| Hotline: 0983.970.780

Tạo sinh kế và năng lượng sạch từ dự án nuôi lợn an toàn sinh học

Thứ Sáu 06/05/2022 , 15:50 (GMT+7)

Dự án 'Hỗ trợ phát triển chăn nuôi lợn sinh sản an toàn sinh học' của Công ty AES Mông Dương triển khai đã tạo sinh kế, nguồn năng lượng sạch cho nhiều bà con.

"Hơn 500.000 đ/bình gas, giờ đây chúng tôi đã không còn phải bỏ ra một khoản tiền như vậy hàng tháng để phục vụ nấu ăn, sinh hoạt hàng ngày nữa. Từ khi được hỗ trợ giống và thức ăn chăn nuôi cũng như xây hầm biogas, chúng tôi không những được sử dụng năng lượng sạch, tiết kiệm được chi tiêu, mà tương lai còn có cả một đàn lợn chất lượng cao". Đó là chia sẻ rất chân thực của chị Hoàng Thị Xìn, thôn Hà Tranh, xã Cộng Hòa, TP Cẩm Phả, Quảng Ninh khi dẫn chúng tôi tham quan mô hình chăn nuôi của gia đình.

Anh Hoàng Văn Thu, Phó Trưởng thôn Hà Tranh, xã Cộng Hòa (TP Cẩm Phả, Quảng Ninh) cho biết nhờ nguồn gas từ công trình biogas của dự án, đã giúp nhiều hộ dân trong thôn tiết kiệm chi phí mua gas trong đun nấu.

Anh Hoàng Văn Thu, Phó Trưởng thôn Hà Tranh, xã Cộng Hòa (TP Cẩm Phả, Quảng Ninh) cho biết nhờ nguồn gas từ công trình biogas của dự án, đã giúp nhiều hộ dân trong thôn tiết kiệm chi phí mua gas trong đun nấu.

Tạo nguồn năng lượng sạch

Gia đình chị Hoàng Thị Xìn là một trong 16 hộ dân được hỗ trợ từ Dự án "Hỗ trợ phát triển chăn nuôi lợn sinh sản an toàn sinh học" của Công ty AES Mông Dương tại xã Cộng Hòa, TP Cẩm Phả, Quảng Ninh từ năm 2021.

Trước kia, mặc dù nuôi hơn 10 con lợn, nhưng gia đình chị Xìn cứ 2 tháng phải mua một bình gas mới. “Nếu so với giá hiện tại, 520.000 đ/bình gas, cũng là một khoản không hề nhỏ với nông dân như chúng tôi. Chẳng những thế, để xử lý nước và phân thải ra từ chuồng trại, tôi phải ủ phân và trồng rất nhiều rau trong ruộng sau nhà, nhưng cũng chỉ được phần nào, vẫn chẳng thể tránh được mùi xú uế, nhất là thời tiết ẩm ương, gió về”.

Giờ đây, từ khi tham gia dự án chăn nuôi theo mô hình an toàn sinh học, lợn ăn thức ăn khô, chế biến sẵn, mỗi lần rửa chuồng trại, phân và nước thải sẽ xuống thẳng bể biogas được hỗ trợ bởi AES Mông Dương, qua quá trình phân hủy, tái tạo thành nguồn năng lượng sạch. "Chỉ với 2 con lợn được hỗ trợ từ dự án, chúng tôi có đủ năng lượng để sinh hoạt hàng ngày với 12kg gas, cứ hết lại đầy, nhiều khi không dùng hết, phải xả bớt gas đi", chị Xìn hồ hởi nói.

Gas được dẫn về bếp bằng những đường ống chịu nhiệt, ngọn lửa xanh, mạnh mẽ, các hộ dân không phải đặt bình gas trong nhà, cũng giảm thiểu nguy cơ mất an toàn từ các bình gas vốn được ví như những "trái bom nổ chậm". 

Hỗ trợ tạo sinh kế

Theo ông Bàng Minh Quang, Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Hà Tranh, mong muốn này ông đã ấp ủ từ lâu. Bởi Hà Tranh vốn là vùng chăn nuôi lợn với nhiều hộ có quy mô lớn, bà con có sẵn chuồng trại và kinh nghiệm, thế nhưng vì dịch tả lợn châu Phi, nhiều hộ không còn khả năng vực dậy. Vì thế, trong cuộc giao ban hàng quý giữa đại diện Công ty AES Mông Dương và lãnh đạo, nhân dân xã Cộng Hòa, cuối năm 2019, ông đã đề xuất ý tưởng của mình. 

Lợn được dự án hỗ trợ và hướng dẫn quy trình chăm sóc chu đáo nên sinh trưởng, phát triển rất tốt.

Lợn được dự án hỗ trợ và hướng dẫn quy trình chăm sóc chu đáo nên sinh trưởng, phát triển rất tốt.

"Lúc đầu, tôi vốn nghĩ Công ty sẽ hỗ trợ giống rồi bà con tự nuôi bằng kinh nghiệm sẵn có. Thế nhưng, chẳng thể ngờ được, cán bộ Công ty đã mày mò nghiên cứu, chủ động phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Ninh, xây dựng một chương trình hỗ trợ bài bản, cẩn trọng, rà soát tỉ mỉ, theo dõi sát sao, để rồi giờ đây, sau gần 1 năm triển khai, đàn lợn được hỗ trợ đã sinh trưởng và phát triển tốt, dự kiến sẽ sản sinh ra lứa lợn f1 đầy chất lượng trong tương lai", ông Quang vui vẻ nói.

Thế nên, khi được lựa chọn tham gia dự án, những nông dân Hà Tranh có được niềm tin và đủ tự tin để chăm sóc, phát triển đàn lợn một cách năng suất, chất lượng nhất.

“Một con đã phối giống, chờ kết quả, một con đang chuẩn bị bước vào chu kỳ. Lợn này nuôi năng suất, lại không mất nhiều công chăm như lợn ta. Về hình thức, lợn cũng khá đẹp, chắc con, nhiều nạc, nên thương lái rất ưa chuộng. Hiện tại, 2 con lợn được hỗ trợ của nhà tôi đã nặng khoảng 2 tạ, dài 1,7m”. Đó là chia sẻ của ông Điệp Văn Ngọc, một hộ dân tham gia dự án, vốn có hơn 30 năm kinh nghiệm chăn nuôi lợn, khi dẫn chúng tôi thăm đàn lợn của gia đình.

Chị Hoàng Thị Xìn - một trong 16 hộ dân được hỗ trợ từ Dự án 'Hỗ trợ phát triển chăn nuôi lợn sinh sản an toàn sinh học' của Công ty AES Mông Dương.

Chị Hoàng Thị Xìn - một trong 16 hộ dân được hỗ trợ từ Dự án "Hỗ trợ phát triển chăn nuôi lợn sinh sản an toàn sinh học" của Công ty AES Mông Dương.

Đối với những nông dân ở thôn Hà Tranh, trước kia, họ chủ yếu chăn nuôi bằng cách tự tìm hiểu, rồi từ kinh nghiệm bản thân và những hộ nuôi trước, dần phát triển, đầu tư mở rộng chuồng trại. Thế nên, khi được hỗ trợ không chỉ về giống, thức ăn, mà còn thường xuyên được cán bộ thú y hướng dẫn tận tình, đối với họ, đó thực sự là một sự sẻ chia ý nghĩa.

Anh Hoàng Văn Thu, Phó Bí thư chi bộ, Phó Trưởng thôn Hà Tranh cho biết: “Hàng tháng, hàng quý, chương trình cử các cán bộ thú y thuộc Trung tâm Khuyến nông tỉnh về tận nơi kiểm tra, hướng dẫn bà con một cách tỉ mỉ. Trong quá trình chăn nuôi nếu gặp vấn đề, họ cũng sẵn sàng lắng nghe để hướng dẫn chúng tôi cách xử lý. Đến khi cần phối giống, họ cũng về tận chuồng làm phương pháp thụ tinh cho lợn. Vì thế, bà con vô cùng yên tâm. Ai nấy đều quyết tâm chăm sóc đàn lợn ngày càng phát triển, nhân giống tốt, để có một nguồn thu nhập cố định thường xuyên cho gia đình, cũng là để không lãng phí một nguồn năng lượng sạch”.

“Chúng tôi hy vọng, sự hỗ trợ sẽ mở ra cơ hội cho người dân địa phương nâng cao kỹ năng chăn nuôi và thu nhập của họ; đồng thời, mở rộng hơn nữa việc sử dụng khí sinh học như một nguồn năng lượng tái tạo để đun nấu và thắp sáng ở khu vực nông thôn”, ông Johnny Tanis, Giám đốc Nhà máy Nhiệt điện Mông Dương 2 chia sẻ.

Ông Điệp Văn Ngọc, một hộ dân tham gia dự án cho biết lợn được hỗ trợ của dự án phát triển rất tốt, đẹp mã.

Ông Điệp Văn Ngọc, một hộ dân tham gia dự án cho biết lợn được hỗ trợ của dự án phát triển rất tốt, đẹp mã.

Đó cũng là mục đích cuối cùng mà những người phát triển dự án muốn hướng đến. Tạo sinh kế cho những nông dân đang loay hoay tìm hướng phát triển, khi chính bản thân họ đang sẵn nghề trong tay, chẳng những không lãng phí nhân lực, mà còn tận dụng được hoàn toàn những nguồn lực mà họ sẵn có về chuồng trại, đất đai, và đặc biệt là kinh nghiệm và quyết tâm.

Bên cạnh đó, điều quan trọng hơn cả, là tạo ra một nguồn năng lượng hữu cơ, sản phẩm thu được từ chính quá trình chăn nuôi, giảm thiểu chất thải chăn nuôi ra môi trường. Từ đây, sẽ là động lực để thu hút những hộ chưa đủ điều kiện tham gia dự án, có thêm ý chí để phát triển kinh tế hộ gia đình. Và cuối cùng, điều cốt yếu nhất chính là nâng cao thu nhập cho nông dân và cải thiện môi trường nơi đơn vị đứng chân, góp phần đem lại cho họ một cuộc sống đủ đầy hơn, an toàn hơn. 

Xem thêm
Tiêm phòng dại vì cộng đồng

Chương trình ‘Tiêm phòng dại vì cộng đồng’ lần 4 vừa được triển khai tại Đức Huệ, Long An, Những năm qua, chương trình đã giúp nâng cao tỷ lệ tiêm phòng trên địa bàn.

Hỗ trợ để sản xuất phát thải thấp cho 200 nghìn ha lúa ở ĐBSCL

AN GIANG 10 doanh nghiệp liên kết với các HTX và nông dân 3 tỉnh An Giang, Đồng Tháp và Kiên Giang sẽ được hỗ trợ để sản xuất lúa phát thải thấp với diện tích 200.000ha.

Hơn 35.000m2 nhà màng ở Mộc Châu được hỗ trợ nâng cấp, cải tạo

SƠN LA Dự án ‘Nông nghiệp thông minh vì thế hệ tương lai’ hỗ trợ 34 hộ gia đình ở Mộc Châu cải tạo và tối ưu hóa 35.420m2 nhà màng, nhà kính.