| Hotline: 0983.970.780

Sản xuất lúa gạo theo mệnh lệnh thị trường

Chủ Nhật 02/05/2021 , 08:06 (GMT+7)

Thị trường chuyển đổi mạnh mẽ, ở ĐBSCL lúa gạo đang chuyển nhanh theo hướng nâng cao giá trị, thâm nhập phân khúc thị trường gạo ngon, cao cấp và chấp nhận cạnh tranh.

Nhiều mặt hàng gạo Việt chất lượng cao. Ảnh: HĐ.

Nhiều mặt hàng gạo Việt chất lượng cao. Ảnh: HĐ.

Bước chuyển thích ứng

Các nhà khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp cảnh báo, sản xuất lúa ở ĐBSCL đang đối diện những thách thức mới trong điều kiện nước ta hội nhập quốc tế sâu rộng, biến đổi khí hậu (BĐKH) cực đoan, và qui mô sản xuất nhỏ.

Chính phủ ban hành Nghị quyết 120/NQ-CP năm 2017 về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH. Với tầm nhìn chiến lược phát triển ĐBSCL bền vững, an toàn, thịnh vượng, trên cơ sở phát triển phù hợp nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao, kết hợp với dịch vụ, du lịch sinh thái, công nghiệp, trọng tâm là công nghiệp chế biến, nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp…

Theo đó, xây dựng nền sản xuất lúa gạo nước ta vừa thích ứng BĐKH vừa ổn định sản xuất, năng suất, sản lượng nhắm vào mục tiêu đảm bảo an ninh lương thực và xuất khẩu trên 6 triệu tấn/năm.

Kết quả thực tiễn trong 3 năm thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP, một trong những dấu ấn nổi bật trong sản xuất nông nghiệp là cuộc chuyển đổi mạnh mẽ, phát huy lợi thế từ nguồn tài nguyên bản địa, điều kiện từng vùng sinh thái, trong đó xem “nước mặn cũng là tài nguyên”.

Ở các địa phương vùng ven biển bắt đầu có nhiều mô hình canh tác ở vùng nước lợ, mặn lại hiệu quả cao. Nhiều giống lúa chịu mặn đưa vào sản xuất đạt kết quả. Đặc biệt ở 2 tỉnh Sóc Trăng và Bạc Liêu mở rộng mô hình sản xuất “lúa thơm - tôm sạch”. Giống lúa ST24, ST25 đạt phẩm chất gạo ngon nhất thế giới, có giá trị xuất khẩu cao được nông dân sản xuất ngày càng nhiều trên cánh đồng chuyển đổi tôm - lúa.

Đến nay ở các tỉnh ven biển Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cà Mau, Kiên Giang có diện tích chuyển đổi theo mô hình luân canh lúa - tôm bền vững lên đến 200.000 ha, tăng gấp 3 lần so với năm 2000.

Trong bối cảnh thị trường lúa gạo chuyển đổi từ “ăn no” sang chuộng gạo ngon, cơm thơm hơn. Lúa gạo sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, gạo giàu hàm lượng dinh dưỡng. Trong đó Việt Nam là một trong những quốc gia sản xuất lúa gạo hàng đầu thế giới đã nhanh chóng chuyển hướng, tiếp cận theo xu hướng mới, đáp ứng theo nhu cầu thị trường nội địa và xuất khẩu.

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, cho biết: Có thể nhận thấy dấu mốc từ sau năm 2000 đã có sự chuyển đổi rõ rệt trong chọn giống lúa sản xuất theo yêu cầu thị trường. Nhiều địa phương ở ĐBSCL bắt đầu giảm dần tỷ lệ sản xuất nhóm giống lúa cho phẩm chất gạo trung bình chuyển sang tăng diện tích gieo trồng nhóm lúa chất lượng cao. Từ nhóm giống lúa thơm nhẹ đến lúa thơm đặc sản có giá trị cao hơn.

Điểm lại trong 10 năm qua sản xuất lúa gạo hàng hóa các giống lúa thơm đặc sản từ 25% đã tăng lên 30-40%. Các giống lúa chất lượng cao đáp ứng thị trường xuất khẩu chiếm tỷ trọng trong sản xuất vượt lên từ 30% đến 40-45%. Một số giống lúa cho năng suất cao nhưng phẩm chất gạo trung bình giảm còn 15-20%.

Nghiên cứu lai tạo giống lúa OM của Viện Lúa ĐBSCL. Ảnh: VL.

Nghiên cứu lai tạo giống lúa OM của Viện Lúa ĐBSCL. Ảnh: VL.

Trên nền tảng vững chắc

Trải qua hơn nhiều thập niên, sản xuất lúa gạo ở vùng ĐBSCL là minh chứng sống động suốt hành trình dài vượt qua khó khăn, thách thức.

Sau năm 1975 đất nước hòa bình thống nhất nhưng hậu quả chiến tranh tàn phá nặng nề, nông thôn nghèo nàn, lạc hậu và hầu như phải xây dựng lại từ đầu.

Thời đó “gánh nặng” tự chủ lương thực căng thẳng như sợi dây đàn. Đảng, Nhà nước đã ban hành hàng loạt chính sách cải cách về nông nghiệp. Trong đó sự kiện Viện Lúa ĐBSCL thành lập ở vùng ĐBSCL mang trọng trách nghiên cứu lúa gạo xứng tầm với vị trí của Việt Nam trên thế giới, nhằm khai thác lợi thế của vùng, đảm bảo an ninh lương thực cho đất nước và tham gia xuất khẩu.

Dấu ấn từ những năm 1982-1990 các giống lúa lai tạo từ Viện Lúa có định hướng rõ ràng: “Lúa cao sản ngắn ngày, trồng trước và sau lũ” giải quyết trước mắt mục tiêu an ninh lương thực của cả nước, nhờ tăng vụ lúa cao sản.

Trước 1989, ĐBSCL có khoảng 2 triệu ha chủ yếu canh tác lúa mùa một vụ. Mỗi năm nước ta phải nhập khẩu lương thực khoảng 2 triệu tấn. Lúa cao sản lúc đó chiếm khoảng 30-40%. Nhưng những năm sau đó sản xuất lúa gạo vùng đạt  bước tiến thần kỳ nhờ diện tích lúa hai vụ tăng với tốc độ nhanh. Đó là nhờ sử dụng nhóm giống có thời gian sinh trưởng ngắn ngày (110-120 ngày rồi 105-110 ngày và gần đây là 90-100 ngày).

Tiếp sau giống OM80 được lai tạo và chọn lọc đưa vào sản xuất đại trà đầu tiên rất thành công. Giống OM576 sinh trưởng 120-125 ngày, chịu khô hạn và mặn khá, trở thành giống chủ lực của bán đảo Cà Mau và Đông Nam Bộ trong nhiều năm. Tuy phẩm chất gạo trung bình, nhưng nhờ năng suất khá nên đến nay OM576 vẫn được nông dân duy trì sản xuất với các tên gọi Hầm Trâu, Siêu Hầm Trâu…

Sau 12 năm từ khi thành lập Viện Lúa ĐBSCL lần lượt cho ra đời bộ giống lúa chủ lực mang tên OM được công nhận chính thức, tạo tiền đề xây dựng nền tảng vững chắc. Sản lượng lúa hàng hóa không ngừng tăng lên. Việt Nam tái hòa nhập thị trường xuất khẩu gạo, sánh ngang cùng các cường quốc sản xuất lúa gạo hàng đầu thế giới.

Sản xuất lúa gạo trên cánh đồng lớn ở ĐBSCL. Ảnh: HĐ.

Sản xuất lúa gạo trên cánh đồng lớn ở ĐBSCL. Ảnh: HĐ.

Tầm nhìn mới

Trong bối cảnh thị trường lúa gạo chuyển đổi mạnh mẽ từ “lượng” sang “chất”, ông Lê Thanh Tùng dẫn chứng: Đến giai đoạn 2000-2010 nhóm các giống lúa chất lượng cao, lúa thơm nhẹ lần lượt ra đời bắt nhịp thị trường tiêu thụ tốt nên diện tích sản xuất tăng dần. Đặc biệt thời kỳ này còn có một số giống lúa mới được nghiên cứu theo hướng tăng hàm lượng dinh dưỡng, giàu vitamin tốt cho sức khỏe.

