| Hotline: 0983.970.780

Sôi động làng chài thuyền thúng dưới chân núi Bà

Thứ Năm 11/11/2021 , 11:19 (GMT+7)

2 giờ sáng, ngư dân làng chài Trung Lương men theo đường mòn ven núi ra nơi tập kết ngư lưới cụ để mở chuyến biển mới. Biển càng động, chuyến biển càng hy vọng…

Khắc nghiệt nghề biển “1 đêm”

Hiện nay, tuy làng chài Trung Lương đã “lên đời” là khu phố Trung Lương thuộc thị trấn Cát Tiến (huyện Phù Cát, Bình Định), thế nhưng ngư dân ở đây vẫn bám trụ với nghề biển, cái nghề truyền thống từ đời ông cha để lại.

Nghề biển của ngư dân Trung Lương không đánh bắt ngoài lộng, ngoài biển xa, mà chỉ quanh quẩn gần bờ. Phương tiện là chiếc thuyền thúng và vài ba tay lưới. Chuyến biển đánh bắt chỉ trong 1 đêm. Khoảng 4 - 5 giờ chiều hoặc sau nửa đêm, lúc 1 - 2 giờ sáng, hàng trăm ngư dân làng chài Trung Lương kéo nhau men theo con đường mòn ven núi Bà, lọ dọ trong ánh sáng mờ mờ đi xuống bãi Nhỏ, bãi Bục, những nơi ngư dân tập kết ngư lưới cụ để lên thuyền thúng ra khơi đánh bắt.

Làng chài thuyền thúng dưới chân núi Bà. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Làng chài thuyền thúng dưới chân núi Bà. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Trong thời gian địa phương thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19, hàng trăm chiếc thuyền thúng và những tay lưới của ngư dân Trung Lương được nghỉ ngơi thời gian dài. Vùng biển bỗng dưng trở nên vắng lặng, bởi hàng đêm không còn những chiếc thuyền thúng gắn máy có công suất từ 6 đến 8 mã lực nổ vang vang đưa ngư dân ra biển.

Những ngày này, bãi biển Trung Lương cũng trở nên lặng lờ vào những buổi sáng, bởi vắng bóng những phụ nữ là vợ của ngư phủ đứng lô nhô đón chồng về với những mớ tôm, cá, ghẹ để mang ra chợ tiêu thụ. Quang cảnh quạnh hiu nói trên kéo theo sự buồn bã của gia đình các ngư dân, bởi, không đi đánh bắt hàng đêm đồng nghĩa họ mất đứt khoản thu nhập mỗi ngày. Trong khi những chi phí sinh hoạt, con cái học hành, ơn nghĩa hàng xóm láng giềng vẫn không ngừng bủa vây.

Vùng biển Trung Lương sôi động trở lại từ những ngày đầu tháng 10 khi địa phương đã nới lỏng giãn cách, ngư dân hồ hởi ra khơi với những chiếc thuyền thúng và những tay lưới quen thuộc. Đã bước vào mùa biển động, những chiếc thuyền thúng sẽ vất vả hơn trước những con sóng hung hãn. Tuy nhiên, theo ngư dân làng chài Trung Lương, biển càng động thì chuyến biển càng đầy hy vọng, bởi vùng biển  gần bờ sẽ cho nhiều tôm cá hơn lúc biển êm.

Ngư dân làng chài Trung Lương, thị trấn Cát Tiến (huyện Phù Cát) ra nơi tập kết ngư lưới cụ để cho thuyền thúng ra khơi đánh bắt. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Ngư dân làng chài Trung Lương, thị trấn Cát Tiến (huyện Phù Cát) ra nơi tập kết ngư lưới cụ để cho thuyền thúng ra khơi đánh bắt. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Năm nay lão ngư Trần Xuân Lộc ở làng chài Trung Lương vừa tròn 62 tuổi, nhưng ông đã có đến 49 năm “ăn đằng sóng nói đằng gió” với nghề biển gần bờ. Cha truyền con nối, đến nay gia đình ông Lộc đã có 3 đời làm nghề biển.

Lúc mới 13 tuổi, ông Lộc đã theo cha trên chiếc thuyền nan đan bằng tre trét dầu rái, phụ cha kéo cá trong những chuyến đánh bắt dọc khu vực bán đảo Phương Mai dưới chân núi Bà, ra tận vùng khơi Đề Gi thuộc huyện Phù Cát. Được biển tôi luyện sức khỏe từ tấm bé, nên giờ tuy tuổi đã cao nhưng lão ngư Lộc vẫn còn rất rắn rỏi, vẫn hừng hực lửa nghề.

