Thưa cô Dạ Hương kính mến!
Cháu có may mắn là năm 18 tuổi được bố mẹ cho đi du học. Bằng cấp tốt, làm việc ở nước sở tại ít lâu, rồi cháu quay về cho đến nay.
Vấn đề của lá thư này là chuyện bố mẹ của cháu bao vây (cháu đùng từ này có thể không chính xác, nó có ý châm biếm tí chút), phải, bố mẹ bao vây để khều chị gái và anh rể (tây) về lại Việt Nam. Vì chị đi đã 10 năm, cưới bên ấy, vẫn chưa chịu sinh con (thực ra là bố mẹ thèm sinh cháu cho ông bà), nên mẹ, chủ yếu là mẹ cháu muốn chị về để sinh đẻ, chị về thì chồng chị phải về theo.
Cháu thấy rất lạ. Bên ấy chị và chồng đang rất ổn, nhà thuê, theo văn hóa không sống chung với bố mẹ mà muốn thế là phải thuê nhà mà sống. Với mẹ cháu, tiền thuê ấy quá cao, rất uổng, về Việt Nam, bố mẹ có nhà cho ở, tiền ấy sống không sướng sao? Thế công việc anh ấy xáo trộn, ừ thì chị gái cháu không cần làm gì chỉ sinh và chăm con, nhưng chất lượng sống ở đây sao có thể sánh bằng bên ấy?Cháu luôn bị giục yêu đi, lấy vợ đi. Cháu chưa đến 30, vội gì kia chứ? Nhưng thấy văn hóa bao vây để chăm sóc của bố mẹ, cháu hết hồn luôn.
Nữa rồi con dâu bị xét nét sao, cháu nội sẽ bị ông bà can thiệp ra sao, nhà cửa chưa chi đã dành sẵn cho cháu trong khi ông bà không thiết đi du lịch nước ngoài một lần nào. Lạ quá, tội quá cho người mình, vì sao cứ phải “hy sinh đời bố củng cố đời con” mãi thế hở cô?
Cháu trai thân mến!
Cô có cảm giác lá thư không xin tư vấn, chỉ là tiếng thảng thốt về một thói quen mà cháu định nghĩa là văn hóa từ bố mẹ cháu. Cô cũng ngạc nhiên nhưng cô quen với những thứ khác thường, thậm chí kỳ cục của người mình và cô thấy, nên viết kỹ, để cho cháu hạ ngạc nhiên xuống. Sống ở VN là phải biết chung sống với những thứ trái khoáy đi.
Thì ra chị cháu du học, ở lại, lấy chồng tây hẳn hoi. Nhưng không sinh nở, 10 năm rồi, không hiểu do chị cháu kế hoạch hay do cơ địa. Chỉ nghe rằng bố mẹ cháu khều cho bằng được chị và chồng chị về VN sinh đẻ và sinh sống.
Có không những chàng những đàn ông tây thích sống ở Việt Nam? Có chứ, hình như ngày càng nhiều. Vì sao? Chắc cháu biết: khí hậu không quá khắc nghiệt (không quá rét), người đông, tây dễ có việc và dù thu nhập không cao lắm, vẫn sống tốt. Có thể với họ, Việt Nam là đất lành và mồi ngon (là ẩm thực ấy).
Bằng chứng là cháu học xong, cháu về, việc tốt, sống khỏe. Bố mẹ mừng quá, không phải bắt con về để bao vây và chăm chút đâu. Đành rằng người Việt Nam mình quá quan tâm đến con. Khi cháu về, bố mẹ chạnh thương con gái, 10 năm trời xứ người, về đi để xem sao không chịu đẻ con. Có khi chỉ vì vợ chồng bận quá, neo đơn quá mà ngại sinh nở đó thôi. Về để có con, sau đó tính nữa, ấy là kiểu tính lấy được của người mình, nên thông cảm, đừng chấp.
Dĩ nhiên để cho cả hai đứa con du học là đã “hy sinh đời bố củng cố đời con” rồi. Không có chuyện đi tung tăng như dân xứ giàu của người ta đâu. Ừ thì du lịch qua tivi cũng được, chính cô còn nghĩ thế mà. Con vừa vững thì nghĩ đến cháu, dành gì cho nó khi sinh đẻ, hoặc khi cần phải sang với nó. Mười năm vèo qua, đã đứng tuổi, rồi lục tuần, thất tuần, để dành gì cho tuổi già của mình nữa chứ. Thế là xong đời.
Cô thấy các cháu trẻ phán xét người có tuổi thế nọ thế kia rất dễ. Từng sống thời cháu còn chưa sinh ra cơ, thời ăn độn, xà bông không có, miếng mỡ heo cũng không, đói rạc người, mùa đông tê tái… cháu sẽ biết vì sao người mình tằn tiện và dành dụm. Hy vọng sau lá thư cháu khoan thai, khoan hòa, với văn hóa bao bọc bao biện mà cháu bảo là sốc. Không gì tự dưng cả, phải có nguyên cớ, có quy luật tâm lý, có quá trình thay đổi nếu muốn thay đổi, nhé.
Có không ít người như cháu, sợ bố mẹ áp sát, sợ vợ mình bị xét nét, sợ không được tự ý chăm sóc con mình… rồi biếng nhác chuyện lấy vợ và sinh con. Đừng như thế, biết đâu các chàng tây muốn được giúp thế mà không có đấy.