| Hotline: 0983.970.780

Đi giữa mùa hoa

Thứ Năm 22/06/2023 , 10:11 (GMT+7)

Lên cao nguyên đá Hà Giang, bạn sẽ tận thấy những con người vững chãi, hồn nhiên, yêu đời. Họ là những bông hoa mọc lên từ đá…

Một buổi chiều tháng 5, Lầu Mí Và, Phó bí thư Đảng ủy xã Cán Chu Phìn dẫn tôi tới thôn Há Ía. Như nhiều thôn khác ở Cán Chu Phìn, huyện Mèo Vạc, nơi này cũng toàn đá. Đá đứng ngồi nhấp nhổm trong những nương ngô. Đá đen trùi trũi phơi mình dưới nắng, nổi bần bật trên nền gan gà của vạt nương toen hoẻn vừa được lật đất xới lên bằng những chiếc cuốc con bướm đặc trưng của đồng bào Mông.  Đá và ngô chen vai đứng dậy, nhọn sắc, nhưng đầy vững chãi.

Em bé ở trên cao nguyên Há Ía, Cán Chu Phìn. Ảnh: Kiên Trung.

Em bé ở trên cao nguyên Há Ía, Cán Chu Phìn. Ảnh: Kiên Trung.

Há Ía có nhiều ngôi nhà xếp đá hộc để làm bờ tường rào: những viên đá mồ côi, đen nhẻm, góc cạnh, thô kệch… nhưng khi thành hình, nó đẹp hoang sơ và cổ kính. Những ngôi nhà Mông tường trình nhỏ nhắn, nền nhà cũng là đất nện trở nên vững chãi hơn nhờ có những bờ rào đá.

Cán Chu Phìn đang mơ ước sử dụng những bờ rào đá này để làm du lịch, thu hút khách về với bản làng. Ước mơ dung dị, lành mạnh ấy, tôi cầu mong sẽ trở thành hiện thực, để bà con có cơ hội thoát nghèo, có thêm thu nhập bên cạnh nguồn thu chính là ngô một năm một vụ, thêm thắt nhờ bán con gà, con lợn, con bò…

Chiều cao nguyên Há Ía xanh ngắt và mát dịu. Đường vào bản đã trải bê-tông thẳng thớm, phẳng lỳ, như là một sự chuẩn bị để bắt đầu cho kế hoạch làm du lịch đang ấp ủ sẽ bung ra trong nay mai. Những chỗ rộng và trống dọc con đường đều được tận dụng xây những chiếc bể xi-măng chứa nước, có thể là nước mưa, hoặc dẫn nước từ trên núi theo nhưng những khe, lạch nhỏ để dự trữ cho những ngày khô hạn.

 
Ba chị em bé gái ở Há Ía, Cán Chu Phìn, huyện Mèo Vạc. Ảnh: Kiên Trung.

Ba chị em bé gái ở Há Ía, Cán Chu Phìn, huyện Mèo Vạc. Ảnh: Kiên Trung.

Ngay chỗ khúc cua gần nhà trưởng thôn Há Ía Hờ Pá Lúa, tôi đã bước qua ngôi nhà nhỏ xíu như một chuồng chim câu, đối diện với ngôi nhà hai tầng xây gạch kiên cố nhưng không trát, giữ nguyên lớp gạch xây đỏ sẫm thô mộc, không biết vì chủ nhà hết tiền phải dừng lại chờ hay đó là một cách trang trí theo sở thích riêng, thì dừng lại…

Một bé gái chừng hai tuổi trần truồng bò trên nền nhà đất nện, cánh cửa cũng nhỏ, tỉ lệ thuận với kích thước ngôi nhà. Nhưng cháu bé xinh xắn quá, da trắng hồng, gương mặt xinh đẹp, thánh thiện khiến tôi phải dừng bước…

Ngôi nhà tối, chỉ có vệt sáng của buổi chiều hắt vào qua cánh cửa. Bé em bò lổm ngổm trên mặt đất, khi thấy người lạ, bé không khóc nhưng cánh tay nhỏ bé giơ lên cao, gần như muốn chỉ vì chưa biết nói càng khiến tôi tò mò, mạnh dạn bước vào hẳn bên trong…

Đối diện chỗ bé gái ngồi là một chiếc phản kê sát đất, buông màn hờ hững. Bên chiếc giường đó, một bé gái chừng 5 tuổi đang ẵm một bé em vài tháng tuổi. Cả ba chị em trứng gà trứng vịt, nhưng gương mặt đẹp đẽ như những thiên thần.

Một xóm nhỏ ở Sán Séo Tỷ, xã Khâu Vai. Ảnh: Kiên Trung.

Một xóm nhỏ ở Sán Séo Tỷ, xã Khâu Vai. Ảnh: Kiên Trung.

Lên Hà Giang, bạn sẽ gặp rất nhiều những bé gái xinh xắn như thiên thần, đôi mắt đẹp như biết cười, và thực sự thân thiện. Các cháu luôn cười rất tươi, và vẫy tay chào khách.

Ba chị em bé gái là con của Mía, cậu trai bản Há Ía. Hai vợ chồng Mía đi lấy cỏ bò, để 3 đứa trẻ ở nhà trông nhau. Nhìn ba đứa trẻ xinh đẹp, ngoan hiền ủn ỉn bên nhau, trong tôi dấy lên một niềm yêu thương vô hạn. Tôi vội đi sang những nhà hàng xóm, tìm được một cố gái vừa đi cắt cỏ bò về, và đại ý muốn nhờ em sang nhà Mía để mặc quần áo cho đứa trẻ đang ở trần, bò lổm ngổm trên nền nhà. Tôi lo lắng đứa bé sẽ bị cảm lạnh, hay bị một cái gì đó không tốt cho nó. Rồi sau đó, tôi tất tả đi tìm một quầy bán tạp hóa, bánh kẹo… để mang về một bịch có thể gọi là thật nhiều bánh kẹo, làm quà cho những đứa trẻ xin Ngoan…

Ở nơi khó khăn và khắc nghiệt, những đứa trẻ đầy tràn sức sống, và xinh đẹp thực sự. Với tôi, chúng như những bông hoa mọc lên từ đá. Chúng là những bông hoa của cao nguyên đá.

Đám cưới người Mông

Tôi đã có mặt ở Hà Giang trong nhiều thời khắc khác nhau. Đó có thể là mùa khô tháng 6 khi cái nắng như rang đá trải khắp cao nguyên mênh mông, hay có thể là dịp gần cuối đông, chuẩn bị bước sang xuân. Những cây đào núi khỏe khoắn và sốt ruột đã nở bung những cánh hoa phơn phớt hồng, khiến xứ đá có những nơi cảm giác mùa xuân đến rất sớm, không chờ đúng lịch…

Đám cưới người Mông ở Lũng Phìn. Ảnh: Kiên Trung.

Đám cưới người Mông ở Lũng Phìn. Ảnh: Kiên Trung.

Khi ấy, mới độ tháng Mười tây, thế mà cả vùng cao nguyên đá Hà Giang đã bắt đầu se lạnh như chớm đông, dù những nương ngô dọc hai bên đường quốc lộ, những nương ngô chen chúc, len lỏi theo những con đường chuột chạy túa ra khắp mênh mông đá xám… dù đã được thu hoạch chừng non tháng vẫn còn trổ hoa bời bời. Đấy là lúc, những vạt tam giác mạch trên khắp rẻo cao, chờ gió đông sớm sẽ bắt đầu tung tóe lứa hoa đầu mùa. Đấy cũng là lúc, ông Mùa Nỏ Sính, sinh năm 1977, người Mông bản Lũng Cẩm, xã Sủng Là (huyện Đồng Văn) chuẩn bị tổ chức đám cưới cho cô con gái.

Mùa Thị Cầu, cô dâu xinh đẹp, rạng rỡ nhất ngày hôm nay của bản Lũng Cẩm, 21 tuổi. Chú rể Vằn Văn Thoái, 25 tuổi, là người Mông nhà bên Bắc Kạn. Chính ông Sính cũng không biết, cơn gió nào khiến con bé Cầu nhà ông gặp được chồng nó bây giờ, để vợ chồng ông bắc rạp đúng ba ngày ba đêm, thổi xôi, giết lợn… đãi họ hàng, bản làng tiễn con gái đi làm dâu.

Những đứa trẻ Lũng Cẩm, xã Sủng Là.

Những đứa trẻ Lũng Cẩm, xã Sủng Là.

Vườn hoa hướng dương người dân trồng để khách du lịch check-in, chụp ảnh ở Lũng Cẩm. Ảnh: Kiên Trung.

Vườn hoa hướng dương người dân trồng để khách du lịch check-in, chụp ảnh ở Lũng Cẩm. Ảnh: Kiên Trung.

Đứng trên đầu dốc có tấm biển ghi “xã Sủng Là” đã bắt đầu nhìn thấy bản Lũng Cẩm. Có lẽ, ở cao nguyên đá Đồng Văn, Sủng Là là xã đẹp nhất, nằm thỏn lỏn trong một thung lũng rộng lòng. Ở đây, đá tai mèo dường như bớt nhọn sắc, gió biên viễn hình như cũng bớt buốt giá hơn so với các xã khác, thì bản Lũng Cẩm cũng là bản đẹp nhất nằm gọn gàng trong thung lũng Sủng Là. Thế thì hoàn toàn có thể xác nhận, Lũng Cẩm là bản đẹp nhất của cao nguyên đá Đồng Văn!

Một đám sa mộc thân thẳng tắp, tàn lá sum suê đứng thành một cụm rừng nhỏ trùm lên những mái nhà lợp ngói đỏ theo kiểu mái lệch - kiến trúc đặc thù của người Mông Đồng Văn. Con đường vào bản trồng hai hàng xoan ta cổ thụ, thân mốc trắng lấm chấm; những chiếc lá già bắt đầu chuyển vàng đợi gió về là sẽ lao xao dát vàng trên mặt đất. Và, hai bên đường vào bản, những vạt tam giác mạch sắp sửa bung hoa, những cánh hoa li ti, nhìn kỹ sẽ giống hình trái tim lộn ngược.

Mùa A Minh mặt đỏ lựng, xốc chiếc gùi rồi lừng khừng quay đầu chiếc xe máy để về nhà. Phía xa, cách chỗ Minh chừng 100m, tiệc rượu vẫn còn đang tưng bừng trên vuông đất rộng. Cậu trai bản cho hay, đám cưới người Mông, mời ăn cưới không có giờ, nghĩa là lúc nào đến thì vào bàn. Rượu thịt đã chuẩn bị sẵn. Mấy chiếc bếp lúc nào cũng đỏ lửa. Những chiếc chảo lớn bắc bên trên lúc nào cũng sôi sùng sục, bốc khói nghi ngút. Củi thông, củi sa mu cháy đượm… bốc lên ngào ngạt mùi thơm tinh dầu, át đi cả mùi thức ăn, mùi rượu đang lênh láng trên các bàn tiệc.

Một gia đinhg người Mông 5 thế hệ có nghề chạm bạc tại bản Lao Xa, xã Sủng Là. Ảnh: Kiên Trung.

Một gia đinhg người Mông 5 thế hệ có nghề chạm bạc tại bản Lao Xa, xã Sủng Là. Ảnh: Kiên Trung.

Người Mông Hà Giang đi ăn cỗ không mừng phong bì, mừng tiền như dưới miền xuôi. Thường, khách gùi nguyên một gùi đầy gạo, ngô, có thể là rượu, hoặc con gà sống… đến mừng gia chủ.

Sủng Là - xã đầu tiên trong bản đồ du lịch của Đồng Văn nằm trọn vẹn giữa một thung lũng đẹp nhất. Cao nguyên đá ưu ái cho Sủng Là thung lũng rộng lòng, đất đai phì nhiêu hơn các xã khác. Đây cũng là điểm có lượng mưa trong năm lớn nhất của vùng cao nguyên đá.

Lũng Cẩm vốn đã đẹp tự ngàn đời và được nhiều người biết hơn khi được lấy làm bối cảnh phim “Chuyện của Pao”. Sau sự kiện đó, cả bản Mông Lũng Cẩm trở thành bản làm du lịch. Huyện Đồng Văn cấp kinh phí cho xã làm nông thôn mới, con đường vào bảo Lũng Cẩm được trải phẳng lì, dẫn đến từng nhà dân.

Năm 2019, hợp tác xã du lịch Lũng Cẩm được thành lập, do ông Mua Mí Lùng làm chủ nhiệm, với 11 xã viên là các hộ dân trong bản. Hàng ngày, các xã viên cắt cử nhau đón khách ở nhà tiếp đón đầu bản, bán vé cho khách tham quan. Nếu khách có nhu cầu ở lại qua đêm, sẽ bố trí cho chỗ lưu trú, để thực tế cuộc sống của người Mông Đồng Văn. Nhà vệ sinh, khu tập kết rác thải sinh hoạt được xây dựng nề nếp; vật nuôi được đưa ra khu vực riêng, để đảm bảo vệ sinh chỗ ở. Đám đất trống hai bên đường vào bản, ngày trước trồng ngô, giờ được quy hoạch để trồng hoa tam giác mạch.

Ông Mùa Phái Tủa (bản Lũng Cẩm) vui chuyện kể: mỗi tháng, thu nhập thêm từ du lịch, mỗi gia đình cũng thêm được vài triệu đồng. Thích nhất, là cuộc sống, văn hóa của người Mông Đồng Văn được du khách biết đến, rồi mang theo như một món quà của Hà Giang dành cho họ.

Bên hẻm Tu Sản

Từ bản Lũng Cẩm, đi thêm một thôi đường là đến đỉnh Mã Pí Lèng. Séo Xá Lủng là một trong những điểm cao nhất của Mã Pì Lèng. Từ trên điểm cao này, con đường Hạnh phúc như một sợi chỉ mềm mại bị gió thổi thành những nếp gấp bềnh bồng. Và, con sông Nho Quế lại ở một độ thấp sâu hơn nữa, cũng gấp khúc, uốn lượn đồng điệu với con đường.

Phơi lanh trên bãi đá cổ Mặt Trăng (Đồng Văn). Ảnh: Kiên Trung.

Phơi lanh trên bãi đá cổ Mặt Trăng (Đồng Văn). Ảnh: Kiên Trung.

Trên cổng trời Séo Xá Lủng, tôi gặp Sồng Mí Sếnh, cậu trai người Mông sinh năm 1985, nhà ở men núi chênh vênh tựa như một người đứng một chân, chân kia khuỵu xuống làm điểm tì lên mép núi. Theo độ thoải của sườn núi, một con đường độc đạo duy nhất để nhà Sếnh đi về. Ngôi nhà thưng gỗ mỏng manh của Sếnh nằm chếch bên đầu sông Nho Quế, trông xuống hẻm núi Tu Sản - kỳ quan đẹp nhất của Công viên địa chất cao nguyên đá Đồng Văn.

34 tuổi, Sếnh đã có 7 đứa con. Đứa lớn học lớp 7, đứa nhỏ chuẩn bị đi học. Mấy ngày này, nhà Sếnh đang bận rộn. Cậu chuẩn bị dựng một ngôi nhà mới, vẫn men theo triền núi, sát với ngôi nhà khung gỗ lụp xụp, lợp ngói bờ-rô xi-măng. Già trẻ lớn bé gần chục người được huy động gùi từng gùi đá; gùi từng viên đá tảng từ trên đường xuống, đi theo đường dốc, mỗi bậc là một nhát cuốc xẻ để làm bậc, cần mẫn như những đàn kiến. Lầm lụi hơn cả đàn kiến.

Tác giả bài viết bên những đứa trẻ ở bản Há Ía, xã Cán Chu Phìn.

Tác giả bài viết bên những đứa trẻ ở bản Há Ía, xã Cán Chu Phìn.

Đống đá nghiền trên đường vơi dần. Đống đá nghiền đổ trong nhà đầy thêm. Sắt thép đã chất thành cuộn; xi măng chất thành hàng. Chắc chắn, phải hàng trăm lượt gùi lên xuống như thế, Sếnh mới chuẩn bị xong nguyên liệu để mượn thợ về dựng nhà cho mình.

Sính không biết, gia đình cậu, gia đình bà Lò Thị Ma (bà nội Sính), Giàng Mí Sính (mẹ Sính)… đang sinh sống trên địa danh đẹp nhất cao nguyên đá, đang là chủ nhân của di sản công viên địa chất toàn cầu đẹp nhất Đông Nam Á. Khúc sông Nho Quế, hẻm núi Tu Sản… ngàn năm nay người Mông ở, vạn ngày và đều đặn mỗi ngày họ nhìn thấy, những mùa ngô lớn lên rồi được nhổ bỏ chờ mùa mới tra hạt; hai cây cổ thụ lừng lững đứng ở chênh vênh triền núi, sát miệng vực… mỗi ngày thêm một tuổi, già nua, cổ kính, và uy nghi hơn…

Từ ngàn đời nay, người vùng Cao nguyên đá vẫn thế. Chậm rãi, nhẫn nại, hiền lành - như cây cổ thụ đứng chốt giữ ở điểm cao nhất, nhưng không bao giờ chênh vênh, đơn độc. Không bao giờ bị sương mù, gió núi bủa vây…

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Trang bị kỹ năng tận dụng phụ phẩm nông nghiệp cho nông dân

Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh vừa tổ chức lớp tập huấn về 'Quy trình sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng từ phụ phẩm nông nghiệp địa phương'.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Xúc tiến, quảng bá, kết nối du lịch Đồng bằng sông Cửu Long

Đồng bằng sông Cửu Long từ lâu đã nổi tiếng là vùng đất bình yên của những người dân chất phác, thân thiện với phong cảnh thiên nhiên hữu tình, thơ mộng.