Vườn cao su già cỗi chờ thanh lý |
Tại khu vực Đông Nam bộ, diện tích cao su khoảng 540 ngàn ha. Trong đó, đứng đầu là tỉnh Bình Phước với 230 ngàn ha, Bình Dương 133 ngàn, Tây Ninh 98 ngàn, Đồng Nai gần 50 ngàn, Bà Rịa - Vũng Tàu 25 ngàn... Một khu vực trồng cao su lớn nhất cả nước, thế nhưng các doanh nghiệp (DN) chế biến gỗ lại đang thiếu hụt nguồn nguyên liệu gỗ cao su trầm trọng.
Ông Lê Thái Tài, GĐ Cty Tài Vọng (Thuận An, Bình Dương) cho biết, DN của ông chuyên sử dụng gỗ cao su để chế biến đồ gỗ ngoài trời (ngoại thất) xuất đi châu Âu. Từ đầu năm đến nay, gỗ cao su thanh lý trong nước tăng từ 30-40% so với thời điểm cuối năm 2016 và hiện chưa có điểm dừng.
Có thể nói, diện tích cao su bị thanh lý thường là những vườn cây già cỗi, cho mủ ít, sản phẩm mủ khai thác không đủ để trang trải chi phí đã và đang giảm dần, cộng với tác động của việc đóng cửa rừng tự nhiên là 2 nguyên nhân dẫn đến thị trường gỗ cao su nguyên liệu "nóng" lên thời gian gần đây, đã kéo theo giá cây cao su hiện tăng "chóng mặt'.
"Nói thật, nếu tham gia đấu giá gỗ cao su thanh lý của các công ty cao su thì chúng tôi không thể cạnh tranh do hiện quá nhiều DN tham gia, có thời điểm số DN bỏ giá lên tới cả trăm. Vì thế chúng tôi buộc phải mua thông qua thương lái, trước đây giá bình quân khoảng 600-700 ngàn đồng/cây có tuổi đời 15-20 năm, còn nay tăng lên 1 triệu đồng/cây mà vẫn không có hàng", ông Tài chia sẻ.
Vẫn theo ông Tài, dù DN ông luôn có sự chuẩn bị và tích trữ gỗ nguyên liệu trước, nhưng trước sự biến động giá quá lớn khiến cho DN ông lúc nào cũng thiếu trước hụt sau, bình quân 40% nguyên liệu để phục vụ cho các đơn hàng chế biến gỗ ngoại thất XK. Thế nên, để bù đắp khỏan thiếu hụt đó, DN buộc phải mua bên ngoài gỗ keo, bạch đàn để bổ sung đơn hàng.
Gỗ cao su đưa về NM cưa xẻ thành phẩm |
Đáng nói, do nguồn cung giảm mạnh, nên đã có hiện tượng một số nhà vườn sỡ hữu nhiều cây cao su già cỗi đã đến lúc thanh lý nhưng vẫn "găm" lại chờ giá lên. Ông Trần Văn Đá, TGĐ Cty CP Chế biến gỗ Thuận An (GTA) cho biết, gỗ cao su là tài sản thanh lý, các DN phải thực hiện thu mua theo cơ chế đấu giá của nhà nước, điều này khiến cho DN chế biến gỗ gặp khó khăn.
Vì vậy, dự đoán trước "cơn khát", GTA đã lập kế hoạch dự trữ nguồn nguyên liệu gỗ. Ngoài ra, Cty còn đàm phán với các đối tác đề nghị chuyển sang những mặt hàng gỗ khác như Acasia (tràm), Playwood (ván ép, MDF) để giảm giá thành đầu vào, đảm bảo kế hoạch SX của Cty. Nhờ vậy, GTA vượt qua "cơn bão" nguyên liệu.
“Hiệp hội đã kiến nghị Bộ Tài chính xem xét gỗ cao su không thuộc diện thanh lý mà bình đẳng như các loại gỗ trồng khác (keo, bạch đàn...). Từ đó tạo điều kiện chủ động quyền điều hành, kế hoạch rải vụ, thời gian thanh lý… gỗ nguyên liệu cao su khi cần thiết. Khi ấy, nguồn gỗ cao su cung cấp ra thị trường sẽ ổn định hơn và sự liên kết giữa các DN cao su với DN chế biến gỗ mới chủ động và bền chặt”, bà Trần Thị Thúy Hoa (Trưởng ban Tư vấn phát triển- Hiệp hội Cao su VN). |