| Hotline: 0983.970.780

Bám biển xuyên Tết, ngư dân trúng 'lộc biển' đầu năm

Thứ Tư 21/02/2024 , 17:11 (GMT+7)

KHÁNH HÒA Những ngày này, các tàu đánh bắt cá ngừ xuyên Tết ở khu vực Nam Trung bộ lần lượt trở về cập cảng, ngư dân phấn khởi vì trúng 'lộc biển' đầu năm.

Ngư dân ở khu vực Nam Trung bộ phấn khởi vì chuyến biển xuyên Tết bội thu. Ảnh: KS.

Ngư dân ở khu vực Nam Trung bộ phấn khởi vì chuyến biển xuyên Tết bội thu. Ảnh: KS.

Trúng đậm cá ngừ

Những ngày qua, chúng tôi có mặt tại cảng cá Hòn Rớ, xã Phước Đồng, TP Nha Trang (Khánh Hòa) khi nhiều tàu đánh bắt cá ngừ đại dương và cá ngừ sọc dưa xuyên Tết ở khu vực Nam Trung bộ lần lượt trở về cập cảng sau gần 20 ngày bám ngư trường Trường Sa và các nhà giàn. Trên cầu cảng, các ngư dân cùng doanh nghiệp đã bố trí xe đông lạnh chờ đón các tàu cập bến bán hải sản khiến không khí nơi đây trở nên nhộn nhịp.

Theo ngư dân, vụ chính khai thác cá ngừ bắt đầu từ tháng 11 âm lịch kéo dài cho đến tháng 3 âm lịch năm sau và sau đó trở đi đàn cá sẽ vắng dần. Do đó, dù Tết đến nhưng nhiều tàu cá ở khu vực Nam Trung bộ vẫn vươn khơi bám biển để săn cá ngừ.

Hiện đang vụ chính khai thác cá ngừ đại dương nên ngư dân rất hăng hái bám ngư trường. Ảnh: KS.

Hiện đang vụ chính khai thác cá ngừ đại dương nên ngư dân rất hăng hái bám ngư trường. Ảnh: KS.

Ngư dân Trần Công Bình, thuyền trưởng tàu KH 96498 TS ở phường Vĩnh Trường (TP Nha Trang) cho biết, chuyến biển xuyên Tết năm nay, ngư trường xuất hiện cá ngừ đại dương khá dày. Nhờ vậy, nhiều tàu đánh bắt đạt sản lượng cao, trung bình từ 45 - 50 con, tương đương 1,2 - 1,5 tấn/tàu, tăng hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng tàu của ngư dân Trần Công Bình chuyến này cập cảng được 65 con, tương đương khoảng 2,3 tấn.

“Với giá cá ngừ đại dương hiện 115.000 đồng/kg (loại 1), sau khi trừ chi phí, tàu của tôi lãi khá. Sau khi ăn chia theo tỷ lệ, 5 lao động trên tàu mỗi người được khoảng 15 triệu đồng, rất phấn khởi”, ngư dân Bình chia sẻ.

Tương tự, tàu BĐ 97525 TS của ngư dân Trần Hoàng ở xã Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn (Bình Định) cũng vừa cập cảng được 62 con cá ngừ đại dương với sản lượng khoảng 2,4 tấn và 300kg mực khô.

Dù giá cá ngừ đại dương ở mức thấp, chỉ 115.000 đồng/kg, song nhờ đánh bắt đạt sản lượng nên ngư dân vẫn có lộc biển đầu năm. Ảnh: KS.

Dù giá cá ngừ đại dương ở mức thấp, chỉ 115.000 đồng/kg, song nhờ đánh bắt đạt sản lượng nên ngư dân vẫn có lộc biển đầu năm. Ảnh: KS.

Ngư dân Trần Hoàng cho biết, chuyến biển này tàu trúng đậm nên mỗi lao động trên tàu bỏ túi hơn 25 triệu đồng. Chuyến biển đầu năm có lộc nên ngư dân có thêm động lực bám biển, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo và thúc đẩy phát triển kinh tế của địa phương.

Không chỉ các tàu đánh bắt cá ngừ đại dương cập cảng bội thu, các tàu lưới cản chuyên khai thác cá ngừ sọc dưa cũng có lộc biển đầu năm. Theo ông Nguyễn Văn Ba, Trưởng Ban quản lý cảng cá Hòn Rớ, các tàu đánh bắt cá ngừ sọc dưa năm nay đều đạt sản lượng cao, trung bình 8 - 10 tấn, cá biệt có tàu đánh bắt trên 20 tấn, sau khi trừ chi phí lãi hàng trăm triệu đồng.

Các tàu đánh bắt cá ngừ sọc dưa xuyên Tết cũng có lộc biển đầu năm nhờ đánh bắt sản lượng cao. Ảnh: KS.

Các tàu đánh bắt cá ngừ sọc dưa xuyên Tết cũng có lộc biển đầu năm nhờ đánh bắt sản lượng cao. Ảnh: KS.

Điển hình như tàu KH 90145 TS ở phường Vĩnh Phước (TP Nha Trang) của ngư dân Phạm Tấn Tài cập cảng được hơn 24 tấn cá ngừ sọc dưa, cá ngừ chù các loại sau 25 ngày bám biển xuyên Tết.

Với giá bán bình quân khoảng 27.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, chuyến biển thu về hơn 250 triệu đồng, tàu lãi gần 400 triệu đồng. Sau khi ăn chia theo tỷ lệ, chủ tàu thu nhập hàng trăm triệu đồng, còn 12 lao động mỗi người kiếm hơn 15 triệu đồng.

Tuân thủ các quy định, góp phần gỡ "thẻ vàng"

Theo các ngư dân, để góp phần gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC), chuyến biển xuyên Tết này, các tàu đều tuân thủ các quy định pháp luật khi tham gia khai thác hải sản trên biển. Trước khi xuất bến, cập bến, chủ tàu hoặc thuyền trường đều thông báo cho đơn vị quản lý hoạt động cảng cá.

Hiện nay ngư dân đều ý thức trong việc góp phần gỡ 'thẻ vàng', tuân thủ các quy định khi tham gia khai thác thủy sản trên biển. Ảnh: KS.

Hiện nay ngư dân đều ý thức trong việc góp phần gỡ "thẻ vàng", tuân thủ các quy định khi tham gia khai thác thủy sản trên biển. Ảnh: KS.

Trong quá trình đánh bắt, các tàu đều ghi nhật ký khai thác đầy đủ và luôn bật thiết bị giám sát hành trình 24/24h, đặc biệt không xâm phạm vùng biển nước ngoài.

“Để góp phần gỡ “thẻ vàng”, thời gian qua tàu của tôi luôn chấp hành các quy định pháp luật của nhà nước. Hiện chúng tôi rất mong gỡ “thẻ vàng” để nghề khai thác thủy sản phát triển bền vững, doanh nghiệp xuất khẩu thuận lợi. Khi đó, giá cá sẽ được thu mua ổn định, ngư dân vươn khơi bám biển lâu dài”, ngư dân Trần Công Bình bày tỏ.

Theo ông Nguyễn Văn Ba, Trưởng Ban quản lý cảng cá Hòn Rớ, thời gian qua, để góp phần gỡ “thẻ vàng”, Ban quản lý đã tăng cường công tác tuyên truyền về chống khai thác IUU cho ngư dân, đồng thời kiểm soát chặt chẽ tàu cá xuất nhập cảng, cũng như giám sát sản lượng thủy sản theo thành phần loài, đối tượng, từ đó đối chiếu thông tin trong nhật ký khai thác đảm bảo phù hợp với dữ liệu giám sát tàu cá.

“Thời gian qua, qua theo dõi, Ban quản lý nhận thấy bà con ngư dân đã nâng cao nhận thức về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp. Đối với Ban quản lý cũng như tàu thuyền cập cảng, phần lớn đã đi vào nề nếp, ổn định, chấp hành đúng các quy định về chống khai thác IUU.

Cụ thể, trước khi cập cảng bà con ngư dân đều thông báo cho Ban quản lý cảng ít nhất 1 giờ. Bên cạnh đó, ngư dân cũng chuẩn bị hồ sơ, giấy tờ, sổ sách, đặc biệt là nộp nhật ký khai thác cho cơ quan chức năng”, ông Nguyễn Văn Ba chia sẻ và cho biết thêm, hiện bà con ghi nhật ký khai thác không còn tình trạng đối phó. Hơn nữa, bà con cũng tuân thủ các khai báo, kê khai sản lượng trung thực, duy trì thiết bị giám sát hành trình khi hoạt động ngoài khơi.

Hoạt động khai thác thủy sản trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Ảnh: KS.

Hoạt động khai thác thủy sản trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Ảnh: KS.

Ông Nguyễn Duy Quang, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Khánh Hòa cho biết, toàn tỉnh có 659 tàu có chiều dài từ 15 trở lên, chủ yếu khai thác cá ngừ vây vàng, cá cờ kiểm, cá ngừ sọc dưa...Trong đó, tàu tham gia hoạt động khai thác cá ngừ là 473 tàu chiếm 71%.

Theo ông Nguyễn Duy Quang, thời gian qua, hoạt động khai thác thủy sản trên địa bàn tỉnh đã đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội, giải quyết việc làm và ổn định đời sống cộng đồng ngư dân. Tuy nhiên, do ảnh hưởng từ “thẻ vàng” của EC, cùng với thời tiết trên biển rất khắc nghiệt khiến ngành thủy sản gặp nhiều khó khăn. Song, các ngư dân với tinh thần lao động hăng say, cần cù chịu khó vẫn tích cực vươn khơi bám biển.

Điều đáng mừng hơn là hiện cộng đồng ngư dân đã đồng hành thực hiện tốt các quy định về chống khai thác IUU.

Ông Nguyễn Văn Ba, Trưởng Ban quản lý cảng cá Hòn Rớ cho biết: "Ngay sau khi các tàu trở về bốc dỡ thủy sản thì nhiều tàu khác neo đậu ở cảng cũng đã hăng say chuẩn bị các nhu yếu phẩm để tiếp tục chuyến biển đầu năm. Ban quản lý cũng tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho ngư dân chuẩn bị các nhu yếu phẩm. Đồng thời, tăng cường kiểm soát tàu rời cảng và tuyên truyền chống khai thác IUU cho bà con ngư dân vì một ngành thủy sản bền vững, có trách nhiệm".

Xem thêm
Nghệ An: Tôm chết hàng loạt, nghi do bệnh mới

Tôm chết nhiều trên diện tích khoảng 25ha, trong đó phần đa xuống giống chưa được bao lâu. Đây là hồi chuông báo động đối với nghề hoàng kim một thời ở Nghệ An.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm