Toàn tỉnh Thái Nguyên hiện có 22.000ha chè, hơn 14.000ha cây ăn quả và 216 ha trồng rau chuyên canh. Ngoài ra, mỗi năm Thái Nguyên gieo cấy trên 28.000ha lúa vụ xuân và 38.000ha lúa vụ mùa. Để tăng năng suất, chất lượng cây trồng, giảm công lao động và chi phí đầu tư, bà con nông dân đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong các khâu sản xuất, thu hoạch, sơ chế, chế biến, bảo quản nông sản.
Theo đó đến nay, toàn tỉnh đã áp dụng cơ giới hóa trong khâu làm đất đạt khoảng 93%; khâu thu hoạch lúa đạt 70%; khâu vận chuyển nông sản là 100%; tưới nước chủ động ước đạt 95%. Đối với cây chè, bà con chủ yếu áp dụng cơ giới hóa trong khâu đốn chè, đạt khoảng 90%; hái chè bằng máy khoảng 20%.
Các hộ sản xuất chè cũng áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất, phổ biến ở các khâu lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm, sử dụng máy sao, vò chè bằng điện, máy đóng gói tự động, máy hút chân không…
Các thiết bị chế biến thủ công, lạc hậu đã được thay thế bằng các thiết bị chế biến mới, bán công nghiệp, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Ngoài việc đầu tư cho khâu chế biến, thời gian qua, các cơ sở sản xuất chè trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên cũng tăng cường đầu tư cho khâu đóng gói, bảo quản như sử dụng máy hút chân không, máy ủ hương. Đồng thời, chú trọng cải tiến mẫu mã, bao bì, dán tem nhãn để truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Tại HTX chè an toàn Hoan Xuyến (xã Vô Tranh, huyện Phú Lương), trước đây, để làm ra một mẻ chè, người dân phải bỏ ra nhiều công sức do phải vò chè bằng tay và đun bằng bếp củi nên chè luôn bị ám khói. Giờ đây, theo bà Tống Thị Xuyến, Giám đốc HTX, công việc đã nhàn hơn rất nhiều khi bà con chỉ cần cắm điện và điều chỉnh các công đoạn diệt men, sao khô và lên hương để cho ra những mẻ chè thơm ngon.
“Ngoài ra, nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng, HTX còn sử dụng máy hút chân không và kho lạnh để bảo quản chè, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm. Trên nương chè, với hệ thống tưới tiết kiệm, chỉ cần bật công tắc là tự động tưới, cây chè luôn đảm bảo đủ độ ẩm, hấp thu tốt chất dinh dưỡng nên búp mập, cho thu hái 8 lứa/năm, tăng 2 lứa so với trước đây”, bà Xuyến thông tin.
Tại huyện Đại Từ, xác định xây dựng và phát triển chuỗi liên kết sản phẩm nông nghiệp chủ lực là giải pháp quan trọng nhằm thúc đẩy phát triển nông nghiệp, huyện đã hỗ trợ các HTX hệ thống máy sao chè bằng gas, lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm. Qua đó góp phần nâng tỷ lệ cơ giới hóa trong khâu chế biến chè của toàn huyện đạt 100%, khâu bảo quản sản phẩm đạt trên 65%.
Là một trong số các đơn vị được hỗ trợ, các thành viên của HTX chè Hải Yến (xã Phú Thịnh, huyện Đại Từ) đã được tập huấn nâng cao kiến thức, hỗ trợ kinh phí để thực hiện quy trình trồng, chăm sóc, thu hái chè theo tiêu chuẩn VietGAP.
Theo bà Hà Thị Yến, Giám đốc HTX chè Hải Yến, năm 2020, HTX đã xây dựng thành công 2 sản phẩm chè đạt 4 sao OCOP. Từ khi có thương hiệu OCOP, sản phẩm của HTX đã được người tiêu dùng ở nhiều tỉnh, thành biết đến và lựa chọn... Hiện nay, trên 10ha chè của HTX vẫn đang duy trì sản xuất theo quy trình VietGAP. Trung bình mỗi năm, sản lượng chè búp tươi của HTX đạt khoảng 121 tấn, cho doanh thu trên 1,2 tỷ đồng.
Cùng với việc chú trọng nâng cao chất lượng, năng suất cây chè, hiện nay, nhiều HTX, tổ hợp tác tại huyện Đại Từ cũng đã chủ động đầu tư, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm. Tính đến nay, toàn huyện Đại Từ có 6 HTX chè đã đăng ký mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm; 11 HTX thiết kế logo, bao bì, nhãn mác riêng; 5 HTX xây dựng website để quảng bá, giới thiệu sản phẩm... Nhiều HTX cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong khâu sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.
Theo Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên, quá trình cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp tại địa phương những năm qua đã thu được nhiều kết quả tích cực. Từ đó, góp phần thay đổi tư duy canh tác thủ công, bảo đảm thời vụ, tăng hệ số sử dụng đất, nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, tạo điều kiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng.
Về phía cơ quan chức năng, Chi cục cũng đã triển khai chương trình hỗ trợ máy móc cho một số HTX như: Máy sao chè bằng gas, bằng điện; máy đóng gói chè tự động, máy hút chân không; hệ thống tưới tiết kiệm…