| Hotline: 0983.970.780

Rộ nạn trộm thiết bị trên tàu cá vỏ thép 67 nằm bờ

Thứ Năm 07/09/2023 , 16:40 (GMT+7)

Ở Bình Định hiện có hàng chục tàu cá vỏ thép 67 nằm bờ để chờ ngân hàng phát mãi, những thiết bị hiện đại trên tàu bị bọn trộm ‘thổi bay’ hàng đêm…

Số phận hẩm hiu của những tàu 67

Thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ, các ngân hàng thương mại ở Bình Định đã ký hợp đồng tín dụng với 62 ngư dân của tỉnh này đóng mới 48 tàu vỏ thép, 6 tàu vỏ gỗ và 8 tàu composite (gọi là “tàu 67”) và 1 tàu hành nghề với tổng số tiền cho vay 921 tỷ đồng. Trong quá trình hoạt động, có 4 tàu đã bị chìm, trong đó có 3 tàu vỏ thép và 1 tàu vỏ gỗ, còn lại 57 tàu đang hoạt động đánh bắt và 1 tàu hành nghề hậu cần nghề cá.

Những con tàu vỏ thép 67 của ngư dân huyện Phù Cát nằm neo bờ tai cửa Đề Gi, xã Cát Khánh (huyện Phù Cát, Bình Định) chờ ngân hàng phát mãi. Ảnh: V.Đ.T.

Những con tàu vỏ thép 67 của ngư dân huyện Phù Cát nằm neo bờ tai cửa Đề Gi, xã Cát Khánh (huyện Phù Cát, Bình Định) chờ ngân hàng phát mãi. Ảnh: V.Đ.T.

Ngay sau khi hạ thủy nhiều tàu cá vỏ thép 67 đã lập tức bị gỉ sét, máy móc hỏng hóc phải nằm bờ. Thời gian sau đó, do đánh bắt không hiệu quả hoặc không kiếm ra thuyền viên "đi bạn", nhiều tàu cũng phải nằm bờ dài ngày, nên chủ tàu không có khả năng trả nợ vay ngân hàng đúng kỳ hạn. Thế là gần 20 chủ tàu bị ngân hàng kiện, đến nay đã có 4 tàu vỏ thép bị ngân hàng phát mãi để thu hồi vốn, 15 chủ tàu khác cũng đã bị ngân hàng kiện ra tòa, 15 con tàu đang nằm chờ ngân hàng phát mãi. Sau khi ra tòa, cơ quan thi hành án kê biên xong, giao cho chủ tàu trông coi con tàu trong thời gian tàu nằm bờ.

Thế nhưng sau khi con tàu bị thu hồi, chủ tàu phải đi làm tài công thuê hoặc "đi bạn" cho các tàu cá khác để kiếm thu nhập nuôi sống gia đình, nên không thể trông coi con tàu. Vợ con ở nhà cũng không thể hằng đêm ra biển nằm giữ tàu, nên bọn trộm nhắm vào những tàu này để gỡ trộm những thiết bị hiện đại được lắp đặt trên tàu để bán.

Những con tàu 67 đóng mới có giá thấp nhất 16 tỷ đồng/chiếc giờ hoang tàn nằm phơi mưa phơi nắng. Ảnh: V.Đ.T.

Những con tàu 67 đóng mới có giá thấp nhất 16 tỷ đồng/chiếc giờ hoang tàn nằm phơi mưa phơi nắng. Ảnh: V.Đ.T.

Anh Võ Thế Dư (51 tuổi), ở xã Cát Thành (huyện Phù Cát, Bình Định), chủ tàu cá vỏ thép BĐ 99252 TS (825CV), cho hay: Tàu BĐ 99252 TS của anh Dư đóng mới vào năm 2017, năm 2018 đi vào hoạt động. Do làm ăn thất bát, nhất là mấy năm do bị ảnh hưởng dịch Covid-19, sản phẩm dù đánh bắt được nhiều nhưng không có người mua nên chuyến biển nào cũng lỗ, không còn khả năng trả nợ cho ngân hàng đúng kỳ hạn. Anh Dư trở thành con nợ xấu, bị ngân hàng khởi kiện ra tòa.

Tháng 9/2022, tàu cá của anh Dư bị ngân hàng thu hồi, không cho tiếp tục hoạt động. Sau khi kê biên, Chi cục Thi hành án dân sự huyện Phù Cát giao trách nhiệm cho anh Dư phải trông coi con tàu cho đến khi ngân hàng bán được con tàu. Hiện tàu cá BĐ 99252 TS của anh Dư đang neo đậu tại cửa biển Đề Gi, xã Cát Khánh (huyện Phù Cát, Bình Định).

Tương tự, tàu cá vỏ thép mang tên Đức Triều có số hiệu BĐ 99478 (829CV) của anh Nông Thành Điền ở thôn Chánh Hóa, xã Cát Thành (huyện Phù Cát, Bình Định) cũng bị ngân hàng “cột” từ tháng 10/2022 đến nay. Hiện tàu của anh Điền cũng đang neo bờ tại cửa biển Đề Gi chờ ngày ngân hàng phát mãi. Trong thời gian tàu nằm bờ anh Điền cũng phải lãnh trách nhiệm trông coi con tàu.

Tăng phô trên tàu vỏ thép BĐ 99478 TS của anh Nông Thành Điền bị trộm tháo hết để lại đây điện lòng thòng. Ảnh: V.Đ.T.

Tăng phô trên tàu vỏ thép BĐ 99478 TS của anh Nông Thành Điền bị trộm tháo hết để lại đây điện lòng thòng. Ảnh: V.Đ.T.

Đã 1 năm trôi qua, 15 “tàu cá 67” của ngư dân huyện Phù Cát bị ngân hàng thu hồi vẫn chưa tìm ra người mua. Lần thẩm định ban đầu, mỗi con tàu vỏ thép được định giá là 2 tỷ đồng. Thế nhưng khi đóng mới, những con tàu con tàu vỏ thép có giá ít nhất cũng 16 tỷ đồng, thế nên ngân hàng không đồng ý mức giá này, thuê đơn vị khác thẩm định giá lại. Lần thẩm định sau, mỗi con tàu được định giá là 3,9 tỷ đồng. Thế nhưng với giá này không ai mua, những chiếc tàu vỏ thép vẫn phải chịu cảnh dầm mưa dãi nắng chờ người đến mua.

“Thương lái ở Hải Phòng đã vào xem tàu để mua sắt phế liệu, nhưng họ chỉ trả dưới 1,5 tỷ mới mua, giờ ngân hàng kêu giá còn 2,1-2,2 tỷ đồng/chiếc họ cũng lắc đầu. Thương lái Hải Phòng vào 3-4 đợt rồi nhưng không mua, chờ ngân hàng hạ giá. Những con tàu nằm bờ nào có yên, những thiết bị hiện đại được lắp đặt trên tàu bị bọn trộm gỡ ráo trọi”, ông Trần Công Bàng, Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh huyện Phù Cát, cho hay.

Những con tàu “trọc lóc” thiết bị

Buồng lái tàu BĐ 99478 TS của anh Nông Thành Điền không còn 1 thiết bị gì. Ảnh:

Buồng lái tàu BĐ 99478 TS của anh Nông Thành Điền không còn 1 thiết bị gì. Ảnh:

Chiếc tàu cá vỏ thép mang số hiệu BĐ 99252 TS của anh Võ Thế Dư ở xã Cát Thành (huyện Phù Cát, Bình Định) là 1 trong 15 chiếc tàu của ngư dân Phù Cát bị ngân hàng thu hồi, gần 1 năm qua nằm neo bờ tại cửa biển Đề Gi bị trộm gỡ hết những thiết bị gắn trên tàu.

Theo anh Dư, bọn trộm thường xuyên theo dõi, nếu biết chủ tàu "đi bạn" cho tàu cá khác là lợi dụng bóng đêm chèo thuyền thúng ra tàu để tháo gỡ thiết bị. Trên tàu bất cứ thứ gì tháo gỡ được là lũ trộm tháo hết, chỉ có những bóng đèn treo trên cao dùng để dụ cá là thoát, vì cao quá chúng không leo lên được.

Tàu BĐ 99478 TS của anh Nông Thành Điền bị trộm tháo mất 5 ru lô. Ảnh: V.Đ.T.

Tàu BĐ 99478 TS của anh Nông Thành Điền bị trộm tháo mất 5 ru lô. Ảnh: V.Đ.T.

“Lên được tàu rồi là lũ trộm tháo hết tăng phô, mô tơ, máy dò cá, máy bộ đàm, bánh lái… thậm chí dầu tôi mua dự trữ trên tàu để phòng khi chạy tránh luồng gió để tàu khỏi bị bừa neo chúng cũng hút sạch. Một cái mô tơ mua mới có giá 5-7 triệu đồng, 1 cái tăng phô 1-2 triệu đồng, 1 máy bộ đàm loại thường cũng 20-30 triệu đồng, máy dò cá loại thấp nhất cũng 100-200 triệu đồng 1 cái, loại tốt cũng phải gần 1 tỷ đồng 1 cái.Tàu của anh Đinh Công Khánh ngoài thiết bị trên tàu còn bị tháo cả heo dầu.

Chúng tôi đã báo công an địa phương nhưng đến nay vẫn chưa tìm ra kẻ trộm. Hiện nay tôi không dám neo tàu ở cửa Đề Gi nữa, mà chạy tàu ra tận Vĩnh Lợi thuộc xã Mỹ Thành (huyện Phù Mỹ) neo đậu để tránh trộm. Từ cửa biển Đề Gi chèo thuyền thúng ra tới chỗ neo tàu phải mất gần 3 tiếng đồng hồ, đêm nào cũng phải ra giữ tàu chứ không là còn mất thêm nữa”, anh Dư cho hay.

Trộm bẻ khóa buồn lái tàu cá vỏ thép của anh Điền để vào tháo gỡ thiết bị. Ảnh: V.Đ.T.

Trộm bẻ khóa buồn lái tàu cá vỏ thép của anh Điền để vào tháo gỡ thiết bị. Ảnh: V.Đ.T.

Anh Nông Thành Điền, chủ tàu cá vỏ thép BĐ 99478 ở thôn Chánh Hóa, xã Cát Thành (huyện Phù Cát) đang neo đậu tại cửa biển Đề Gi cũng bị trộm tháo gỡ sạch sành sanh thiết bị trên tàu.

“Khi tòa án kê biên chiếc tàu tôi bàn giao con tàu còn đầy đủ trang thiết bị như lúc mới đóng, bởi tàu của tôi đang hoạt động. Nguyên năm ngoái chiếc tàu vẫn còn nguyên vẹn vì đêm nào tôi cũng ra tàu canh giữ. Thế nhưng vào đầu năm 2023, tôi đi làm tài công thuê cho 1 tàu cá ở địa phương 3 tháng, lũ trộm biết tàu của tôi không còn ai trông coi, nên đang đêm lén lên tàu bẻ khóa vào ca bin tháo gỡ toàn bộ thiết bị”, anh Nông Thành Điền cho biết.

Chiếc tàu vỏ thép BĐ 99478 TS của anh Nông Thành Điền (bìa phải) đang neo đậu tại cửa biển Đề Gi, xã Cát Khánh (huyện Phù Cát, Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

Chiếc tàu vỏ thép BĐ 99478 TS của anh Nông Thành Điền (bìa phải) đang neo đậu tại cửa biển Đề Gi, xã Cát Khánh (huyện Phù Cát, Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

Nhìn ca bin, buồng máy trên tàu cá của anh Điền, chúng tôi thấy dây điện nằm la liệt nhưng những thiết bị đã “không cánh mà bay” sạch sẽ. Anh Điền cho biết, chiếc tàu của anh bị mất đến 330 cục tăng phô, mỗi cái tăng phô có giá từ 1,3-1,4 triệu đồng/cái; 5 cái ru lô nếu mua mới phải tốn đến 80-90 triệu đồng và nhiều thiết bị khác.

“Tàu của tôi mất sạch thiết bị, toàn bộ số thiết bị ấy nếu mua mới phải mất gần 3 tỷ đồng, thế nhưng đồ ăn trộm thì bán sẽ chẳng bao nhiêu. Dù chiếc tàu không còn là của mình, nhưng nhìn đống dây nhợ bị lũ trộm cắt để lấy thiết bị đi tôi không khỏi xót lòng. Bởi, có 1 thời chúng đã gắn bó với mình, cho mình tiền nuôi con ăn học, cho gia đình mình miếng cơm manh áo. Giờ đã gần đến mùa mưa bão, con tàu dễ bị gió cuốn trôi. Ngân hàng phải bán cho nhanh chứ lỡ rủi ro tàu bị cuốn trôi hoặc bị nhấn chìm thì trách nhiệm này làm sao gia đình tôi gánh nổi”, ngư dân Nông Thành Điền chia sẻ.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Nhiều bến xe 'bỏ thì thương, vương thì tội'

Tiền Giang Trong thời gian dài, bến xe thị xã Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) rất ít phương tiện ra vào đón khách, bốc dỡ hàng hóa, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.