11 hộ dân ở các thôn Hà An, Phú Hòa, Phú Nam (xã Hương Phú, huyện Nam Đông) đã gửi đơn tố cáo đến nhiều nơi về sai phạm, tư lợi cá nhân của ông Nguyễn Ngọc Thuận, nguyên Chủ tịch UBND xã Hương Phú, về quản lý, sử dụng đất rừng.

Ngày 5/3/2012, UBND huyện Nam Đông đã có kết luận về những nội dung tố cáo của các hộ dân. Theo đó, từ năm 2006 đến năm 2008, trong 100 ha đất lâm nghiệp theo Quyết định 178 của Chính phủ được Vườn quốc gia Bạch Mã giao lại cho UBND xã Hương Phú quản lý, ông Thuận đã xét cấp cho 1 tập thể là công đoàn của UBND huyện và 23 cá nhân là cán bộ quản lý và sử dụng 61,6 ha đất lâm nghiệp.

Ông Nguyễn Kính, trú tại thôn Hà An, một trong 11 hộ dân đứng đơn tố cáo cho biết: “Việc ông Thuận căn cứ vào Biên bản họp của hội đồng đăng ký đất đai của xã với sự tham gia của Đảng ủy xã thống nhất trích một số % nhất định làm “quà biếu” để sử dụng trong quan hệ của địa phương để xét đất cho các đối tượng là cán bộ huyện, công đoàn huyện là trái quy định của pháp luật, mất lòng tin của người dân”.

Kết luận của Thanh tra huyện Nam Đông ngày 5/3 đã thể hiện rõ việc ông Thuận và chính quyền xã Hương Phú lấy đất rừng chia cho cán bộ huyện và công đoàn là có thật.


Đất rừng được ông Thuận ngang nhiên lấy cấp cho cán bộ huyện Nam Đông

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong vụ việc lấy đất rừng biếu cho “quan" huyện này, trong danh sách những người được biếu đất có ông Nguyễn Thanh Kiếm (nguyên chủ tịch UBND huyện Nam Đông, hiện là Giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh TT- Huế) 3,5 ha, ông Trần Xuân Bình (Bí thư Huyện ủy Nam Đông) với 1,6 ha, ông Hồ Đính (Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Nam Đông) gần 1ha…

Bên cạnh đó, còn nhiều cán bộ nguyên là lãnh đạo Huyện ủy, công an, cán bộ kiểm lâm và một số phòng, ban của huyện cũng “xí phần”. Ông Mai Xuân Điếm, thôn Hà An, người đứng đơn tố cáo bức xúc: “Đất rừng đã giao cho người dân quản lý, họ đã đổ nhiều công sức bao năm lầm lũi dưới cánh rừng, năm 2007 chính quyền xã Hương Phú đứng đầu là ông Thuận đã tiến hành thu hồi đất rừng để ngoại giao vụ lợi cá nhân. Trong khi công sức người dân bỏ ra xem như đổ sông đổ bể”.

Năm 2008, UBND xã Hương Phú đứng đầu là ông Nguyễn Ngọc Thuận đã tự tiện tổ chức cưỡng chế chặt phá 7,45 ha keo của người dân thôn Hòa An mà không ban hành quyết định cưỡng chế, không tổ chức triển khai họp dân để thông báo mục đích, kế hoạch cưỡng chế cho người dân biết. Đặc biệt, ông Thuận còn ngang nhiên chỉ đạo tiến hành cưỡng chế đất rừng của dân trước khi UBND huyện cho phép thực hiện bằng văn bản.

Ngày 5/5/2005, ông Nguyễn Ngọc Thuận lập tờ trình gửi UBND Nam Đông xin thu hồi 5ha đất để quy hoạch khu dân cư thôn Hà An nhằm để chia cấp và bán. Cụ thể, số diện tích trên được chia thành 44 lô, 22 lô được bán đấu gia công khai và 22 lô còn lại cấp cho người dân. Tuy nhiên, những người dù đủ điều kiện được cấp đất theo tiêu chí UBND xã và UBND huyện đề ra thì lại không được cấp đất mà ông Thuận đã lấy 5 lô cấp cho 2 trường hợp là cán bộ và 3 trường hợp là con cháu, anh em bà con ông Thuận.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong các năm 2007-2008, có 12 đối tượng là cán bộ huyện và xã, vi phạm lấn chiếm đất lâm nghiệp với tổng diện tích là trên 15ha, trong đó có 4 trường hợp là cán bộ xã Hương Phú, 4 giáo viên trên địa bàn, 3 cán bộ hạt kiểm lâm, 1 cán bộ phòng công thương huyện. Tuy nhiên, công tác xử lý cán bộ sai phạm chưa nghiêm. Đến nay, mới kiểm điểm 1 cán bộ xã vi phạm, xử lý vi phạm hành chính 1 trường hợp nhưng đối tượng vi phạm lại không chấp hành.

Xử nhẹ hều

Theo kết luận ngày 5/3/2012 của Thanh tra huyện Nam Đông, ông Nguyễn Ngọc Thuận còn mắc nhiều sai phạm trong thời gian nắm quyền tại xã Hương Phú. Cụ thể, ông Thuận đã cho bán 3 tấn gạo cứu trợ lũ lụt năm 2007 để làm kinh phí cho nhiều cán bộ đi… du lịch; sử dụng nhà học tập cộng đồng để cho người thân gia đình ông Thuận buôn bán, tự lợi cá nhân...

Với “thành tích” hàng loạt sai phạm như thế nhưng ông Nguyễn Ngọc Thuận chỉ bị xử lý cảnh cáo về mặt Đảng, thuyên chuyển lên huyện làm nhân viên của Phòng Nội vụ huyện Nam Đông.

"Vụ việc ông Thuận lấy đất của người dân trích số % làm “quà biếu” cho lãnh đạo huyện, theo danh sách mà Thanh tra huyện Nam Đông đưa ra là 23 cán bộ. Tuy nhiên, qua rà soát, con số không dừng lại 23 mà là 54 cán bộ", ông Nguyễn Công Quyết,  Bí thư Đảng ủy xã Hương Phú, khẳng định.
Ông Nguyễn Kính, một hộ dân tố cáo bức xúc: “Sai phạm của ông Thuận đã quá rõ ràng, kết luận của UBND huyện Nam Đông tuy chưa thỏa đáng nhưng cũng đã cho thấy điều đó. Tuy nhiên, việc xử lý cán bộ sai phạm như thế người dân chúng tôi không phục. Khi ở xã thì gây ra hàng loạt vụ việc “động trời” như thế nhưng chỉ bị xử lý cảnh cáo về mặt Đảng, thuyên chuyển là quá nhẹ. Chính quyền “giơ cao đánh khẽ” như thế làm mất lòng tin của những người dân như chúng tôi".

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong cuộc họp đối thoại giữa 11 hộ dân khiếu kiện với UBND huyện Nam Đông, nhiều người dân bức xúc và không đồng tình trước kết luận “bỏ sót” nhiều sai phạm của ông Thuận, xử lý ông Thuận cũng như nhiều cán bộ liên quan quá nhẹ.

Trao đổi với chúng tôi về “sai phạm điển hình” thu hồi đất rừng của người dân Hương Phú chia cho cán bộ huyện làm “quà biếu”, ông Ngô Văn Chiến, Chủ tịch UBND huyện Nam Đông khẳng định: “Đây là sai sót thuộc về cá nhân ông Thuận chứ không phải những cán bộ được nhận đất. Bởi những cán bộ này vốn có nhu cầu nhận đất rừng nhằm có thêm thu nhập, qua sự gợi ý của ông Thuận và cán bộ xã Hương Phú nên mới được cấp đất”.

Việc xử lý cán bộ sai phạm nhẹ, nhiều hộ dân không đồng thuận, ông Chiến cho biết thêm: “Việc xử lý cán bộ phía huyện đã làm đúng quy trình, dựa vào tập thể để quyết định nên không thể xem xử lý về mặt Đảng như thế là nhẹ được".

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.