| Hotline: 0983.970.780

Thần dược ảo, mất tiền oan, đâu là sự thật?

Thứ Tư 22/06/2016 , 14:30 (GMT+7)

Cứ mua dùng thử, biết đâu hết bệnh, chỉ cần có sức khỏe là có tất cả, rất nhiều người mắc bệnh nan y như ung thư đã không tiếc tiền tỷ để mua các loại chế phẩm được mệnh danh là “biệt dược” như tinh dầu thông đỏ, vảy tê tê...  Để rồi...

Với tâm lý “có bệnh thì vái tứ phương”, cứ mua dùng thử, biết đâu hết bệnh, chỉ cần có sức khỏe là có tất cả, rất nhiều người mắc bệnh nan y như ung thư đã không tiếc tiền tỷ để mua các loại chế phẩm được mệnh danh là “biệt dược” như tinh dầu thông đỏ, vảy tê tê, mật bò tót… giao bán tràn lan trên mạng với những lời có cánh. Để rồi, tiền đi, bệnh vẫn ở lại.

Theo những quảng cáo trên mạng thì tinh dầu thông đỏ là một siêu thần dược, có thể ngăn chặn phát triển tế bào của hàng chục loại bệnh ung thư, hỗ trợ điều trị hiệu quả bệnh tiểu đường, tai biến, viêm xoang mãn tính… “thần dược” này được chiết xuất dạng viên nang, đóng trong lọ nhỏ, mỗi lọ có giá từ 1 đến vài triệu đồng. Đâu là sự thật?

Những lời có cánh

Sau khi tìm hiểu từ nhiều nguồn thông tin, tìm đọc tài liệu khá kỹ, ông Đỗ Văn Tr., 65 tuổi, ở quận Bình Thạnh (TP.HCM), quyết định mua mấy hộp tinh dầu thông đỏ, mỗi hộp 100 viên con nhộng màu vàng với giá 2 triệu đồng/hộp cho vợ ông bị ung thư vú được bệnh viện Ung bướu TP.HCM chỉ định hóa trị.

“Không riêng gì Việt Nam mà ngay cả các nhà khoa học trên thế giới cũng khẳng định tinh dầu đỏ có nhiều chất dẫn xuất kháng ung thư, nhất là với bệnh nhân trong giai đoạn đầu hay trong lúc vô phương cứu chữa”, ông Tr. nói.

Loại "thần dược" ông Tr. nói có bao bì bắt mắt, nhưng các thông tin về sản phẩm đều được ghi bằng tiếng nước ngoài, có xuất xứ Hàn Quốc. Theo quảng cáo từ một người phụ nữ tên L. giao bán “biệt dược” này trên mạng thì tinh dầu thông đỏ có công dụng ức chế, tiêu diệt tế bào ung thư với các thông số chữa trị rất ấn tượng: “Tế bào ung thư vú 95,5%. Tế bào ung thư phổi 78,4%. Tế bào ung thư gan 90,6%. Tế bào ung thư dạ dày 87,2%...”.

13-29-31_nh-2
13-29-31_nh-3
13-29-31_nh-4
Tinh dầu thông đỏ được quảng cáo tràn làn trên các trang web

 

Không chỉ đưa ra những thông số chẳng dựa trên bất kỳ cơ sở khoa học tin cậy nào, nhiều người còn quả quyết rằng món biệt dược “tinh dầu đỏ” mà mình rao bán còn có tác dụng hữu hiệu đối với các chứng bệnh tiểu đường, tim mạch, mỡ máu, xơ gan, tai biến thành mạch, tai biến mạch máu não: “Các nhà khoa học Hàn Quốc còn phát hiện tinh chất của cây thông đỏ có tác dụng trong việc điều trị cho người bị sạm nám da do rối loạn nội tiết tố, người đau dây thần kinh, viêm khớp, tê liệt chân tay... Người có thể trạng suy nhược hay phụ nữ kinh nguyệt không đều, nhất là người bị trục trặc vấn đề sinh lý thì tinh dầu thông đỏ là lựa chọn số một”, bà L. nói thêm.

Khi tôi hỏi về nguồn gốc tinh dầu thông đỏ và thắc mắc sao giá chỗ nói 1 triệu, chỗ khác lại 3 triệu, bà L. bảo, trên thị trường có nhiều loại với xuất xứ khác nhau như Mỹ, Canada, Ấn Độ nhưng tin cậy và hiệu quả nhất là tinh dầu đỏ Hàn Quốc.

Hàn là xứ của loài thông đỏ, lại là quốc gia đầu tiên phát minh ra công nghệ chiết xuất tinh chất từ thông đỏ nên được các chuyên gia y tế hàng đầu trong và ngoài nước tin dùng.

Nhiều người bị ung thư vú, ung thư phổi, ung thư vòm họng, ung thư gan.... di căn nhờ uống tinh dầu thông đỏ mà gặt hái niềm vui bất ngờ. Có người mừng quá nói nếu ngày trước sớm biết thì đâu phải chịu cảnh khủng hoảng tinh thần, sống dở chết dở, chịu đau đớn vì phải vô hóa chất và tốn hàng trăm triệu đồng mà chẳng ăn thua.

“Cái gì cũng có giá của nó hết em ơi, cái này chị hổng có nặng về kinh doanh mà thiên về làm phước. Gặp phường bất nhơn, nó bán một hộp đến 4 triệu đồng, còn chị để giá hữu nghị có 3 triệu, gọi là lời chút đỉnh thôi nên em đừng trả giá. Em chỉ cần uống ba hộp, tốn chưa đến 10 triệu đồng là thấy kết quả ngay”, bà L. tỏ vẻ nhân từ.

13-29-31_nh-7
Cận cảnh 1 cây thông đỏ tại núi Voi, Đức Trọng, Lâm Đồng

 

“Tinh dầu thông đỏ có tác dụng chống cảm mạo, phong hàn, tụ huyết, nhức khớp, ức chế một số loại ung thư phát triển. Tinh dầu thông đỏ giao bán trên mạng, ngoài thị trường, nếu có nguồn gốc rõ ràng, được phép của Bộ Y tế cho nhập khẩu, thì cũng chỉ là loại thực phẩm chức năng chứ không phải là thuốc, tức một mình nó không thể trị hết bệnh. 
Chưa kể, hàng giả, hàng nhái theo đường xách tay tràn lan. Người bệnh nên đến bệnh viện để bác sỹ có chuyên môn khám, điều trị chứ không nên tự điều trị bằng những loại thuốc chưa rõ công dụng. Cây thông đỏ nằm trong sách đỏ Việt Nam, hiện cả nước chỉ còn vài trăm cây ở Lâm Đồng, việc quảng cáo tinh dầu cây này như một thần dược chữa ung thư có nguy cơ đẩy loài cây quý này vào chỗ tuyệt chủng”, lương y Đinh Công Bảy, Hội Đông y TP.HCM.

Theo lời những người buôn tinh dầu thông đỏ, người thiểu số ở Tây Nguyên đã sử dụng tinh dầu thông đỏ từ thời cổ xưa, nhờ sử dụng tinh chất từ cây thông đỏ mà lúc nào cũng khỏe mạnh, da dẻ hồng hào, sống lâu trăm tuổi, không bị thoái hóa khớp, tinh thần lúc nào cũng minh mẫn.

Coi chừng tiền mất tật mang

Trước những thông tin “kỳ diệu” về tinh dầu thông đỏ tràn lan trên các trang mạng, một dược sĩ đông y, chủ một nhà thuốc ở quận 1 (ông xin giấu tên) cho biết: “Chuyện tinh chất của cây thông đỏ có tác dụng ức chế, chữa trị nhiều chứng bệnh ung thư đến nay vẫn chưa có kết luận từ các nhà khoa học hay cơ quan chuyên môn nào. Nếu có thì cũng dừng lại ở phạm vi hỗ trợ điều trị, tuyệt đối không có chuyện ung thư gì cũng chữa được như vậy.

Trong y học xưa, cây thông đỏ được người Trung Quốc sử dụng điều trị cho người mắc các chứng bệnh liên quan đến tim mạch, giảm đau. Tại Ấn Độ các thầy thuốc cổ truyền dùng chất paclitaxel chiết xuất từ thông đỏ hay đem lá với vỏ cây này nấu thành cao trị chứng hen suyễn... Còn tại Việt Nam, y học cổ truyền không thấy nhắc nhiều đến việc dùng thông đỏ trong phác đồ điều trị các loại bệnh”.

Theo lương y Thái Bình, Hội Đông y TP.HCM, tinh dầu thông đỏ chỉ là thực phẩm chức năng, không có tác dụng chữa bệnh, và muốn sử dụng phải có chỉ định, theo dõi của người có chuyên môn chứ không thể đùng bừa bãi.

Lương y Bình cũng nêu những nguy cơ tiềm ẩn quanh những hộp tinh dầu thông đỏ có mặt ở thị trường Việt Nam bằng hình thức hàng xách tay không rõ nguồn gốc.

“Bây giờ, để làm bao bì, nhãn mác bắt mắt như những hộp tinh dầu thông đỏ kia, chẳng có gì khó. Vấn đề ở chỗ những viên thuốc bên trong lọ kia là gì thì không phải ai cũng biết. Với người bệnh nan y, thời gian được tính bằng vàng, không nên phí thời gian vàng ấy bằng loại “thần dược” mà mình hoàn toàn không biết rõ, chưa kiểm chứng”.

Trong dịp lên Tây Nguyên công tác, chúng tôi đã tìm gặp những người dân bản địa thuộc đồng bào Cil ở Lạc Dương, Lâm Đồng để hỏi về công dụng thần kỳ của tinh dầu thông đỏ, thì chẳng ai biết. Họ chưa từng biết chuyện lấy lá, lấy vỏ dùng làm thuốc, hãm trà, ủ rượu.

Theo các nhà chuyên môn tại Hội thảo Khoa học chuyên đề “Cây thông đỏ và dược liệu” do Hội Dược liệu Lâm Đồng tổ chức cuối năm 2015, thì thông đỏ là loài thực vật quý hiếm, tên khoa học là Taxus Wallichiana Zucc, thuộc họ Taxaceae, lá và vỏ chứa hoạt chất 10 - DB III, được dùng để chiết xuất chất Taxol, là nguyên liệu chính để điều chế thuốc điều trị một số bệnh ung thư tốt nhất hiện nay.

Qua thử nghiệm lâm sàng ở Mỹ, Nhật, Pháp đã khẳng định Taxol có hiệu quả cao với bệnh ung thư buồng trứng, ung thư vú, ung thư phổi, chống tế bào ung thư tại đại tràng, gan. Chất Taxol đã được cơ quan quản lý thuốc và thực phẩm của Mỹ (FDA) cho phép lưu hành. Tuy nhiên, thuốc điều trị ung thư này hoàn toàn không giống như loại tinh dầu thông đỏ được nhiều người giao bán.

Xem thêm
Quốc hội miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Chiều 2/5, Quốc hội thống nhất miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch Quốc hội nhiệm kỳ 2021 - 2026, cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa XV với ông Vương Đình Huệ.

Thí điểm đề án 1 triệu ha lúa, nông dân được hỗ trợ 100% chi phí

ĐBSCL Ngoài hỗ trợ về mặt kỹ thuật, nông dân tham gia mô hình thí điểm Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao sẽ được hỗ trợ toàn bộ vật tư và hạ tầng.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Đề xuất xây cầu 3.500 tỷ đồng nối Bến Tre và Trà Vinh

Trà Vinh Dự án cầu Cổ Chiên 2 với vốn đầu tư khoảng 3.500 tỷ đồng, dự kiến đưa vào sử dụng năm 2030.