| Hotline: 0983.970.780

'Sóng to gió cả' chuyện chia đất đai thừa kế

Thứ Năm 21/05/2020 , 07:54 (GMT+7)

Khi đất mặt tiền có giá, ba tôi, năm nay 93 tuổi, và má tôi 90 đều còn rất minh mẫn và khỏe mạnh đã quyết định chia cho các con.

Thưa chị,

Khi còn công việc, đúng là bận rộn cũng là niềm vui của người đàn ông chủ chốt của gia đình. Không ai có thể ngồi bàn giấy đến hết đời, tôi đã chuẩn bị tinh thần và biết mình sẽ làm gì với ít nhất 15 năm mạnh khỏe, bình thường thì là 20 năm. Bạn bè tôi cũng hoảng như tôi, 20 năm thì làm gì cho hết đây trời?

Ba má tôi ở cuối tỉnh. Hồi trước nơi đó là thị tứ nhỏ lâu đời, lên thị trấn cách đây 30 năm và giờ là thị xã. Đất ruộng ngày xưa giờ thành mặt tiền hết.

Tôi là con út, anh chị Hai tôi ở quê với ba má, bao nhiêu nghĩa vụ anh chị gánh vác hết, thuế khóa, cha mẹ, mồ mả, giỗ Tết, hiếu hỉ lối phố, xóm ấp, tôi biết chứ. Khi đất mặt tiền có giá, ba tôi năm nay 93 tuổi và má tôi 90 đều còn rất minh mẫn và khỏe mạnh đã quyết định chia cho các con.

Giữa tôi và anh Hai là ba chị, đều ở thành phố của tỉnh nhà và cả thị xã của tỉnh khác nữa. Không ai thiếu thốn, con cái không đông, đều được ăn học. Anh chị Hai thì do ở thị trấn khi chưa lên thị xã nên hai con của anh, cả trai và gái đều ở nhà tôi để học đại học, vì vậy anh và chị dâu gắn bó với tôi nhiều hơn với các chị và anh rể của tôi.

Khi chia, ba má muốn các chị cũng có phần, dù là phần nhỏ. Anh Hai sẽ có phân nửa, tôi được 1/4, 1/4 còn lại tiếp tục chia ba suất cho ba con gái.

Thế là dậy sóng chị ạ. Tác động từ mấy ông anh rể và đám con cái của ba chị tôi, nói tôi là con trai nhưng đâu có nghĩa vụ bàn thờ, tôi đã khá giả rồi, con cái du học nữa, sao lại đổ tiền vào nhà tôi như đổ lúa vô bồ của người đã đầy ứ lúa?

Tôi buồn quá. Vợ tôi buồn nhiều hơn, nói từ chối đi, đừng dính dáng. Tôi nghĩ khác, đất đó để thi thố điền viên, tôi sẽ làm để có một chỗ rất hay và được về cạnh ba má, nếu ba má theo ông bà thì tôi cũng ở bên cạnh anh chị Hai, anh em chúng tôi thuận thảo trước nay, sẽ vui biết mấy.

Anh chị Hai muốn tôi mua lại những suất đất nhỏ của ba chị, để họ cầm tiền đi cho yên. Bây giờ thì tôi và vợ lại mâu thuẫn, vợ la lên mất tình mà còn mất tiền nữa, không đáng. Theo chị, phải làm sao?

-------------------

Bạn thân mến,

Rất nhiều gia tộc đang yên lành bỗng sóng to gió cả vì đất đai chia chác. Không biết bao nhiêu bi kịch từ đất mặt tiền. Làm sao bây giờ bởi vì nó là "tiền tiền tiền" từ hai chữ mặt tiền mà ra.

Trước tiên tôi đồng ý với bạn rằng, tuổi hưu là 60 với đàn ông – quân nhân còn sớm hơn, chỉ 55 là hưu, vậy thì mấy chục năm cuối đời người đàn ông làm gì cho hết thời gian?

Thật là bi kịch, thậm chí quá bi kịch. Bao nhiêu người đâm ra bê tha, đánh cờ, bia bọt, rượu chè, đùm túm, khạc nhổ, chửi thề, tán gẫu... cho hết thời giờ. Hoặc có người cùng nhóm bạn đi câu, đi phượt, đi đến những nông trại của bạn bè và ở lì đó, vì nơi đó vui, họ thấy niềm vui đàn ông ở đó.

Bạn chuẩn bị cho mấy chục năm cuối đời bằng sự háo hức điền viên, quá hay. Vấn đề nào cũng trở ngại, sự so bì của các bà chị là một trở ngại nhưng có lẽ không lớn. Vì ba má bạn còn nguyên, còn minh mẫn. Khi đã chia thì phải địa chính xuống, phải đo đạc và có sổ đỏ.

Thủ tục lặn vặn nhưng vẫn phải làm, các chị đã có sổ, khi này mới bán cho em, có công chứng, có sang tên. Để chi? Để tránh kiện tụng, nói ngược, đã nhận tiền mà nói chưa, đã đồng ý bán nhưng sẽ bảo có đồng ý đâu, là bị ép đấy? Vậy nhé, mếch lòng trước, được lòng sau.

Anh chị Hai đã mơ ước đúng. Em trai, em trai út về già sống gần anh cả, ba má già, mồ mả ở khu vườn đó, còn mong muốn nào hơn.

Rất nhiều người dù là viên chức lâu năm, vẫn cái gốc vườn ruộng điền viên thôi thúc, có làm, biết làm thì sẽ có đời sống tươi đẹp. Một chặng mới mà mình đi vòng vo giờ mới quay lại, rất đáng để thi thố đó bạn.

Vấn đề của bạn là ý kiến của vợ, sự đồng thuận của vợ mới quan trọng nhất chứ không phải là các chị hay ai khác nhé. Thuyết phục và thuyết phục, nhưng liệu cơm gắp mắm, đừng để lâm nợ vì chuyện này, bạn nhé.

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm