| Hotline: 0983.970.780

Thất nghiệp về nhà chế tàu ngầm

Thứ Tư 12/03/2014 , 07:00 (GMT+7)

Sau khi bị sa thải, Zhang Wuyi, một thợ cơ khí 39 tuổi ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc về nhà ôm giấc mơ chế tạo tàu ngầm.

Trong hai số báo ra ngày 10, 11/3, Báo NNVN đã giới thiệu về hai chiếc tàu ngầm "Yết Kiêu 1" và "Trường Sa 1" của ông Phan Bội Trân và Nguyễn Quốc Hòa; kỳ này chúng tôi giới thiệu thêm về những chiếc tàu ngầm tự chế khác của một kĩ sư cơ khí người Trung Quốc.

Đó là câu chuyện của Zhang Wuyi, một thợ cơ khí 39 tuổi ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Sau khi bị sa thải, Zhang về nhà ôm giấc mơ chế tạo tàu ngầm của mình và thực hiện nó trong một căn hầm của tòa nhà bỏ hoang trong thành phố.

Cho đến khi anh cho tàu ngầm tự chế lặn xuống nước 20 phút sau đó nổi lên trước sự ngỡ ngàng của đám đông, chẳng ai có thể tin chàng trai này có thể làm được điều kỳ diệu đó. Khi nói về chiếc tàu ngầm của mình, Zhang cho biết: “Nó giống như một loại máy "hút bụi" đặc biệt, dùng để thu hoạch các sản phẩm thủy, hải sản. Tôi hi vọng sẽ có thể SX đại trà con tàu của mình”.

Đến tham dự quá trình thử nghiệm này có nhiều người dân hiếu kỳ, các phương tiện truyền thông và cả những chủ trang trại nuôi trồng thủy, hải sản. Đây chính là đối tượng mà Zhang nhắm đến cho đầu ra của tàu ngầm tự chế.

Wang Daomin, một chủ trang trại nuôi trồng hải sâm ở Sơn Đông nói: “Sau khi xem màn biểu diễn này, tôi tin các tàu ngầm sẽ sớm thay thế cho đội ngũ thợ lặn, bắt hải sâm thủ công hiện nay”.

Con tàu do Zhang chế tạo có chiều dàu 6 m, chu vi thân tàu là 2 m, nặng 9 tấn và có thể cho 2 người ngồi bên trong. Sáng chế của chàng thợ cơ khí có thể lặn sâu đến 30 m dưới mặt nước, di chuyển với tốc độ khoảng 20 km/h trong khoảng từ 1 - 20 tiếng. Bên trong tàu được trang bị bình dưỡng khí, camera, radar, hệ thống định vị và các thiết bị hỗ trợ thu hoạch thủy hải sản.

Tháng 8/2011, Zhang bắt đầu đưa tàu ngầm của mình vào quá trình lặn thử nghiệm. Kể từ đó, anh nhận được rất nhiều các cuộc gọi từ trong và ngoài nước, đa số trong đó là những đơn đặt hàng cho loại tàu ngầm mini đặc biệt này.

Khi đó, nhóm của Zhang có khoảng 20 người, làm việc trong một khu ở tồi tàn ngoại ô thành phố. Tuy nhiên, đây lại là những người khá nhanh nhạy trong công việc, thậm chí họ còn được một số nhà máy khác mời tham gia vào các buổi thảo luận về kỹ thuật cơ khí trong chế tạo tàu ngầm.

Đầu tư mạo hiểm

Mặc dù có kích thước nhỏ bé và khả năng bơi lặn rất khiêm tốn so với các tàu ngầm hải quân, nhưng sản phẩm của Zhang đã ngốn không ít thời gian và tiền bạc của anh thợ cơ khí này.

Tính đến giữa năm 2012, Zhang đã chế tạo thành 3 chiếc tàu ngầm theo đơn đặt hàng của những DN nuôi trồng thủy sản. Đa số trong số họ mua tàu ngầm để thu hoạch và săn hải sâm, một món ăn đặc sản ở Trung Quốc. Các tàu ngầm của Zhang được bán với giá 31.000 USD/chiếc.

Tuy nhiên, giá thành này vẫn chưa là gì so với số tiền 635.000 USD mà Zhang đã bỏ ra để nghiên cứu, chế tạo và đầu tư xây dựng nhà xưởng quy mô 10.000 m2. Trong số đó có 80.000 USD là tiền túi của chàng thợ cơ khí, số còn lại được huy động từ bạn bè, người thân và những nhà đầu tư khác.

tau-ngam-anh-2141356315
Zhang Wuyi bên trong chiếc tàu ngầm của mình

Một trong những khách hàng đầu tiên của Zhang là chủ trang trại hải sâm ở thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh. Người đàn ông này cho biết, từ khi mua tàu ngầm của Zhang về thu hoạch, ông tiết kiệm được khoảng 10.000 tệ mỗi ngày so với thuê thợ lặn.

Cũng theo tiết lộ của ông chủ trang trại, ông là người đầu tiên sử dụng con tàu mua của Zhang, do các công nhân còn lại không cảm thấy yên tâm. Kết quả của sự dũng cảm này là trong 40 phút lặn, con tàu đã thu hoạch được 50 kg hải sâm, năng suất rất lớn so với lặn, bắt thủ công.

Vượt qua khó khăn

Bị sa thải khỏi nhà máy dệt từ năm 1996, Zhang đã bươn chải nhiều nghề để mưu sinh như lái taxi, giao hàng bằng xe 3 bánh hay chạy việc trong cửa hàng tạp hóa. Tuy nhiên, đến năm 2008, khi lần đầu tiên được nhìn thấy một chiếc tàu ngầm, Zhang đã bị hình ảnh đó ám ảnh.

Anh kể lại: “Khi đó tôi chỉ nghĩ, tại sao người ta lại có thể tạo ra một thứ tuyệt vời như tàu ngầm. Nó đem lại cho con người quá nhiều sức mạnh, những điều mà người thường khó làm được dù cho vẫn đi kèm những rủi ro”.

Zhang nói, nếu được sự hỗ trợ từ các cơ quan chức năng về mặt pháp lý, anh sẽ mở rộng SX để có thể nâng cao năng suất và phục vụ tốt hơn cho những trang trại thủy, hải sản của Trung Quốc.

Đến năm 2009, Zhang bắt tay vào chế tạo vào chiếc tàu ngầm đầu tiên của mình với hi vọng nhắm đến thị trường tiềm năng dân sự của Trung Quốc. Bao Laijiang, một người bạn của Zhang nói khi đó tất cả bạn bè đều cho rằng anh "có vấn đề về sức khỏe" khi muốn đem tiền đi làm tàu ngầm.

Khi đó, Bao đang có một nhà máy gia công quần áo, nhưng trước sự dụ dỗ của bạn, Bao đã bán xưởng, chung vốn đầu tư làm tàu ngầm. Nhưng mọi thứ không đơn giản với Zhang và các nhà đầu tư, chiếc tàu đầu tiên bị rò nước trong khoang, đến khi cải thiện được thì bị đánh cắp.

Đến lúc này, nhiều người đã khuyên anh dừng lại, đặc biệt là vợ của Zhang. Cô đã ngăn cản rất mạnh mẽ nhưng vẫn không thành công, cuối cùng phải quay sang ủng hộ chồng.

Trong quá trình chế tạo, Zhang đã thuê một số kỹ sư tàu biển, kỹ sư cơ khí về để thiết kế, học hỏi. Nói về quá trình chế tạo tàu ngầm của mình, Zhang ví von: “Nó giống như cách Thomas Edison tạo ra bóng đèn vậy, trước khi thành công phải trải qua rất nhiều thí nghiệm”.

Khi được hỏi về mong muốn lớn nhất hiện nay, chàng thợ cơ khí nói: “Tôi hi vọng các cơ quan liên quan của chính phủ có thể đưa ra các tiêu chuẩn cho việc SX tàu ngầm cỡ nhỏ. Chúng tôi sẽ yên tâm hơn với công việc của mình và áp dụng triệt để các tiêu chuẩn của nhà nước”.

Xem thêm
Thủ tướng chỉ đạo đẩy mạnh chính sách tín dụng đối với lâm sản, thủy sản

Thủ tướng yêu cầu Bộ NN-PTNT chủ động chỉ đạo các giải pháp linh hoạt tháo gỡ khó khăn, bảo đảm sản xuất, thúc đẩy, tiêu thụ, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản.

Siết chặt khai thác nước ngầm, bảo vệ 'túi' nước ngọt ở ĐBSCL

Nước ngầm - nguồn nước ngọt dự trữ lớn cho ĐBSCL đang đứng trước nguy cơ bị nhiễm mặn. Giải pháp lâu dài kiểm soát, ngăn chặn khai thác nước ngầm cần được tính toán.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).