| Hotline: 0983.970.780

Quan xóm tự tung tự tác

Thứ Ba 05/11/2013 , 10:43 (GMT+7)

Xã Thanh Xuân là một trong số các xã thuần nông vùng trũng nhất của huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An...

Xã Thanh Xuân là một trong số các xã thuần nông vùng trũng nhất của huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Đời sống của người dân chỉ dựa vào hạt lúa, củ khoai từ vụ xuân, còn vụ hè thu, vụ mùa chỉ cần lũ sớm là chẳng được hạt thóc nào. Cái nghèo cứ đeo bám lấy họ suốt từ thế hệ này đến thế hệ khác.

QUAN XÓM TỰ TUNG TỰ TÁC

Bà Tạ Thị Lâm (65 tuổi) trú tại xóm Xuân Điền cho hay, chồng bà chết sớm vì bệnh áp xe tuyến tụy khiến nhà cửa khánh kiệt. Chồng chết thì bà lại bị bệnh viêm màng phổi trắng và suy tuyến thượng thận nên tài sản lại đội nón ra đi.

Tình cảnh ấy khiến đứa lớn phải vào Nam làm thuê, đứa nhỏ phải một mình chăm sóc mẹ. Gia cảnh như vậy nên năm 2010 bà được xếp vào diện hộ nghèo của xóm nên 2 mẹ con bà mới dắt díu nhau đi nằm điều trị tại bệnh viện.

Thế nhưng, bước sang năm 2011, xóm trưởng bỗng dưng đưa gia đình bà ra khỏi hộ nghèo. Cuối năm 2011, do bà chết đi sống lại nên năm 2012 bà mới được đưa vào diện hộ nghèo đặc biệt. Nhờ thế, đầu năm 2012, bà Lâm là một trong số 5 hộ được nhận bê dự án. Được bê nên năm 2013, bà Lâm đã bị cán bộ thôn cắt mất tiêu chuẩn hộ nghèo.

Tương tự, hộ anh Bùi Văn Tuệ, hộ chị Nguyễn Thị Hường đều là những hộ nghèo có người nhà bị bệnh nặng cũng bị cắt diện hộ nghèo sau khi được nhận bê dự án đầu năm 2012. Chị Hường ấm ức: “Chồng tôi bị bệnh nặng, tôi phải vay lãi suất cao để đưa chồng đi viện đã chạy chữa hết 50 triệu đồng. Được nhận bê dự án, mừng quá. Ai ngờ bê vừa dắt về nhà nuôi được ít lâu thì nhà tôi đã bị xóa tên khỏi hộ nghèo”.

Người dân xóm Xuân Điền khẳng định một nghịch lý như sau: Ở xã Thanh Xuân chuyện hộ nghèo bỗng thoát nghèo sau khi nhận bê dự án như các trường hợp kể trên là chuyện bình thường. Trái lại, những hộ khá giả, hộ có con em làm cán bộ xóm có của ăn, của để nhà cửa đàng hoàng lại được đánh “tụt” xuống hộ nghèo cũng chả ít tý nào.

Chẳng hạn hộ ông Nguyễn Cảnh Kháng, tại xóm Xuân Điền nuôi tới 2 con hươu; bà Thái Thị Bê, vừa mới bán xong 1 con hươu cũng được xóm trưởng “cơ cấu” vào diện hộ nghèo và cũng được nhận bê dự án năm 2012. Nhà ông Nguyễn Cảnh Thế, xóm phó kiêm an ninh xóm cũng diện hộ nghèo.

Chuyện bình xét hộ nghèo ở đây làm người dân ấm ức chỉ là chuyện nhỏ, cái khiến người dân ở Thanh Xuân bức xúc nhất lại là việc cán bộ xóm ăn chặn trắng trợn các khoản Nhà nước hỗ trợ hộ nghèo.

Bà Tạ Thị Lâm kể: Năm 2012, tôi đến dự họp xóm thì nghe tin các hộ nghèo của xã Thanh Xuân được cấp cho không 24 con bê dự án, xóm Xuân Điền được cấp 5 con. Nhưng ông Nguyễn Cảnh Thám, xóm trưởng đòi “đấu giá” mỗi con 4,5 triệu đồng. Đấu mãi cuối cùng nhà nào cũng phải chấp nhận nộp cho xóm trưởng 2 triệu đồng/con.


Bà Tạ Thị Lâm đang tố cán bộ xóm

Bà Lâm cay đắng thuật lại: Sáng sớm, nghe xóm trưởng thông báo từ 6h đến 9h đêm các hộ dân được nhận bò phải nộp tiền, tôi như ngồi trên đống lửa. Giữa trưa, sai thằng con đạp xe xuống tận Hưng Nguyên để vay nóng 2 triệu đồng với lãi suất cao để về nộp nếu không bê sẽ bị chuyển cho hộ khác. Từ đó đến nay, cả gốc lẫn lãi đã lên tới 3 triệu đồng mà bê vẫn chưa động dục nên chưa biết bao giờ mới có trả.

Tương tự, anh Bùi Văn Tuệ cũng phải chạy đôn chạy đáo vay người này, giật người khác mới có đủ 2 triệu đồng về nộp cho xóm trưởng thì mới được dắt bê về.

Tại Xuân Điền, chỉ có duy nhất hộ bà Thái Thị Bê là không phải nộp khoản tiền trên. Bà Bê là mẹ của ông Nguyễn Cảnh Đại, Bí thư Chi bộ xóm Xuân Điền và Nguyễn Cảnh Nghĩa, Bí thư Chi đoàn xóm này.

Tình trạng “thu phí” rồi mới cấp bê dự án cũng diễn ra tại xóm Xuân Sơn 2. Bà Nguyễn Thị Thìn, sống đơn thân đã 76 tuổi cũng phải nộp 2,5 triệu đồng để nhận bê dự án.

Bà Hồ Thị Quỳ, trú tại xóm Xuân Sơn 2 cho biết: “Năm 2009, nhà tôi cũng được xét được nhận bê. Dắt bê về chuồng rồi, do chưa xoay kịp tiền nên xóm lập tức chuyển cho hộ ông Chu Đình Luyện. Tôi chỉ được xóm trả công dắt bê về (100.000 đồng). Thật oái oăm!”.

Không chỉ ăn chặn tiền từ bê cấp nói trên, khoản tiền hỗ trợ hộ nghèo ăn Tết Nguyên đán cũng trong tình trạng tương tự. Tiền ăn Tết của hộ nghèo theo quy định 100.000 đồng/người (không quá 1 triệu đồng/hộ), nhưng ở xóm Xuân Điền phát cho mỗi người 1 kiểu. Nhà anh Tuệ 3 người chỉ được nhận 100.000 đồng/hộ. Hộ ông Bùi Văn Hành (77 tuổi), hai ông bà được nhận 100 nghìn đồng và mấy cân muối, trong khi đó chị Nguyễn Thị Hường được cấp 80 nghìn đồng + 3 kg gạo/khẩu. Chị Nguyễn Thị Cúc cũng nhận được 80 nghìn đồng/khẩu và 20 kg gạo (3 khẩu)...

Chuyện “ăn chặn” gạo cứu đói ở Xuân Sơn 2 đã làm chúng tôi sửng sốt. Anh Trần Văn Hành nhớ lại: Năm 2012, con bị viêm màng não, ngoài BHYT hộ nghèo và tài sản trong nhà đội nón ra đi, tôi còn vay ngân hàng 30 triệu đồng để chữa bệnh cho con. Giáp Tết Nhâm Thìn, nghe tin nhà tôi được 45 kg gạo + 100.000 đồng mừng lắm.

Tôi đạp xe lên trụ sở UBND xã để nhận gạo. Mới chở 30 kg về qua trước nhà văn hóa, liền bị xóm trưởng ra chặn xe, bắt nộp lại cho xóm 15 kg. Đấu mãi, cuối cùng tôi cũng đưa được 30 kg gạo về nhà. Thế nhưng, 15 kg gạo còn lại nhờ người cùng xóm chở hộ về đã bị họ lấy mất.

Thế mà hôm sau, cán bộ xóm vẫn còn vào tận nhà, yêu cầu đưa số gạo còn lại ra để chia đều cho dân. Cãi lý không xong, anh Hành sửng cồ lên thì mấy vị kia mới chịu rút lui.

Anh Hành khẳng định: Ở xóm Xuân Sơn 2, hộ bà Thìn được phân phối 30 kg nhưng khi nhận về, xóm cũng "truy thu" 15kg?! (Còn nữa)

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm