Tại Cà Mau, các đơn vị có liên quan phối hợp với nhà tài trợ, Tổ chức Bánh mì cho Thế giới (Bread for the world - BftW) tổ chức tổng kết năm thứ 2 Dự án “Bảo vệ khí hậu và rừng ngập mặn kết hợp với cải thiện thu nhập cho các cộng đồng dễ bị tổn thương”.
Dự án “Bảo vệ khí hậu và rừng ngập mặn kết hợp với cải thiện thu nhập cho các cộng đồng dễ bị tổn thương”, được triển khai thí điểm từ năm 2021 đến nay tại Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau và Ban Quản lý rừng phòng hộ Tam Giang.
Dự án phối hợp với Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau, Chi cục Kiểm lâm, Ban quản lý rừng phòng hộ Tam Giang, Vương quốc gia Mũi Cà Mau tổ chức 2 cuộc họp chia sẻ, thảo luận về việc thực hiện việc ký hợp đồng giao khoán rừng cho các hộ gia đình trên địa bàn các khu vực dự án.
Thông qua cuộc họp, đại diện các cơ quan quản lý nhà nước có cơ hội để trình bày, giải thích về kế hoạch thực hiện việc giao khoán rừng trong thời gian tới tại hai khu vực, quá trình thực hiện và một số lưu ý trong quá trình thực hiện.
Với sự phối hợp, ủng hộ chặt chẽ giữa Trung tâm Phát triển nông thôn bền vững (Trung tâm SRD) và chính quyền địa phương cùng người dân, các hoạt động của dự án, mục tiêu và tiến độ hiện đảm bảo theo như cam kết trong văn kiện dự án đã được phê duyệt.
Trong thời gian qua, nhiều hoạt động liên quan đến bảo vệ rừng ngập mặn, nhiều mô hình sinh kế cải thiện thu nhập cho người dân trong vùng dự án đã được triển khai, mang lại hiệu quả bước đầu.
Ngoài ra, Dự án ũng đã tổ chức 7 lớp tập huấn về hạn chế rác thải nhựa, quản lý rác thải và hạn chế ô nhiễm nguồn nước trong bối cảnh biến đổi khí hậu, các lớp tập huấn kỹ thuật trồng rừng ngập mặn cho đại diện các hộ gia đình có diện tích trồng rừng mới và trồng rừng bổ sung tại Ban Quản lý rừng phòng hộ.
Bên cạnh đó là hỗ trợ một phần kinh phí và hỗ trợ kỹ thuật để triển khai trồng mới 5ha rừng, trồng bổ sung hơn 27ha rừng ngập mặn tại Ban Quản lý rừng phòng hộ Tam Giang.
Tổ chức 14 lớp tập huấn về nuôi trồng thuỷ sản dưới tán rừng; hỗ trợ triển khai mô hình nuôi vọp cho 10 hộ, mô hình nuôi tôm hai giai đoạn cho 40 hộ gia đình, mô hình nuôi sò huyết cho 40 hộ...
Ông Trần Văn Thức, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau đánh giá, các hoạt động của dự án đã mang lại nhiều kết quả đáng ghi nhận, nhất là ý thức của người dân trong bảo vệ và phát triển rừng được nâng cao; nhiều mô hình đã mang lại thu nhập, góp phần cải thiện đời sống của người dân.
Theo ông Thức, vẫn còn nhiều khó khăn như tình hình thời tiết ngày càng thất thường, dẫn đến rủi ro trong quá trình thí điểm các mô hình sinh kế, giám sát rừng, khu vực thực hiện dự án là khu vực ven bờ, gần biên giới biển, các hoạt động triển khai cần nhiều thủ tục xin phép, báo cáo,...
Do đó, thời gian tới, cần tiếp tục tăng cường hợp tác giữa nhà tài trợ dự án, cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, để các hoạt động của dự án đạt hiệu quả cao nhất.
Tổng kết năm thứ hai, các đơn vị đề ra nhiều hoạt động trong thời gian tới như tiếp tục mở các lớp đào tạo, nâng cao nhận thức về vấn đề khí hậu, biến đổi khí hậu, vai trò của rừng ngập mặn, đào tạo kỹ thuật về trồng rừng và chăm sóc rừng ngập mặn. Đồng thời, tập huấn cho người dân về quản lý chất lượng nước, nhân giống và sản xuất bền vững, thu hoạch và chế biến, lập kế hoạch kinh doanh và tiếp thị.