| Hotline: 0983.970.780

Quỳnh Phụ huy động sức dân vào xây dựng nông thôn mới

Thứ Tư 16/12/2020 , 08:15 (GMT+7)

Nông thôn mới đã đem lại cho huyện Quỳnh Phụ nhiều cái mới. Đường làng, ngõ xóm “xanh - sạch - đẹp”. Người dân có cuộc sống đầy đủ, tinh thần thoải mái hơn.

Năm 2019, huyện Quỳnh Phụ (tỉnh Thái Bình) được công nhận là huyện đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). 

Nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi

Xác định xây dựng NTM là nhiệm vụ quan trọng, trọng tâm, thường xuyên, liên tục của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể. Do đó, từ huyện đến cơ sở đã tập trung cao trong lãnh đạo; chỉ đạo với các biện pháp quyết liệt, đồng bộ, trong xây dựng NTM.

Nhiều xã trên địa bàn huyện đã 'thay da, đổi thịt' nhờ xây dựng NTM. Ảnh: AL.

Nhiều xã trên địa bàn huyện đã "thay da, đổi thịt" nhờ xây dựng NTM. Ảnh: AL.

Huyện Quỳnh Phụ đã luôn tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về các vấn đề “tam nông”; tạo sự đồng thuận, tham gia tích cực của nhân dân cả về trí tuệ, công sức và tài chính.

Cùng với đó, triển khai, phát động thực hiện mạnh mẽ phong trào “Đảng bộ và nhân dân Quỳnh Phụ chung sức xây dựng NTM” với nội dung thiết thực; trọng tâm là huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia xây dựng NTM để làm thay đổi tích cực diện mạo nông thôn.

Chủ động chỉ đạo xây dựng cơ chế quản lý và huy động nguồn vốn xây dựng NTM; phân cấp quản lý các công trình xây dựng NTM cho xã, thị trấn. Tập trung áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi…

10 năm qua, Quỳnh Phụ đã huy động được 2.014,58 tỉ đồng xây dựng NTM. Trong đó, Trương ương và tỉnh 480,284 tỉ đồng; huyện 131,675 tỉ đồng; xã 352,316 tỉ đồng; nhân dân đóng góp và các nguồn vốn khác 1.050,302 tỉ đồng.

Trong những năm qua, huyện Quỳnh Phụ đã ban hành và triển khai hiệu quả một số cơ chế trong xây dựng NTM. Theo đó, hỗ trợ phần kinh phí nhất định từ nguồn ngân sách huyện cho xã triển khai dự án xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng nông thôn là 550 triệu đồng/xã giai đoạn 2013 - 2017; 1 tỉ đồng/xã giai đoạn 2018 - 2019.

Nhờ cơ chế, chính sách ưu đãi, đã tạo điều kiện thuận lợi cho các cấp, các ngành huy động sự tham gia đóng góp của các tổ chức, cá nhân cho xây dựng NTM, đồng thời góp phần nâng cao vai trò chủ thể của người dân trong thực hiện xây dựng NTM, cũng như trong các hoạt động khác ở cơ sở.

“Việc huy động đóng góp của nhân dân được thực hiện đúng quy định, không áp đặt. Nhân dân trực tiếp quản lý, quyết định đầu tư theo các hạng mục đề án xây dựng NTM đã được phê duyệt, sử dụng có hiệu quả nguồn vốn do mình đóng góp.

Vì vậy, đã được sự đồng thuận cao trong nhân dân, đáp ứng được yêu cầu tiến độ và chất lượng xây dựng công trình phúc lợi ở các thôn, xóm trên địa bàn toàn huyện”, lãnh đạo UBND huyện Quỳnh Phụ nói.

Đổi mới “điện, đường, trường, trạm”

Quỳnh Phụ xác định đây là khâu đột phá, được nhân dân đặc biệt quan tâm. Nhờ vậy, sau 10 năm, hạ tầng nông thôn đã và đang có bước phát triển vượt bậc. Hệ thống “điện, đường, trường, trạm” đem lại sự đổi mới ở các xã nông thôn trên địa bàn huyện.

Hệ thống thủy lợi nội đồng trên địa bàn huyện được nâng cấp, sửa chữa. Ảnh: AL.

Hệ thống thủy lợi nội đồng trên địa bàn huyện được nâng cấp, sửa chữa. Ảnh: AL.

Thực sự, Quỳnh Phụ đã chuyển mình mạnh mẽ, khoác lên mình “chiếc áo mới” sau 2 nhiệm kỳ xây dựng NTM. Nông thôn mới đã đem lại cho huyện Quỳnh Phụ nhiều cái mới.

Các tuyến đường trục xã, trục thôn xóm, ngõ xóm được quan tâm đầu tư xây dựng đồng bộ nên “xanh - sạch - đẹp” hơn. 10 năm qua, các xã đã xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp được 1.037,3km đường giao thông nông thôn. Toàn bộ đường nông thôn được cứng hóa, đảm bảo chiều rộng đạt tiêu chuẩn.

