| Hotline: 0983.970.780

Rừng ngập mặn chết khô kéo theo hàng loạt hệ lụy

Thứ Ba 12/03/2024 , 10:55 (GMT+7)

Quảng Nam Rừng ngập mặn chết không rõ nguyên nhân nhưng chậm phục hồi làm ảnh hưởng đến hệ sinh thái cũng như sinh kế của người dân địa phương.

Từ sau đợt bão năm 2020, nhiều diện tích rừng ngập mặn ở xã Tam Giang (Núi Thành, Quảng Nam) bị chết hàng loạt. Ảnh: L.K.

Từ sau đợt bão năm 2020, nhiều diện tích rừng ngập mặn ở xã Tam Giang (Núi Thành, Quảng Nam) bị chết hàng loạt. Ảnh: L.K.

Xã Tam Giang (huyện Núi Thành) là địa phương có diện tích rừng ngập mặn lớn của tỉnh Quảng Nam với khoảng 25ha. Khu rừng ngập mặn tại đây tương đối đa dạng các loại cây như bần, đước, mắm… có tuổi đời lên đến hàng trăm năm tuổi giữ vai trò như lá phổi xanh ở khu vực phía nam tỉnh này. Không những vậy, đây còn là nơi cư trú của nhiều loại hải sản, tạo nguồn sinh kế cho hàng trăm hộ dân.

Tuy nhiên, sau đợt bão cuối năm 2020, toàn bộ rừng cây đều rụng lá, sau đó 1 phần diện tích chết khô tạo thành những khoảng xám xịt loang lổ. Qua ghi nhận, khu rừng ngập mặn này có chiều dài khoảng 3km, kéo dài từ thôn Đông Xuân đến thôn Đông Bình (xã Tam Giang) hầu như khu vực nào cũng có cây chết. Chứng kiến cảnh tượng này, những người dân địa phương không khỏi xót xa, tiếc nuối.

Những cây rừng bị chết khô nhưng đến nay vẫn chưa thể xác định được nguyên nhân. Ảnh: L.K.

Những cây rừng bị chết khô nhưng đến nay vẫn chưa thể xác định được nguyên nhân. Ảnh: L.K.

Bà Võ Thị Luật (79 tuổi, thôn Đông Bình) cho biết, từ lúc còn nhỏ, bà đã thấy những người dân trong làng gắn bó, mưu sinh dưới khu rừng ngập mặn này. Cho đến cách đây 3 năm, lần đầu tiên bà chứng kiến rừng cây bất ngờ chết hàng loạt mà không thể phục hồi lại cho đến bây giờ. Việc rừng cây ngập mặn chết ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người dân trong vùng.

“Trước đây, tôi cũng mưu sinh bằng nghề đánh bắt thủy, hải sản dưới rừng ngập mặn này. Hồi đó, rừng cây còn xanh tốt, cá tôm rất nhiều nên mỗi ngày cũng cho thu nhập từ 400 – 500.000 đồng. Còn bây giờ may ra cũng chỉ thu nhập được từ 100 – 200.000 đồng. Thấy thế nên nhiều người đã bỏ nghề, bán ghe thuyền để đi tìm công việc khác tốt hơn”, bà Luật tâm sự.

Theo thống kê, có khoảng hơn 5ha rừng ngập mặn bị chết hoàn toàn, không thể tái sinh. Ảnh: L.K.

Theo thống kê, có khoảng hơn 5ha rừng ngập mặn bị chết hoàn toàn, không thể tái sinh. Ảnh: L.K.

Ngoài việc tạo sinh kế cho người dân, rừng ngập mặn ở xã Tam Giang còn là nơi neo đậu tàu thuyền của bà con mỗi khi vào mùa mưa bão. Không còn rừng cây chắn sóng, chắn gió nên mỗi khi thiên tai xảy ra, ngư dân lại gặp khó khăn trong việc tìm địa điểm an toàn để ghe thuyền trú ẩn. Không chỉ vậy, khu vực này hiện nay còn đang hứng chịu lượng lớn rác thải sinh hoạt từ biển theo thủy triều tấp vào dày đặc, bốc mùi khó chịu.

Bà Nguyễn Thị Nguyệt, Trưởng thôn Đông Bình cho biết, toàn thôn có trên 300 hộ dân, phần lớn đều làm nghề đánh bắt thủy sản gần bờ. Những năm gần đây, cây xanh ở rừng ngập mặn bị chết không rõ nguyên nhân đã kéo theo nhiều hệ lụy: sản lượng hải sản đánh bắt giảm đáng kể, hoạt động nuôi trồng thủy sản cũng bị ảnh hưởng vì nguồn nước bị ô nhiễm. Đến nay vẫn chưa thể khắc phục được.

Rác thải từ biển dạt vào khu rừng ngập mặn gây ô nhiễm. Ảnh: L.K.

Rác thải từ biển dạt vào khu rừng ngập mặn gây ô nhiễm. Ảnh: L.K.

Theo chính quyền xã Tam Giang, rừng ngập mặn ở địa phương ngoài những cây nguyên thủy thì chính quyền các cấp đã vận động người dân trồng hơn 27ha. Đến năm 2015, UBND huyện Núi Thành triển khai dự án trồng phục hồi rừng ngập mặn tại xã này với mục tiêu phát triển rừng ngập mặn ven sông nhằm bảo vệ bờ đê, bờ kè khỏi bị xói lở do mưa bão cũng như ứng phó với biến đổi khí hậu.

Thống kê từ năm 2021 đến nay, tổng diện tích cây rừng ngập mặn bị chết hoàn toàn, không thể tái sinh khoảng 5ha. Sau thời điểm rừng cây bất ngờ chết hàng loạt, xã này cũng đã báo cáo lên UBND huyện Núi Thành, mời các chuyên gia về lấy mẫu nhưng đến thời điểm hiện tại vẫn chưa thể xác định được nguyên nhân cây chết.

Ông Nguyễn Ngọc Vinh, Phó Chủ tịch UBND xã Tam Giang cho biết: “Việc phục hồi rừng ngập mặn ở địa phương là rất cần thiết. Tuy nhiên, theo tính toán thì nguồn kinh phí bao gồm nghiên cứu, trồng, bảo dưỡng khá lớn, khoảng 3 – 4 tỷ đồng nên xã không đủ tiềm lực. Do đó, chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị huyện, tỉnh sớm có giải pháp phục hồi lại rừng ngập mặn. Hiện, huyện cũng đã có đề án nhưng phải đến năm 2025 thì mới có thể triển khai được”.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Trồng rừng giảm phát thải, ứng phó biến đổi khí hậu

Kiên Giang Trong giai đoạn 1, J&T Express tổ chức trồng mới 15.000 cây tràm, giúp mở rộng thêm 1ha rừng tràm ngập phèn tại Vườn quốc gia U Minh Thượng – Kiên Giang.

Những công nghệ 'chia lửa' cho lực lượng giữ rừng

Rừng đầu nguồn đóng vai trò quan trọng trong phòng chống thiên tai. Việc ứng dụng công nghệ trong bảo vệ rừng đầu nguồn giúp nâng cao hiệu quả quản lý bảo vệ rừng.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.