Được mùa, được giá nhờ đạt chuẩn VietGAP
Chưa bao giờ, nông dân huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu lại cảm thấy phấn khởi như bước vào mùa thu hoạch nhãn năm nay khi vừa được mùa, vừa được giá, vừa được cấp chứng nhận cho vùng trồng nhãn của địa phương. Từ sáng sớm, nhà vườn đã háo hức tập trung đông đủ để chuẩn bị chứng kiến việc cấp chứng nhận VietGAP cho vùng trồng giống nhãn Edor của họ.
Sau hơn 2 năm thực hiện quy trình sản xuất nhãn VietGAP theo hướng hữu cơ, Tổ hợp tác sản xuất nhãn Edor ấp Phú Quý (xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc) là tổ hợp tác đầu tiên trong Dự án “Xây dựng mô hình sản xuất nhãn VietGAP theo hướng hữu cơ tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu” đạt được chứng nhận sản xuất VietGAP.
Theo ông Nguyễn Văn Tụy, thành viên Tổ hợp tác xã sản xuất nhãn Edor ấp Phú Quý, trước đây, bà con trồng nhãn chủ yếu theo kinh nghiệm truyền thống, nhưng đến nay, nhờ được các nhà khoa học tư vấn hỗ trợ, làm theo đúng quy trình và được cấp chứng nhận VietGAP nên năng suất và giá trị quả nhãn cũng thay đổi.
“Hôm nay được chứng kiến lễ trao chứng nhận này cho Tổ hợp tác, bà con rất vui mừng. Tin tưởng rằng từ đây trái nhãn của địa phương sẽ được vươn xa và xuất khẩu đi nhiều nước hơn”, ông Tụy phấn chấn nói.
Tương tự, anh Nguyễn Văn Hiểu, thành viên Tổ hợp tác sản xuất nhãn Edor ấp Phú Quý cũng bày tỏ: “Được cấp chứng nhận VietGAP thật sự tôi cảm thấy rất tự hào và hạnh phúc. Để đạt được điều đó, bà con chúng tôi cũng đã cố gắng tuân thủ theo những tiêu chuẩn kỹ thuật mới giúp trái nhãn Edor có thể xuất khẩu ra thế giới, đồng thời thu nhập của người dân cũng sẽ được nâng cao hơn”.
Theo anh Hiểu, từ khi tham gia vào Tổ hợp tác, được tiếp xúc với nhiều công nghệ mới, đã giúp anh ứng dụng hiệu quả trong canh tác vườn cây cũng như thay đổi trong tư duy sản xuất. Nhờ chủ động được nguồn nước, cùng với việc áp dụng khoa học kỹ thuật, nhãn vụ này của gia đình anh cho sai trái, quả to, mọng và ngọt.
Với việc lựa chọn giống và áp dụng khoa học kỹ thuật, cộng với kinh nghiệm của người dân qua nhiều năm thâm canh, hiện nay nhiều nhà vườn trồng nhãn trong Tổ hợp tác còn chủ động lựa chọn thời điểm ra hoa, đậu quả thích hợp. Việc áp dụng thành công kỹ thuật xử lý cho cây nhãn ra quả sớm không chỉ giúp tăng năng suất, giảm rủi ro, kéo dài thời gian thu hoạch mà còn đem lại hiệu quả kinh tế rất cao.
Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất nhãn Edor ấp Phú Quý, ông Phạm Thế Phong cho biết: Sau 2 năm thực hiện sản xuất theo hướng hữu cơ, với sự hỗ trợ kỹ thuật, phân bón, chế phẩm sinh học và nhiều vật tư thiết yếu khác từ Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam (IAS), Tổ hợp tác đã cho ra trái nhãn đạt yêu cầu đề ra ban đầu.
“Chi phí sử dụng phân bón hữu cơ đã giảm hơn 20% so với sản xuất theo truyền thống dùng phân vô cơ trước đó, năng suất cũng tăng lên 10%, với giá bán bình quân từ 25 - 28 ngàn đồng/kg, giúp tăng lợi nhuận cho bà con”, ông Phong nói.
Rộng đường xuất khẩu
Nhằm nâng cao chất lượng và giá trị kinh tế của trái nhãn, góp phần phát triển bền vững, hướng hữu cơ theo chủ trương phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Dự án “Xây dựng mô hình sản xuất nhãn VietGAP theo hướng hữu cơ tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu” đã được Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam hỗ trợ triển khai trong 3 năm, từ 2021 đến nay.
Thạc sĩ Chu Trung Kiên, Trưởng Bộ môn Bảo vệ thực vật (Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam), Chủ nhiệm dự án cho biết: “Chúng tôi đã xây dựng được 20ha nhãn VietGAP theo hướng hữu cơ trên địa bàn hai huyện Đất Đỏ và Xuyên Mộc. Trong đó, 10ha nhãn Edor thuộc địa bàn huyện Xuyên Mộc đã triển khai từ giai đoạn kiến thiết cơ bản theo hướng hữu cơ, đến ứng dụng công nghệ thông tin vào truy xuất nguồn gốc sản phẩm và chỉ dẫn địa lý.
Bên cạnh đó, tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăm sóc cây nhãn, áp dụng phân hữu cơ vi sinh bón gốc, sử dụng chế phẩm sinh học trong quản lý bệnh hại trên cây nhãn như chế phẩm Trichoderma, BioLacto EM. Áp dụng đúng cách và hiệu quả bẫy ruồi vàng và chỉ sử dụng các loại thuốc BVTV có nguồn gốc sinh học khi thật cần thiết. Dự án cũng đào tạo, chuyển giao kỹ thuật và xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ...".
Ngoài ra, các cây họ đậu như cây lạc dại, cây muồng 3 lá cũng được Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam tư vấn kỹ thuật và hỗ trợ cây giống để trồng trong và xung quanh vườn nhãn giúp che phủ, cải tạo đất, làm nguồn phân xanh cũng như sử dụng xác hữu cơ ủ gốc… Đây là giải pháp phục hồi và duy trì ổn định "sức khỏe" đất trên cơ sở trả lại chất hữu cơ và dinh dưỡng hữu cơ tự nhiên cho đất. Sau 2 năm thực hiện quy trình sản xuất nhãn VietGAP, Tổ hợp tác sản xuất nhãn Edor ấp Phú Quý đã đủ tiêu chuẩn được cấp chứng nhận.
"Sau khi Tổ hợp tác sản xuất nhãn Edor Phú Quý được cấp giấy chứng nhận VietGAP, Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam sẽ tiếp tục hỗ trợ Tổ hợp tác xây dựng mã truy xuất nguồn gốc và logo để đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Đồng thời, Dự án sẽ hỗ trợ để Tổ tiếp xúc với doanh nghiệp xuất khẩu nhằm mở rộng đầu ra cho sản phẩm nhãn", thạc sĩ Chu Trung Kiên cho biết.
Ông Nguyễn Hữu Huy, Giám đốc Công ty Hoàng Phát Food chia sẻ: “Đầu năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu lô nhãn đầu tiên sang Nhật Bản với hơn 10 tấn nhãn tươi từ tỉnh Long An. Đây là loại trái cây tươi thứ tư của Việt Nam được xuất khẩu vào thị trường này. Hiện doanh nghiệp chúng tôi cũng đang tiếp tục xuất khẩu trái nhãn vào thị trường Nhật Bản nên rất cần tìm những nguồn hàng đạt tiêu chuẩn xuất khẩu”.
Theo ông Huy, muốn xuất được trái nhãn vào thị trường khó tính, trước hết địa phương cần phải xây dựng được mã số vùng trồng, đồng thời phải sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, đảm bảo an toàn thực phẩm của trái nhãn theo quy định của thị trường Nhật Bản. Cần phải có sản phẩm trái nhãn đồng đều, đẹp và chất lượng...
Ông Trần Duy Tâm Thanh, Phó Giám đốc Sở KH-CN Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, nhu cầu thị trường trong và ngoài nước ngày càng yêu cầu khắt khe về sản phẩm nông nghiệp sản xuất an toàn, theo hướng hữu cơ nên việc nâng cao chất lượng và giá trị kinh tế trái nhãn, góp phần phát triển bền vững cây nhãn là chủ trương phát triển nông nghiệp song song với ứng dụng công nghệ cao của tỉnh. Sau thành công của Tổ hợp tác sản xuất nhãn Edor ấp Phú Quý, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ tiếp tục hỗ trợ các địa phương nhân rộng mô hình này.
Theo ông Thanh, ngoài sự hỗ trợ của các nhà khoa học và cơ quan chức năng, nhiều nông dân đã biết áp dụng kỹ thuật cao vào canh tác, chú trọng nâng cao chất lượng, mẫu mã cho sản phẩm nhãn của địa phương nên phần nào đã cạnh tranh được với một số loại trái cây nhập khẩu.
"Thời gian tới, chúng tôi sẽ xuống địa phương để tìm hiểu thêm về các tổ hợp tác sản xuất nhãn để đồng hành và hỗ trợ cho bà con nông dân sản xuất đạt tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản. Nếu bà con đáp ứng theo tiêu chuẩn của thị trường, công ty sẽ sẵn sàng ký kết bao tiêu sản phẩm và luôn thu mua với giá cao hơn từ 20 đến 30% so với các sản phẩm không có tiêu chuẩn", ông Nguyễn Hữu Huy, Giám đốc Công ty Hoàng Phát Food khẳng định.