Về điện, đến nay tất cả các xã trong huyện đều có hệ thống điện nông thôn đạt chuẩn, đảm bảo yêu cầu kỹ thuật của ngành điện và số hộ dân được sử dụng điện thường xuyên, an toàn đạt 100%.

Bên cạnh đó, được sự quan tâm của UBND tỉnh, nhiều trường học đã xây mới, nâng cấp với 68 trường (33 trường mầm non, 18 trường tiểu học, 17 trường trung học cơ sở) với tổng số 633 phòng. Đến nay, toàn huyện có 96/101 trường học được UBND tỉnh cấp bằng công nhận trường đạt chuẩn quốc gia.

Nhiều trạm y tế cũng được xây mới, cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng. Bổ sung trang thiết bị, dụng cụ y tế cho các trạm; đội ngũ y bác sĩ được đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, cơ bản bảo đảm yêu cầu khám chữa bệnh ban đầu cho nhân dân. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đến tháng 6/2019 đạt 87,5% dân số, không có xã đạt dưới 85%.

Ngoài ra, hệ thống thủy lợi hàng năm được nạo vét, đắp bổ sung bờ vùng, bờ thửa, xây dựng, tu bổ sửa chữa, nâng cấp các công trình thủy lợi nội đồng. Toàn huyện đã đầu tư xây dựng 195,297km kênh cấp I - loại 3 và nhiều trạm bơm, cống, đập phục vụ sản xuất và thoát nước các khu dân cư…

Nông nghiệp khởi sắc

Trong những năm qua, Quỳnh Phụ đẩy mạnh phong trào xây dựng NTM gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Vì vậy, ngành nông nghiệp trên địa bàn toàn huyện đã có nhiều khởi sắc. Căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương, huyện đã quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp chủ lực theo các vùng chuyên canh cây màu, cây vụ đông, vùng chuyên trồng lúa…

Toàn huyện hiện có 253 trang trại, quy mô bình quân 200 con lợn/trang trại. Doanh thu bình quân đạt 1,5 - 1,8 tỉ đồng/trang trại/năm. Ảnh: AL.

Toàn huyện hiện có 253 trang trại, quy mô bình quân 200 con lợn/trang trại. Doanh thu bình quân đạt 1,5 - 1,8 tỉ đồng/trang trại/năm. Ảnh: AL.

Đến nay toàn huyện đã xây dựng 23 cánh đồng mẫu gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm với tổng diện tích hơn 1.500ha sản xuất cây màu và lúa giống lúa BC15, TBR225. Công tác tích tụ ruộng đất được tập trung chỉ đạo, 14 xã có diện tích tích tụ quy mô từ 2ha trở lên với tổng diện tích là 219,4ha.

Việc ứng dụng tiến bộ khoa học và áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất được chú trọng; đã giải quyết cơ bản khâu làm đất và 90% khâu thu hoạch, giảm chi phí và công lao động trong sản xuất nông nghiệp.

Nhiều giống cây trồng năng suất thấp, chất lượng kém được thay thế bằng các giống có chất lượng, giá trị kinh tế cao. Đặc biệt, phong trào về sản xuất cây vụ đông trên đất 2 lúa ngày càng phát triển, luôn đạt kế hoạch tỉnh giao cả diện tích và hiệu quả kinh tế.

Lĩnh vực chăn nuôi mặc dù gặp nhiều khó khăn về giá cả, dịch bệnh nhưng tỷ trọng chăn nuôi trong nông nghiệp vẫn tăng. Cơ cấu đàn vật nuôi thay đổi rõ rệt; đàn lợn phát triển mạnh lợn nái ngoại, lợn siêu nạc; đàn bò lai Sind thay thế dần bò địa phương; đàn gia cầm tăng nhanh dòng siêu thịt, siêu trứng…

Về nuôi trồng thủy sản, huyện có 3 vùng nuôi trồng thủy sản tập trung tại xã An Ninh, An Thanh, An Mỹ với tổng diện tích nuôi toàn huyện là 1.050ha. Sản lượng thủy sản hàng năm đạt trên 5.000 tấn, trong đó sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 4.500 tấn.

Với những kết quả trên, có thể nói rằng, sản xuất nông nghiệp huyện Quỳnh Phụ tiếp tục phát triển ổn định, tái cơ cấu ngành nông nghiệp đang đi đúng hướng…

Quỳnh Phụ phấn đấu đến năm 2025, toàn huyện có 20 xã đạt xã NTM nâng cao, trong đó có 10 xã đạt xã NTM kiểu mẫu. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn 70 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo đạt 1,5%; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 100%...

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Bến Tre phát động công trình 'Hàng cây nông dân'

Bến Tre Tại xã Ngãi Đăng, các đại biểu thực hiện trồng 700 cây me chua tại địa điểm phát động chương trình 'Hàng cây nông dân'.

Bao bì, nhãn mác sản phẩm OCOP chưa bắt kịp xu thế người tiêu dùng

ĐBSCL Giữa chủ thể OCOP và các đơn vị thương mại, siêu thị đã có buổi trao đổi về năng lực cung cầu, kết nối giao thương, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP vùng ĐBSCL.

Bình luận mới nhất