| Hotline: 0983.970.780

Sẽ giảm thiệt thòi cho người làm nghề rừng

Thứ Tư 29/03/2017 , 08:44 (GMT+7)

Thứ trưởng thường trực Bộ NN-PTNT Hà Công Tuấn khẳng định: Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) tới đây sẽ từng bước được thực hiện theo cơ chế thị trường.

Theo đó sẽ mở rộng thêm các nguồn thu phi lâm sản từ DVMTR để tăng thu nhập và nâng cao đời sống cho người làm nghề rừng.

16-05-15_sn
Luật Bảo vệ Phát triển rừng sửa đổi sẽ bổ sung nhiều cơ chế để nâng cao đời sống cho người làm nghề rừng

Trao đổi với NNVN về chính sách chi trả DVMTR, Thứ trưởng thường trực Hà Công Tuấn (ảnh) cho rằng: DVMTR là xu hướng tất yếu để tạo nguồn tài chính bền vững, nhất là trong điều kiện thích ứng với biến đổi khí hậu, chúng ta buộc phải khôi phục phát triển rừng và không khai thác rừng tự nhiên nữa, nhưng vẫn phải tăng thu nhập cho người làm nghề rừng. Đây cũng là chính sách mà nhiều nước trên thế giới đã triển khai có hiệu quả.

Theo Thứ trưởng, nguồn thu từ DVMTR những năm qua đã có tác động rõ rệt tới chất lượng của trên 5,8 triệu ha rừng, chiếm trên 40% diện tích có rừng hiện nay của cả nước. Đây là nguồn kinh phí có ý nghĩa không chỉ nâng cao đời sống người làm nghề rừng mà còn có tác động tích cực tới công tác bảo vệ phát triển rừng.

“Nếu so sánh với ngân sách đầu tư hỗ trợ từ TƯ cho các địa phương trong bảo vệ phát triển rừng thì trong những năm qua, nguồn thu từ DVMTR đã chiếm tỉ lệ lớn hơn. Điều này đặc biệt có ý nghĩa để giảm bớt dần gánh nặng cho ngân sách nhà nước, nhất là như năm 2017 này” – Thứ trưởng Tuấn đánh giá.

Thưa Thứ trưởng, nhiều chuyên gia cho rằng, mức chi trả DVMTR hiện nay vẫn còn thấp, chưa xứng đáng với giá trị đóng góp thực tế của rừng?

Chúng ta đã triển thực hiện khai chi trả DVMTR khoảng 9 năm, trong đó có 2 năm thí điểm tại Sơn La và Lâm Đồng. Đến năm 2010, Chính phủ chính thức có Nghị định 99/2010/NĐ-CP (Nghị định 99) để triển khai việc chi trả DVMTR trên toàn quốc.

Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định 147/NĐ-CP (Nghị định 147) về sửa đổi bổ sung một số điều Nghị định 99.

Theo đó, từ ngày 1/1/2017 đơn giá tiền DVMTR đối với các NM thủy điện đã được điều chỉnh tăng từ 20 đồng/kWh như trước đây lên 36 đồng/kWh điện thương phẩm; đối với các NM cung ứng nước sạch đơn giá sẽ tăng từ 40 đồng/m3 lên 52 đồng/m3 nước thương phẩm.

Mặc dù vậy theo đánh giá của các nhà khoa học và chuyên gia quốc tế, mức chi trả này hiện vẫn còn ở mức rất thấp so với giá trị thực đóng góp của rừng. Vì vậy, cùng với việc thực hiện cơ chế thị trường, chúng ta chắc chắn sẽ phải từng bước tăng dần mức chi trả DVMTR lên.

Mặc dù chi trả DVMTR là chính sách dành cho giữa người mua và người bán, nhưng phải có bàn tay kiến tạo của nhà nước để đảm bảo hai bên có sự hài hòa nhằm đảm bảo sự công bằng, minh bạch. Nhà nước cũng không coi DVMTR là nguồn ngân sách, mà chỉ kiến tạo cho bên cung ứng dịch vụ và bên sử dụng dịch vụ tiếp cận dần tới cơ chế thị trường.

Về lâu dài, tất yếu DVMTR sẽ là cơ chế hoàn toàn điều tiết giữa bên mua và bên bán, giảm dần vai trò điều tiết của nhà nước, tuy nhiên trước mắt, chúng ta chưa thể bung ra để cho thị trường tự điều tiết được. Đây cũng chính là thực hiện cơ chế quản lí nhà nước trong nền kinh tế theo định hướng XHCN.

“Hiện nay, chủ trương của Đảng, Chính phủ sẽ là dừng việc khai thác chính đối với gỗ rừng tự nhiên. Việc dừng khai thác hoặc đóng cửa khai thác gỗ rừng tự nhiên không có nghĩa là chúng ta cấm toàn bộ những hoạt động nông lâm kết hợp, mà sẽ đẩy mạnh các hoạt động kết hợp để vừa làm cho rừng tốt lên, vừa tăng thu nhập cho người làm nghề rừng” - Thứ trưởng Hà Công Tuấn.

Những năm gần đây, nguồn thu từ DVMTR cả nước hàng năm dao động khoảng 1.300 tỉ đồng/năm và chắc chắn sẽ tiếp tục tăng lên trong những năm tới đây theo cơ chế thị trường giữa một bên là người mua (đơn vị sử dụng DVMTR) và người bán (người làm nghề rừng). Trước mắt trong năm 2017, cùng với việc thực hiện đơn giá DVMTR theo Nghị định 147, tổng nguồn thu DVMTR cả nước sẽ được tăng lên gấp rưỡi so với các năm trước đây, tức khoảng 1.700 tỉ đồng.

Trước hết, phải khẳng định đây là nguồn tài chính vô cùng lớn. Cả ngành lâm nghiệp hiện nay giá trị SX gỗ hàng năm chỉ khoảng 3.400 tỉ đồng, nếu cộng cả nguồn từ DVMTR thì giá trị SX của toàn ngành lâm nghiệp đã tăng thêm gấp rưỡi.

Tới đây, nguồn thu từ giá trị phi lâm sản, tức các nguồn từ DVMTR của ngành lâm nghiệp sẽ ngày càng tăng lên. Trong đó, chủ trương là sẽ dần mở rộng thêm các loại hình DVMTR để tăng thêm nguồn thu cho người làm nghề rừng.

Hiện nay, chúng ta mới chỉ thực hiện chi trả DVMTR đối với 3/5 loại hình chi trả DVMTR. Cụ thể tới đây, sẽ mở rộng thêm các loại DVMTR nào thưa ông?

Quốc hội hiện đã có chương trình sửa đổi Luật Bảo vệ Phát triển rừng và sẽ cho ý kiến tại kỳ họp vào tháng 5/2017, dự kiến sẽ thông qua Luật sửa đổi vào kỳ họp tháng 10/2017. Điểm mới trong Luật sửa đổi lần này là sẽ đưa thêm những nguồn thu khác từ dịch vụ phi lâm sản, trong đó DVMTR sẽ là một bổ sung mới quan trọng vào Luật. Trên cơ sở của Luật sửa đổi, chúng ta sẽ có điều kiện hoàn thiện các cơ chế chính sách dưới Luật để mở rộng thêm các nguồn thu từ các dịch vụ phi lâm sản, đồng thời khuyến khích những dịch vụ trực tiếp giữa chủ rừng với các đơn vị sử dụng DVMTR, nhất là cho hoạt động du lịch sinh thái. Mục tiêu sẽ là từng bước tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho người làm nghề rừng lên.

Hiện tại, Việt Nam cũng đang phối hợp chặt chẽ với các bạn bè quốc tế để tiến tới việc hình thành cơ chế chi trả DVMTR đối với việc hấp thụ và lưu giữ các bon của rừng, giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính thông qua Tín chỉ CO2. Nếu chúng ta triển khai được tín chỉ CO2 trong một vài năm tới đây thì nguồn thu từ DVMTR có thể sẽ tăng gấp đôi so với hiện nay, tức khoảng 2.600 – 3.000 tỉ đồng/năm. Điều này sẽ giúp tăng đáng kể nguồn thu DVMTR cho người làm nghề rừng.

Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Theo Bộ NN-PTNT, sau hơn 6 năm triển khai thực hiện chi trả DVMTR, bên cạnh ý nghĩa to lớn của chính sách này, vẫn đang tồn tại nhiều bất cập hạn chế.

Theo tính toán, sau khi trừ chi phí quản lý, vận hành thì tiền DVMTR bình quân hiện nay chỉ khoảng 200.000đ/ha/năm, thấp hơn nhiều so với mức hỗ trợ Nhà nước hỗ trợ khoán quản lý bảo vệ rừng hiện nay là 300.000đ/ha/năm.

Theo đó, thu nhập của các hộ gia đình từ DVMTR bình quân chung cả nước chỉ khoảng 2 triệu đồng/hộ/năm là rất thấp, khó đảm bảo cuộc sống của người làm rừng.

Việc chi trả tiền DVMTR theo từng lưu vực của từng cơ sở sử dụng DVMTR đã tạo ra sự chênh lệch rất lớn, đặc biệt là các tỉnh trên cùng một lưu vực sông.

Ví dụ: Một số tỉnh như Lai Châu, Điện Biên, Sơn La thu tiền DVMTR trên cùng hệ thống sông Đà hơn 100 tỷ đồng/năm, nhưng có những tỉnh như Phú Thọ, Hòa Bình lại rất thấp, chỉ 5-7 tỷ đồng/năm. Có những lưu vực mức chi trả trên 600.000 đ/ha/năm, nhưng cũng có lưu vực chỉ được chi trả 800đ/ha/năm.

Một số đơn vị sử dụng DVMTR (nhà máy thủy điện, nước sạch và cơ sở kinh doanh du lịch) chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm trả tiền DVMTR hoặc trả chậm dẫn đến nợ đọng nhiều, hàng năm tiền nợ của các đơn vị sử dụng DVMTR trên dưới 50 tỷ đồng.

 

Xem thêm
Công đoàn Bộ NN-PTNT tổ chức kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh

Ngày 8/5/2024, tại Hà Nội, Công đoàn Cơ quan Bộ NN-PTNT tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa hướng đến kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2024).

Cho vay theo chuỗi giá trị, kênh 'bơm vốn' giảm rủi ro trong sản xuất nông nghiệp

Hội thảo 'Thực trạng cho vay theo chuỗi giá trị tại Việt Nam và một số nước Đông Nam Á' thảo luận về các kinh nghiệm tín dụng nông nghiệp hiện nay.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cựu binh Đồi A1 & ký ức 'máu trộn bùn non'

Tròn 70 chiến thắng Điện Biên Phủ nhưng những đồng đội, những nắm cơm, những chiến hào 'máu trộn bùn non'… vẫn còn mãi trong tâm trí nhà giáo ưu tú Đỗ Ca Sơn.