Đây là thời kỳ chuyển hướng cải tiến chất lượng gạo phục vụ xuất khẩu. Viện Lúa đã mất ít nhất 5 năm để cải tiến hạt gạo dài 7 mm và mất ít nhất 10 năm để cải tiến hàm lượng amylose trung bình. Điển hình giống OM3536, gạo ngon, thơm nhẹ. Trong khi giống nếp OM85 chủ lực phục vụ xuất khẩu của Long An, Tiền Giang.

Trong giai đoạn này, thông qua các chương trình nghiên cứu giống quốc gia (có sự phối hợp giữa các Bộ NN-PTNT, Bộ KHCN và Bộ Công thương) theo cơ chế “đặt hàng” của Bộ NN-PTNT cùng với các địa phương định hướng chọn tạo các giống lúa mới đáp ứng nhu cầu thị trường. Bên cạnh đó còn có các nhánh rẽ, các doanh nghiệp tham gia mạnh vào hoạt động nghiên cứu chọn tạo giống lúa như: Vinaseed, Tập đoàn Lộc Trời, Thái Bình Seed… bám sát nhu cầu tiêu dùng nội địa và xuất khẩu.

Đồng thời các cá nhân như kĩ sư Hồ Quang Cua và nhóm cán bộ khoa học cộng sự có bộ giống lúa thơm đặc sản ST. Kĩ sư Lê Hùng Lân có giống Nàng Hoa 9… Và một số công ty liên doanh với nước ngoài du nhập các giống lúa hạt tròn, giống Japonica. Chính những nhân tố trên đã làm phong phú thêm thị trường cung ứng giống lúa sản xuất, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng gạo theo từng phân khúc thị trường.

Trong bối cảnh mới thị trường chuyển đổi, sản xuất lúa gạo ở nước ta đã qua thời đoạn sản xuất lúa năng suất cao, chất lượng gạo trung bình. Hiện thời gạo Việt chất lượng cao đã vượt lên đạt giá trị cao hơn với mức 500 USD/tấn. Trong khi đó gạo chất lượng trung bình của Ấn Độ bán 350 USD/tấn.

Vùng ĐBSCL sản xuất lúa gạo quanh năm, trong đó xuất khẩu chiếm trên 90% sản lượng gạo xuất khẩu cả nước. Tầm nhìn mới chuyển đổi sản xuất lúa gạo đặt trọng tâm đảm bảo an ninh lương thực, tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo và cơ cấu giống lúa sản xuất thích ứng biến đổi khí hậu.

Thực tế những năm gần đây, quan sát, ghi nhận phản hồi từ các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo: Dù thị trường biến động, lúa gạo chất lượng cao ít rủi ro và luôn có lợi thế cạnh tranh số 1 của Việt Nam.

Các nhà khoa học nghiên cứu lúa gạo nhận định: “Nếu muốn hướng đến nâng cao giá trị hạt gạo chúng ta phải tham gia vào phân khúc thị trường gạo ngon cao cấp và chấp nhận cạnh tranh với một vài nước đang giữ thế độc quyền. Phân khúc thị trường loại gạo này tuy không lớn, số lượng bán ít nhưng giá trị hạt gạo nâng cao”.

Các nhà chọn tạo giống Viện Lúa ĐBSCL cho biết: Trong vòng 10 năm tới sẽ đưa ra thị trường các giống lúa mới, tiếp tục nâng cao chất lượng gạo. Nghiên cứu chọn tạo giống mới có sự phối hợp với Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), đáp ứng theo từng phân khúc gạo trên thị trường. Đồng thời phục tráng một số giống lúa đặc sản địa phương đáp ứng yêu cầu xây dựng vùng lúa chuyên canh.

Xem thêm
Chăn nuôi hướng đến hiệu quả bền vững tại Sóc Trăng

Gói giải pháp chăn nuôi toàn diện từ con giống, thức ăn, thuốc thú y và hỗ trợ kỹ thuật của nhà phân phối Bích Phúc giúp nhiều nông hộ đạt lợi nhuận tốt.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Doanh nghiệp đầu tiên công bố sản xuất cà phê tuân thủ EUDR

ĐẮK LẮK Simexco DakLak đã được cấp chứng nhận tuân thủ EUDR cho 4.957 nông dân với diện tích 5.375ha trong vùng liên kết.

Bình luận mới nhất