| Hotline: 0983.970.780

Rồng đá Ninh Vân

Thứ Năm 15/02/2024 , 06:30 (GMT+7)

Ông Diệu xuýt xoa mãi về ngôi đình Xuân Vũ làng ông, công trình toàn bộ khung cột được làm bằng đá, là biểu tượng của làng đá Ninh Vân (Hoa Lư, Ninh Bình).

Đình làng Xuân Vũ - một trong những công trình tiêu biểu có hàng cột đá chạm khắc rồng của làng đá Ninh Vân. Ảnh: Kiên Trung.

Đình làng Xuân Vũ - một trong những công trình tiêu biểu có hàng cột đá chạm khắc rồng của làng đá Ninh Vân. Ảnh: Kiên Trung.

Ôm chiếc cột đình bằng đá nguyên khối, bên trên cột chạm khắc đôi rồng đang đạp mây, uốn khúc mềm mại mà vẫn không kém phần uy nghi, ông Nguyễn Quang Diệu - chủ nhiệm làng nghề đá Ninh Vân không ngừng xuýt xoa: “Tôi cứ thán phục mãi các cụ trong ban trùng tu, xây dựng di tích đình làng. Từ con số 0, ấy thế mà kêu gọi, chung tay xây dựng nên cơ đồ như thế này, chỉ có sự đồng lòng, quyết tâm cao lắm mới làm được”.

Đấy là ông Diệu nói về ngôi đình làng Xuân Vũ quê ông - một công trình “xưa nay hiếm”, toàn bộ khung cột được làm bằng đá, nằm giữa trung tâm làng nghề, và là biểu tượng của làng đá Ninh Vân nổi tiếng đất cố đô Hoa Lư, Ninh Bình.

Hồn cốt làng đá

Đình làng - một thiết chế văn hóa của làng quê Việt Nam, nơi thờ tưởng công đức người khai sinh, lập ấp nên làng, từ lâu đã đi vào trong tiềm thức người Việt, là thứ mang theo trong tâm tưởng những người con xa xứ. Cây đa, giếng nước, sân đình - bộ ba thiêng liêng ấy là một tổng quan hài hòa không tách rời, từ ngoài đời thực đã đi vào các tác phẩm văn học nghệ thuật, và sống mãi trong tư tưởng, tình cảm người dân đất Việt.

Đình làng Xuân Vũ (xã Ninh Vân) - ngôi đình đầu tiên ở đồng bằng Bắc bộ có hàng cột bằng đá.

Đình làng Xuân Vũ (xã Ninh Vân) - ngôi đình đầu tiên ở đồng bằng Bắc bộ có hàng cột bằng đá.

Đình làng Xuân Vũ (xã Ninh Vân), theo lời ông Diệu, nằm trên thế đất đẹp nhất của làng. Đình nằm trước con đường trung tâm làng nghề, vừa được xây sửa, mở rộng khang trang, kế bên là chợ quê tấp nập, nhộn nhịp kẻ bán người mua. Một khu đất trống rộng cả ngàn m2 ngay trước cửa đình, là nơi diễn ra các hoạt động lễ hội, sự kiện quan trọng. Ngay phía cổng đình cũng là 4 cây cột đá uy nghi, bên trên khắc hình chim phượng đang hướng lên trời xanh, tư thế cất cánh, cây thị cổ thụ 400 năm tuổi của làng tọa lạc một góc, bóng trùm sum suê xanh mát một vùng.

Qua chiếc cổng làng bằng đá lừng lững như một cách thức chỉ dẫn địa lý làng nghề nổi tiếng, đi qua những xưởng đá, những khu trưng bày ngồn ngộn những tác phẩm đã hoàn thiện, những công trường chế tác bụi đá mù mịt và ầm ĩ tiếng máy xẻ, máy cắt, máy mài…, đình Xuân Vũ là một không gian hoàn toàn khác biệt, yên bình.

Ở Ninh Vân, thứ nhiều nhất là đá. Những đá khối, đá cây, những tượng đá, rồng phượng, tứ linh, đồ thờ cúng, linh vật đá… đứng ngồi dọc hai bên đường. Từ những khối đá sù sì, thô ráp, nặng nề…, qua bàn tay tài hoa của người thợ bỗng trở nên có hồn, và sẽ bền bỉ mãi với thời gian, mưa nắng…

Khu hậu cung của đình làng cũng được xây dựng bằng những cột đá nguyên khối.

Khu hậu cung của đình làng cũng được xây dựng bằng những cột đá nguyên khối.

Trong số những công trình được làm từ đá, đình làng Ninh Vân là công trình biểu tượng cho hồn cốt làng đá Ninh Vân. Được khởi công xây dựng từ năm 2004, đến nay, ngôi đình của làng Xuân Vũ đã tròn 20 năm tuổi. Nó là ngôi đình đầu tiên ở làng quê Bắc bộ, toàn bộ hàng cột vững chãi đều được làm bằng đá, là tác phẩm của những con dân làng nghề, quy tụ tất cả các nghệ nhân đá tài hoa nhất của Ninh Vân cùng chung tay xây dựng.

“Khi đình làng xây dựng, tôi vẫn đang công tác, chưa phục viên. Đến lúc nghỉ hưu, về làng, tôi không tin vào mắt mình một công trình đẹp đẽ, uy nghi nhường vậy”, ông Diệu xuýt xoa mãi không ngừng.

Đình làng Ninh Vân được coi là biểu tượng cho sự tài hoa của nghề đá được lưu truyền qua bao thế hệ. Người kiến tạo, chỉ huy, xây dựng và phụ trách vẽ các họa tiết rồng, tứ linh… làm mẫu cho thợ chạm khắc trên hàng cột đá cũng là một người đặc biệt - ông Đỗ Quang Bình, bị tàn tật từ nhỏ vì một cơn bạo bệnh.

Sinh năm 1956, khi 16 tháng tuổi, cậu bé Đỗ Quang Bình bị sốt cao, rồi biến chứng liệt một bên chân phải. Tuổi thơ của Bình từ đó làm bạn với chiếc nạng, thua thiệt hơn chúng bạn, là nỗi vất vả nặng thêm cho người mẹ tảo tần vùng quê nghèo. Ninh Vân thời ấy còn có nghề thêu. Lựa sức mình, Bình làm thêu, vẽ các họa tiết cho thợ thêu trên vải. Quãng thời gian thêu thùa đã cho anh kinh nghiệm, cùng với khả năng trời phú, anh chuyển sang nghề đá từ năm 1988, đến nay được 35 năm, cũng là người làm nên những công trình bằng đá muôn đời “trơ gan tuế nguyệt” khắp các vùng miền cả nước.

Nghệ nhân làng đá Ninh Vân Đỗ Quang Bình - 'tổng công trình sư' xây dựng đình làng với hàng cột bằng đá.

Nghệ nhân làng đá Ninh Vân Đỗ Quang Bình - "tổng công trình sư" xây dựng đình làng với hàng cột bằng đá.

“Tôi vẫn nhớ, buổi sáng khi dựng xong hai cây cột cái của đình làng, các cụ làm mâm cơm liên hoan nhưng tôi không dám ở lại dự vì buổi chiều tôi đi dạm ngõ, chuẩn bị cưới nhà tôi bây giờ. Lễ ăn hỏi xong, tôi lại quay về cùng với dân làng dựng đình”, anh Bình kể lại câu chuyện 20 năm về trước, bởi cột mốc dựng đình làng trùng với những sự kiện lớn trong cuộc đời anh - lấy vợ, làm nhà…

Rồng đá Ninh Vân

Giống như chủ nhiệm làng nghề đá Ninh Vân Nguyễn Quang Diệu, anh Đỗ Quang Bình là người hồn hậu, mến khách. Bỏ công việc ở xưởng đá lại một bên, anh thấp thểnh cùng chúng tôi ra ngôi đình nổi tiếng, tỉ mỉ chỉ dẫn từng chiếc cột, từng họa tiết chạm khắc hoa văn trên đá…

Theo anh Bình, đình làng Xuân Vũ rộng 5 gian, gồm 6 hàng cột, trong đó có 2 hàng cột cái, 4 hàng cột quân, tổng số 24 cột đá. 6 cột cái mỗi cái cao 4,7m; cột quân thấp dần theo kiến trúc của đình. Được giao nhiệm vụ “tổng công trình sư”, anh Bình lo thiết kế, vẽ các họa tiết để thợ đục thực hiện trên đá. 6 cột cái chia thành 3 cặp cột, mỗi cặp đục một cặp long giáng, một cặp long thăng, một cặp long cuốn thủy; các cột quân chạm khắc tứ linh, sắp xếp đối xứng nhau. Các chi tiết khác trong đình cũng được làm bằng đá nguyên khối, chạm khắc họa tiết hoa văn tinh xảo, kết nối với nhau bằng mộng cá tạo thành một khối bền chắc, không tách rời.

Rồng chạm khắc đá ở làng nghề đá Ninh Vân.

Rồng chạm khắc đá ở làng nghề đá Ninh Vân.

Năm 1976, phong trào xây dựng hợp tác xã ở miền Bắc bước vào giai đoạn nở rộ. Các công trình tín ngưỡng, văn hóa được cho là tàn tích của thời kỳ phong kiến, chế độ cũ… bị xóa bỏ. Đình làng Xuân Vũ thời cổ, cột kèo bằng lim, chân cột bằng đá… bị dỡ để mang cột đình đi xẻ lấy gỗ phục vụ các công trình khác. Những gì còn lại là hàng chân cột bằng đá nguyên khối, mấy chiếc cột đá của hậu cung đình… chất thành một đống lãng quên theo mưa nắng. Đến năm 2004, những người con thành đạt của Ninh Vân về quê phát động cả làng chung tay dựng lại đình, người góp công, người góp của..., đình làng được dựng mới. Những người thợ đá Ninh Vân trong đó có Đỗ Quang Bình đã đóng góp bằng bàn tay tài hoa của người thợ.

“Một chiếc đình hàng cột bằng gỗ dựng đã lâu, đình làng 5 gian dựng bằng cột đá thì công sức phải gấp mấy lần như thế, bởi đá rất nặng nề. Người ta có câu, “nặng như đá” là vậy. Thứ hai, mộng đá cũng khó hơn so với mộng gỗ. Một cây cột đá cao hơn 4m phải chắp nhiều đoạn mới thành, các khớp đá kết nối với nhau bằng mộng cá, bằng kỹ thuật của làng nghề làm sao để giấu đi được chỗ ghép, mắt thường nhìn không thể nhận ra. Cái tài tình, khéo léo của làng nghề là vậy”, anh Bình nói.

Những họa tiết chạm rồng trong ngôi đình làng độc đáo.

Những họa tiết chạm rồng trong ngôi đình làng độc đáo.

 

Chỉ tay một chiếc cột cái gần với bàn hương án cũng bằng đá, anh Bình giảng giải: “Hai cột cái trong cùng đối xứng nhau, tôi phác thảo đôi rồng giáng, tức là tư thế từ trên trời đang giáng xuống dưới. Đôi cột cái bên ngoài chạm đôi rồng thăng. Kiến trúc đình chùa của các cụ, việc sắp xếp họa tiết gì, ra sao… đều có lý do của nó, mình cứ thế theo các cụ làm thôi”.

Những vết chạm nổi trên bền mặt đá, sâu lút ngón tay, sau đó được chà nhẵn, phẳng lì. Con rồng uốn lượn ôm theo cột đá, có những đám mây vờn xung quanh tạo nên sự mềm mại, uyển chuyển của một linh vật linh thiêng thuộc hàng tứ linh trong tín ngưỡng dân gian, vừa là biểu tượng cho sự linh thiêng, vừa biểu tượng cho sức mạnh, quyền lực. Rồng đá của làng nghề Ninh Vân giữ được thần thái của rồng thời Trần, thời Lý, nhưng được cách điệu để hài hòa, cân xứng, đẹp đẽ hơn qua mỗi một thời kỳ.

Anh Bình bên tác phẩm chạm rồng do chính tay mình vẽ họa tiết.

Anh Bình bên tác phẩm chạm rồng do chính tay mình vẽ họa tiết.

Ông Nguyễn Quang Diệu - chủ nhiệm làng nghề đá Ninh Vân.

Ông Nguyễn Quang Diệu - chủ nhiệm làng nghề đá Ninh Vân.

Toàn bộ phần họa tiết, hình vẽ trang trí trên đồ đá của đình làng đều một tay anh Bình phụ trách. Những bản vẽ ban đầu anh Bình vẽ bằng tay trên giấy, phân chia tỷ lệ, sau đó phóng to trên giấy khổ lớn, rồi dán vào chiếc cột đá đã được chuẩn bị. Thợ đục, thợ chạm cứ theo hình vẽ mà làm, ban đầu là đục phá, đục thô, tiếp đó hoàn thiện các chi tiết, tiểu tiết, rồi mài mòn, đánh bóng… thành tác phẩm hoàn chỉnh.

“Một cây cột đá chạm rồng như thế này, một thợ lành nghề mất khoảng vài ba tuần. Sự tỷ mẩn, kỹ lưỡng đòi hỏi phải rất trau chuốt, không để những lỗi nhỏ sẽ mất đi sự hoàn mỹ của cả tác phẩm. Sau khi hoàn thành khâu chế tác, khâu lắp đặt, dựng cột cũng rất quan trọng và nặng nề. Bây giờ có hỗ trợ của máy móc, thời các cụ toàn dùng sức người, dựng được những cột đá cao 3 - 4m, nặng hàng tấn theo phương thẳng đứng, hậu sinh chúng tôi đến giờ vẫn không theo kịp”, anh Bình chặc lưỡi xuýt xoa.

Trăm năm bồi lắng

Nghề đá Ninh Vân có từ lâu đời. Truyền thuyết chép lại, vị tổ nghề đá ở Ninh Vân tên húy là Hoàng Sùng, người làng Nhồi, Thanh Hóa, một thợ chế tác đá tài giỏi thời trẻ đã di cư làm rể của làng, lập nghiệp rồi truyền dạy cho dân địa phương. Dấu ấn nghề đá mỹ nghệ Ninh Vân còn lưu giữ ở những di tích lịch sử tiêu biểu của đất nước, như Cố đô Hoa Lư, Lăng Bà chúa Liễu ở Phủ Vân Cát (Vụ Bản, Nam Định), nhà thờ đá Phát Diệm (Kim Sơn, Ninh Bình), lăng Khải Định (Huế), tượng phật ở chùa Hương Tích (Hà Nội), đền Thái Vi (Hoa Lư, Ninh Bình)…

Thợ đá Ninh Vân đang thực hiện thao tác chạm khắc một bức rồng đá.

Thợ đá Ninh Vân đang thực hiện thao tác chạm khắc một bức rồng đá.

Cặp rồng chầu đang ở giai đoạn hoàn thiện.

Cặp rồng chầu đang ở giai đoạn hoàn thiện.

Ông Nguyễn Quang Diệu, chủ nhiệm làng nghề đá Ninh Vân cho biết, như nhiều làng nghề khác, nghề đá Ninh Vân cũng trải qua nhiều cuộc dâu bể, nổi chìm. Thời kỳ cả nước còn khó khăn, nghèo khó, người dân còn lo kiếm cái ăn, cái mặc, chưa có điều kiện, thời gian để chú trọng tới những giá trị tinh thần…, dân Ninh Vân làm cối đá, chày đá, trục đá kéo lúa, cối xay bột… bán đi khắp nơi để mưu sinh. Đó là những vật dụng thông thường, không cần đến tay nghề tinh xảo, nhưng Ninh Vân vẫn làm, chờ vận hội.

Trong những công trình văn hóa lớn mà làng đá Ninh Vân tham gia phải kể tới Nhà thờ đá Phát Diệm. Hầu hết thợ đá của làng đều tham gia xây dựng, làm thuê, ròng rã hàng năm trời. Công trình kỳ vĩ, tiêu biểu cho nghệ thuật chế tác đá đạt tới trình độ thượng thừa ấy là cơ hội rèn luyện để thợ đá Ninh Vân có được tay nghề cao như hiện nay.

Họa tiết tứ linh trên đầu một cột đá trước đình Xuân Vũ.

Họa tiết tứ linh trên đầu một cột đá trước đình Xuân Vũ.

Họa tiết rồng trên mái đình làng đá Ninh Vân.

Họa tiết rồng trên mái đình làng đá Ninh Vân.

“Bấy giờ, khi công trình nhà thờ đá Phát Diệm hoàn thành, trong làng có một gia đình họ Lương có điều kiện kinh tế, nhân dịp ấy đã mua lại đá còn thừa, chưa sử dụng hết, về thuê thợ trong làng dựng một ngôi nhà bằng đá. Đây cũng là công trình bằng đá đầu tiên ở làng Ninh Vân, dù Ninh Vân đi khắp nơi làm công trình đá cho thiên hạ”, ông Diệu kể chuyện.

Trước, xung quanh làng Ninh Vân là những núi đá có tên núi Chùa, núi Tai Voi, núi mả Vỏ… bủa vây. Thuở còn chăn trâu cắt cỏ, ông Diệu vẫn dong trâu ra chăn ở chân những ngọn núi ấy. Đến giai đoạn làng nghề thịnh, ngoảnh đi ngoảnh lại, chỉ trong 5 - 10 năm, những ngọn núi sừng sững là thế mà đã biến mất hoàn toàn. Ấy là do thợ đá Ninh Vân kéo lên núi lấy đá về chế tác.

“Thời các cụ chưa có máy móc, tất cả đều thủ công, tay chân. Thợ đá lên trên đỉnh núi, lần tìm thớ đá, thế mà chỉ bằng chiếc đục, chiếc búa dỡ được cả ngọn núi. Đúng là sức người khiến đá núi cũng phải mòn”, ông Diệu nói, không biết nuối tiếc hay thán phục.

Khối đá dỡ ra, lấy xà beng, đòn bẩy, dùng sức người đẩy cho lăn xuống chân núi, tiếp tục dùng bè gỗ, con lăn… kéo đá về làng chế tác. Có những khối đá tảng lớn, phá ra khỏi núi rồi mà không lấy được, vì nó lăn xuống khe, sức người mấy cũng không kéo lên được…

Anh Đỗ Quang Bình phác thảo họa tiết rồng trên giấy trước khi phóng to để làm mẫu đục trên điêu khắc đá.

Anh Đỗ Quang Bình phác thảo họa tiết rồng trên giấy trước khi phóng to để làm mẫu đục trên điêu khắc đá.

Những chuyện xưa cũ mà ông Diệu từng chứng kiến, nay đã lùi xa. Ngày nay, Ninh Vân trở thành thủ phủ chế tác đá của cả nước. Các vùng đá khác từ Thanh Hóa, Yên Bái, xã xôi như Quỳ Châu, Quỳ Hợp (miền Tây Nghệ An) cũng đưa đá về Ninh Vân, vừa bán đá, vừa thuê thợ đá làng nghề chế tác, bởi thương hiệu “làng đá Ninh Vân” đã được công nhận và khẳng định, sản phẩm làm ra tại Ninh Vân, giá trị kinh tế cao hơn nhiều so với sản phẩm đá của các làng nghề khác, vùng khác.

Ông Diệu chia sẻ: “Nghề chế tác đá ở Ninh Vân truyền nghề theo lối cha truyền con nối. những bí quyết nghề mà các nghệ nhân có được là do sự kiên nhẫn, tìm tòi, học hỏi, sự khéo léo và óc sáng tạo của mỗi cá nhân trong quá trình lao động. Có những bí quyết và tài hoa của tiền nhân mà hậu duệ không thể phát huy, nhưng ngược lại, có những nhân tài vượt trội tạo ra sự phát triển tương đối nhanh của ngành nghề thủ công”.

Đình Hòa Lạc (Lâm Động, Thuỷ Nguyên, Hải Phòng) - một công trình do anh Đỗ Quang Bình xây dựng.

Đình Hòa Lạc (Lâm Động, Thuỷ Nguyên, Hải Phòng) - một công trình do anh Đỗ Quang Bình xây dựng.

Bước sang thời kỳ Đổi mới 1986, nghề chế tác đá ở Ninh Vân vào giai đoạn phát triển, hưng thịnh. Làng Hệ và làng Xuân Vũ là hai làng nghề truyền thống ở Ninh Vân, các nghệ nhân đã tận tâm, tận lực truyền dạy nghề truyền thống cho lớp con cháu trong gia đình, họ tộc và xóm làng ở từng công đoạn khác nhau. Nối nghiệp cha ông, con em Ninh Vân không chỉ tiếp thu bí quyết nghề, rèn luyện tay nghề mà còn phấn đấu học hành, có bằng cấp chuyên ngành điêu khắc, kKiến trúc… để nâng tầm thành những kỹ sư chế tác đá có tay nghề, bằng cấp, trở thành chủ các cơ sở chế tác đá uy tín ở Ninh Vân.

Ngày nay, bàn tay tài hoa của những người thợ đá Ninh Vân in dấu trên những công trình lớn của đất nước như cụm tượng đài nghĩa trang Trường Sơn, tượng Mẹ Suốt ở Quảng Bình, tượng đài Bác Hồ ở quảng trường Hồ Chí Minh (thành phố Vinh, Nghệ An), tượng Trần Hưng Đạo ở Kinh Môn (Hải Dương), các pho tượng La Hán đặt tại chùa Bái Đính… Người dân Ninh Vân cũng vinh dự khi có những nghệ nhân, những người thợ có tay nghề cao như Nguyễn Văn Ban, Đỗ Phương, Đỗ Đức, Nguyễn Văn Trân… được tham gia xây dựng lăng Bác tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội. Đây chính là những giá trị lịch sử văn hóa trường tồn với thời gian của một làng nghề nghìn năm tuổi.

Rồng đá Ninh Vân (Hoa Lư, Ninh Bình).

Rồng đá Ninh Vân (Hoa Lư, Ninh Bình).

Bản thân anh Đỗ Quang Bình cũng trực tiếp xây dựng những công trình đá trong các di tích nổi tiếng như chùa Tứ Kỳ (Hải Dương), nhà ga cáp treo - chùa Yên Tử, cổng đá của khu du lịch Tam Cốc - Bích Động, cây cau đá ở Quảng Bình, trung tâm Phật giáo Việt Nam bên Mỹ, cổng tam quan bằng đá, cột đá - rồng  bệ tượng, nhang án khu đại bái (đền Côn Sơn - Kiếp Bạc), kèo đá của đình Hòa Lạc (Lâm Động, Thủy Nguyên, Hải Phòng), trụ đá biểu cổng chùa Việt Nam tại Texas, Hoa Kỳ năm 2000…

Ninh Vân hiện có 10/12 thôn có nghề chạm khắc đá mỹ nghệ trong đó có 3 làng nghề là Xuân Vũ, Dưỡng Thượng và Dưỡng Hạ được công nhận là làng nghề chế tác đá mỹ nghệ truyền thống. Ninh Vân có khoảng 1.000 lao động chuyên làm nghề, nhiều nhất là ở các thôn Xuân Thành, Xuân Phúc, thôn Thượng và thôn Hạ, trong đó có khoảng 50 người có trình độ cao.

Trước sự phát triển của làng nghề, tỉnh Ninh Bình đã phê duyệt thành lập Cụm công nghiệp đá mỹ nghệ Ninh Vân với tổng diện tích 30ha để các làng nghề của Ninh Vân có điều kiện để phát triển, vươn xa.

Theo các hiện vật khảo cổ và hiện vật lưu tại các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, từ thế kỷ X, Hoa Lư đã được mệnh danh là “Kinh đô đá” với những núi non, tường thành và những công trình kiến trúc bằng đá nổi tiếng.

Trong những năm 1980, trên địa bàn Cố đô Hoa Lư (bên bờ sông Hoàng Long, sông Sào Khê), khi khai quật khảo cổ, các nhà khoa học đã tìm được những cột kinh bằng đá do Đinh Liễn là con trai cả của vua Đinh cho tạo tác, đặt dựng; cột kinh phật chùa Nhất Trụ do vua Lê Đại Hành cho tạo tác; các hiện vật Long Sàng (sập rồng) bằng đá tại đền thờ vua Đinh, đền thờ vua Lê ở cố đô Hoa Lư có niên đại thế kỷ XVII - XVIII là những tác phẩm bằng đá nổi tiếng và độc đáo với những bức chạm nổi các hoa văn, tứ linh và các loài thủy tộc, có niên đại khá sớm; những hiện vật bằng đá ở động Thiên Tôn còn mang dấu ấn nghệ thuật chạm khắc đá cách đây đã nhiều thế kỷ như đôi rồng đá ở hai bên tả, hữu tượng thần Thiên Tôn Trấn Vũ, bệ thờ, các cây đèn thờ…

  • Làng Nủ trước ngày khánh thành
    Phóng sự 14/12/2024 - 21:19

    40 ngôi nhà mới sẽ được bàn giao cho các hộ dân thôn Làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, Lào Cai) vào ngày 15/12 sau gần 3 tháng thi công.

  • Thái Bình phục hồi 'làng muối tâm linh’
    Phóng sự 14/12/2024 - 10:15

    Hạt muối sạch phơi cát Tam Đồng sẽ được phục hồi gắn với du lịch tâm linh, với di tích Đền Bà chúa Muối nức danh cả nước và sẽ là 'hạt muối di sản'.

  • Khát khao khôi phục vùng cam sành Tân Lĩnh
    Phóng sự 12/12/2024 - 10:57

    YÊN BÁI Tân Lĩnh nức tiếng một thời với những mùa cam sành sai trĩu bội thu, giờ chỉ là hoài niệm, người dân nơi đây khao khát khôi phục vùng cam đặc sản này.

  • Cá 'quý tộc' sống khỏe trên rẻo cao
    Phóng sự 06/12/2024 - 14:00

    Các hộ nuôi các nước lạnh tại Sa Pa không quản khó khăn, vẫn miệt mài tìm hướng đi mới cho dòng sản phẩm không phải nơi nào cũng có.

  • Lãng du - những ấn tượng khó phai
    Phóng sự 06/12/2024 - 10:18

    Miền núi phía Bắc luôn níu chân du khách, từ cảnh quan thiên nhiên kỳ thú, cho đến những sản vật đặc trưng, cùng sự nồng hậu của người dân địa phương.

  • Cây vàng trên Mỏ Vàng
    Phóng sự 06/12/2024 - 06:00

    Trời còn đẫm sương đêm, ông Đặng Nho Hưng (thôn Thác Tiên, xã Mỏ Vàng) đã thức giấc, mượn người lên đồi dọn thân củi quế chuẩn bị cho một mùa mới...

  • Đưa cây thuốc đi xa hơn bản làng
    Phóng sự 05/12/2024 - 15:15

    Ở Sa Pa (Lào Cai) có một cộng đồng người Dao đỏ đắm đuối với cây thuốc bản địa, đắm đuối với bài thuốc cha ông. Họ kiên trì đưa cây thuốc đi xa hơn bản làng...

  • Sâm Lai Châu trên đỉnh Pusilung
    Phóng sự 05/12/2024 - 14:00

    Dự hội nghị định hướng phát triển sâm Việt Nam do Bộ trưởng Lê Minh Hoan chủ trì, ông Ngô Tân Hưng càng quyết tâm xây dựng thương hiệu Sâm Việt Nam thành ngành hàng.

  • Vùng xanh ngát dưới chân đèo Pha Đin
    Phóng sự 05/12/2024 - 06:00

    Mấy chục năm về trước, xã Phổng Lái thiếu nước sinh hoạt, người dân hầu như sản xuất theo hướng tự cung tự cấp, chứ chưa bao giờ dám nghĩ đến quy mô hàng hóa.

  • Canh giữ linh hồn của rừng
    Phóng sự 04/12/2024 - 15:53

    Người ta gọi hổ là chúa tể của rừng xanh, còn tiếng hót của vượn chính là linh hồn của rừng.

  • 'Cá thần' dưới chân thác Trăng
    Phóng sự 04/12/2024 - 15:50

    Từng vài lần ăn cá dầm xanh ở Hòa Bình hay còn có tên cá bỗng ở Tuyên Quang, 'cá thần' ở Thanh Hóa, tôi ấn tượng về sự thơm, ngon, ngọt đậm của nó.

  • Đem hoa quả xứ người lên đất dốc
    Phóng sự 04/12/2024 - 13:45

    Thuở ban đầu, Sơn La chỉ toàn ngô, sắn và cây lâm nghiệp, tìm đỏ mắt không thấy bơ, nhãn, chứ đừng nói đề huề như bây giờ.

Xem thêm
Bình Phước sẽ là cực tăng trưởng vùng Đông Nam bộ

Đó là kỳ vọng của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại lễ công bố Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Hậu Giang hưởng lợi lớn từ thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé

Hậu Giang Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé phục vụ hơn 384.120ha sản xuất nông nghiệp vùng ĐBSCL, trong đó Hậu Giang là địa phương hưởng lợi lớn thứ hai với diện tích 48.500ha.

Trà Vinh sẽ vận hành 5 dự án năng lượng tái tạo vào năm 2030

Quy hoạch giai đoạn 2026 - 2030, các dự án sẽ được vận hành gồm điện mặt trời áp mái, điện rác, điện sinh khối, hướng đến giảm phát thải ròng bằng 0.