| Hotline: 0983.970.780

Tàu Ô - Ký ức rực lửa và hiện tại vươn mình, cất cánh

Thứ Hai 12/09/2022 , 07:47 (GMT+7)

Vùng đất ấy, cách đây 50 năm, từng được mệnh danh là 'bức tường thép' trước quân địch. Nay, vùng đất ấy đang như một 'chàng trai trẻ' đầy nhựa sống, vươn mình ngoạn mục.

Những ngày này, tỉnh Bình Phước và huyện Hớn Quản đang háo hức chuẩn bị cho ngày hội lớn: Ngày kỷ niệm 50 năm chiến thắng Tàu Ô. Cái tên Tàu Ô là cơn ác mộng đối với quân địch, nhưng lại là niềm tự hào của quân dân Bình Phước nói riêng và quân dân cả nước nói chung.

Quá khứ rực lửa

Di tích chốt chặn Tàu Ô (khu phố Tàu Ô, thị trấn Tân Khai, huyện Hớn Quản, Bình Phước), được Bộ văn hóa thể thao và du lịch công nhận Di tích Lịch sử Quốc gia năm 2012. Địa danh Tàu Ô là tên gọi xuất phát từ con suối chảy ngang qua Quốc lộ 13. Con suối này bắt nguồn từ bàu nước có hình dáng giống chiếc tàu lớn, ban đêm, nhìn như một con tàu màu đen, vì thế, người dân gọi là Tàu Ô.

Trong cuộc kháng chiến giải phóng đất nước, đường 13 (nay là QL13) là tuyến đường vô cùng quan trọng. Đặc biệt, khi huyện Lộc Ninh vừa được giải phóng trong Chiến dịch Nguyễn Huệ 1972.

DSC02084

Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh, nguyên Chính ủy Trung đoàn 141, thuộc Sư đoàn 7, là 1 trong 3 sư đoàn chủ lực trong Chiến dịch Nguyễn Huệ. Ảnh: Minh Luận.

Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh, nguyên Chính ủy Trung đoàn 141, thuộc Sư đoàn 7, là 1 trong 3 sư đoàn chủ lực trong Chiến dịch Nguyễn Huệ, kể về những tháng ngày oanh liệt tại chốt chặn Tàu Ô:

"Để khơi thông đường 13, địch huy động toàn bộ lực lượng của các sư đoàn 18, 21, 25, Lữ đoàn 15 tăng thiết giáp, 1 lữ đoàn lính dù và sử dụng hơn 35.000 quả đạn pháo 105mm, 155mm, đánh phá trận địa ta. Trong 3 ngày đầu (từ ngày 5 - 8/4/1972), địch dùng 2 phi đội máy bay chiến thuật với 200 lần đánh và yểm trợ cho bộ binh tấn công vào Tàu Ô. Địch còn huy động máy bay chiến lược B52 đánh 2 lần vào 2 giờ gần nhau, đánh thành hình chữ X, lấy Tàu Ô làm giao điểm từ Tây sang Đông với chiều sâu 800m. Trước sự hủy diệt của lực lượng không quân, bộ binh và các hỏa lực pháo binh của địch, bộ đội ta vẫn tồn tại và kiên cường chống trả quyết liệt mỗi ngày.

Trên trời có máy bay oanh tạc, hệ thống B52 rải thảm, dưới đất có các loại pháo, xe thiết giáp… nhưng vẫn không qua được Tàu Ô. Cứ đến đó là địch phải dừng lại vì suối Tàu Ô thấp, muốn qua suối phải qua sình lầy, đi chỗ khác xe tăng không đi được nên Tàu Ô như một “bức tường thép” ngăn cản các đợt tấn công của địch, góp phần bảo vệ vững chắc vùng giải phóng Lộc Ninh”.

“Tuyến đường 13, mà cụ thể là chốt chặn Tàu Ô, có ý nghĩa chiến lược vô cùng quan trọng, có ý nghĩa sống còn đối với cả ta và địch. Với địch, đây là cửa ngõ Sài Gòn, là tuyến chi viện, lấy lại Lộc Ninh. Còn với ta, có giữ được chốt này và đường 13 thì mới giữ được địa bàn Lộc Ninh vừa giải phóng, đảm bảo và đưa Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam về căn cứ cách mạng. Với vai trò quan trọng như vậy, nên ở chốt chặn này, ta và địch giành nhau từng tấc đất. Khi đó, phương châm chỉ đạo của Bộ chỉ huy chiến dịch là “chốt cứng, chặn đứng”, với quyết tâm “mỗi người là một mũi thép tiến công”, Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh, nguyên Chính ủy Trung đoàn 141, Sư đoàn 7, kể lại.

Tượng đài Chiến thắng Chốt chặn Tàu Ô, thị trấn Tân Khai, huyện Hớn Quản, Bình Phước.

Tượng đài Chiến thắng chốt chặn Tàu Ô, thị trấn Tân Khai, huyện Hớn Quản, Bình Phước.

Chiến thắng chốt chặn Tàu Ô có sự đóng góp vô cùng lớn của quân dân địa phương, đặc biệt là xã Tân Khai (nay là thị trấn Tân Khai). Ông Nguyễn Tấn Hưng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước, vốn sinh ra và lớn lên ngay trên mảnh đất Tân Khai, thời điểm diễn ra trận Tàu Ô, ông là Tiểu đội trưởng Lực lượng an ninh bảo vệ Huyện ủy Hớn Quản, nhớ lại: “Nhằm bảo vệ, giữ vững vùng giải phóng Lộc Ninh trong năm 1972, trong cuộc chiến khốc liệt kéo dài gần 5 tháng, Sư đoàn 7 cùng với nhân dân Tân Khai đã tổ chức đánh gần 800 trận lớn nhỏ với nhiều hình thức khác nhau là đánh phục kích, tập kích, vây ép. Tiêu diệt, bắt sống hàng ngàn tên địch, bắn rơi và phá hủy 119 máy bay các loại, phá hủy 202 xe các loại, 102 khẩu pháo, 20 hầm đạn và nhiên liệu, 3 hệ thống siêu tần số, thu 390 súng các loại…

Lộc Ninh được giải phóng với dân số 25.000 người đã nhanh chóng được biến thành một trung tâm chính trị, quân sự, ngoại giao của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Thắng lợi của trận tiến công Lộc Ninh đã làm sụp đổ toàn bộ khu vực phòng ngự tiền tiêu của địch ở bắc đường 13, mở toang cánh cửa xuống phía nam, tạo điều kiện cho chiến dịch phát triển. Việc chọn hướng tiến công trên khu vực Đường 13, đúng vào nơi hiểm yếu của địch là một sự lựa chọn sáng suốt và chính xác; vừa đúng với ý định và mục đích của chiến dịch; vừa gây bất ngờ cho địch.

Bản sao 22_optimized-scaled

Cựu chiến binh Lê Minh Xước kể về những tháng năm rực lửa Tàu Ô và một Tân Khai, Hớn Quản hôm nay. Ảnh: Hồng Thủy.

Ngày 16/5/1972, Sư đoàn 7 chủ lực Miền tiếp tục chốt chặn trên Đường 13, nhưng không phải tổ chức các trận tiến công mà mục tiêu là đẩy lùi và đánh bại mọi âm mưu hành động phản kích giải tỏa Đường 13 của địch, giữ vững vùng giải phóng phía sau. Sư đoàn 7 đã dựng lên ở Đường 13 một “bức tường thép” trên một chiều dài hơn 10km từ nam thị xã Bình Long đến bắc Chơn Thành, lấy khu vực Tàu Ô - Xóm Ruộng làm khu vực then chốt. Cuộc chiến ở đây diễn ra rất quyết liệt và kéo dài hơn 4 tháng liền. Tàu Ô trở thành “cái bẫy” thu hút nhiều đơn vị chủ lực thiện chiến của địch; cái tên Tàu Ô thực sự là cơn ác mộng đối với nhiều chỉ huy sư đoàn, quân đoàn và cả bộ tổng tham mưu quân đội Việt Nam Cộng hòa.

Cất cánh

Từ một trong những địa phương nghèo của tỉnh, sau hơn 10 năm tái lập, nay bộ mặt Hớn Quản đã hoàn toàn khác, không thua kém huyện nào trong tỉnh. Cơ sở hạ tầng hiện đại, các cơ sở kinh tế mọc lên như nấm. Tại các khu dân cư, nhà cửa khang trang, rất nhiều nhà tầng, biệt thự.

Ông Lê Minh Xước, nguyên là Huyện đội trưởng Huyện đội Bình Long, hiện ở ấp 1, xã Thanh Bình, huyện Hớn Quản, hồ hởi: “Ngày xưa, chiến tranh tàn phá, vùng đất Tân Hiệp, Hớn Quản này rộng nhưng thưa người, nghèo lắm. Bây giờ, nhiều khi lâu không ra ngoài, đến lúc đi, ra thị trấn thôi đã thấy lạ. Vì thay đổi nhiều, phát triển mạnh lắm. Tụi nhỏ cũng mần ăn dữ lắm, đứa lập công ty, đứa làm trang trại chăn nuôi, trồng trọt, mừng lắm”.

DSC02080

Một góc thị trấn Tân Khai, trung tâm huyện Hớn Quản hôm nay.

Nói về những khó khăn của huyện trong quá khứ, bà Phan Thị Kim Oanh, Chủ tịch UBND huyện Hớn Quản, cho biết: “Những ngày đầu tái lập, cơ sở hạ tầng của huyện không đồng bộ, thiếu thốn; đời sống, thu nhập của người dân còn rất thấp, thu ngân sách không đáng kể; trong cơ cấu kinh tế, nông nghiệp chiếm tỷ trọng chủ yếu.

Thế nhưng, sau hơn 10 năm tái lập, đến nay, cơ cấu kinh tế của huyện đã chuyển dịch rất mạnh mẽ. Tỷ trọng nông nghiệp giảm xuống dưới 50%, công nghiệp - xây dựng - dịch vụ chiếm trên 50%. Thu ngân sách của huyện 7 tháng năm 2022 đạt hơn 300 tỷ đồng. Đặc biệt, thu nhập bình quân đến nay đạt 66 triệu đồng/người/năm. Phát huy truyền thống cách mạng, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và lực lượng vũ trang huyện Hớn Quản luôn đoàn kết, thống nhất, quyết tâm cao thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ để xây dựng Hớn Quản ngày một phát triển hơn”.

Là địa phương có đất đai rộng, bằng phẳng và truyền thống canh tác nông nghiệp, đến nay Hớn Quản đã hình thành những vùng chuyên canh quy mô như cây cao su, cây điều, cây ăn quả... và chăn nuôi. Do đó bên cạnh việc thu hút đầu tư, phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp đã được quy hoạch, huyện sẽ tiếp tục phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ theo hướng phát triển các mô hình kinh tế trang trại, hợp tác xã, hình thành các chuỗi liên kết sản xuất và chuỗi giá trị nông nghiệp; tích cực phối hợp, hỗ trợ các đơn vị thực hiện Dự án Nông nghiệp ứng dụng Công nghệ cao quy mô 500ha tại xã Minh Đức...

Đường 13 huyền thoại (nay là QL13), đoạn qua Tàu Ô, cái tên từng khiến quân địch khiếp sợ, nay đẹp như m6ột bức tranh.

Đường 13 huyền thoại (nay là QL13), đoạn qua Tàu Ô, cái tên từng khiến quân địch khiếp sợ, nay đẹp như một bức tranh.

Huyện Hớn Quản có những bước chuyển dịch kinh tế đầy mạnh mẽ với tỷ trọng công nghiệp - xây dựng chiếm hơn 17%; dịch vụ chiếm hơn 27%; nông - lâm nghiệp chiếm gần 56%... Trên địa bàn huyện hiện có khoảng 249 trang trại, 24 tổ hợp tác nông nghiệp và 15 HTX. UBND huyện, các cấp ngành của huyện đã hưởng ứng nhiệt tình các chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM. Huyện đã huy động được từ nhiều nguồn đầu tư vào nông thôn mới số tiền 1.377 tỷ đồng.

Trên địa bàn Hớn Quản đã quy hoạch 3 khu công nghiệp, gồm: Khu công nghiệp Minh Hưng - Sikico 655ha, Khu công nghiệp Việt Kiều 104ha, Khu công nghiệp Tân Khai II 160ha, hiện đang trong giai đoạn đầu tư cơ sở hạ tầng và thu hút nhà đầu tư thứ cấp. Ngoài ra, Hớn Quản cũng đang triển khai xây dựng 5 cụm công nghiệp với tổng diện tích 100ha để hình thành các cụm sản xuất, chế biến nông sản, thực phẩm, sản phẩm công nghiệp và sản xuất hàng tiêu dùng. Theo kế hoạch, đến năm 2030, 5 cụm công nghiệp trên sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động, sẽ đóng góp nguồn thu lớn cho ngân sách, giải quyết việc làm, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện.

Hớn Quản đã đề ra mục tiêu đến năm 2025 cơ bản trở thành huyện có ngành nông nghiệp phát triển chiều sâu, trên cơ sở phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch hợp lý theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, thương mại - dịch vụ. Phấn đấu tốc độ tăng thu ngân sách ở mức 15%/năm, đến năm 2025 thu ngân sách đạt 436 tỷ đồng...

