| Hotline: 0983.970.780

Xử phạt nghiêm để chống khai thác IUU

Thứ Tư 06/03/2024 , 06:00 (GMT+7)

Kiên Giang - nơi chiếm hơn 50% số vụ vi phạm IUU của cả nước - đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của ngư dân, đồng thời tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các vụ vi phạm.

Tuyên truyền khi vừa mở biển

Vừa từ đất liền ra khỏi cửa biển để khởi hành chuyến biển đầu năm, nhiều tàu cá của ngư dân Kiên Giang được tàu Kiểm ngư ra hiệu lệnh dừng lại. Cả tài công và ngư phủ đều khá bất ngờ khi được lãnh đạo ngành nông nghiệp, Hội nghề cá, lực lượng kiểm ngư lên tàu thăm hỏi, động viên, tặng áo phao, phao cứu sinh và trao thư kêu gọi của Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang hưởng ứng việc chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (khai thác IUU) theo khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC).

Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Kiên Giang Quảng Trọng Thao (bìa trái) cùng với lãnh đạo Hội Nghề cá, lực lượng kiểm ngư lên tàu thăm hỏi, động viên, tặng phao cứu sinh và trao thư kêu gọi ngư dân cùng chung tay chống khai thác IUU, nhân chuyến biển xuất hành đầu năm. Ảnh: Trung Chánh. 

Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Kiên Giang Quảng Trọng Thao (bìa trái) cùng với lãnh đạo Hội Nghề cá, lực lượng kiểm ngư lên tàu thăm hỏi, động viên, tặng phao cứu sinh và trao thư kêu gọi ngư dân cùng chung tay chống khai thác IUU, nhân chuyến biển xuất hành đầu năm. Ảnh: Trung Chánh. 

Trước đó, tại cuộc họp Ban chỉ đạo chống khai thác IUU, ông Lê Quốc Anh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang đã yêu cầu các Sở, ngành và các địa phương tận dụng thời gian ngư dân đưa tàu về bờ nghỉ đón Tết Nguyên đán là dịp để tăng cường tuyên truyền, vận động ngư dân tuân thủ pháp luật, góp phần chống khai thác IUU. Nội dung tuyên truyền phải tập trung nhắc nhở ngư dân tuân thủ pháp luật, chống khai thác IUU. Đặc biệt là nếu vi phạm đưa tàu đi khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài không chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính mà cả xử lý hình sự.

"Hiện nay, phần lớn tàu cá đang gặp khó khăn khi đánh bắt không hiệu quả, lỗ nhiều hơn lãi. Tuy nhiên, không vì thế mà ngư dân bấp chấp quy định của pháp luật, làm ăn phi pháp, vi phạm vùng biển nước ngoài để đánh bắt hải sản trái phép…", ông Trương Văn Ngữ - Chủ tịch Hội Nghề cá thành phố Rạch Giá chia sẻ.

Sau kỳ nghỉ Tết, chủ tàu Nguyễn Văn Dư ở phường Vĩnh Hiệp, thành phố Rạch Giá trang bị đầy đủ nhiên liệu, nước đá, ngư lưới cụ cho 2 cặp tàu xuất hành cùng với hàng chục ngư phủ và thuyền trưởng sẵn sàng đưa tàu ra khơi. Ông dư cho biết, nghề biển là nghề cha truyền con nối của gia đình nên sẽ cố gắng để bám trụ, duy trì hoạt động đội tàu của nhà trong bối cảnh đang gặp nhiều khó khăn, do chi phí đi biển ngày càng tăng, nguồn lợi thủy sản suy giảm. Được ngành nông nghiệp động viên, tuyên truyền, ông Dư cũng căn dặn kỹ thuyền trưởng và các ngư dân phải tuyệt đối tuân thủ những quy định của pháp luật khi cho tàu vươn khơi bám biển.

Cũng như nhiều ngư dân khác, ông dư tâm niệm: “Chuyến biển đầu tiên của năm thường mang lại nhiều may mắn bởi đây là thời điểm vào mùa vụ khai thác chính trong năm, thời tiết thuận lợi, ít sóng gió. Tôi rất kỳ vọng tàu ra khơi thuận buồm xuôi gió, thu về những mẻ lưới đầy ắp cá, tôm, mang lại thu nhập cao”.

Cùng với ngành nông nghiệp, chính quyền địa phương tham dự lễ động viên tàu cá xuất quân chuyến biển đầu năm tại Cảng cá Tắc Cậu (huyện Châu Thành), ông Trương Văn Ngữ, Chủ tịch Hội Nghề cá thành phố Rạch Giá kêu gọi: “Chủ tàu cá cùng với ngư dân cần đồng hành cùng với các cấp chính quyền, ngành nông nghiệp trong việc chấp hành nghiêm các quy định pháp luật về thủy sản, không tham gia khai thác trái phép ở vùng biển nước ngoài để chung tay cùng cả nước gỡ cảnh báo thẻ vàng đối với thủy sản Việt Nam của Ủy ban Châu Âu (EC)".

Lãnh đạo ngành nông nghiệp Kiên Giang và lực lượng kiểm ngư trao thư của Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang kêu gọi ngư dân hưởng ứng việc chống khai thác IUU theo khuyến nghị của EC. Ảnh: Trung Chánh.

Lãnh đạo ngành nông nghiệp Kiên Giang và lực lượng kiểm ngư trao thư của Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang kêu gọi ngư dân hưởng ứng việc chống khai thác IUU theo khuyến nghị của EC. Ảnh: Trung Chánh.

Chủ tịch Hội Nghề cá thành phố Rạch Giá chia sẻ, để đưa tàu cá vươn khơi bám biển trong bối cảnh hiện nay, ngư dân phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Chi phí cho một chuyến biển khoảng 30 ngày cho một cặp tàu cào đôi lên đến tiền tỷ, do chi phí nguyên, nhiên liệu đầu vào đều tăng. Ngoài ra, các chủ tàu cũng rất đau đầu về việc tìm kiếm ngư phủ đi biển trong dịp xuất hành đầu năm. Việc thiếu người lao động đi biển không phải chuyện mới bởi hiện nay ngành đánh bắt hải sản không còn mang lại thu nhập hấp dẫn cho người lao động.

Xử phạt nghiêm để tạo tính răn đe

Ông Lê Hữu Toàn, Giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang cho biết, là một trong những tỉnh có ngư trường trọng điểm của cả nước, Kiên Giang có nghề cá phát triển mạnh lâu đời, đứng đầu cả nước trong một thời gian dài. Nghề biển đã giải quyết việc làm cho gần 70.000 người lao động và góp phần phát triển kinh tế cho ngư dân, đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế của tỉnh. Trong năm 2023, lĩnh vực khai thác và nuôi trồng thủy sản đã sản xuất được gần 800.000 tấn thủy sản các loại, trong đó khai thác thủy sản là gần 437.200 tấn, với tổng giá trị sản xuất đạt 33.474 tỷ đồng.

Lực lượng Kiểm ngư Kiên Giang tuyên truyền, vận động ngư dân khai thác hải sản đúng pháp luật, không gây hại đến nguồn lợi, không đưa tàu cá và ngư dân đi khai thác thủy sản trái phép vùng biển nước ngoài. Ảnh: Trung Chánh.

Lực lượng Kiểm ngư Kiên Giang tuyên truyền, vận động ngư dân khai thác hải sản đúng pháp luật, không gây hại đến nguồn lợi, không đưa tàu cá và ngư dân đi khai thác thủy sản trái phép vùng biển nước ngoài. Ảnh: Trung Chánh.

Theo ông Toàn, sau hơn 5 năm triển khai thực hiện công tác chống khai thác IUU theo khuyến nghị của EC, tỉnh Kiên Giang đã cùng với cả nước cố gắng từng bước khắc phục khó khăn, tăng cường công tác quản lý hoạt động nghề cá ngày càng chặt chẽ hơn, theo hướng bền vững, dần tương đồng với nghề cá khu vực và thế giới. Tuy nhiên, hiện nay tình hình tàu cá của tỉnh vẫn tiếp tục vi phạm khai thác hải sản trái phép vùng biển nước ngoài, chiếm hơn 50% số vụ vi phạm của cả nước. Đây là vấn đề hệ trọng, mang tính chất quyết định trong việc tháo gỡ cảnh báo “thẻ vàng” và là nguy cơ bị cảnh báo “thẻ đỏ”. Hành động này đã gây ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của bà con ngư dân và nền kinh tế, đặc biệt là ảnh hưởng lớn đến uy tín, danh dự quốc gia, dân tộc trên trường quốc tế.

Ông Toàn chia sẻ, cũng là người con xứ biển nên ông thấu hiểu những khó khăn, vất vả của nghề biển, nhất là trong bối cảnh nguồn lợi thủy sản ngày càng cạn kiệt trong khi lượng tàu thuyền lại quá nhiều, gánh nặng kinh tế gia đình, cùng với áp lực trả nợ ngân hàng... Tuy nhiên, không vì thế mà địa phương lựa chọn cách làm vi phạm pháp luật để tồn tại và phát triển.

Ông Toàn kêu gọi, bà con ngư dân, đặc biệt là chủ tàu, chủ doanh nghiệp đánh bắt, thu mua, chế biến thủy sản, thuyền trưởng, ngư phủ hãy nhắc nhở nhau, cùng nhau tích cực hưởng ứng lời kêu gọi của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh về khai thác hải sản đúng pháp luật, không gây hại đến nguồn lợi, không đưa tàu cá và ngư dân đi khai thác thủy sản trái phép ở vùng biển nước ngoài làm ảnh hưởng đến quyền lợi, uy tín và danh dự của quốc gia, dân tộc.

Lực lượng kiểm ngư Kiên Giang kiểm tra tàu cá đi khai thác trên vùng biển Tây, đồng thời tuyên truyền, vận động ngư dân phối hợp chống khai thác IUU. Ảnh: Trung Chánh.

Lực lượng kiểm ngư Kiên Giang kiểm tra tàu cá đi khai thác trên vùng biển Tây, đồng thời tuyên truyền, vận động ngư dân phối hợp chống khai thác IUU. Ảnh: Trung Chánh.

Để tăng cường quản lý pháp luật trên biển, đưa nghề khai thác hải sản vào quy củ, tỉnh Kiên Giang đã tiên phong thành lập Chi cục Kiểm ngư trực thuộc Sở NN-PTNT. Đây là đơn vị kiểm ngư địa phương đầu tiên được thành lập trong cả nước, thể hiện quyết của tỉnh trong việc tháo gỡ cảnh báo thẻ vàng của EC. Sau hơn 2 năm hoạt động, Chi cục Kiểm ngư Kiên Giang thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, như tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra, xử lý tàu cá vi phạm trên biển, tàu cá ra vào các cảng cá, xác minh, xử lý tàu cá vi phạm liên quan đến thiết bị giám sát hành trình. Đặc biệt là tập trung kiểm tra đối với nhóm tàu cá “3 không” - không có giấy phép khai thác thủy sản, không có giấy đăng ký tàu cá và không đăng kiểm tàu cá. Tăng cường kiểm tra, xử lý đối với các tàu cá khai thác thủy sản mang tính hủy diệt như cào bờ, đánh bắt bằng xung điện, chất độc, chất nổ…

Lực lượng Kiểm ngư Kiên Giang đã phối hợp với ngành chức năng của tỉnh, đặc biệt là các đơn vị đóng quân trên địa bàn như Kiểm ngư vùng 5, Vùng 4 Cảnh sát biển 4, Bộ đội biên phòng tăng cường tuần tra, kiểm soát trên biển và xử phạt các tàu cá vi phạm với số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng, thậm chí là tịch thu tàu cá vi phạm. Đặc biệt, Kiên Giang là tỉnh đầu tiên của cả nước đã đưa ra xét xử các đối tượng có liên quan đến việc đưa tàu qua vùng biển nước ngoài đánh bắt hải sản trái phép, vi phạm về chống khai thác IUU.

Xem thêm
Nuôi tôm không xả thải, thành tựu lớn của ngành thủy sản

CÀ MAU Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thương phẩm siêu thâm canh 3 giai đoạn tuần hoàn nước đã được đầu tư và thử nghiệm thành công tại nhiều địa phương của tỉnh Cà Mau.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ giữ đà tăng trưởng trong năm 2025

Theo Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân, Việt Nam có nhiều ưu điểm vượt trội về năng lực sản xuất các sản phẩm thủy sản so với các quốc gia cạnh tranh khác.

Cứu ngư dân huyện đảo Cồn Cỏ rơi xuống biển

Quảng Trị Ngư dân huyện đảo Cồn Cỏ đi hái rau mứt không may trượt chân, rơi xuống biển đã được thuyền viên tàu cá Bình Định và tổ tự quản đưa lên bờ an toàn.