| Hotline: 0983.970.780

Tạo sự đồng thuận trong ngư dân khi di dời, xả bản tàu cá

Thứ Ba 03/09/2024 , 08:39 (GMT+7)

BÌNH ĐỊNH Xác định di dời khỏi nơi neo đậu cũ và xả bản hơn 600 tàu cá là chuyện không dễ, nên trước khi thực hiện, Bình Định nỗ lực tạo đồng thuận trong ngư dân…

Nhiều chính sách hỗ trợ

Vừa qua, UBND tỉnh Bình Định đã ban hành đề án di dời tàu thuyền neo đậu tại Cảng cá Quy Nhơn và các khu vực lân cận về neo đậu tại khu vực đầm Đề Gi nằm trên địa bàn xã Cát Khánh (huyện Phù Cát, Bình Định). Việc di dời được Bình Định thực hiện theo Quyết định số 495/QĐ-TTg ngày 14/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thành phố Quy Nhơn và vùng phụ cận đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, đến năm 2025, toàn bộ tàu cá hiện đang neo đậu tại Cảng cá Quy Nhơn, âu thuyền Phan Chu Trinh, khu vực dịch vụ hậu cần nghề cá Bắc Hà Thanh và tại xã Nhơn Hải (thành phố Quy Nhơn) sẽ được di dời ra neo đậu tại khu vực đầm Đề Gi.

Theo ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, tổng số tàu cá sẽ di dời là 602 chiếc; trong đó, có 48 chiếc có chiều dài thân tàu dưới 6m; 267 chiếc có chiều dài từ 6m đến dưới 12m; 181 chiếc có chiều dài từ 12m đến dưới 15m và 106 chiếc có chiều dài từ 15m đến dưới 24m. Trong số 602 chiếc tàu cá phải di dời kể trên, có 368 chiếc sẽ được xả bản, ngư dân chủ tàu sẽ được chuyển đổi nghề.

Cảng cá Đề Gi ở xã Cát Khánh (huyện Phù Cát, Bình Định), nơi sẽ tiếp nhận hàng trăm tàu cá di dời từ thành phố Quy Nhơn ra neo đậu. Ảnh: V.Đ.T.

Cảng cá Đề Gi ở xã Cát Khánh (huyện Phù Cát, Bình Định), nơi sẽ tiếp nhận hàng trăm tàu cá di dời từ thành phố Quy Nhơn ra neo đậu. Ảnh: V.Đ.T.

Để để tiếp nhận số tàu cá di dời từ thành phố Quy Nhơn ra neo đậu, Cảng cá Đề Gi sẽ được đầu tư mở rộng các hạng mục: Xây dựng cầu đứng dài khoảng 300m; diện tích cảng cá được mở rộng lên khoảng 4 ha; xây dựng nhà phân loại cá…

Cũng theo ông Phúc, Bình Định khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đầu tư dịch vụ hậu cần nghề cá tại Cảng cá Đề Gi sau khi cảng cá này được nâng cấp, nhằm đáp ứng nhu cầu khi tàu cá ở Quy Nhơn di dời về neo đậu. Bình Định đồng thời triển khai dự án khu neo đậu tránh trú bão đầm Đề Gi đã được Bộ NN-PTNT phê duyệt tại Quyết định số 4659/QĐ-BNN-TCTS ngày 30/11/2022 để đáp ứng cho tàu cá neo đậu khi thực hiện di dời.

“Đối với Cảng cá Đề Gi, Sở NN-PTNT đã rà soát các phân khu chức năng, đề xuất hình thức đầu tư phù hợp đối với từng phân khu, trong đó hình thức đầu tư tư nhân là chủ yếu. Trước mắt, đầu tư hạng mục cầu đứng dài khoảng 300m từ nguồn ngân sách tỉnh, mở rộng diện tích Cảng cá Đề Gi lên khoảng 4 ha, xây dựng nhà phân loại cá.

Để đáp ứng nhu cầu tàu cá ở Quy Nhơn neo đậu khi thực hiện di dời, Bình Định đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án khu neo đậu tránh trú bão đầm Đề Gi; xây dựng khu tái định cư và khu dân cư Vĩnh Lợi thuộc xã Mỹ Thành (huyện Phù Mỹ) để bố trí quỹ đất tái định cư cho các hộ ngư dân bị ảnh hưởng”, ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, cho biết.

Theo ông Nguyễn Tuấn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định, ngay từ bây giờ, ngành chức năng và các địa phương nỗ lực tuyên truyền để các chủ tàu cá nắm rõ chủ trương của tỉnh về việc di dời tàu cá; những chính sách chủ tàu cá được hỗ trợ khi thực hiện di dời. Đồng thời gặp gỡ, đối thoại với chủ tàu cá để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của bà con ngư dân để tạo sự đồng thuận.

602 tàu cá đang neo đậu tại Cảng cá Quy Nhơn và những khu vực lân cận sẽ di dời về neo đậu tại đầm Đề Gi (huyện Phù Cát) hoặc xả bản tàu cá. Ảnh: V.Đ.T.

602 tàu cá đang neo đậu tại Cảng cá Quy Nhơn và những khu vực lân cận sẽ di dời về neo đậu tại đầm Đề Gi (huyện Phù Cát) hoặc xả bản tàu cá. Ảnh: V.Đ.T.

Cũng theo ông Thanh, trong năm 2024, Bình Định sẽ đầu tư hạ tầng khu tái định cư cho hơn 200 ngư dân có tàu cá di dời, đồng thời đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án khu neo đậu tránh trú bão đầm Đề Gi, đảm bảo hoàn thiện trước khi tàu cá ở Quy Nhơn di dời về neo đậu. Đầu năm 2025, Bình Định sẽ tiến hành di dời số tàu cá đang neo đậu tại Cảng cá Quy Nhơn, tại âu thuyền Phan Chu Trinh và khu dịch vụ hậu cần nghề cá Bắc Hà Thanh; sau đó sẽ tiếp tục di dời số tàu cá tại xã Nhơn Hải (thành phố Quy Nhơn).

“Ngư dân có tàu cá di dời sẽ được hỗ trợ mua đất ở theo giá Nhà nước; hỗ trợ tiền trông giữ tàu cá; hỗ trợ xả bản tàu cá và chuyển đổi nghề cho ngư dân; hỗ trợ ổn định cuộc sống; hỗ trợ các cơ sở sản xuất kinh doanh và cá nhân làm dịch vụ hậu cần nghề cá tại Cảng cá Quy Nhơn”, ông Nguyễn Tuấn Thanh cho hay.

Lòng dân đồng thuận

Cách đây gần 2 năm, để xây dựng đề án di dời tàu thuyền đang neo đậu tại thành phố Quy Nhơn về neo đậu tại khu vực đầm Đề Gi, Sở NN-PTNT Bình Định đã ban hành văn bản số 1464/SNN-TS ngày 14/6/2022 về việc tham gia ý kiến nội dung đề án di dời tàu thuyền.

Sau gần 2 năm thăm dò dư luận, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của các chủ tàu cá, đến nay đề án di dời tàu thuyền neo đậu tại Cảng cá Quy Nhơn và các khu vực lân cận về neo đậu tại khu vực đầm Ðề Gi đã chính thức được UBND tỉnh Bình Định ban hành ban hành và nhận được sự đồng thuận của đa số chủ tàu cá.

Lãnh đạo các phường có nhiều tàu cá của thành phố Quy Nhơn như: Đống Đa, Hải Cảng, Trần Phú cho rằng nhiều chủ tàu cá cảm thấy yên tâm với cách làm căn cơ, thận trọng và đưa ra khá nhiều chính sách hỗ trợ thiết thực của UBND tỉnh Bình Định đã thuyết phục được lòng dân. Đặc biệt, những tàu cá di dời còn được hưởng chính sách hỗ trợ mua đất ở theo giá Nhà nước, hỗ trợ tiền trông giữ tàu cá, hỗ trợ ổn định cuộc sống. Cả cơ sở sản xuất kinh doanh và cá nhân làm dịch vụ hậu cần nghề cá ở trong Cảng cá Quy Nhơn cũng được xem xét, nhận hỗ trợ…

Chủ tàu cá di dời hoặc xả bản được hưởng nhiều chính sách thiết thực. Ảnh: V.Đ.T.

Chủ tàu cá di dời hoặc xả bản được hưởng nhiều chính sách thiết thực. Ảnh: V.Đ.T.

Ông Phan Văn Cường (65 tuổi) ở khu phố 6, phường Hải Cảng (thành phố Quy Nhơn) nhớ lại: Cách đây hơn 1 năm, lần đầu tiên được lấy ý kiến về việc muốn hay không muốn đưa tàu cá về neo đậu ở đầm Đề Gi, nhiều chủ tàu cá của phường Hải Cảng đã có phản ứng mạnh mẽ, không đồng thuận việc di dời. Nhưng đến đợt lấy ý kiến lần 2 có thêm phần điền vào phiếu kê khai thông tin, xác định tổng số nhân khẩu trong gia đình, tổng số thuyền viên… thì phản ứng của đa số chủ tàu cá đã dịu lại.

Đến bây giờ, đa số chủ tàu cá ở phường Hải Cảng đã đồng thuận việc di dời hoặc xả bản tàu cá. Bởi, trước thực tế nhiều năm qua, nguồn lợi thủy sản ngày càng suy giảm, chi phí đầu vào của hoạt động đánh bắt tăng cao, nguồn lao động nghề biển ngày càng khan hiếm, trong khi thu nhập của những chuyến biển không đủ bù chi phí. Đặc biệt, từ đầu năm 2024, nhiều tàu cá nằm bờ vì đánh bắt không hiệu quả, những tàu gắng gượng vươn khơi thì bị lỗ tổn, nên nhiều chủ tàu cá đã suy xét lại và đồng thuận việc xả bản tàu cá.

“Lần này tôi quyết định xả bản tàu cá bởi sức khỏe không còn đảm bảo cho những chuyến biển dài ngày. Khoảng 40% chủ tàu cá khác trong phường Hải Cảng cũng quyết định xả bản theo tôi. Cách đây vài hôm, tôi còn nghe có thêm 1 số chủ tàu khác cũng muốn xả bản khi biết tỉnh không chỉ hỗ trợ xả bản, mà còn có chính sách hỗ trợ sinh kế, hỗ trợ việc chuyển đổi nghề cho ngư dân xả bản tàu”, ông Phan Văn Cường chia sẻ.

Cảng cá Đề Gi sẽ được đầu tư cầu đứng dài khoảng 300m từ nguồn ngân sách tỉnh, mở rộng diện tích cảng lên khoảng 4 ha, xây dựng nhà phân loại cá. Ảnh: V.Đ.T.

Cảng cá Đề Gi sẽ được đầu tư cầu đứng dài khoảng 300m từ nguồn ngân sách tỉnh, mở rộng diện tích cảng lên khoảng 4 ha, xây dựng nhà phân loại cá. Ảnh: V.Đ.T.

Theo ông Nguyễn Đức Toàn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Quy Nhơn, để tạo sự đồng thuận trong dân khi thực hiện đề án, trong thời gian tới, UBND thành phố Quy Nhơn tiếp tục phối hợp với Sở NN-PTNT Bình Định và các đơn vị liên quan cùng với chính quyền các phường, xã tiếp tục tổ chức gặp gỡ, đối thoại, tuyên truyền, hướng dẫn, giải thích về mục đích, ý nghĩa và những chính sách hỗ trợ trong đề án. Tháo gỡ hết vướng mắc để từng chủ tàu cá và hộ có liên quan hiểu rõ và chia sẻ với chính quyền, để cùng thực hiện đề án hiệu quả.             

“Liên quan đến nhu cầu tái định cư của các hộ dân bị ảnh hưởng bởi di dời, Bình Định sẽ ưu tiên xây dựng khu tái định cư và dân cư Vĩnh Lợi ở huyện Phù Mỹ. Trước mắt, UBND tỉnh Bình Định giao Sở NN-PTNT phối hợp với Sở KH-ĐT, Sở Tài chính, Ban Quản lý dự án NN-PTNT Bình Định khẩn trương khảo sát, bố trí nguồn lực để ưu tiên đầu tư trước một khu tái định cư có quy mô, vị trí phù hợp trong khu tái định cư”, ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định cho hay.

Xem thêm
Nuôi tôm công nghệ cao thích ứng biến đổi khí hậu

QUẢNG TRỊ Trong khi nuôi tôm truyền thống thường xuyên thất bát do biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường thì những hộ nuôi tôm công nghệ cao vẫn ăn nên làm ra.

Hiện đại hóa tàu khai thác giúp nâng cao hiệu quả kinh tế

Nhờ từng bước hiện đại hóa đại hóa tàu khai thác, hiệu quả kinh tế trong những chuyến vươn khơi bám biển của ngư dân Quảng Trị ngày càng được nâng cao.

3 chiến lược giúp Vĩnh Hoàn ghi dấu ấn quốc tế trong lĩnh vực cá tra

Thương hiệu không chỉ đơn thuần là một cái tên hay logo, mà còn là cách mà sản phẩm cá tra được nhận diện và đón nhận nồng nhiệt trên thị trường.

Mong ngư dân vững tâm bám biển, ngã ở đâu đứng dậy ở đó

Đó là tâm tư của ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản gửi đến các tổ chức, cá nhân gặp biến cố từ đợt thiên tai, mưa bão mới đây.

Bình luận mới nhất