Khu công nghiệp Minh Hưng Sikico (xã Đồng Nơ, huyện Hớn Quản). 

Khu công nghiệp Minh Hưng Sikico (xã Đồng Nơ, huyện Hớn Quản). 

“Để đạt những mục tiêu trên, bên cạnh việc thu hút đầu tư, phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp đã được quy hoạch; huyện tiếp tục chú trọng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và nông nghiệp hữu cơ; đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; quy hoạch và phát triển đô thị, thực hiện xã hội hóa việc đầu tư, kinh doanh trung tâm thương mại, siêu thị, khách sạn, nhà hàng. Phát triển khu du lịch sinh thái, thu hút các loại hình dịch vụ vận tải, bưu chính viễn thông, khoa học - công nghệ, ngân hàng và các dịch vụ gắn với du lịch...

Đồng thời, kêu gọi các nhà đầu tư có kinh nghiệm về nông nghiệp làm hạt nhân thực hiện các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ. Từ đó, tạo việc làm ổn định, cải thiện thu nhập cho nhân dân; nâng cao giá trị cho nông sản địa phương và tạo “đòn bẩy” thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới và chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP)”, bà Phan Thị Kim Oanh, Chủ tịch UBND huyện Hớn Quản.

Vươn ra thế giới

Tại Hớn Quản, có một doanh nghiệp nông nghiệp tầm cỡ, đã làm được việc không đơn giản là liên kết với “ông lớn” ngành nông nghiệp toàn cầu, đưa sản phẩm nông nghiệp ra thế giới. Đó là Công ty TNHH thương mại dịch vụ Union Trading. Liên kết với Dole, dán nhãn cho trái chuối già Nam Mỹ xuất đi nhiều nước trên thế giới. Sản lượng mà Dole cần Union Trading cung cấp vào khoảng 30 - 50 tấn/ha/năm.

Tính đến thời điểm này, đã có hơn 540 tấn chuối già Nam Mỹ (Cavendish banana) mang thương hiệu Dole được Union Trading trồng, thu hoạch, phân loại, đóng gói từ nông trại của công ty ở xã Tân Hưng, huyện Hớn Quản để xuất đi các thị trường Hàn Quốc, Malaysia… Để trở thành đối tác của Dole, sản phẩm chuối già Nam Mỹ trồng ứng dụng công nghệ cao tại nông trại phải đáp ứng được các yêu cầu nghiêm ngặt về kích cỡ, màu sắc, chất lượng, quy trình chăm sóc, từ cây giống cho đến thu hoạch…

1

Chuối tại công ty Union Trading (xã Tân Hưng, huyện Hớn Quản), một trong số những thương hiệu sớm vươn mình ra thế giới. Ảnh: Hồng Thủy.

Nông trại chuyên canh chuối già Nam Mỹ của Union Trading có diện tích 150ha. Ngoài ra, công ty còn liên kết, hợp tác để mở rộng mạng lưới các nông trại đối tác chiến lược tại các địa phươngTP.HCM, An Giang, Quảng Ngãi… với tổng diện tích lên đến 500ha.

Ông Đỗ Hữu Dự, Trưởng Ban quản lý nông trại của Union Trading tại Bình Phước cho biết, tại đây Công ty xây dựng một quy trình chặt chẽ từ việc nhân giống, cấy mô cho đến quy trình sản xuất, sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt tự động của Israel, hệ thống châm phân tự động… chủ yếu sử dụng phân hữu cơ sinh học, hạn chế sự tác động của thuốc bảo vệ thực vật. Và nếu có sử dụng thì trong danh mục cho phép. Đây là yêu cầu của thị trường và khách hàng đối tác nước ngoài.

“Để trở thành đối tác của Dole, Union Trading đã nỗ lực không ngừng ngay từ những ngày đầu để đạt được sự chuyên nghiệp trong tất cả các khâu từ trồng trọt, chăm sóc cây chuối đến xử lý, đóng gói và bảo quản. Đặc biệt là năm 2022, Union Trading đã đạt chứng nhận GlobalGAP cho nông trại ở Bình Phước và sản phẩm được người tiêu dùng tin tưởng bình chọn là Hàng Việt Nam Chất lượng cao”, ông Dự nói.

Cong-nhan-lam-viec-tai-khu-phan-loai-xu-ly-dong-goi-thuoc-nong-trai-chuoi-gia-nam-my-cua-union-trading-o-binh-phuoc-3

Khu sơ chế chuối của Union Trading. Ảnh: Hồng Thủy.

