Điều này cho thấy việc phòng chống bệnh khảm lá sắn đang hết sức cấp bách.
Đã lan ra 10 tỉnh, TP
Theo Trung tâm BVTV phía Nam, đến tháng 8/2018, bệnh đã xuất hiện, gây hại tại các vùng trồng sắn của 10 tỉnh, thành phố, gồm: Tây Ninh, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Đăk Lăk, Bình Phước, Bình Thuận, Ninh Thuận, TP Hồ Chí Minh và Long An, với mức độ gây hại khác nhau. Nặng nhất tại tỉnh Tây Ninh (khoảng trên 90% diện tích sắn bị nhiễm bệnh).
Thứ trưởng Lê Quốc Doanh |
Tính đến ngày 20/8, diện tích nhiễm bệnh khảm lá sắn (diện tích cộng dồn) ở 10 tỉnh, TP nêu trên là 36.136,3ha (tăng 30.283,6ha so với năm 2017). Trong đó, tỷ lệ gây hại < 30% là 16.242,7ha; từ 30-70% là 11.800,9ha; >70% là 8.092,7ha. Một số diện tích bị bệnh quá nặng, không có khả năng cho năng suất đã được tiến hành tiêu hủy (242,1ha).
Có thể nói, tốc độ lây lan của bệnh khảm lá sắn đang rất nhanh. Những nguyên nhân chính của sự lây lan mạnh này là không kiểm soát được nguồn hom giống sắn; giá sắn cao trong khi mức hỗ trợ tiêu hủy lại quá thấp (do sắn hiện vẫn chỉ được coi là cây lương thực) nên nông dân không muốn tiêu hủy; nhiều vườn sắn chủ vườn là người từ nơi khác đến địa phương thuê đất trồng sắn nên không liên hệ được với chủ vườn để vận động, yêu cầu tiêu hủy hoặc chủ vườn không muốn tiêu hủy…
Ông Nguyễn Duy Ân, PGĐ Sở NN-PTNT Tây Ninh, cho hay, có một nghịch lý là dù tỉnh này đang bị nhiễm khảm lá sắn trên gần như toàn bộ diện tích (96,5% diện tích trồng sắn bị nhiễm), nhưng người trồng sắn lại đang có lợi nhuận tốt hơn so với trước khi bị bệnh. Sở dĩ co điều đó là vì sắn ở Tây Ninh vốn cho năng suất cao, sản lượng lớn. Từ khi bị dịch bệnh khảm lá sắn, năng suất, sản lượng sắn ở Tây Ninh giảm nhiều, khiến cho giá sắn tăng cao, hiện vào khoảng 3.300-3.500 đ/kg. Với giá sắn cao như vậy, trên những ruộng sắn bị nhiễm bệnh khảm lá, dù năng suất bị giảm nhiều, nhưng lượng sắn thu hoạch được vẫn cho người nông dân có khoản thu nhập tốt hơn nhiều so với số tiền được hỗ trợ nếu chấp nhận tiêu hủy.
Phải xử lý kiên quyết, triệt để
Trước nguy cơ lây lan nhanh của bệnh khảm lá sắn, nhiều địa phương đã có những hành động khá quyết liệt, cụ thể. Theo ông Phan Văn Tấn, PGĐ Sở NN-PTNT Bình Thuận, trên địa bàn tỉnh này đã có 15ha sắn bị bệnh khảm lá. Chủ trương của Bình Thuận là xử lý bệnh khảm lá sắn giống như đã từng làm với bệnh đốm nâu trên thanh long. Đó là khoanh vùng đã nhiễm bệnh để tiến hành tiêu hủy theo đúng quy trình của Cục BVTV, quản lý chặt chẽ vùng chưa bị bệnh…
Sắn bị bệnh khảm lá |
Ông Đoàn Ngọc Có, PGĐ Sở NN-PTNT Gia Lai, cho biết, Gia Lai có diện tích sắn tới 65.000ha, nhưng đến thời điểm này vẫn chưa phát hiện có bệnh khảm lá sắn. Dầu vậy, Gia Lai vẫn đang chú trọng thực hiện các giải pháp ngăn chặn, không cho bệnh khảm lá sắn xâm nhập vào địa bàn. Nếu xuất hiện diện tích sắn bị bệnh khảm lá, các cơ quan chức năng ở Gia Lai sẽ tập trung xử lý triệt để ngay từ đầu.
Tuy nhiên, ở nhiều địa phương khác, việc phòng chống bệnh khảm lá sắn chưa thật sự quyết liệt. Theo ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục BVTV, nếu như ở Tây Ninh, việc phòng chống bệnh khảm lá sắn có được quan điểm thống nhất và giải pháp quyết liệt (tiêu hủy) ngay từ khi diện tích nhiễm bệnh còn ít, thì đã hạn chế được khá nhiều sự bùng phát, lây lan của dịch bệnh này.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh Bệnh khảm là sắn đang diễn biến rất nguy hiểm. Với tốc độ lây lan như hiện nay, nếu không có nhận thức đầy đủ và hành động quyết liệt thì không thể ngăn chặn được. Trước hết là tăng cường nhận thức từ của lãnh đạo và người dân ở các địa phương về vai trò của cây sắn đối với nền kinh tế và đời sống nông dân, về sự nguy hiểm của dịch bệnh khảm lá sắn. Đây là loại cây trồng đã có giá trị XK trên 1 tỷ USD, sắn đóng vai trò quan trọng trong nhiều lĩnh vực như sản xuất nhiên liệu sinh học, dược phẩm… Phải ngăn chặn quyết liệt bệnh khảm lá sắn giống như đã làm với bệnh đốm nâu trên thanh long ở Bình Thuận. Cách đây mấy năm, khi bệnh đốm nâu bùng phát trên thanh long Bình Thuận, lãnh đạo Bộ NN-PTNT đã về làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Thuận, cùng với các địa phương. Từ đó thành lập ban chỉ đạo tới cấp xã, lập tổ công tác đặc biệt, huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc. Nhờ vậy, bệnh đốm nâu trên thanh long ở Bình Thuận đã được khống chế, đã ổn lại rất nhiều. Tất cả các tỉnh có trồng sắn, nhất là từ đèo Hải Vân trở vào, đều không được chủ quan với bệnh khảm lá sắn. Những tỉnh đã xuất hiện bệnh khảm lá sắn cần thành lập ban chỉ đạo phòng chống bệnh. Những địa phương chưa xuất hiện bệnh, cũng cần có ban chỉ đạo để ngăn chặn, không cho bệnh xâm nhập vào địa bàn. Các doanh nghiệp ngành sắn cũng cần phải tích cực tham gia vào công tác phòng chống dịch bệnh khảm lá sắn. |
TS Dương Hoa Xô, PGĐ Sở NN-PTNT TP.HCM Để giải quyết căn cơ bệnh khảm lá sắn, phải đi vào giống. Theo đó, cần tìm hiểu xem các giống sắn địa phương có bị bệnh khảm lá sắn hay không. Nếu giống nào không bị, chắc chắn trong giống ấy đã có gen kháng tự nhiên. Tiếp đó, cần nghiên cứu xem gen kháng bệnh là gen nào, rồi nghiên cứu tạo giống sắn chuyển gen có thể kháng bệnh khảm lá sắn. Tạo giống kháng bằng con đường này sẽ nhanh hơn nhiều so với việc nhập nội hàng loạt giống sắn có tính kháng bệnh khảm lá sắn, vì phải mất khá nhiều thời gian để tiến hành khảo nghiệm, chọn tạo ra giống có tính kháng tốt nhất với điều kiện ở Việt Nam. |