| Hotline: 0983.970.780

Trang trại Mỹ chuyển mình thời khủng hoảng

Sóng gió vẫn đam mê

Thứ Sáu 29/05/2020 , 06:30 (GMT+7)

36 tháng qua, nông dân Mỹ liên tục gặp khó khăn, từ giá hàng hóa giảm, chiến tranh thương mại, thời tiết xấu cho đến Covid-19. Nhưng họ không gục ngã.

Richard Oswald trồng ngô tại trang trại của gia đình ở quận Atchison, Missouri - nơi từng bị lũ lụt dọc theo sông Missouri nhấn chìm dưới nước. Ảnh: Kaiser Health News.

Richard Oswald trồng ngô tại trang trại của gia đình ở quận Atchison, Missouri - nơi từng bị lũ lụt dọc theo sông Missouri nhấn chìm dưới nước. Ảnh: Kaiser Health News.

Bám trụ

Giá hàng hóa ở mức thấp khiến thu nhập ròng của trang trại giảm từ 123,8 tỷ USD năm 2013 xuống còn 69 tỷ USD vào năm 2018, theo USDA. Trong khi đó, chi phí đầu vào tăng không ngừng.

Năm 2018, Trung Quốc, nơi mua gần 1/3 đậu tương Hoa Kỳ, áp thuế 25% đối với cây trồng để trả đũa. Điều đó làm giảm nhu cầu và đẩy giá xuống dưới mức hòa vốn - 10 USD/1 giạ (1 giạ ≈ 27,2 kg). Nhiều nông dân trồng đậu tương phá sản.

“Dữ liệu từ các Tòa án Hoa Kỳ cho thấy, trong khoảng thời gian 12 tháng tính tới tháng 9/2019, số vụ trang trại phá sản lên tới 580 hồ sơ, tăng 24% so với năm 2018 và chỉ kém mức cao nhất 676 vụ vào năm 2011”, theo Farm Bureau.

Thương chiến cản trở doanh số bán cây trồng, nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp Trung Quốc giảm gần 20%.

Chưa hết, nông dân Mỹ còn chịu ảnh hưởng bởi hàng loạt rắc rối liên tiếp trong năm 2019.

Gary Schnitkey, nhà kinh tế nông nghiệp tại Đại học Illinois, cho biết, “Đó là một loạt các sự kiện chưa từng thấy xuất hiện cùng nhau, trở thành đòn giáng mạnh vào mọi nông dân”.

Lũ lụt nghiêm trọng làm ngập khu vực Đông Nam và Midwestern năm 2019, trì hoãn việc trồng ngô, đậu tương.

Vào tháng 8/2019, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) báo cáo hơn 19,4 triệu mẫu đất vẫn chưa kịp trồng trọt trong năm, mức cao nhất kể từ khi có thống kê bắt đầu vào năm 2007.

Trang trại của Richard Oswald, một nông dân thế hệ thứ năm, bị lũ lụt dọc theo sông Missouri nhấn chìm.

Khó khăn, song Oswald vẫn bước tiếp. Ông không thể tưởng tượng việc không làm nông nghiệp nữa. “Không có cuộc sống nào mà không có thử thách”, ông nói.

Megan Dwyer, 30 tuổi, đồng sở hữu trang trại rộng 700 mẫu với cha cô ở Thung lũng Coal Valley, Illinois, cũng muốn gắn bó với nông nghiệp lâu dài.

Thời điểm hè 2019, trang trại nhà Dwyer gặp khó do lũ lụt. Cô phải tìm công việc toàn thời gian khác nhưng không hề nghĩ tới từ bỏ nghề nông.

Tại Wisconsin, khủng hoảng sữa nổ ra, giá giảm 40% kể từ cuối năm 2014. Wisconsin mất gần 700 trang trại bò sữa vào năm 2018.

Sue và Chuck Spaulding, chủ trang trại vùng Shell Lake rộng 300 mẫu mà Chuck mua khi ông mới 17 tuổi, lâm vào cảnh nợ nần. Nhưng họ vẫn quyết tâm bám nông nghiệp.

Sáng tạo và lạc quan trong nghịch cảnh

Covid-19 bất ngờ ập đến. "Trong quãng 20-30 năm qua của nông nghiệp Hoa Kỳ, các sự kiện trong 36 tháng qua hoặc lâu hơn chưa bao giờ tồi tệ như thời điểm này", David Widmar, nhà kinh tế nông nghiệp thuộc Công ty phân tích Agricultural Economic Insights, nói.

Các trang trại nhỏ và vừa vật lộn với một loạt thách thức do virus mang tới.

Theo ước tính từ Hiệp hội Tiếp thị Sản phẩm, ít nhất 5 tỷ USD rau quả tươi bị lãng phí.

Ủy ban Khoai tây Washington cho biết nông dân tiểu bang này phải đối mặt với việc dư thừa gần 500 triệu tấn do mất thị trường.

Vấn đề thiếu lao động xuất hiện từ trước nay bị đại dịch góp phần làm phức tạp thêm.

Sau đợt bùng nổ mua ban đầu, nguồn cầu đóng băng gây thiệt hại lớn cho nhà nông Hoa Kỳ.

Thị trường Ethanol và diesel sinh học sụp đổ, chuỗi nhà máy chế biến thịt đóng cửa do công nhân nhiễm virus tăng mạnh. Theo Thống đốc Kim Reynolds của Iowa, bang cung cấp 1/3 sản lượng thịt cho toàn nước Mỹ, tới 700.000 con lợn không có nơi giết mổ mỗi tuần.

Nhiều nhà sản xuất sữa đột nhiên thấy thị trường biến mất. Mỗi ngày, khoảng 14 triệu lít sữa bị đổ bỏ, theo ước tính từ Dairy Farmers of America, hợp tác xã sữa lớn nhất Mỹ.

Trang trại gia đình Hartschuh ở Sycamore, Ohio có 180 đầu gia súc cần cho ăn và vắt sữa liên tục, bất kể thị trường thế nào. Giữa đại dịch, họ vẫn khá lạc quan. Cả thế hệ thứ ba và thế hệ thứ tư của trang trại tiếp tục thể hiện sự quan tâm đến làm nông.

Họ lựa chọn thử sức, chấp nhận thua lỗ và hy vọng điều tốt hơn ở phía trước.

"Nông nghiệp tuân theo chu kỳ. Có thể đang suy thoái ngay bây giờ, nhưng rồi cuối cùng thị trường sẽ quay đầu, vì vậy chúng tôi lạc quan rằng mọi thứ sẽ tốt hơn cho tất cả nông dân".

Cùng quan điểm trên, trang trại của Kate Huffman, ở Kewanee, Illinois, trải qua sáu thế hệ, tiếp tục trồng đậu tương và ngô, hai loại cây trồng đang giảm giá.

"Thế giới vẫn cần thực phẩm", cô nói.

Huffman lạc quan vì thấy được sự kiên cường của các gia đình làm nông. “Bất kể phải đối mặt điều gì, họ luôn quay trở lại với nghề nông”.

Trong thực tế, không phải trang trại nào cũng bị đại dịch quật ngã.

Randy và Victoria Rogowski, điều hành trang trại Laurel Glen 100 tuổi trên đường Waverly, Shelton, Connecticut, cho biết, kinh doanh vẫn tốt hơn bình thường, ngay cả giữa thời Covid-19, thậm chí còn bùng nổ.

Họ chứng kiến làn sóng khách hàng mới do người tiêu dùng không đến tạp hóa hay cửa hàng thực phẩm nhằm giữ an toàn mùa dịch.

“Cổ phiếu bao tiêu nông phẩm” do trang trại Laurel Glen cung cấp tăng gấp ba lần trong năm nay. “Nhu cầu hiện tại thật đáng kinh ngạc”, ông Rogowski nói.

Nông dân trên khắp Shelton đang thảo luận về cách tận dụng tốt nhất tình hình mới lạ này.

Stone Gardens, trang trại 50 mẫu Anh trên đường Saw Mill City ở Shelton, nơi gia đình Monahan và một nhân viên, tổng cộng 15 người, canh tác cũng khấm khá giữa đại dịch.

Doanh số của trang trại Stone Gardens tăng gấp ba ngay trong đại dịch. Ảnh: Stone Gardens.

Doanh số của trang trại Stone Gardens tăng gấp ba ngay trong đại dịch. Ảnh: Stone Gardens.

“Khách hàng đổ xô đến”, ông Monahan nói. "Tôi ước tính trang trại của mình tăng gấp ba doanh số nhờ bán thịt tại chỗ và nhiều dịch vụ khác".

Trở lại với Larry Glicks, sử dụng quá khứ làm bài học, ông cho biết có một cái nhìn tích cực về tương lai.

“Tôi không nghĩ ai có thể là một nông dân mà không lạc quan”, ông nói. “Phía sau giông bão sẽ là tương lai tươi sáng hơn”.

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Ukraine nỗ lực xâm nhập lãnh thổ Nga, Moscow xuyên thủng Patriot

Ukraine tăng cường các vụ tấn công bằng UAV và tổ chức nhiều đợt xâm nhập lãnh thổ Nga, trong khi đó, mục tiêu của Moscow là khu vực hậu phương của Kiev.

Chuyên gia Ukraine thừa nhận sự vượt trội của máy bay không người lái Nga

Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Trinh sát Trên không Ukraine Maria Berlinskaya thừa nhận rằng quân đội Nga vượt trội hơn trong phát triển và sản xuất máy bay không người lái (UAV).

Video Thủ tướng Ấn Độ cầu nguyện dưới biển gây 'sốt' trên mạng

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi hôm 25/2 chia sẻ video thực hiện lễ cầu nguyện tại thành cổ Dwarka, khu di tích nằm dưới đáy biển ở bang Gujarat, miền tây nước này.