30 năm qua, kể từ khi tái lập tỉnh, cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh Ninh Bình chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng nông, lâm nghiệp, thủy sản từ 60,3% (năm 1992) còn 11,9% (năm 2021). Tổng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2022 ước đạt trên 9.760 tỷ đồng, tăng 2,94% so với năm trước, gấp 1,5 lần so với kế hoạch.
Giá trị sản xuất trên 1 ha đất nông nghiệp năm 2022 đạt 150 triệu đồng, vượt 2 triệu đồng so với mục tiêu. Tổng sản phẩm xã hội khu vực nông - lâm - thủy sản ước đạt trên 4.500 tỷ đồng, tăng 3,04% so với năm trước và là mức tăng cao nhất từ trước tới nay.
Đời sống vật chất và tinh thần của cư dân nông thôn, nhất là vùng miền núi, vùng ven biển khó khăn đã được nâng lên rõ rệt. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn được triển khai đồng bộ, bài bản với nhiều cách làm hay, sáng tạo. Đến nay 7/8 huyện, thành phố đã đạt chuẩn NTM và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. 100% số xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 30 xã nông thôn mới nâng cao, 14 xã nông thôn mới kiểu mẫu; trên 300 thôn được công nhận khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu.
Với những thành tựu đó, ngành nông nghiệp Ninh Bình đã được Chủ tịch nước tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất. Đó là sự khẳng định, ghi nhận cho những nỗ lực không ngừng nghỉ trong nhiều năm qua.
Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất cho Sở NN-PTNT tỉnh.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình cho biết: “Đại hội Đảng bộ tỉnh Ninh Bình lần thứ 22 (nhiệm kỳ 2020-2025) đề ra nhiệm vụ đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp; xây dựng nông thôn mới theo hướng nâng cao, kiểu mẫu gắn với phát triển du lịch.
Thời gian tới, ngành nông nghiệp của tỉnh quyết tâm thực hiện thay đổi mạnh mẽ tư duy sản xuất nông nghiệp chuyển sang kinh tế nông nghiệp; chú trọng phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, hữu cơ, tiên tiến, phát huy các sản phẩm đặc trưng, đặc hữu ở từng vùng.
Bên cạnh đó, xây dựng, hình thành các chuỗi giá trị nông sản, gắn với phát triển du lịch; vùng sản xuất thủy sản phấn đấu trở thành trung tâm sản xuất giống nhuyễn thể của khu vực; triển khai hiệu quả, chất lượng chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP. Phấn đấu tăng trưởng đạt từ 2,5%-3% trở lên.
Chú trọng gắn xây dựng nông thôn mới với đô thị văn minh, hiện đại, phấn đấu đến năm 2024, Ninh Bình sẽ hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới”.
Ông Phạm Quang Ngọc cũng đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh tích cực ủng hộ và tham gia triển khai thực hiện hiệu quả nhiệm vụ của ngành Nông nghiệp, để nông nghiệp, nông dân và nông thôn Ninh Bình tiếp tục phát triển, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới.