Đó là chia sẻ của TS Trần Minh Hải, Phó Hiệu trưởng Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn về phát triển, hoàn thiện mô hình xây dựng HTX nông nghiệp kiểu mới với phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam.
Kinh tế tập thể là xu thế tất yếu trong bối cảnh kinh tế toàn cầu, thế giới phẳng. Là người nghiên cứu về chính sách và hỗ trợ để thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, ông đánh giá như thế nào về vai trò của hợp tác xã hiện nay, nhất là tại ĐBSCL, vùng kinh tế trọng điểm về nông nghiệp?
Hợp tác xã (HTX) đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình hội nhập và chuyển dịch kinh tế, tái cơ cấu ngành nông nghiệp, giúp nâng cao đời sống xã viên và nông dân. Quá trình phát triển HTX trên thế giới đã chứng minh rằng, HTX đã hỗ trợ nền kinh tế các quốc gia rất nhiều, đặc biệt là khu vực nông thôn. Đến nay, HTX đã phát triển ở 195/205 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Tại Việt Nam, đặc biệt là khu vực ĐBSCL, HTX đóng vai trò rất quan trọng trong việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thúc đẩy sản xuất theo chuỗi giữa doanh nghiệp và tổ chức nông dân, hình thành chuỗi ngành hàng bền vững. Nhất là đối với những ngành hàng lớn của cả nước như lúa gạo, trái cây, tôm, cá tra… ĐBSCL sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành và phát triển sâu rộng các chuỗi ngành hàng này.
Cụ thể, ĐBSCL sẽ là vùng nông nghiệp trọng điểm của cả nước, đang được Bộ NN-PTNT xây dựng các đề án để thúc đẩy phát triển các chuỗi ngành hàng, gắn kết giữa sản xuất và tiêu thụ. Chẳng hạn như ngành hàng lúa gạo, hiện nay Bộ NN-PTNT cùng với các địa phương trong vùng đang triển khai thực hiện Đề án một triệu ha lúa chất lượng cao gắn với phát triển bền vững vùng ĐBSCL. Còn về mặt thị trường, các doanh nghiệp cần có vùng nguyên liệu lớn, có chất lượng đồng nhất, được áp dụng các quy trình sản xuất tiên tiến, các tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện đại để phục vụ chế biến xuất khẩu. Tất cả các đề án, các vùng nguyên liệu lớn này đều phải có vai trò của HTX tham gia làm nòng cốt thì mới thành công.
Nhiều người cho rằng, HTX ở Việt Nam đang phát triển về lượng nhưng thiếu thực chất. Quy mô hợp tác xã nhỏ, thành viên ít, lãnh đạo thường là người lớn tuổi, vốn điều lệ chỉ góp tượng trưng, không đáp ứng được nhu cầu hoạt động, dịch vụ hạn chế chưa xứng với kỳ vọng của xã viên? Ông đánh giá như thế nào về thực trạng này?
So với thực trạng phát triển HTX của đầu những năm 2000, và đặc biệt là sự ra đời của Luật HTX sửa đổi năm 2012, đến thời điểm này có thể khẳng định HTX ở Việt Nam nói chung, ở ĐBSCL nói riêng đã có sự phát triển rất lớn. Hiện nay, có rất nhiều mô hình HTX đã thành công, nhiều dịch vụ của HTX mang lại hiệu quả cao. Nhiều HTX được lập ra theo đúng nhu cầu của thành viên và của doanh nghiệp, thu hút được đông thành viên tham gia.
Hiện nay, đa số nông dân đã chuyển từ quan điểm e dè, suy nghĩ tiêu cực về HTX sang sử dụng thử nghiệm các dịch vụ của HTX và những người nông dân tiến bộ đã sẵn sàng hợp tác, liên kết cùng với HTX để phát triển sản xuất theo chuỗi.
Tôi cho rằng quá trình phát triển HTX từ khoảng năm 2003 cho đến nay là rất mạnh ở Việt Nam. Tuy nhiên, về thực trạng phát triển HTX của Việt Nam so với các quốc gia trên thế giới thì vẫn còn những bất cập, chưa ổn về tổ chức. Thời gian qua, HTX phát triển về số lượng nhưng không tăng về số lượng thành viên bình quân/HTX. Hay nói một cách khác là quy mô thành viên, quy mô hoạt động của HTX có tăng nhưng không nhiều.
Quy mô HTX ở Việt Nam hiện nay, đặc biệt là HTX ở ĐBSCL là siêu nhỏ, bình quân dưới 30 thành viên/HTX. Quy mô hoạt động của HTX cũng chỉ nằm gọn trong địa giới hành chính của một ấp, một thôn, số lượng HTX hoạt động liên ấp, liên thôn chỉ chiếm chưa tới 50% số HTX hiện có ở ĐBSCL.
Theo số liệu thống kê của Bộ NN-PTNT, đến cuối năm 2022 thì bình quân một HTX có 195 thành viên. Tuy nhiên, đây là con số bình quân của cả nước, còn tại ĐBSCL thì con số này sẽ thấp hơn nhiều. Còn về số lượng HTX thì cả nước hiện nay (tháng 12/2022) có 19.431 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, với 3,4 triệu hộ nông dân là thành viên. Con số này nếu so với số lượng thành viên của các HTX tại các nước, kể cả các nước trong khu vực thì ở Việt Nam là rất thấp.
Hiện nay, chỉ tính riêng khu vực nông thôn, cả nước chúng ta đang có khoảng 16,8 triệu hộ nông dân nhưng mới chỉ có 3,4 triệu hộ là thành viên của các HTX. Là một nước nông nghiệp nhưng ở Việt Nam hiện nay mới chỉ có dưới 25% số hộ nông dân tham gia vào HTX là một con số rất thấp. Chẳng hạn như ở Nhật Bản, hiện có khoảng 95% nông dân là thành viên HTX, bình quân 1 HTX có gần 14.000 thành viên. Còn ở Hàn Quốc, mỗi HTX nông nghiệp của họ có hơn 2.000 thành viên (năm 2006). Số thành viên HTX nông nghiệp tại Thái Lan (năm 2004) bình quân là 1.500 người.
Xu hướng chung của các nước là giảm số lượng HTX nhưng tăng số lượng thành viên và quy mô hoạt động lên, 1 HTX quy mô phải tương đương với 1 huyện. Việt Nam cũng phải đi theo xu hướng này, sáp nhập hoặc tổ chức theo hình thức Liên hiệp HTX để tăng số lượng thành viên, quy mô hoạt động. Tuy nhiên, với thực trạng về năng lực quản trị, lãnh đạo HTX lớn tuổi như ở Việt Nam nếu tăng số lượng quá lớn thì cũng khó cho công tác điều hành, quản lý nên cần có lộ trình phù hợp.
Hợp tác xã hiện nay không chỉ làm dịch vụ, phát triển sản phẩm, thương hiệu nông sản, nhất là sản phẩm OCOP, mà còn có vai trò quan trọng trong chuỗi liên kết giá trị nông sản. Đặc biệt, hợp tác xã vừa là cầu nối giữa nông dân và doanh nghiệp, vừa là đại diện tổ chức nông dân để ký các hợp đồng hợp tác kinh doanh với doanh nghiệp. Vậy cần làm gì để hợp tác xã thực hiện tốt vai trò, chức trách của mình?
HTX đóng vai trò rất quan trọng trong liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản. Đặc biệt là HTX có vai trò là đại diện cho nhiều hộ thành viên, nhiều hộ nông dân để ký hợp đồng mua bán với với doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp ký hợp đồng với HTX mua số lượng lớn thì sẽ giảm được chi phí giao dịch, giảm công đi thu gom nguyên liệu, từ đó doanh nghiệp sẽ chuyển những khoản phí đó vào giá thu mua nông sản, giá mua sẽ cao hơn và lợi nhuận của thành viên tăng. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng sẽ chi trả một khoản hoa hồng cho các dịch vụ mà HTX đã làm cho mình để HTX có thêm chi phí hoạt động.
Yêu cầu đặt ra là HTX phải làm được ít nhất 3 nhiệm vụ trong các chuỗi liên kết sản xuất: Một là HTX cung cấp được tất các dịch vụ đảm bảo đáp ứng được hết các nhu cầu về phát triển sản xuất của các thành viên. Hai là HTX phải đáp ứng được cả các dịch vụ về đời sống dân sinh, tức là các dịch vụ phi nông nghiệp cho người dân trong khu vực. Ba là HTX phải có khả năng làm các dịch vụ cho doanh nghiệp như là tổ chức sản xuất, thu hoạch, thu gom sơ chế nông sản. Đặc biệt là tổ chức sản xuất theo các tiêu chuẩn mà doanh nghiệp đề ra, thỏa thuận về giá bao tiêu và ký hợp đồng thực hiện.
Muốn làm được như vậy thì HTX xã phải chuyển đổi mô hình hoạt động, đặc biệt là Ban quản trị của HTX ngoài năng lực tổ chức sản xuất thì cần phải bổ sung thêm lực lượng có khả năng kinh doanh tốt, chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp.
Mới đây ông đã có chuyến khảo sát về một số HTX có chuỗi liên kết giá trị hiệu quả, bền vững tại tỉnh Đồng Tháp. Ông có thể chia sẻ về những mô hình này?
Trong khuôn khổ đề tài nghiên cứu cấp tỉnh là nghiên cứu đề xuất giải pháp và hoàn thiện mô hình xây dựng HTX nông nghiệp kiểu mới trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, do Trường Chính sách công và Phát triển nông thôn (Bộ NN-PTNT) triển khai từ năm 2020 cho đến nay, Trường đã có nhiều hoạt động hỗ trợ cho các HTX của Đồng Tháp, xem đây là mô hình mẫu đang hoạt động hiệu quả, và từ đó để phát triển nhân rộng ra ĐBSCL áp dụng theo.
Đầu tiên phải nói đến HTX Tân Bình của huyện Thanh Bình (Đồng Tháp), có thể nói đây là mô hình đang hoạt động HTX kiểu mẫu có thể nhân rộng ra áp dụng ở ĐBSCL. Đặc biệt HTX cung cấp “từ A-Z” từ khâu làm đất, bán lúa giống, bơm nước, chăm sóc, thu hoạch… đến cuối cùng là bao tiêu đầu ra cho nông dân. Bên cạnh đó, HTX còn hỗ trợ tín dụng và sản xuất phụ phẩm từ rơm để làm phân hữu cơ bón lại cho cây trồng. Đây là mô hình HTX đầu tiên ở ĐBSCL mà thành viên có thể giao đất sản xuất lúa cho HTX làm thay thông qua các dịch vụ, khi đến ngày thu hoạch, nông dân trong HTX chỉ đi giám sát thu hoạch lúa và bán lúa…
Còn đối HTX Thủy sản Châu Thành (huyện Châu Thành) đây là HTX mua chung bán chung chuẩn nhất ở ĐBSCL. HTX được các thành viên ủy quyền là đại diện đứng ra mua chung từ khâu mua vật tư đầu vào là thức ăn cho cá tra là 6 - 7 ngàn tấn/năm. Và HTX ký hợp đồng tiêu thụ với các doanh nghiệp, qua đó doanh nghiệp thấy năng lực của HTX đủ mạnh giúp doanh nghiệp ký hợp đồng với HTX, đây là chỗ vững vàng để thành viên xin vào HTX ngày càng đông. Có thể nói cách làm của HTX Thủy sản Châu Thành rất hiệu quả, HTX càng quy mô về thành viên thì mua sản lượng càng lớn, giá sỉ càng rẻ và giúp nông dân có lãi và cả HTX cũng có lợi.
Còn đối với HTX Thuận Tiến (huyện Cao Lãnh) và HTX giống Định An (huyện Lấp Vò) đây là 2 HTX được xem đúng nhất là bán chung. HTX đứng ra đại diện cho nhiều thành viên đi tìm doanh nghiệp liên kết theo chuỗi để được bao tiêu đầu ra cho nông dân. Vì vậy việc bán chung là bán với quy mô lớn sẽ kiểm soát chất lượng sản phẩm làm ra thì thỏa thuận được doanh nghiệp sẽ bán với giá cao và toàn bộ giá cao này thì toàn bộ thành viên sẽ được uhưởng và HTX sẽ nhận được tiền công nhờ tổ chức dịch vụ.
Qua đó, chứng minh khi tổ chức sản xuất theo chuỗi, liên kết hợp tác chặt chẽ tại các HTX sẽ mang lại hiệu quả cao và cần được nhân rộng trong thời gian tới.
Xin cảm ơn ông!