| Hotline: 0983.970.780

Rau, hoa công nghệ cao khuất phục vùng nắng nóng

Thứ Năm 14/01/2021 , 10:25 (GMT+7)

Nhờ áp dụng nhiều giải pháp công nghệ cao, nhiều loại hoa, rau khó tính, ưa lạnh đã được trồng thành công ở vùng đất nắng nóng gay gắt tại Hoài Ân (Bình Định).

Trồng hoa ly ở xứ nóng thành công nhờ viết nhật ký

Năm 2012, khi mới khởi sự trồng hoa ly trên vùng đất trung du huyện Hoài Ân (Bình Định), anh Trần Bảo Diệp (SN 1988) ở Thị trấn Tăng Bạt Hổ (huyện Hoài Ân) đã phải nhận lấy không biết bao nhiêu “lời ong tiếng ve”. Bởi, chẳng ai tin hoa ly có thể trồng trên vùng đất nắng nóng gay gắt này. Thậm chí có người còn bảo: “Thằng Diệp nó điên mới trút tiền đổ sức vào chuyện bất khả thi như vậy”.

Mặc ai nói ra nói vào, khi đã “mê” rồi là Diệp cứ làm. Trước khi bắt tay làm, Diệp lên Đà Lạt, xứ sở của hoa ly để học hỏi kinh nghiệm. Thế nhưng khi Diệp bê nguyên quy trình trồng hoa ly ở xứ lạnh về trồng trên xứ nóng đã khiến Diệp thất bại. 20 triệu đồng cha mẹ cho để đầu tư mua giống trồng hoa ly bay biến sau 1 vụ hoa tết.

Anh Trần Bảo Diệp, người mê làm nông nghiệp công nghệ cao không bị thiên tai khuất phục. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Anh Trần Bảo Diệp, người mê làm nông nghiệp công nghệ cao không bị thiên tai khuất phục. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Diệp kể: Đà Lạt thời tiết lạnh nên chu kỳ sinh trưởng của hoa ly dài đến 80 ngày, còn ở Hoài Ân thời tiết nắng nóng nên chu kỳ sinh trưởng của hoa ly giảm xuống chỉ còn 60 ngày. Phải nắm được mấu chốt này mới có thể trồng được hoa ly trên xứ nắng nóng.

Sau khi nhận ra nguyên nhân dẫn đến thất bại, anh phải xây dựng cho riêng mình quy trình trồng hoa ly trên xứ nóng. Trong quá trình trồng, anh ghi chép nhật ký từng ngày, chụp ảnh cẩn thận từng giai đoạn sinh trưởng của cây hoa và ghi chú thích rõ ràng. Từng vụ hoa đi qua, anh đọc lại nhật ký và điều chỉnh dần dần đến khi quy trình hoàn thiện, đến lúc ấy thành công mới đến.

Chuyện viết nhật ký trồng hoa ly hầu như “cột chân” Diệp trăm phần trăm trong nhà vườn. Sổ nhật ký mỗi vụ hoa được ghi chép ngay từ khi xuống giống. Một ngày sau trồng, 2 ngày sau trồng, 10 ngày sau... trồng cây hoa phát triển như thế nào Diệp ghi chép tỉ mỉ.

Cây hoa phát triển từng giai đoạn cũng được Diệp chụp ảnh và ghi chú cụ thể là ảnh chụp vào giai đoạn nào sau khi trồng. Đặc biệt, điều kiện thời tiết của vụ hoa ấy nóng lạnh như thế nào cũng được Diệp ghi chép lại tỉ mẩn trong sổ nhật ký, kể cả liều lượng phân bón cho cây và các loại thuốc BVTV chuyên trị các loại bệnh hoa ly thường gặp.

Năm nào cây hoa phát triển tốt, Diệp ghi chú thêm vào nhật ký những khác biệt trong chăm sóc so với những vụ trước để vụ sau làm theo.

Anh Trần Bảo Diệp, người mê làm nông nghiệp công nghệ cao không bị thiên tai khuất phục. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Anh Trần Bảo Diệp, người mê làm nông nghiệp công nghệ cao không bị thiên tai khuất phục. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Anh chia sẻ kinh nghiệm: Năm nào nhiệt độ nắng nóng, hoa sẽ nở sớm, năm nào thời tiết lạnh hoa sẽ nở muộn. Khoảng thời gian chênh lệch thường từ 3-5 ngày. Căn cứ vào nhật ký, những vụ sau tùy theo thời tiết anh sẽ điều chỉnh ngày xuống giống để ly ra hoa đúng dịp Tết.

Trồng hoa bán Tết mà hoa nở sớm hay nở muộn gì cũng bị thua. Do đó, khi kiểm soát được quá trình sinh trưởng của cây hoa trong từng điều kiện thời tiết cụ thể thì chắc chắn cây sẽ cho hoa theo ý muốn của mình.

Cũng trên vùng đất trung du huyện Hoài Ân, nhưng hoa ly trồng ở Thị trấn Tăng Bạt Hổ  được anh Diệp áp dụng quy trình khác, khi dịch chuyển trang trại lên gần hồ Thạch Khê thuộc xã Ân Tường Đông để mở rộng quy mô, Diệp phải thay đổi quy trình khác, bởi khí hậu ở thị trấn Tăng Bạt Hổ nóng hơn ở xã Ân Tường Đông.

Theo Diệp, hoa ly trong giai đoạn chuyển đổi sinh trưởng thường bị bệnh cháy lá sinh lý từ tuần thứ 2 đến tuần thứ 3. Khi những chiếc lá cuối cùng của mầm hoa ly sắp tách hết để nụ hoa nhô ra ngoài thì những lá này bị cháy.

Bởi, những chiếc lá này rất mỏng, tế bào diệp lục của chúng rất yếu, gặp thời tiết nắng nóng sẽ bị cháy. Bây giờ, do đã nắm bắt được cách xử lý để cho cho tế bào lá trở nên khỏe hơn trong giai đoạn cây hoa chuyển đổi sinh trưởng, nên hoa không còn bị hư như trước đây.

"Ví như đứa trẻ đến thời kỳ mọc răng mà thiếu sức đề kháng thì thường bị sốt, chăm hoa ly như chăm trẻ thì mới mong cây cho hoa đẹp để bắt kịp thị hiếu người tiêu dùng”, Diệp ví von.

Không gục ngã trước vùi dập của thiên tai

Phải qua 2 năm trồng hoa ly, Diệp mới hoàn chỉnh cho riêng mình quy trình trồng hoa ly trên xứ nóng. Năm 2014, với quy trình mới, Diệp trồng 700 chậu hoa ly bán tết. Vụ hoa đó, Diệp mới chạm tay đến thành công mỹ mãn, sau khi trừ mọi chi phí, Diệp còn cầm trong tay 100 triệu đồng tiền lãi.

Thừa thắng xông lên, năm 2016 Diệp mạnh dạn trồng trên 5.000 chậu hoa ly kiếm vốn xây dựng nhà kính để mở rộng thêm nhiều sản phẩm khác như: Dưa leo baby, dưa lưới, dưa hấu treo giàn, cà chua socola...

Nhà kính có diện tích 1.200m2 của Diệp ở gần hồ Thạch Khê trước khi bị lốc xoáy xô sập. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Nhà kính có diện tích 1.200m2 của Diệp ở gần hồ Thạch Khê trước khi bị lốc xoáy xô sập. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Năm ấy hoa ly của Diệp phát triển như ý, đạt chuẩn cao nhất so từ trước đến giờ, đẹp chẳng kém hoa ly trồng ở Đà Lạt. Chưa kịp mừng thì năm ấy lũ dữ đã cuốn phăng cây cầu dẫn về Thị trấn Tăng Bạt Hổ. Đường vận chuyển hoa đi tiêu thụ bị cắt, lại thất bại. 

Những năm sau đó, thành công giòn giã liên tiếp đến với Diệp. Khi cầm được trong tay khoản lãi 2 tỷ đồng, Diệp tiếp tục đầu tư 2 nhà kính rộng 4.000 m2, một ở thị trấn Tăng Bạt Hổ và một ở xã Ân Tường Đông để mở rộng mô hình nông nghiệp công nghệ cao.

Ngoài trồng hoa ly bán Tết, Diệp còn phát triển thêm các sản phẩm nông sản an toàn, giá trị cao như: Dưa leo baby, cà chua socola, dưa lưới, dưa hấu treo giàn. Trang trại của Diệp sản xuất theo mô hình ứng dụng công nghệ cao, môi trường canh tác đặt trong nhà màng, sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt. Việc quản lý sản xuất được theo dõi, có nhật ký giám sát chặt chẽ, cho phép truy xuất nguồn gốc sản phẩm đến tất cả các giai đoạn.

Từ cuối năm 2018, một số sản phẩm từ trang trại của Diệp đã được tiêu thụ thị trường trong và ngoài tỉnh. Để hướng tới phát triển lâu dài, Diệp đang thực hiện các thủ tục đăng ký bảo hộ sản phẩm, tem truy xuất, hoàn thiện nhãn mác, logo cho các sản phẩm nông sản của mình.

Nhật ký cây trồng anh Diệp ghi chép tỉ mỉ sau mỗi vụ sản xuất. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Nhật ký cây trồng anh Diệp ghi chép tỉ mỉ sau mỗi vụ sản xuất. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Chuyện làm ăn của Diệp đang thong dong thì vào mùa mưa bão cuối năm 2020 vừa qua, thiên tai lại lần nữa vùi dập. Nhà kính rộng 1.200 m2 Diệp xây dựng gần bên hồ Thạch Khê nằm ngay “họng gió”, nên bị 1 cơn lốc xoáy xô sập hoàn toàn. 

Khu nhà kính do anh đầu tư ở hồ Thạch Khê hơn 500 triệu đồng đã bị tốc mái, gió xé rách tang hoang. 60 trụ dựng quanh nhà kính được làm bằng sắt dày cũng bị lốc cuốn. Thiệt hại ấy không làm anh nản lòng với đam mê làm nông nghiệp công nghệ cao. Anh tận dụng những gì còn lại của nhà kính bị lốc xô sập, mua thêm vật liệu để dựng nhà kính khoảng 1.000 m2 trồng hoa ly và 1.500 gốc dưa leo baby bán Tết tại Thị trấn Tăng Bạt Hổ. 

Hoa ly anh Diệp trồng bán Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 hiện đã ra nụ. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Hoa ly anh Diệp trồng bán Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 hiện đã ra nụ. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Năm nay, Diệp làm 7.000 củ hoa ly giống, 3.000 củ trồng dưới đất và 4.000 củ trồng trong chậu. Nhờ kịp thời xử lý bệnh cháy lá sinh lý nên hiện nay hoa đã ra nụ, hứa hẹn trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 này sẽ cho hoa kịp tết.

“Hiện tôi đã tìm được đầu ra cho một nửa số lượng hoa ly đang trồng, khách hàng cũng đã chốt giá luôn. Năm nay, hoa ly lùn có giá 60.000đ/chậu 3 cây; ly trung 85.000đ/chậu 3 cây; ly cao khoảng từ 150.000đ - 200.000đ/bó tùy loại, loại có 5 nụ trở lên có giá cao nhất, loại có 4 nụ giá thấp hơn, loại 3 nụ có giá thấp nhất”, anh Trần Bảo Diệp cho hay.

Xem thêm
Người mở đầu cho nông nghiệp công nghệ cao ở Thụy Lâm

Ông Nguyễn Đình Chung (xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, TP Hà Nội) năm nay đã gần 70 tuổi nhưng cử chỉ, phong thái còn nhanh nhẹn và giọng nói vẫn mạnh mẽ.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Xử lý triệt đề gian lận trong quản lý mã số vùng trồng dừa

Một trong những vấn đề cần giải quyết triệt để hiện nay là tình trạng mua bán mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói trong ngành dừa và nông sản.