| Hotline: 0983.970.780

Khơi dậy lòng dân trong xây dựng nông thôn mới ở Cao Bằng

Thứ Năm 24/03/2022 , 10:20 (GMT+7)

Tập hợp sức dân là một trong những con đường đưa Cao Bằng đạt nhiều kết quả tích cực, tiếp tục thực hiện thắng lợi Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM.

Phong trào làm đường bê tông nông thôn phát triển mạnh tại nhiều địa phương. Ảnh: Công Hải.

Phong trào làm đường bê tông nông thôn phát triển mạnh tại nhiều địa phương. Ảnh: Công Hải.

Nông thôn đổi mới từ lòng dân

Những tuyến đường bê tông nông thôn được mở rộng, sạch, đẹp góp phần bảo đảm an toàn giao thông và thông thương hàng hóa; những cây cầu vững chãi được xây mới giúp nhân dân đi lại thuận tiện, trường học xanh, sạch, đẹp, khang trang, hiện đại... là những nét đổi thay mạnh mẽ ở xã Phong Châu, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng trong thực hiện xây dựng nông thôn mới (NTM).

Thời gian đầu triển khai chương trình xây dựng NTM, xã Phong Châu đã gặp không ít khó khăn, trở ngại. Năm 2011, xã mới đạt 4/19 tiêu chí NTM. Hạ tầng cơ sở yếu kém, thu nhập người dân chủ yếu từ sản xuất nông nghiệp quy mô nhỏ lẻ, trình độ sản xuất còn nhiều hạn chế trở thành vật cản lớn trong chương trình xây dựng NTM ở địa phương.

Thế nhưng hiện nay, Phong Châu là một trong những xã đầu tiên trong tỉnh đạt chuẩn NTM. Các tuyến đường giao thông, đường làng ngõ xóm, đường nội đồng được bê tông hóa, tạo thuận lợi cho bà con đi lại, vận chuyển hàng hóa dễ dàng.

Các công trình phúc lợi được đầu tư, nâng cấp phục vụ tốt hơn nhu cầu sử dụng của người dân. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng nâng cao, mọi người dân đều nhiệt tình tham gia, ủng hộ Chương trình xây dựng NTM. Xã đang phấn đấu đạt chuẩn NTM nâng cao vào năm 2023.

Trồng rừng giúp nhiều hộ dân xã Phong Châu, huyện Trùng Khánh có thu nhập khá. Ảnh: Công Hải.

Trồng rừng giúp nhiều hộ dân xã Phong Châu, huyện Trùng Khánh có thu nhập khá. Ảnh: Công Hải.

Ông Đàm Văn Thương, Bí thư Đảng ủy xã Phong Châu cho biết: Xã xác định muốn xây dựng NTM đạt hiệu quả cao thì phải có sự đồng thuận, đồng lòng của tất cả người dân. Cho họ thấy được mục tiêu khi xây dựng NTM là cho dân, vì dân để họ tích cực tham gia, hy sinh những cái lợi nhỏ của từng cá nhân, từng gia đình mà hướng tới cái lợi lớn hơn, lâu dài hơn. Với sự đồng thuận, đồng lòng cao, tin tưởng rằng mục tiêu hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM nâng cao sẽ hoàn thành đúng như kế hoạch đề ra.

Hơn 10 năm qua, phong trào nhân dân chung sức xây dựng NTM đã lan tỏa và phát triển mạnh mẽ trong toàn tỉnh Cao Bằng. Dù điều kiện kinh tế, đời sống của người dân các địa phương còn nhiều khó khăn nhưng những năm qua, nhân dân Cao Bằng đã đóng góp hơn 255 tỷ đồng thực hiện chương trình xây dựng NTM.

Song song với việc xây dựng kết cấu hạ tầng, kinh tế khu vực nông thôn có bước tăng trưởng, sản xuất nông nghiệp thay đổi theo hướng nâng cao giá trị và hiệu quả. Các vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung đã, đang hình thành và phát triển, trình độ canh tác của người dân ngày càng hoàn thiện.

Những con đường hoa ở xã Hưng Đạo, thành phố Cao Bằng tạo nên bức tranh thơ mộng ở vùng quê. Ảnh: Công Hải.

Những con đường hoa ở xã Hưng Đạo, thành phố Cao Bằng tạo nên bức tranh thơ mộng ở vùng quê. Ảnh: Công Hải.

Giá trị sản xuất trên 1 đơn vị diện tích trồng trọt tăng từ 24 triệu đồng/ha (năm 2010) lên hơn 40 triệu đồng/ha (năm 2021). Đời sống dân cư khu vực nông thôn từng bước được cải thiện và nâng cao nhờ các chương trình giảm nghèo và an sinh xã hội.

Thu nhập bình quân khu vực nông thôn năm 2021 đạt gần 20 triệu đồng/người/năm, tăng hơn gấp đôi so với năm 2010; tỷ lệ giảm nghèo bình quân khoảng 4% mỗi năm. Đến hết năm 2021, toàn tỉnh có 17 xã đạt 19 tiêu chí NTM, có 2 xã đang chờ công nhận đạt chuẩn NTM; bình quân đạt gần 11 tiêu chí NTM/xã, không còn xã dưới 5 tiêu chí.

Vượt khó khăn hoàn thành các mục tiêu xây dựng NTM

Để đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng NTM, tỉnh Cao Bằng đã triển khai thực hiện Đề án nông nghiệp thông minh tỉnh Cao Bằng giai đoạn 2020 - 2025. Đề án đã triển khai các giải pháp phát triển nền nông nghiệp thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, từ đó, nâng cao giá trị và phát triển bền vững theo chuỗi giá trị gắn với xây dựng NTM.

Việc triển khai Đề án nông nghiệp thông minh, đã hỗ trợ thành lập mới 22 doanh nghiệp, HTX đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp; xây dựng được 63 chuỗi liên kết sản xuất hàng hóa trên toàn tỉnh với 6 mô hình liên kết cấp tỉnh và 57 mô hình liên kết cấp huyện, với tổng kinh phí thực hiện 58,5 tỷ đồng.

Cây lạc hàng hóa là cây trồng giúp xóa đói, giảm nghèo ở nhiều địa phương vùng cao, vùng sâu, vùng xa ở tỉnh Cao Bằng. Ảnh: Công Hải.

Cây lạc hàng hóa là cây trồng giúp xóa đói, giảm nghèo ở nhiều địa phương vùng cao, vùng sâu, vùng xa ở tỉnh Cao Bằng. Ảnh: Công Hải.

Ngoài ra, tỉnh cũng đã xây dựng một số sản phẩm nông nghiệp đặc sản đặc trưng, có thương hiệu, gắn kết giữa sản xuất với chế biến, như: miến dong Phja Đén, gạo nếp Hương Bảo Lạc, vịt cỏ Trùng Khánh, lê Đông Khê, thạch đen Thạch An.

Ông Nông Thanh Mẫn, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Cao Bằng chia sẻ: Chương trình xây dựng NTM ở một số địa phương còn chậm do vấn đề hỗ trợ kinh phí đầu tư chưa kịp thời; một số người dân còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư của Nhà nước. Công tác vệ sinh môi trường nông thôn còn nhiều bất cập, số hộ chăn nuôi gia súc dưới gầm sàn còn phổ biến; tỷ lệ hộ nghèo, lao động nông thôn thiếu việc làm còn cao.

Việc huy động nguồn lực từ các tổ chức và nhân dân còn hạn chế; nhiều nơi chưa xây dựng mô hình sản xuất, chưa xác định được cây trồng, vật nuôi thế mạnh. Một số xã chưa chú trọng đến việc giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt, nhất là liên quan đến tiêu chí thu nhập, môi trường và an toàn thực phẩm; công tác chỉ đạo ở một số nơi chưa quyết tâm, quyết liệt, thiếu sáng tạo trong việc thực hiện, vì vậy hiệu quả, chất lượng NTM đạt được chưa cao.

Sản xuất vật liệu xây dựng tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động nông thôn. Ảnh: Công Hải.

Sản xuất vật liệu xây dựng tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động nông thôn. Ảnh: Công Hải.

Ông Nguyễn Thái Hà, Giám đốc Sở NN-PTNT Cao Bằng cho biết: Để hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM trong những năm tiếp theo, cần tiếp tục huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; phát huy vai trò chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền địa phương, tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Gắn xây dựng NTM với thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đô thị hóa nông thôn, Chương trình OCOP.

Đối với địa bàn biên giới, vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn, xây dựng NTM phải phù hợp với phong tục, tập quán, đặc điểm vùng, miền; có chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển sản xuất, ổn định dân cư và đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cơ sở.

Tiếp tục thực hiện tốt việc xã hội hóa huy động nguồn lực để xây dựng NTM; quan tâm thực hiện các giải pháp nâng cao thu nhập, đời sống vật chất, tinh thần cho người dân; tuyên truyền, hướng dẫn, tạo điều kiện thành lập hợp tác xã, tổ hợp tác và các nhóm đồng sở thích trong sản xuất, phát triển kinh tế.

Tỉnh công nhận 54 sản phẩm nông nghiệp của các địa phương đạt tiêu chí sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh. Các hoạt động thương mại, dịch vụ nông thôn phát triển, nhiều làng nghề được duy trì và mở rộng, tạo việc làm và thu nhập cho người dân.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Hà Nội có hơn 2.700 sản phẩm OCOP, nhiều nhất cả nước

Tính đến tháng 4/2024, 63 tỉnh/thành trên phạm vi toàn quốc đã đánh giá, phân hạng được 12.075 sản phẩm OCOP, trong đó Hà Nội có 2.711 sản phẩm, chiếm số lượng nhiều nhất.