Theo lời kể của ông Lộc, ngày xưa, các lão ngư tiền bối ở làng chài Trung Lương sử dụng thuyền nan được đan bằng tre hoặc thuyền gỗ để đi biển. Khoảng 30 năm trở lại đây, ngư dân làng chài chuyển sang đánh cá bằng thuyền thúng gắn mái chèo. Thuyền thúng tròn, dễ xoay xở, luồn lách di chuyển vào các bãi rạn, gành đá để săn tôm, cá. Mấy năm gần đây, thuyền thúng của ngư dân làng chài Trung Lương được “hiện đại hóa”, được gắn máy nổ từ 6 đến 8 mã lực để di chuyển nhanh hơn.

Ngư dân làng chài Trung Lương chuẩn bị ngư lưới cụ để mở chuyến biển mới. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Ngư dân làng chài Trung Lương chuẩn bị ngư lưới cụ để mở chuyến biển mới. Ảnh: Vũ Đình Thung.

“Ngư dân làm nghề lưới thúng chúng tôi phải thức khuya dậy sớm, mưu sinh đầu sóng ngọn gió, có khi trả giá bằng cả tính mạng. Trong nghề này, có người cho thuyền thúng ra khơi từ buổi chiều, có người ra khơi vào lúc 1-2 giờ sáng. Đánh bắt trong đêm, sáng ra thúng nào không đánh bắt được cá cũng về bờ, đêm sau đi tiếp. Mùa biển êm thì vùng đánh bắt rộng, nhưng cá tôm lại ít. Mùa này biển động, đầy sóng gió, nguy hiểm chực chờ nhưng cá tôm nhiều hơn. Do đó, vào mùa này chúng tôi phải nương vào các gành đá, bãi rạn khuất gió để thả lưới. Mùa biển động nhưng ngư dân háo hức đi đánh bắt hơn bởi luôn hy vọng có những chuyến biển bội thu”, ngư dân Lộc chia sẻ.

Nghề nuôi sống mấy đời ngư dân

Đối tượng đánh bắt của ngư dân làng chài Trung Lương rất phong phú chủng loại. Nào là cá đối, cá hố, cá kình, cá bè, cá mú, cá gáy, cá róc, cá hồng, cá liệt, cá song và cua, ghẹ… Cá dính lưới trong đêm, sáng ra đã được đưa vào bờ tiêu thụ, nên khi đến chợ cá vẫn còn rất tươi, người tiêu dùng rất ưa thích.

“Hiện giá các loại cá từ 50.000 đến 150.000 đồng/kg, cua và ghẹ có giá từ 150.000 đến 250.000 đồng/kg. Trong những ngày giãn cách xã hội bà con làng chài không đi đánh bắt được nên người tiêu dùng ai nấy đều cũng muốn có cá biển tươi ăn, do đó cá đánh bắt về bán chạy như tôm tươi”, lão ngư Nguyễn Trung chia sẻ.

Theo lão ngư Trung, thu nhập của người đánh cá gần bờ bằng thuyền thúng ở làng chài Trung Lương đạt bình quân từ 200.000 - 500.000 đồng/người/ngày. Hôm nào trúng đàn cá lớn, nhiều thuyền thúng có mức thu nhập từ 15 đến 20 triệu đồng/đêm. Phạm vi đánh bắt của các ngư dân làng chài Trung Lương chỉ cách bờ một vài hải lý, ngư trường đánh bắt là những ghềnh đá, hốc đá, rạn san hô.

Sau chuyến đánh bắt, những chiếc thuyền thúng lần lượt vào bờ. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Sau chuyến đánh bắt, những chiếc thuyền thúng lần lượt vào bờ. Ảnh: Vũ Đình Thung.

“Mùa này biển động, cá ngoài lộng thường kéo vào vùng biển gần bờ trú ẩn trong các bãi rạn, các hốc đá, bãi cỏ biển nên chúng tôi nhắm vào những nơi này để đánh bắt. Thuyền thúng nhỏ, có thể di chuyển được vào các vùng bãi rạn, hốc đá để thả lưới. Nghề này tuy đánh bắt gần bờ nhưng rất nguy hiểm, phải có kinh nghiệm, người điều khiển thuyền thúng phải có tay nghề, đặc biệt phải thiện nghệ trong việc lèo lái chiếc thuyền thúng mới làm được nghề”, ông Trung bộc bạch.

Đặc thù của làng chài Trung Lương là một nửa dân số làm nghề biển, nửa kia làm nông. Những năm gần đây, du lịch ở bán đảo Phương Mai (TP Quy Nhơn) khởi sắc, kéo theo du lịch ở vùng quê biển Trung Lương, nơi có bãi biển đẹp như tranh vẽ phát triển theo. Rồi khi Cát Tiến từ xã lên thị trấn, nhiều người chuyển từ làm nông sang làm dịch vụ, thế nhưng vẫn còn 200 hộ ngư dân “chung thủy” với nghề truyền thống, cho thuyền thúng ra biển hàng đêm để mưu sinh.

Sau chuyến đánh bắt, ngư dân phụ nhau khiêng những chiếc thuyền thúng về nơi tập kết ngư lưới cụ đợi đêm đến mở chuyến biển mới. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Sau chuyến đánh bắt, ngư dân phụ nhau khiêng những chiếc thuyền thúng về nơi tập kết ngư lưới cụ đợi đêm đến mở chuyến biển mới. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Ngư dân Nguyễn Ca, người chuyên hành nghề lưới bắt ghẹ, chia sẻ: “So với cá thì ghẹ bán giá tiền cao hơn nhiều, nhưng nghề này lệ thuộc vào may mắn nhiều lắm. Đêm nào gặp hên đánh bắt được vài ký ghẹ là kiếm tiền triệu như chơi, nhưng có ngày chỉ đánh bắt được đúng 1 con, bù qua bù lại cũng đủ sống”.

Thời điểm “vàng” của ngư dân làng chài Trung Lương là thời gian cận Tết Nguyên đán. Vào thời điểm này, hầu hết ngư dân đều kiếm được tiền triệu mỗi đêm đánh bắt. Chủ thúng Lê Tấn Tài (28 tuổi), nhớ lại: “Thời điểm tết năm ngoái giá các loại cá tăng cao, dao động từ 150.000 - 200.000 đồng/kg, cá vào bờ bao nhiêu thương lái thu mua hết bấy nhiêu nên ngư dân làng chài Trung Lương rất phấn khởi. Mùa đánh bắt cận tết năm ngoái có 2 chủ thúng trúng mẻ cá lớn, chỉ một đêm đánh bắt thu về trên 20 triệu đồng. Lo lắng lớn nhất trong nghề biển gần bờ của ngư dân làng chài Trung Lương là sự tàn phá của tàu giã cào. Tàu giã cào đánh bắt theo kiểu tận diệt, chúng cào sạch cả những con cá nhỏ, thậm chí cào phá hết ngư lưới cụ của ngư dân hành nghề truyền thống”.

Mẻ cá thu sau một chuyến biển. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Mẻ cá thu sau một chuyến biển. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Theo ông Phạm Nay, tổ trưởng Tổ đồng quản lý ngư nghiệp khu phố Trung Lương, nghề lưới thúng của ngư dân làng chài Trung Lương tuy nhỏ, nhưng mang lại thu nhập rất ổn định cho các hộ dân. “Vài năm trở lại đây, bình quân mỗi đêm đánh bắt của các chủ thúng cho thu nhập từ 700.000 - 1 triệu đồng, vị chi mỗi tháng mỗi chủ thúng có thu nhập từ 15 - 20 triệu đồng. Thu nhập cao nhất là vào dịp cận Tết Nguyên đán, thời điểm này nhu cầu tiêu thụ hải sản tăng cao, giá cả cũng tăng vọt nên các chủ thúng tranh thủ đánh bắt để kiếm thêm thu nhập”, ông Nay cho hay.

“Thời gian vừa qua, do giãn cách kéo dài nên bà con ngư dân không đi đánh bắt được, địa phương vừa nới lỏng giãn cách là ngư dân hồ hởi cho thuyền thúng ra khơi đánh bắt để cuộc sống đỡ khó khăn. Vừa rồi, địa phương xét hồ sơ hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng do Covid-19, tuy nhiên nghề đi biển không trong các nhóm đối tượng ưu tiên hỗ trợ, chúng tôi đã có đề xuất lãnh đạo cấp trên xem xét mở rộng đối tượng hỗ trợ”, ông Trần Đình Trực, Chủ tịch UBND thị trấn Cát Tiến.

Xem thêm
Tây Ninh phấn đấu là nơi đáng sống và động lực tăng trưởng vùng

TÂY NINH Với thiên thời, địa lợi, nhân hòa, 'nóc nhà Đông Nam bộ' đặt mục tiêu trở thành nơi đáng sống và động lực tăng trưởng cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Cho vay theo chuỗi giá trị, kênh 'bơm vốn' giảm rủi ro trong sản xuất nông nghiệp

Hội thảo 'Thực trạng cho vay theo chuỗi giá trị tại Việt Nam và một số nước Đông Nam Á' thảo luận về các kinh nghiệm tín dụng nông nghiệp hiện nay.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Để Ba Chẽ không chia cắt trong mùa mưa bão

Huyện Ba Chẽ (tỉnh Quảng Ninh) đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng xây dựng các công trình giao thông, đảm bảo người dân không bị 'ngăn sông, cách suối' trong mùa mưa bão.