| Hotline: 0983.970.780

Rổn rảng niềm vui ở làng miến dong

Thứ Sáu 27/01/2023 , 15:47 (GMT+7)

YÊN BÁI Củ dong riềng từ chỗ không mấy ai để ý, nay đã trở thành cây trồng giá trị cao nhờ xây dựng vùng nguyên liệu lớn, gắn với chế biến sâu tinh bột, làm miến...

Về thăm làng miến xã Quy Mông (huyện Trấn Yên, Yên Bái) những ngày này giáp Tết Quý Mão 2023, không khí tập nập, rộn ràng trải dài trên các xóm làng, nhà nhà ra đồng thu hoạch củ dong riềng, các xưởng chế biến tinh bột hoạt động hết công suất 24/24h. Các cơ sở làm miến cũng tích cực sản xuất các mẻ miến mới để có đủ sản phẩm cung cấp ra thị trường trong dịp Tết Nguyên Đán.

Nằm ven con sông Hồng chảy qua với chiều dài gần 10km nên hàng chục ha đất nông nghiệp ven sông của xã Quy Mông hàng năm được bồi đắp lớp phù sa màu mỡ, thích hợp cho các loại cây trồng sinh trưởng, đặc biệt rất phù hợp cho cây dong riềng. Tận dụng lợi thế đó, những năm qua, chính quyền địa phương đã khuyến khích nhân dân chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả, đất vườn hộ, đất soi bãi hình thành vùng trồng cây dong riềng tập trung.

Người nông dân xã Quy Mông tập trung thu hoạch củ đao riềng trong những ngày cuối năm 2022

Người dân xã Quy Mông rộn ràng niềm vui trong mùa thu hoạch củ dong riềng những ngày cuối năm 2022. Ảnh: Thanh Tiến.

Đồng thời, hỗ trợ các hộ dân mạnh dạn đầu tư xây dựng cơ sở chế biến miến dong, tăng thêm giá trị, thu nhập và tạo việc làm cho lao động nông thôn; từng bước thành lập làng nghề chế biến bột dong riềng và miến dong.

Chị Vũ Thị Huệ ở thôn Thịnh Hưng, xã Quy Mông chia sẻ: “Gia đình tôi bắt đầu trồng dong riềng từ năm 2016, trước đây diện tích này chủ yếu để trồng ngô. Năm 2022, gia đình tôi trồng 10 sào dong riềng, sản lượng thu hoạch được khoảng 30 tấn củ, sau khi thuê các xưởng chế biến ra tinh bột, tôi bán cho các cơ sở làm miến trong xã. Năm nay, nhờ cây dong riềng, gia đình tôi thu được gần 50 triệu đồng, so với trồng ngô, lúa thì cao hơn từ 2 - 3 lần”.

Năm 2022, diện tích trồng cây dong riềng của xã Quy Mông đạt hơn 70ha, tập trung chủ yếu ở các thôn như Thịnh Lợi, Thịnh An và Thịnh Bình. Thu nhập từ trồng dong riềng hiện đạt từ 100 – 115 triệu đồng/ha, sau khi trừ chi phí thu lãi từ 60 – 70 triệu đồng/ha. Trước đây, người dân xã Quy Mông chủ yếu trồng và bán củ dong riềng cho thương lái thu mua về chế biến tinh bột. Khoảng 4 – 5 năm trở lại đây, bà con chuyển sang thuê các xưởng chế biến ra tinh bột rồi mới bán để được giá hơn.

Vợ chồng chị Vũ Thị Huệ ở thôn Thịnh Hưng (xã Quy Mông) thu hoạch củ đao riềng

Vợ chồng chị Vũ Thị Huệ ở thôn Thịnh Hưng (xã Quy Mông) thu hoạch củ đao riềng trong niềm vui được mùa. Ảnh: Thanh Tiến.

Hiện nay, ở xã Quy Mông có 4 xưởng sơ chế tinh bột dong riềng, trung bình mỗi ngày mỗi xưởng có thể sơ chế từ 15 đến 20 tấn củ dong riềng, chế biến ra khoảng 4 tấn tinh bột. Các cơ sở chế biến bột đều được đầu tư liên hoàn từ khâu sàng rửa củ, xay xát, lọc - lắng bột và làm dịch vụ chế biến bột dong cho 100% sản lượng dong riềng củ thu hoạch hàng năm của xã.

Ông Phí Đắc Hùng, chủ xưởng chế biến tinh bột dong ở thôn Thịnh Lợi cho biết: Cây dong riềng là loại cây dễ trồng, không kén đất, có thể tận dụng những diện tích đất đồi, soi bãi, ngoài ra trên diện tích cây dong riềng vẫn có thể xen canh thêm 1 vụ ngô hoặc đậu tương.

Nhiều năm trước, người dân Quy Mông chỉ trồng cây dong riềng để chế biến thức ăn cho gia súc, gia cầm, số còn lại bán củ cho các cơ sở chế biến bột dong ở các tỉnh dưới xuôi và xã Phúc Lộc, Giới Phiên ở TP Yên Bái để làm miến. Chỉ một số lượng nhỏ hộ dân biết chế biến củ dong riềng thành sản phẩm miến đem bán trên thị trường.

"Được sự hỗ trợ của nhà nước, hiện nay chúng tôi đã có những xưởng sản xuất tinh bột, sau đó cung cấp cho các HTX, các cơ sở làm miến ngay tại địa phương. Nhờ vậy đã nâng cao được giá trị sản phẩm và thu nhập cho bà con”, ông Hùng phấn khởi.

Củ đao sau khi được rửa sạch sẽ được đưa vào máy chế biến ra tinh bột đao

Củ dong riềng sau khi được rửa sạch sẽ được đưa vào các cơ sở chế biến ra tinh bột dong để làm miến. Ảnh: Thanh Tiến.

Thời gian qua, xã Quy Mông đã và đang vận động người dân duy trì diện tích, hình thành vùng nguyên liệu lớn, từ đó hướng tới quy mô sản xuất hàng hóa từ khâu trồng, chế biến tinh bột đến làm miến dong. Chính quyền địa phương cũng đang tiếp tục tích cực phối hợp với các cơ quan hữu quan triển khai áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; hình thành các nhóm, tổ, HTX sản xuất để thuận lợi trong việc xây dựng tư cách pháp nhân, đủ điều kiện vay vốn, quảng bá thương hiệu, gắn với chế biến sâu và thương mại sản phẩm...

Đồng thời, phối hợp với các cơ quan chức năng của huyện, tỉnh hỗ trợ thêm máy móc, trang thiết bị để thành lập thêm các cơ sở làm miến ngay tại địa phương. Đến nay, xã Quy Mông đã có 4 cơ sở sản xuất miến dong, sản phẩm miến dong được tiêu thụ ổn định với giá trung bình từ 50.000 – 60.000 đồng/kg. Đặc biệt, hiện trên địa bàn xã đã có 2 sản phẩm miến dong của HTX Việt Hải Đăng và HTX Khởi nghiệp xanh Toàn Nga được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh.

Đao củ được đưa về các cơ sở chế biến tinh bột

Các cơ sở chế biến tinh bột thu mua củ dong riềng cho bà con. Ảnh: Thanh Tiến.

Sau khi được công nhận sản phẩm OCOP, chính quyền xã đã tích cực phối hợp với các HTX xây dựng thương hiệu và quảng bá sản phẩm, đưa các sản phẩm này lên các gian hàng thương mại điện tử để thúc đẩy tiêu thụ trong và ngoài tỉnh.

Ông Phùng Tiến Hiển, Phó Chủ tịch UBND xã Quy Mông cho biết thêm: “Chúng tôi đã và đang tiếp tục phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện tập huấn, hướng dẫn người trồng cây dong riềng ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất; xây dựng vùng nguyên liệu củ dong riềng đạt tiêu chuẩn VietGAP. Mặt khác, thành lập thêm các tổ hợp tác, HTX liên kết trong trồng, chế biến và tiêu thụ sản phẩm bột dong, miến dong ổn định về giá cả cho người dân. Đồng thời, khuyến khích, hỗ trợ các hộ mạnh dạn đầu tư xây dựng cơ sở chế biến miến dong, tăng thêm giá trị thu nhập và tạo việc làm cho lao động nông thôn.”

HTX Khởi nghiệp xanh Toàn Nga thu mua tinh bột về sản xuất miến đao

HTX Khởi nghiệp xanh Toàn Nga thu mua tinh bột về sản xuất miến dong. Ảnh: Thanh Tiến.

Mục tiêu của xã Quy Mông là khi có nhiều hộ làm miến dong, sẽ thành lập làng nghề chế biến tinh bột dong và miến dong, nâng cấp sản phẩm OCOP miến dong Quy Mông từ 3 sao lên 4 sao. Xã phấn đấu từ năm 2021 – 2025 có thêm các cơ sở sản xuất miến, đưa tỷ trọng bột dong vào chế biến miến trên địa bàn xã đạt 50%, tương đương với hơn 200 tấn tinh bột mỗi năm; xây dựng thêm sản phẩm miến dong đạt tiêu chuẩn OCOP.

Xem thêm
Nuôi dúi má đào, thu tiền tỷ mỗi năm

LÀO CAI Chăn nuôi dúi má đào sinh sản có sức hấp dẫn lớn bởi lợi nhuận cao, trong khi việc chăm sóc, đầu tư chuồng trại không quá tốn kém.

Vật nuôi khốn đốn vì mưa lạnh kéo dài

BÌNH ĐỊNH Thời gian gần đây, Bình Định có mưa lạnh kéo dài, khiến sức đề kháng của vật nuôi giảm sút, đây là cơ hội để dịch bệnh phát sinh, người chăn nuôi lo ngay ngáy.

Triển khai dự án chuyển đổi số ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL

Bộ NN-PTNT đầu tư dự án nghiên cứu chuyển đổi số ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.