| Hotline: 0983.970.780

Sống sao với gã chồng vừa độc đoán vừa lười nhác?

Chủ Nhật 31/05/2020 , 08:30 (GMT+7)

Câu chuyện lập gia đình của Hồng lắm nỗi gian truân. Cô là nạn nhân của hủ tục “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”, và tư tưởng chồng chúa vợ tôi.

 

Câu chuyện lập gia đình của Hồng lắm nỗi gian truân, cô là nạn nhân của hủ tục “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”, và tư tưởng chồng chúa vợ tôi. Hồng đã thoát khỏi những gông cùm đó như thế nào?

Từ khi Hồng mới lên 16 tuổi, gia đình nhà bên cha mẹ của Trúc đã nói với ông bà Huỳnh, ba mẹ của Hồng, để giữ mối cho con trai của họ rồi. Về phía bà Huỳnh, vốn đã rất ái mộ gia đình nhà ông bà Tín, ba mẹ Trúc, vì họ giàu có, lại chỉ có mình Trúc là con trai một.

Không hiểu tại sao ngay từ khi mới gặp Trúc, Hồng đã không mấy có cảm tình với chàng trai này. Làn da của anh xanh xao, loại da dẻ của những người thường hay ở trong nhà.

Tuy nhiên cô không hiểu tại sao, cũng không biết rõ cho lắm. Ngoài ra, qua nói chuyện, cô thấy Trúc cũng ăn nói điềm đạm, mực thước, không để lộ ra những gì như cô sẽ thấy sau khi đã lấy chồng.

Hồng đã sớm bươn chải cùng với người chị cả. Gia đình cô bình dân, con cái học hành dở chừng giữa cấp hai thì thôi học để đi buôn bán. Ông bà Huỳnh lập gia đình muộn, khi đẻ ra bà chị cả của Hồng thì họ đều đã ngoài 40 tuổi, thế mà nhà Hồng cũng có tới bốn chị em, lần lượt hai gái hai trai.

Trong khi chị em Hồng đi bán thịt cá ngoài chợ, thì cả hai em trai do bẩm sinh không được nhanh nhẹn như người khác, nên họ chỉ có thể đỡ đần các công việc lặt vặt như phụ giúp dọn hàng hoặc nấu bếp, làm cơm cho cả nhà.

Chị Nguyệt của Hồng lấy chồng rồi về nhà chồng ở. Hồng nghiễm nhiên một nách lo cho cả gia đình. Vụ mai mối lấy Trúc diễn tiến được hơn nửa năm thì hai bên tổ chức đám cưới. Hồng về nhà chồng làm dâu, còn vợ chồng chị Nguyệt lại dọn về ở chung với ông bà Huỳnh và hai em trai.

Từ ngày về ở với chồng, Hồng mới vỡ lẽ ra những điều cô lấy làm hối tiếc vì sao trước đây mình không được biết. Nhà bố mẹ Trúc có mặt bằng khá rộng rãi, ngoài căn nhà bề ngang năm mét, dài 30 mét, phía trước nhà là khoảng sân tráng xi măng dài cả chục mét. Một nửa sân, nhà Trúc cho người ta thuê bán trái cây, từ khi có Hồng về, cô được chừa cho một nửa sân để mở cửa hàng bán bún mọc.

Hàng bún mọc của Hồng nấu rất ngon, nên có đông khách ăn. Ban đầu Hồng chỉ định bán buổi chiều, còn buổi sáng bán thịt cá ngoài chợ. Nhưng về sau khi hai vợ chồng đã có một con trai, cửa hàng bún lại đông khách ăn, nên cô bỏ bán ở chợ, chuyển hẳn về bán bún mọc ở nhà cả hai buổi sáng chiều.

Lại nói chuyện Trúc. Trúc chẳng có nghề ngỗng gì cả, thu nhập của anh ta là nhờ cho thuê một căn nhà cấp bốn xây lên từ mảnh đất phía bên cạnh, cắt ra từ đất nhà. Cộng thêm thu nhập từ cửa hàng bán trái cây, và bây giờ là cộng thêm tiền từ hàng bún mọc của vợ.

Trúc đặt vấn đề với Hồng rằng “vợ chồng mình ở nhờ nhà của bố mẹ, tất nhiên cũng phải đóng góp”. Cái khoản đóng góp đó là 50/50, nghĩa là mỗi ngày sau khi bán xong, Hồng phải trích ra một nửa tiền bán hàng đưa cho chồng. Bất kể hôm ấy bán hàng có bị ế ẩm thì vẫn phải đưa cho đủ. Hôm nào đắt hàng thì còn phải đưa thêm tiền phụ trội.

Một mình Trúc tay hòm chìa khóa quản lý mọi thu nhập chi tiêu trong nhà. Suốt ngày anh ta chỉ quấn quýt chăm sóc cho mấy con gà đá của mình, đó là thú vui bình sinh của Trúc. Anh ta chỉ lo đưa đón con trai đi học, còn mọi chuyện khác đều không màng tới.

Vấn đề là trong khi Hồng muốn có thêm một đứa con nữa thì Trúc nhất định không chịu. Anh ta lý luận rằng từ xưa đến nay anh ta vốn là con trai một thì bây giờ hai vợ chồng cũng chỉ nên có một con trai duy nhất mà thôi.

Tuy rất bất mãn với cách lý luận dở hơi của chồng, nhưng Hồng không làm thế nào được. Trúc độc đoán đến mức có những lần Hồng bị ốm, cô đi bác sĩ cho thuốc kê toa. Nhưng đến khi cái toa đó rơi vào tay Trúc, anh ta chỉ cho vợ uống nửa toa hoặc bớt xén những thứ thuốc trong toa theo ý riêng của anh ta. Không hiểu sao Hồng hết bệnh được cũng lạ.

Về nhà chồng, Hồng phải từ bỏ phần lớn những món ăn bấy lâu nay cô vẫn ăn ở nhà bố mẹ ruột. Đơn giản là vì Trúc không cho phép cô nấu theo kiểu nhà cô, mà nhất định là cô phải nấu chúng theo kiểu nhà anh. Hồng cảm thấy chồng vô lý hết thuốc chữa mà cũng đành phải chịu.

Cửa hàng bún mọc của Hồng phát đạt đến mức, cô phải thuê hẳn một căn nhà mặt tiền ở đầu chợ, dần dần cô chuyển hẳn về nhà đó để ở. Tiếng là để tiện bán hàng, nhưng thực chất là cô đã quá ngán ngẩm Trúc. Sau nhiều lần bắt vợ về nhà ở không được, Trúc ly dị Hồng.

Cô cùng con trai về ở nhà riêng, mấy năm sau cô đã có đủ tiền để mua hẳn ngôi nhà đó. Còn Trúc chỉ một năm sau đã cưới vợ mới, hai vợ chồng ở với nhau không có con.

Sống chung được một năm, cô vợ thứ hai cũng dứt áo ra đi vì cái tính gàn dở, lười biếng và độc đoán vô lối của anh ta.

(Kiến thức gia đình số 22)

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm