| Hotline: 0983.970.780

Quảng Bình ngay ngáy lo vỡ đập

Thứ Sáu 30/06/2017 , 14:20 (GMT+7)

Ông Nguyễn Ngọc Phụng, Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ lợi Quảng Bình cho hay, phần lớn các hồ, đập, đê, kè trên địa bàn được xây dựng từ những năm 1970 đến 1990, nên hiện đã xuống cấp, hư hỏng.

Ví dụ như hồ, đập đất bị thấm; tràn xuống cấp; bể tiêu năng bị xói lở; cống lấy nước bị rò rỉ đáy; tường cánh bị nứt; cửa không kín nước. Do nguồn kinh phí hạn chế nên việc sửa chữa chỉ mang tính tạm thời, chắp vá.

13-30-19_nnvn__1-_nng_cp
Nâng cấp đập hồ chứa ở Đồng Hới

Khó khăn gối nhau hàng năm như thế, cho nên đến mùa mưa bão năm 2017, vấn đề an toàn hồ, đập vẫn tiếp tục là nỗi lo lớn của các cấp chính quyền và người dân tại một số địa phương ở Quảng Bình. Cũng theo ông Nguyễn Ngọc Phụng, hiện Quảng Bình có 150 hồ chứa, trong đó 9 hồ có dung tích trên 10 triệu m3, 8 hồ có dung tích từ 3 đến dưới 10 triệu m3, 25 hồ có dung tích từ trên 1 triệu đến dưới 3 triệu m3, số còn lại có dung tích dưới 1 triệu m3.

Cty TNHH MTV Khai thác CTTL Quảng Bình quản lý 17 hồ có dung tích từ 3 triệu m3 trở lên, số hồ còn lại do các xã, phường quản lý. Tất cả các công trình hồ, đập do Cty quản lý đều đã được đầu tư sửa chữa, nâng cấp, hoặc mới được xây dựng bảo đảm an toàn tích nước, phòng lũ. “Riêng các hồ đập do các địa phương quản lý thì phần lớn đang trong tình trạng "tuổi cao sức yếu" nhưng lại thiếu sự đầu tư, cải tạo, nâng cấp một cách hợp lý để nâng cao khả năng chống chịu với lũ, bão”, ông Phụng nói thêm.

Đến nay, toàn tỉnh Quảng Bình có 18 hồ chứa, 6 đập dâng, gần  km đê, kè, 3 cống dưới đê đang có nguy cơ mất an toàn cao. Hầu như địa phương nào cũng có công trình thủy lợi xuống cấp trầm trọng. Hồ chứa Điều Gà (huyện Quảng Ninh), có dung tích gần 1,5 triệu m3, tưới cho 150ha ruộng. Công trình này đưa vào sử dụng từ đầu thập niên 1980 nên giờ được xếp vào diện “lão hóa”, không biết "qua đời" khi nào.

Hiện trạng tràn xã lũ bị mục thủng. Đập dâng phía hạ lưu bị vỡ trôi trong đợt lũ cuối năm 2016. Ông Nguyễn Thanh Long, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Quảng Bình cho hay: “Huyện Quảng Ninh đã bỏ kinh phí hơn 100 triệu đồng để xử lý tạm thời đập dâng hạ lưu bằng hình thức đắp đất nhằm phục vụ sản xuất. Nếu không có kinh phí để nâng cấp thì trong mùa mưa bão tới, chắc chắn công trình này sẽ hư hỏng hết”.

13-30-19_nnvn__2-_dp_h_luu
Đập hạ lưu hồ Điều Gà bị vỡ trong lũ

Những năm gần đây, hơn 100 hộ dân thôn Cù Lạc, xã Sơn Trạch (huyện Bố Trạch) luôn sống trong sự thấp thỏm khi mùa mưa đến. Phía đầu nguồn là hồ chứa nước Khe Sụ đã xuống cấp. Nhiều mùa lũ về, đập tràn của công trình đã bị thấm nước. Cứ mưa lũ là người dân trong thôn phải chuẩn bị tư tưởng di dời kẻo sợ vỡ đập.

Ông Trương Văn Tân (thôn Cù Lạc) cho hay: “Mấy trần lũ cuối năm ngoái, bà con trong thôn và ở nhiều thôn khác đã nhiều lần di dời đi nơi khác. Những lúc đó, nước trong lòng hồ thường xuyên mấp mé mặt đập. Mà con đập thì bị rò rỉ khăp nơi. Có chỗ nước chảy qua thân đập như suối. Nếu không tu bổ kịp thời e nguy cơ vỡ đập có thể xảy ra ngay trong nay mai”.

Nhiều hồ chứa ở Quảng Bình có nguy cơ mất an toàn, xảy ra sự cố vỡ đập trong mùa mưa lũ như: hồ Đập Làng, hồ Mũi Đồng (huyện Lệ Thủy); đập Rẫy Hộ (Đồng Hới); đập Cây Mang, Cây Trôi (huyện Bố Trạch); hồ Cây Trám, Tróc Vực, Đồng Suôn (huyện Bố Trạch;) hồ Thôn 8, Trạch Trường, Đồng Vạt, Bưởi Rõi (huyện Quảng Trạch); hồ Khe Cái, Hói Roóc, Khe Tọn (huyện Minh Hóa).

Ngoài ra, tại hệ thống công trình thuỷ lợi Mỹ Trung, hiện có 12/20 cửa cống ngăn mặn, giữ ngọt đang bị hư hỏng, xuống cấp nhưng chưa được đầu tư sửa chữa.

 

Xem thêm
3 đề án bao trùm ngành chăn nuôi bắt đầu đi vào đời sống

Chiều 3/5, Bộ NN-PTNT tổ chức Hội nghị triển khai một số đề án ưu tiên thực hiện Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045.

Xúc động những bức tranh tuyên truyền bệnh dại của học sinh

Bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Long An chia sẻ: 'Khi nhận các bức tranh dự thi tuyên truyền bệnh dại của các em học sinh, chúng tôi rất xúc động'.

Hà Nội có 124 cơ sở được cấp mã số vùng trồng với 794 ha

Mã số vùng trồng được cho là phương pháp quản lý tận gốc chất lượng nông sản, tuy nhiên câu chuyện thực hiện và giám sát nó hiện vẫn còn nhiều khó khăn.