| Hotline: 0983.970.780

Sai phạm ở xã Kim Lộc

Thứ Hai 10/09/2012 , 10:29 (GMT+7)

Trong cơn hoạn nạn, xã Kim Lộc được cấp trên hỗ trợ khẩn cấp số tiền 283 triệu đồng để cứu đói trước mắt nhưng số tiền trên về đến UBND xã đã bị ém nhẹm.

Trụ sở của UBND xã Kim Lộc hiện nay

Theo ông Phan Thanh Hạnh, trú tại xóm Kim Thịnh, xã Kim Lộc (huyện Can Lộc, Hà Tĩnh), đại biểu HĐND xã nhiệm kỳ 2011-2015 thì năm 2010, lũ lụt tàn phá tỉnh Hà Tĩnh rất nặng nề. 100% số hộ dân xã Kim Lộc đều bị nước lũ nhấn chìm suốt hơn 2 tuần liền.

"Trong cơn hoạn nạn, xã Kim Lộc được cấp trên hỗ trợ khẩn cấp số tiền 283 triệu đồng để cứu đói trước mắt nhưng số tiền trên về đến UBND xã đã bị ém nhẹm. Mãi đến gần hết năm 2011, tôi tình cờ biết được thông tin xã Kim Lộc cũng được hỗ trợ 283 triệu đồng nên trong kỳ họp HĐND xã tôi đã đưa vấn đề này ra chất vấn. Sau đó tôi đã nhận được văn bản trả lời do ông Đỗ Viết Thống, Chủ tịch UBND xã ký và đóng dấu nhưng hầu hết các khoản chi được liệt kê ra đều “có vấn đề” và không thỏa đáng", vẫn theo ông Hạnh.

Chỉ riêng khoản tiền 62,04 triệu đồng được đưa vào “ô” chi cho công tác bão lụt bao gồm các khoản như: Hỗ trợ người bị thương (2 người) hết 4 triệu đồng; hỗ trợ bà Quý làm nhà 12 triệu đồng; hỗ trợ xóm 4 và xóm 10 nuôi cá 4,5 triệu đồng; hỗ trợ tiền giống lúa lai 10 triệu đồng; sửa chữa bàn ghế cho 2 trường (tiểu học và mầm non) hết 10,8 triệu đồng; sửa chữa mố cầu kênh 19/5 gần 4 triệu đồng và tiếp khách, quà cho các đoàn, trả công hết 16,8 triệu đồng.

"Thế nhưng, qua xác minh của chúng tôi thì nhiều khoản đều không thực chi. Chẳng hạn tiền hỗ trợ tiền giống lúa lai 10 triệu đồng, thực tế năm 2010 xã đăng ký mua 450kg thóc giống Nhị ưu 838 (được tỉnh hỗ trợ 50% giá giống) nhưng khi đưa giống về xã thì dân không chịu làm lúa lai, thế là một số cán bộ UBND xã lấy mỗi người mấy cân, số còn lại bán cho tư nhân ngoài xã. Bây giờ chi tiền hỗ trợ ấy cho những ai và thuộc những xã nào? Khoản tiền sửa chữa, mua sắm bàn ghế cho 2 trường tiểu học và mầm non hết 10,8 triệu đồng, qua trao đổi với lãnh đạo trường tiểu học, đơn vị này khẳng định ngoài các khoản tiền mặt và sách vở được các cơ quan, nhà hảo tâm hỗ trợ trực tiếp, nhà trường chưa hề được hỗ trợ đồng nào từ UBND xã Kim Lộc", ông Hạnh cho biết.

Ông Hạnh nói tiếp: "Khoản tiền mua máy vi tính cho UBND xã hết 56 triệu đồng, cũng được xem là hết sức vô lý. Ngoài việc chi sai mục đích, chúng tôi cũng cho rằng khoản chi này là không có thực vì trong thực tế tại UBND xã Kim Lộc đã có 6 bộ máy vi tính, trong thời gian lụt bão không có máy nào bị hư hỏng. Bởi thế, ông Đỗ Viết Thống trả lời là lấy tiền bão lụt để mua, nhưng lại nói rằng do máy móc bị hỏng nặng nên UBND xã đã làm tờ trình xin cấp trên hỗ trợ là thiếu trung thực".

Ông Nguyễn Hải Sơn, xóm trưởng xóm Kim Thịnh, đại biểu HĐND xã Kim Lộc, bức xúc nói: Khoản tiền 120,41 triệu đồng còn lại được lãnh đạo xã đưa vào “ô” xây cầu mới để qua trụ sở mới của UBND xã (đang xây dựng) là sai mục đích, tạm thời chưa bàn đến giá cả, số tiền đầu tư làm cầu qua kênh thoát nước của HTX (5,5m x 4m) thực tế có chi hết 120 triệu hay không?

"Người dân Kim Lộc nghi ngờ số tiền đó đã bị chia chác. Cho đến khi bị chất vấn bí quá liền mượn chiếc cầu để gán vào nhằm đối phó với dư luận mà thôi! Bởi trong thiết kế, dự toán công trình xây dựng mới trụ sở UBND xã được cấp trên phê duyệt, chắc chắn đã bao gồm cả hạng mục kinh phí xây cầu qua kênh thoát nước. Chẳng lẽ cấp kinh phí để xây trụ sở mới, mà cầu không có, thì sau khi đưa vào sử dụng, hàng ngày cán bộ xã phải “đi trực thăng” để sang đó làm việc hay sao?", theo ông Sơn.

Ông Phan Như Cầu, 74 tuổi, trú tại xóm Kim Thịnh, xã Kim Lộc là cán bộ hưu trí hiện đang làm thanh tra nhân dân xã Kim Lộc phàn nàn với chúng tôi: Tại xã Kim Lộc hiện có vô số chuyện trái khoáy, từ việc cán bộ xã ăn chặn tiền trợ cấp người tàn tật, đến việc núp bóng hộ nghèo vay tiền Ngân hàng CSXH tới việc thay đổi thiết kế đường GTNT Kim Lộc - Đức Bình nhưng không hề thi công để rút ruột hàng trăm triệu đồng, rồi đến việc mượn tay 5 hộ dân làm hồ sơ để lấy tiền GPMB của Nhà nước.

Chứng minh điều mình nói, ông Cầu lật cuốn số ghi chép kê rõ từng vụ việc mà ông biết, sau đó dẫn chúng tôi đến nhà anh Nguyễn Văn Liêm, một trong 5 gia đình được UBND xã “xúi” đứng tên làm thủ tục GPMB để rút tiền dự án đường giao thông Thiên - Phú đi qua các xã thuộc huyện Can Lộc.

Xã Kim Lộc hiện có 7 hộ bám tuyến đường này, đất ở của các hộ dân đều nằm ngoài hành lang tuyến đường nhưng GPMB gói thầu số 2 (đến nhà anh Liêm) thì có 5 hộ được UBND xã nhờ ký hồ sơ đền bù phần hành lang trước nhà mình. Bù lại các hộ được hưởng 20% số tiền được nhận. Anh Liêm cho biết, nhà anh được Ban GPMB gọi lên nhận số tiền 9.275.000 đồng, hôm sau UBND xã gọi lên yêu cầu nộp lại 7.420.000 đồng (80%). Cũng theo ông Cầu, nhờ thông qua 5 hộ dân này mà UBND xã đã rút được khoảng 27 triệu đồng tiền GPMB.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất