Giá trị sản phẩm tăng gấp 3 lần
Đạ Tẻh là huyện phía nam của tỉnh Lâm Đồng với diện tích tự nhiên ở vào khoảng 526km2. Trong giai đoạn 2010 - 2020, huyện này ưu tiên chuyển đổi sang trồng cây có hiệu quả kinh tế cao, thích ứng với biến đổi khí hậu, tập trung vào nhóm cây trồng chủ lực như dâu tằm, lúa chất lượng cao, tre tầm vông, cao su, cây ăn quả… Từ đó kinh tế nông nghiệp ở nông thôn có chuyển biến nhanh.
Ông Tống Giang Nam, Chủ tịch UBND huyện Đạ Tẻh, cho hay, huyện Đạ Tẻh từng có trên 4.000ha cây trồng có giá trị thu hoạch dưới 50 triệu đồng/ha. Trong đó đất nông nghiệp trồng điều là 3.500ha, đất lúa chưa chủ động được nguồn nước và đất vườn tạp khoảng 400ha. Trong quá khứ, cây điều là cây trồng chiếm hơn 40% diện tích đất canh tác của huyện nhưng hiệu quả kinh tế thấp, bình quân đạt từ 40 – 50 triệu đồng/ha/năm.
Do vậy, trong những năm qua, huyện này đã ưu tiên chuyển đổi cây điều hiệu quả thấp sang trồng cây có hiệu quả kinh tế cao, thích ứng với biến đổi khí hậu theo thứ tự ưu tiên như dâu tằm, mía, cao su, tre tầm vông, tràm lấy gỗ, cây ăn trái. Đến cuối năm 2019, huyện Đạ Tẻh đã thực hiện chuyển đổi trên 2.000ha cây điều hiệu quả thấp sang trồng dâu tằm, cao su tre tầm vông, tràm lấy gỗ và cây ăn trái.
Việc chuyển đổi cây trồng thời gian qua đã mang lại hiệu quả thiết thực, giá trị sản phẩm thu hoạch trên đơn vị diện tích tăng lên hàng năm. Theo đó, năm 2010 giá trị sản phẩm trung bình chỉ đạt 33 triệu đồng/ha thì đến năm 2015 đạt 67,3 triệu đồng, năm 2018 đạt 85 triệu đồng và đến năm 2020 thì tăng lên 97 triệu đồng/ha.
Cùng với việc chuyển đổi cây trồng, huyện Đạ Tẻh cũng xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung với quy mô khá. Đến nay, địa phương này đã xây dựng được vùng trồng dâu nuôi tằm với quy mô 1.500ha trên địa bàn 8/10 xã của huyện và đạt doanh thu bình quân 220 triệu đồng/ha. Vùng cây ăn trái khoảng 1.200ha bao gồm quýt, sầu riêng, bưởi da xanh… ở xã Đạ Lây, Mỹ Đức, Quốc Oai, Quảng Trị và nhiều mô hình trong số này đạt doanh thu từ 700 triệu đến 1 tỷ đồng/ha.
Cũng trong giai đoạn 2010 đến 2020, huyện Đạ Tẻh đã thực hiện triển khai xây dựng mô hình phát triển kinh tế cho đồng bào dân tộc Tây Nguyên. Tại xã Mỹ Đức, xã Quốc Oai, huyện này xây dựng mô hình trồng cao su tập trung với tổng diện tích 185ha, phát triển mô hình trồng tre tầm vông tại xã An Nhơn.
"Từ các mô hình sản xuất tập trung trên, người dân đã từng bước thay đổi tập quán sản xuất canh tác. Các mô hình cũng giúp hộ dân tiếp cận và nâng cao kỹ thuật, tổ chức liên kết sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời phát huy tinh thần cộng đồng tham gia sản xuất cùng phát triển, đảm bảo nguồn thu nhập ổn định, bền vững", ông Tống Giang Nam cho biết.
Tháng 3 vừa qua, UBND huyện Đạ Tẻh long trọng tổ chức lễ công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ về công nhận huyện Đạ Tẻh đạt chuẩn nông thôn mới. Huyện Đạ Tẻh cũng đón nhận Huân chương Lao động hạng III vì đã có thành tích xuất sắc trong Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2016 - 2020 góp phần vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
Đồng bộ cơ sở hạ tầng, nâng cao thu nhập cho người dân
Về cơ sở hạ tầng, trước năm 2010, huyện Đạ Tẻh là một trong những địa phương có cơ sở hạ tầng nông thôn thiếu đồng bộ gây khó khăn trong phát triển kinh tế, xã hội. Đến nay, vấn đề này đã được thực hiện đầu tư, mở rộng, nâng cấp.
Theo đó, toàn huyện có khoảng 341km đường được nhựa hóa, bê tông hóa và 277km đường được cứng hóa. Đối với công trình thủy lợi, trong 10 năm qua, huyện Đạ Tẻh đã đầu tư và đưa vào sử dụng nhiều công trình quan trọng. Trong đó phải kể đến như các hồ đảm bảo nước tưới, nước sinh hoạt cho các xã khó khăn như Hồ thôn 10 ở xã Đạ Kho, Hồ thôn 5 xã Quốc Oai, Hồ Con Ó xã Mỹ Đức; Hồ Hương Thanh - Hương Sơn xã Đạ Lây…
Đến nay, hệ thống thủy lợi trên địa bàn huyện Đạ Tẻh có 8 hồ chứa nước thủy lợi với dung tích hữu ích 30,34 triệu m3, 1 trạm bơm và 1 đập dâng; tổng chiều dài kênh 229km đáp ứng nhiệm vụ tưới, tiêu cho 9,8 nghìn ha gieo trồng.
Về vấn đề nâng cao thu nhập cho người dân cũng được huyện Đạ Tẻh chú tâm thực hiện. Theo đó, trong 10 năm qua, các chương trình, dự án, chính sách giảm nghèo đã được huyện này triển khai, lồng ghép đồng bộ và mang lại hiệu quả. Đời sống kinh tế, xã hội của người dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại các xã nghèo được cải thiện.
"Các hộ gia đình nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số được hưởng các chính sách hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước, góp phần ổn định sản xuất, nâng cao thu nhập ", ông Tống Giang Nam nói và cho biết thêm, năm 2010, thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 10,7 triệu đồng thì đến 2020 tăng lên 46,38 triệu đồng. Tỉ lệ hộ nghèo ở địa phương cũng được kéo giảm khi năm 2010 là 21,4% và đến 2020 tỉ lệ này còn 1,3%.
Hiện nay, sau khi huyện Đạ Tẻh được công nhận đạt chuẩn huyện nông thôn mới, địa phương này tiếp tục xây dựng và đặt ra mục tiêu huyện đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2025. Để đạt được mục tiêu này, huyện Đạ Tẻh sẽ bổ sung quy hoạch xây dựng chi tiết khu chức năng dịch vụ hỗ trợ sản xuất, xây dựng cụm công nghiệp, nâng cấp và bảo trì các công trình thủy lợi, xây dựng hệ thống giao thông theo hướng đảm bảo kết nối liên xã, liên vùng và giữa các vùng nguyên liệu tập trung.
Cùng với việc chuyển đổi cây trồng, lồng ghép các chương trình dự án, huyện Đạ Tẻh cũng chú trọng thực hiện công tác đào tạo nghề, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho lao động nông thôn. Đặc biệt đào tạo nghề nông nghiệp theo ngành nghề học phù hợp đã mang lại hiệu quả, giúp nông dân nâng cao trình độ và kỹ năng về sản xuất nông nghiệp, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm tăng giá trị sản phẩm, tăng thu nhập.
Để để tạo ra chuỗi liên kết giữa người sản xuất với các doanh nghiệp trong việc cung ứng dịch vụ đầu vào và hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, trong thời gian qua, huyện Đạ Tẻh đã xây dựng các hợp tác xã, tổ hợp tác nông nghiệp, xây dựng làng nghề trồng dâu nuôi tằm và hình thành hàng loạt trang trại chăn nuôi quy mô lớn. Cũng thông qua các hợp tác xã, tổ hợp tác này, việc tổ chức sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật được triển khai một cách bài bản, đem lại hiệu quả cao.