Cùng với việc trở thành nhà cung cấp chuối già Nam Mỹ cho Dole và các danh hiệu đạt được trong năm 2022, Union Trading đã tiến thêm một bước vững chắc trong việc khẳng định định hướng phát triển đúng đắn trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao. Đồng thời đóng góp thêm cho tỉnh Bình Phước một sản phẩm xuất khẩu tiềm năng cao.

Đáng nói là trong thời gian đại dịch Covid-19 hoành hành tại Việt Nam, hoạt động củacông ty, bao gồm mảng xuất khẩu dù đối mặt với nhiều khó khăn vẫn không bị đứt gãy, tạo sự yên tâm lớn cho người lao động. Bên cạnh đó, công ty cũng tham gia tích cực các hoạt động xã hội, như thông qua Chương trình Vòng Tay Việt do Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao, Union Trading đã tặng hàng chục tấn chuối chín tươi tiếp sức các lực lượng tuyến đầu chống dịch…

Ước tính có khoảng 75 lao động địa phương đang làm việc ổn định tại nông trại của Công ty ở Bình Phước, trong đó có nhiều lao động là người đồng bào dân tộc S’tiêng. Lúc cao điểm thu hoạch, đóng gói nhân công có thể lên đến 200 người. “Chúng tôi không phân biệt nhân công là người dân tộc Kinh hay đồng bào dân tộc thiểu số, chỉ cần người lao động làm tốt, siêng năng, tuân thủ quy định của công ty thì mức thu nhập không dưới 6 triệu đồng/tháng”, ông Dự nói.

Cong-nhan-lam-viec-tai-khu-phan-loai-xu-ly-dong-goi-thuoc-nong-trai-chuoi-gia-nam-my-cua-union-trading-o-binh-phuoc-2

Khu phân loại, dán nhãn, đóng gói. Ảnh: Hồng Thủy.

Ông Trần Hải Hà, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Hớn Quản nhận định, mô hình do Union Trading đang thực hiện thành công tại địa phương có thể hợp tác mở rộng với nhà nông nhờ nhiều yếu tố thuận lợi, từ quy trình kỹ thuật canh tác đến đầu ra cho sản phẩm sau thu hoạch.

Để có được những cây chuối đẹp, đạt chuẩn, Union Trading quy hoạch riêng khu vực cây giống, làm theo phương pháp cấy mô, được lựa chọn cẩn thận, có khả năng kháng bệnh cao, sinh trưởng nhanh. Cây giống sau khi từ phòng nhân giống sẽ được đưa tới khu vực vườn ươm.

Từ đây, những cây giống đủ chuẩn được xuất vườn để trồng tại nông trại. Các nông trại chuối của Union Trading đều áp dụng một quy trình chăm sóc theo hướng công nghệ cao. Các kỹ sư sẽ sử dụng hệ thống tưới tiêu và bón phân ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt của Israel giúp tiết kiệm nguồn nước tưới, hạn chế cỏ dại, giảm công chăm sóc. Cây chuối được “gia cố” cẩn thận để cây không bị ngã đổ, đảm bảo năng suất. Từng buồng chuối được chăm sóc kỹ lưỡng từ các công việc bẻ hoa, chèn nải, bao buồng…

“Khu vực Hớn Quản có nhiều diện tích đất đỏ bazan, rất phù hợp với các loại cây ăn trái ngắn ngày, đặc biệt là cây chuối. Vì thế, bà con có vườn hợp tác với công ty Union Trading thực hiện mô hình trồng chuối này rất khả thi. Công ty sẽ hỗ trợ kỹ thuật, cây giống, quy trình chăm sóc và đầu ra”, ông Trần Hải Hà, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Hớn Quản.

Xem thêm
Thái Nguyên có thêm 2 Phó Giám đốc Sở

Sở Lao Động - Thương binh và Xã hội, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên vừa có tân Phó Giám đốc.

Sóc Trăng thay đổi từ tư duy ứng phó sang thích ứng với hạn mặn

ĐBSCL Dù hạn mặn trong mùa khô 2023 -2024 cao hơn trung bình nhiều năm, Sóc Trăng chưa ghi nhận thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh do hạn mặn gây ra.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cơn mưa bất chợt 'giải nhiệt' ở Bình Dương

Sau nhiều ngày nắng nóng liên tục, cơn mưa bất chợt xuất hiện đã làm dịu đi cái nóng gay gắt cho người dân ở Bình Dương.