| Hotline: 0983.970.780

Sau Tết, nhiều tàu cá Hải Phòng nằm bờ, ngư dân chẳng buồn ra khơi

Thứ Năm 22/02/2024 , 18:42 (GMT+7)

HẢI PHÒNG Sau Tết, ngư dân Hải Phòng cơ bản chưa ra khơi đánh bắt hải sản, chỉ vài chục tàu thuyền chụp mực và một số ít tàu đánh bắt đi về trong ngày hoạt động.

Rất ít tàu đánh bắt xa bờ ở Hải Phòng vươn khơi trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn. Ảnh: Đinh Mười.

Rất ít tàu đánh bắt xa bờ ở Hải Phòng vươn khơi trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn. Ảnh: Đinh Mười.

Theo một số ngư dân ở TP Hải Phòng, so với mọi năm, lượng tàu thuyền vươn khơi ít hơn hẳn do hải sản ngày càng khan hiếm, kéo theo đó, việc đánh bắt hải sản dịp trong và sau Tết Giáp Thìn khó khăn hơn so với trước đây.

Tại xã Lập Lễ (huyện Thủy Nguyên), nơi có đội tàu đánh bắt xa bờ lớn nhất Hải Phòng, tính đến 22/2 (13 tháng Giêng), lượng tàu đánh bắt hải sản xuyên Tết và sau Tết chỉ chiếm khoảng 20%. Tại cảng cá Ngọc Hải, tính từ 15 - 22/2, chỉ có hơn 60 lượt tàu vào cảng và hơn 70 lượt tàu rời cảng, sản lượng đánh bắt chỉ hơn 5 tấn. Riêng tại cảng cá Trân Châu, gần như không có tàu rời hoặc cập bến.

Với một số tàu chụp mực ở Lập Lễ, tàu đánh bắt được nhiều cũng chỉ vài chục triệu đồng cho 1 ngày đánh bắt. Trong khi đó, với các tàu đánh bắt hải sản trong ngày ra vào cảng cá Ngọc Hải, trung bình các tàu chỉ kiếm được trên dưới 10 triệu đồng, chưa trừ chi phí.

Ông Vũ Văn Cự, Trưởng Liên tập đoàn đánh cá Nam Triệu (xã Lập Lễ) chia sẻ, so với mọi năm, năm nay lượng tàu của địa phương vươn khơi trước, trong và những ngày sau Tết không đáng kể. Một trong những nguyên nhân chính đó là nguồn lợi hải sản ngày càng ít đi, lời lãi những chuyến biển xuyên Tết không nhiều nên ngư dân tranh thủ nghỉ ngơi, sum vầy với gia đình.

“Hiện nay nghề đánh bắt hải sản đang đứng trước nhiều khó khăn thách thức, không còn được như trước đây. Từ hơn 800 tàu đánh bắt cá biển giai đoạn "hoàng kim", đến nay, số tàu khai thác thủy sản ở xã Lập Lễ giảm xuống còn chưa đến 400. Liên tập đoàn đánh cá biển Nam Triệu hiện nay cũng chỉ là "hữu danh vô thực" mà thôi nhưng là tâm huyết của nhiều thế hệ ngư dân ở Lập Lễ nên không nỡ giải tán. Từng nhiều năm theo nghề đánh bắt cá biển, tôi thấu hiểu những khó khăn, vất vả của ngư dân nên vẫn mong muốn sẽ có ngày hỗ trợ được gì đó cho bà con”, ông Cự bày tỏ.

Thương lái ở cảng cá Ngọc Hải thu gom lượng hải sản ít ỏi từ các tàu vừa cập bến. Ảnh: Đinh Mười.

Thương lái ở cảng cá Ngọc Hải thu gom lượng hải sản ít ỏi từ các tàu vừa cập bến. Ảnh: Đinh Mười.

Hải Phòng hiện đang có 952 tàu cá đang hoạt động, trong đó có 391 tàu khai thác ở vùng bờ, 223 tàu (loại dài từ 12 - 15m) khai thác tại vùng lộng và 338 tàu (dài trên 15m) khai thác vươn khơi (chiếm 36% số tàu cá).

Thực hiện chiến lược phát triển kinh tế biển bền vững, giai đoạn 2024 - 2025, Hải Phòng dự kiến sẽ thực hiện chủ trương gắn khai thác với bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, trong đó sẽ dùng ngân sách hỗ trợ để giải bản, chuyển đổi ngư cụ cho chủ tàu, thuyền viên của 314 tàu cá hoạt động ven bờ sang khai thác bền vững.

Những năm vừa qua, Hải Phòng đã áp dụng nhiều chủ trương, chính sách phát triển kinh tế thuỷ sản, trong đó có việc phê duyệt tín dụng cho 54 chủ tàu số tiền hơn 697,6 tỷ đồng để đóng mới tàu đánh bắt thuỷ sản xa bờ, tàu dịch vụ hậu cần nghề cá. Đồng thời đầu tư, đưa vào hoạt động 3 cảng cá Trân Châu (huyện Cát Hải), Ngọc Hải (quận Đồ Sơn) và cảng cá Tây Nam Bạch Long Vỹ (huyện đảo Bạch Long Vỹ).

Bên cạnh đó, Hải Phòng đã thực hiện hỗ trợ sau đầu tư cho các tàu cá, hỗ trợ mua bảo hiểm thuyền viên, bảo hiểm thân tàu, trang thiết bị ngư cụ, bảo hiểm rủi ro cho chủ tàu, thuyền viên tàu đánh bắt thuỷ, hải sản và hỗ trợ chi phí vận chuyển hàng hoá từ đất liền ra tàu khai thác hải sản xa bờ. Nhờ đó, giá trị sản xuất khai thác thuỷ sản giai đoạn 2020 - 2023 của Hải Phòng tăng 3,71%/năm, sản lượng khai thác tăng 4%/năm.

Tuy nhiên, do diện tích vùng biển ven bờ của Hải Phòng lớn, ngư dân chủ yếu hoạt động khai thác thuỷ, hải sản gần bờ, khai thác cá tạp nên dù sản lượng khai thác tăng nhưng nguồn lợi thuỷ sản ngày càng cạn kiệt. Hệ lụy kéo dài đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc khai thác hải sản của ngư dân khi số lượng những chuyến ra khơi bị lỗ ngày càng nhiều, nhiều tàu nằm bờ, nhiều ngư dân lên bờ làm nghề khác vì nguồn thu từ bán hải sản đánh bắt không đủ chi phí.

Năm 2023, sản lượng khai thác hải sản của Hải Phòng đạt 123.000 tấn, giá trị khai thác đạt 2.882 tỷ đồng. Đội tàu khai thác thuỷ sản phát triển theo hướng tăng khai thác xa bờ, giảm khai thác ven bờ, phát triển đa dạng với nhiều loại nghề như lưới kéo, lưới rê, câu, chụp, lồng...

Xem thêm
Nghệ An: Tôm chết hàng loạt, nghi do bệnh mới

Tôm chết nhiều trên diện tích khoảng 25ha, trong đó phần đa xuống giống chưa được bao lâu. Đây là hồi chuông báo động đối với nghề hoàng kim một thời ở Nghệ An.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm