| Hotline: 0983.970.780

Sống mòn giữa Thủ đô: Xóm bệnh nhân

Thứ Tư 16/07/2014 , 08:42 (GMT+7)

Có một vòng luẩn quẩn đến mức sợ hãi. Những lao động nông thôn lên phố bán hết sức lực mưu sinh, cuối đời về quê mang theo được ít tiền nhưng đủ thứ bệnh tật. Họ phải quay lại Thủ đô chữa trị./ Tôi đi làm cửu vạn chợ Long Biên

Vì thế mà xung quanh các bệnh viện lớn ở Hà Nội, những xóm bệnh nhân mọc lên ngày một nhiều, một đông.

Những người khốn khổ

Đối diện cổng Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), phía bên kia đường Giải Phóng có một con ngõ tập trung rất nhiều bệnh nhân tỉnh lẻ lên Thủ đô chữa bệnh. Nhiều lắm. Nhiều đến nỗi những người bệnh tự bầu ra xóm trưởng, xóm phó, lập hẳn danh sách bệnh nhân để tiện bề thăm hỏi nhau trong cảnh khốn cùng.

Nhìn từ bên ngoài, “xóm bệnh nhân” tồi tàn, nhếch nhác như chính thân phận của những dân quê không được may mắn. Những phòng trọ tầm 5-6m2 nằm san sát, tối tăm, vá chằng vá đụp như thể muốn phô bày hết ra nỗi khổ cực, khốn khó.

Xóm trưởng là ông Nguyễn Văn Tấn (74 tuổi), quê ở xã Thanh Vân, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang, người có thâm niên 12 năm “ăn cơm” ở Bệnh viện Bạch Mai này.

Trên người ông, chỉ còn hai bên bẹn là người ta chưa rạch để nối cầu lọc máu. Trong danh sách ông Tấn vừa thống kê hôm qua, xóm bệnh nhân có 124 người. Già nhất là bà Dư Thị Tân (79 tuổi), trẻ nhất là cậu thanh niên tên Hiệu mới chỉ 20, quê ở huyện Sơn Động (tỉnh Bắc Giang).

Tự thấy những việc này hơi lạ, ông trưởng xóm giải thích là phải thống kê từng tuần một do con số thường xuyên thay đổi. Thỉnh thoảng lại có người lẳng lặng về quê chờ chết, có người mới gia nhập, cũng có người bỏ đi đâu không ai biết.

Có lẽ, hiếm có nơi nào có thể “tập hợp” được nhiều số phận, nhiều bi kịch như ở xóm bệnh nhân này. Ông Tấn vừa lật danh sách từng người vừa nói bằng giọng chua chát: Những người ở đây toàn là nông dân lao động tỉnh lẻ, từ Hà Tĩnh đổ ra là chủ yếu. Dân quê vốn nghèo, vốn khổ, cộng thêm bệnh tật tất sinh ra bi kịch thôi.

16-06-39_ncnh3
Xóm trưởng Nguyễn Văn Tấn

Trong xóm có 6 người bị chồng bỏ sau khi phát hiện mắc bệnh tật. Đa số họ là những phụ nữ nông thôn, một đời làm lụng quần quật, hết ruộng vườn lại đi làm thuê làm mướn, đẻ cũng quần quật để rồi bị ruồng bỏ không thương tiếc.

Những chuyện buồn đáng ra không nên nói nhưng nghĩ cay đắng quá. Như chị Huyền ở Hải Dương, chị Minh ở Ninh Bình. Rồi cái Hoa. Nhà chồng biết nó bệnh vội tỉ tê nó ký giấy ly hôn rồi ngọt nhạt “sống quê cha làm ma quê chồng”, hứa sẽ vẫn chăm sóc nó như con cái trong nhà. Từ ngày nó nhập viện, suýt chết mấy lần mà có ma nào ngó đâu.

Tôi cố tìm hiểu thêm hoàn cảnh từng người nhưng họ đều từ chối. Lý do là vì “hoàn cảnh ra thế này, thân còn chẳng tiếc, chỉ mong chống chọi được đến ngày về quê, dựng túp lều, có chỗ chui ra chui vào khi còn sống, có chỗ hương khói khi chết mà thôi”.

Trong căn phòng xập xệ rộng chỉ chừng 6m2, bà Mai Thị Hạnh (70 tuổi) quê ở xã Hưng Đạo, huyện Tiên Lữ (tỉnh Hưng Yên) ngồi nhai mỳ tôm sống để chuẩn bị lên viện chạy thận, lọc máu.

Đã 10 năm nay, kể từ khi bà bị mắc căn bệnh quái ác, thời gian chủ yếu sống ở xóm bệnh nhân này. Chồng liệt sĩ, được duy nhất cô con gái đã đi lấy chồng nên bà Hạnh phải tự lo lấy. Mỗi tháng hết 1,8 triệu đồng tiền viện phí, 500 ngàn tiền thuê trọ. Rồi còn thuốc men, ăn uống, sinh hoạt...

Bình quân mỗi tháng, những người như bà Hạnh cần ít nhất 3 triệu đồng để duy trì tính mạng, trong khi tiền chế độ vợ liệt sĩ của bà được có hơn một triệu đồng tí ti.

Nghe bà kể, trước đây bà làm ruộng, rồi lên Hà Nội làm đủ thứ nghề. Bán hàng rong, bốc vác, làm ô sin... Từ ngày phát bệnh, nhà cửa, ruộng vườn ở quê bỏ hoang không ai ngó. Đợt vừa rồi Nhà nước có chính sách hỗ trợ 40 triệu đồng xóa nhà tạm nhưng bà Hạnh không dám nhận vì không biết lấy đâu ra tiền để bù vào. Một năm rồi không về, bây giờ có khi nhà sập rồi cũng nên.


Bà Mai Thị Hạnh

Nhìn vẻ ngoài nhỏ thó, da xanh mét, hai tay từng khối u sưng như những quả trứng gà của bà Hạnh, không ai nghĩ bà mỗi ngày vẫn phải đi làm thêm kiếm tiền thuốc men, tiền viện phí.

Thỉnh thoảng có người chào, để về quê... chết

Hầu hết những bệnh nhân ở xóm, ngoài thời gian điều trị trên viện cũng chẳng được nghỉ ngơi. Họ phải tự tìm việc làm kiếm thêm chút tiền để điều trị bệnh tật. Người chạy xe ôm, người ngồi bán nước, người gồng gánh hàng rong, thậm chí nhiều người còn phải quay lại với những nghề nặng nhọc như phụ hồ, bốc vác...

Nếu nhìn cái cảnh bà Dương Thị Hoài (60 tuổi) quê ở xã Tam Thanh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định vừa trở về sau buổi chạy thận mà bà bảo mệt rã rời đã vội vàng quang gánh đi bán hàng rong thì có lẽ bất cứ ai cũng phải thấy ái ngại.

Người rộc rạc, xanh lét. Chân tay chi chít vết tiêm, vết rạch, đến tiếng thở cũng khò khè khó nhọc. Nhưng ở xóm bệnh nhân này là thế. Họ quen rồi. Người nào cũng vậy. Đến như chồng bà Hoài là ông Sự cũng thấy đó là chuyện bình thường.

Ở quê, vợ chồng bà làm non mẫu ruộng. Bà biết bệnh từ lâu, nhưng không có tiền đi khám. Lần khần đến lúc nặng quá không cố chịu được nữa mới bán hết thóc lúa để lên đây. Con cái ông bà cũng 3 đứa, đủ trai đủ gái, xây dựng gia đình nhưng chúng cũng làm thuê làm mướn cả, không đứa nào giúp đỡ được gì.

Hai người có thời gian điều trị lâu nhất ở xóm bệnh nhân là anh Khai với anh Quý. Nghe kể, gia đình ở quê của họ giờ chẳng còn thứ gì đáng giá. Nếu có chết may ra chỉ đủ tiền mua chiếc áo quan.

Ông Sự kể, mới đầu điều trị bên Bệnh viện 103, đến lúc bệnh chuyển nặng bác sĩ khuyên đưa sang Bệnh viện Bạch Mai lọc máu. Bà Hoài nằng nặc đòi ông đưa về quê chờ chết vì số tiền điều trị quá sức của gia đình, nhưng ông Sự không đành lòng. Ông bỏ hết ruộng vườn, nhà cửa lên đây, vừa kiếm việc làm vừa tiện chăm bà.

Cũng đã 6 năm nay rồi. Ngày ngày ông chạy xe ôm, bà bán hàng rong. Mỗi tội ông Sự bị lãng tai, lúc nghe được lúc không, cộng thêm bệnh khớp, mỗi khi trở trời bước đi không nổi nên càng chật vật. Vậy nhưng, hoàn cảnh của họ cũng chưa đến mức bi đát bằng những người mà ông Tấn gọi là “cô đơn quả phụ” trong xóm bệnh nhân này.

Phải như bà Trương Thị Mừng (54 tuổi) ở Ninh Bình, bà Nguyễn Thị Giáng (49 tuổi) ở Thái Bình mới gọi là thê thảm. Không biết gia cảnh của họ ở quê thế nào mà từ ngày đến xóm này tuyệt chẳng có ai thân thích đến thăm. Tiền bạc cũng không thấy ai hỗ trợ.

Bệnh của hai người đàn bà này đều ở dạng nặng rồi, cầm bát cơm ăn còn lỏng khỏng nhưng hằng ngày họ đều phải lết thân đi kiếm việc làm.

Dạo trước, trong Bệnh viện Bạch Mai người ta còn cho bán nước, bán quạt giấy chứ đợt này bảo vệ đuổi liên tục nên các bà phải đi làm những việc nặng hơn. Bà Mừng cũng đi gánh hàng rong, còn bà Giáng thỉnh thoảng còn phải xin đi làm phụ hồ. Nghe thì hơi khó tin nhưng quả đúng như thế thật.

Ông lão bán nước đầu ngõ 121 ở xóm bệnh nhân nói với tôi, người quê khổ nhưng vẹn tình. Ngồi ở đây, thỉnh thoảng lại có người ra chào để về quê chờ ngày chết do không kiếm đâu ra tiền để điều trị nữa. Ở cạnh xóm bệnh nhân có khá nhiều khu trọ của dân lao động tỉnh lẻ lên Hà Nội ngụ cư, làm thuê, làm mướn.

Xem thêm
Quốc hội miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Chiều 2/5, Quốc hội thống nhất miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch Quốc hội nhiệm kỳ 2021 - 2026, cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa XV với ông Vương Đình Huệ.

Chủ động với các kiểu thiên tai nguy hiểm giai đoạn chuyển mùa

Bến Tre Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bến Tre có công văn yêu cầu chủ động phòng tránh, ứng phó các kiểu thiên tai giai đoạn chuyển mùa.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Đề xuất xây cầu 3.500 tỷ đồng nối Bến Tre và Trà Vinh

Trà Vinh Dự án cầu Cổ Chiên 2 với vốn đầu tư khoảng 3.500 tỷ đồng, dự kiến đưa vào sử dụng năm 2030.