Theo Sở NN-PTNT tỉnh Tây Ninh, địa phương có đường biên giới dài hơn 240 km với Campuchia, địa hình tương đối bằng phẳng, bên cạnh thuận lợi cho việc giao lưu hợp tác, thì cũng là cơ hội cho các đối tượng lợi dụng buôn lậu (do có nhiều đường mòn lối mở). Không chỉ có thuốc lá, các mặt hàng nông sản như đường cát trắng, trâu bò cũng lọt vào tầm ngắm của chúng.
Cụ thể, tình trạng nhập lậu trâu bò trên tuyến biên giới Tây Ninh diễn ra chủ yếu ở các huyện Tân Châu, Tân Biên. Trọng điểm là khu vực từ cửa khẩu Xa Mát đến Chàng Riệc, Kà Tum…
Mới đây, cơ quan cảnh sát điều tra công an huyện Châu Thành ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can nhóm đối tượng buôn lậu 55 con bò từ Campuchia về Việt Nam, do đối tượng Nguyễn Hùng Tý (SN 1976, ngụ huyện Châu Thành) cầm đầu.
Như Báo NNVN đã đưa tin, ngày 6/3/2023, công an huyện Châu Thành phối hợp cùng phòng Cảnh sát kinh tế và phòng Cảnh sát cơ động - Công an tỉnh bắt quả tang tại trại bò của Nguyễn Văn Dũng (SN 1982, ngụ huyện Châu Thành) tại ấp Bến Cầu, xã Biên Giới, huyện Châu Thành, đang nuôi nhốt 37 con bò có nguồn gốc nhập lậu từ Campuchia.
Tiếp đó, công an bắt quả tang tại trại bò của Trương Văn Hiếu (SN 1963, ngụ huyện Châu Thành) đang nuôi nhốt 18 con bò có nguồn gốc nhập lập từ Campuchia. Mở rộng điều tra, công an bắt thêm Tý, Nguyễn Văn Dương (SN 1990) và Nguyễn Văn Dệt (SN 1972, cùng ngụ huyện Châu Thành).
Các đối tượng khai nhận, Tý và Hiếu cùng hùn vốn mua 55 con bò trên từ Campuchia để đưa về Việt Nam tiêu thụ. Cả hai thuê Dương dẫn bò từ đường mòn biên giới Campuchia về khu vực thuộc ấp Bến Cầu, xã Biên Giới để tập kết. Sau đó, chúng thuê Dệt, Dương điều khiển xe tải chở bò về trại bò của Hiếu và Dũng. Chờ thời cơ thuận lợi, Tý thuê Quân vận chuyển bò tiêu thụ tại các tỉnh Đồng Nai, Long An và TP.HCM.
Có thể thấy, đây là vụ việc gây chấn động cho người chăn nuôi bò Tây Ninh nói riêng và cả nước nói chung trong bối cảnh dịch bệnh trên trâu bò đang có dấu hiệu bùng phát. Việc ngang nhiên buôn lậu số lượng lớn trâu, bò qua biên giới mang lại mối nguy về dịch bệnh rất cao.
Ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Tây Ninh cho biết thêm, Tây Ninh và Campuchia còn có những cánh đồng chung, việc chăn thả trâu bò của cư dân qua lại biên giới là điều không thể tránh khỏi, việc kiểm soát, phân biệt bò rất khó khăn.
“Ngoài vấn đề dịch bệnh, việc sử dụng chất cấm, chất tạo nạc trong chăn nuôi bên nước bạn còn nới lỏng, việc buôn lậu trâu bò xâm nhập qua biên giới còn đem đến mối nguy về sức khỏe cho người tiêu dùng Việt Nam”, ông Nguyễn Đình Xuân thông tin.
Xác định việc chăn thả, nhập lậu trâu, bò qua biên giới không chỉ làm gia tăng nguy cơ xâm nhiễm, lây lan các loại dịch bệnh nguy hiểm như bệnh lở mồm long móng, viêm da nổi cục…; mà còn không bảo đảm các yêu cầu vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm, có nguy cơ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành chăn nuôi trong nước, sức khỏe người dân. Ngành chức năng địa phương đã quyết liệt ngăn chặn.
UBND tỉnh Tây Ninh đã có văn bản đề nghị Ban Chỉ đạo 389 tỉnh phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan và các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp kiểm soát buôn bán, vận chuyển trái phép trâu, bò sản phẩm từ trâu, bò vào Việt Nam.
Sở NN-PTNT tỉnh tăng cường công tác thanh, kiểm tra về tình trạng buôn bán, vận chuyển, giết mổ trâu, bò, sản phẩm từ trâu, bò; đặc biệt tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở, khu vực biên giới. Kiên quyết xử lý khi phát hiện các hành vi vi phạm theo quy định.
Đồng thời, triển khai các biện pháp giám sát dịch bệnh động vật, sử dụng chất cấm trên trâu, bò nhập khẩu và nghi nhập lậu trái phép vào địa bàn tỉnh. Phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an, quản lý thị trường và các ngành có liên quan tổ chức thanh tra, kiểm tra định kỳ, đột xuất tình trạng buôn bán, vận chuyển trâu, bò; các sản phẩm từ trâu, bò; sử dụng chất cấm trên trâu, bò.
Riêng Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Tây Ninh tăng cường kiểm tra, kiểm soát tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp mua bán, vận chuyển trái phép trâu, bò và các sản phẩm từ trâu, bò. Trường hợp bắt được các lô hàng trâu, bò, sản phẩm từ trâu, bò vận chuyển bất hợp pháp phải tiêu hủy theo quy định.
Ngoài ra, UBND các huyện, thị xã, thành phố quản lý chặt chẽ các cơ sở buôn bán, vận chuyển, giết mổ trâu, bò; các sản phẩm từ trâu, bò trên địa bàn quản lý. Phối hợp với các sở, ngành liên quan tuyên truyền, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm về buôn bán, vận chuyển, giết mổ trâu, bò và các sản phẩm từ trâu, bò trái phép trên địa bàn quản lý.
Ngày 22/3, Cục Thú y đã xây dựng, tham mưu trình Bộ NN-PTNT ban hành văn bản gửi các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, Long An đề nghị lãnh đạo các địa phương tập trung chỉ đạo các Sở, ban, ngành, chính quyền các cấp tập trung nguồn lực tổ chức ngăn chặn, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, không để xảy ra tình trạng buôn bán, vận chuyển trái phép trâu, bò vào Việt Nam.
Bộ NN-PTNT đề nghị các địa phương giao các cơ quan, lực lượng chức năng của địa phương khẩn trương thành lập các chuyên án, điều tra, đấu tranh và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân buôn bán, vận chuyển trái phép trâu, bò vào Việt Nam.