| Hotline: 0983.970.780

Thay đổi quy trình canh tác trên đất dốc để chống sạt lở đất

Thứ Sáu 18/10/2024 , 07:30 (GMT+7)

Thay đổi quy trình canh tác trên đất dốc bằng việc trồng xen các loại cây và thay thế cây trồng ngắn ngày bằng cây dài ngày giúp tăng thu nhập, giảm sạt lở đất

Cần thay thế cây trồng ngắn ngày bằng cây dài ngày và thay đổi quy trình kỹ thuật canh tác để giảm rửa trôi, xói mòn đất. Ảnh: Thanh Tiến.

Cần thay thế cây trồng ngắn ngày bằng cây dài ngày và thay đổi quy trình kỹ thuật canh tác để giảm rửa trôi, xói mòn đất. Ảnh: Thanh Tiến.

Ông Nguyễn Văn Chinh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Miền núi phía Bắc chia sẻ, căn cứ theo mục đích sử dụng, Việt Nam có 3 loại rừng gồm rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất. Rừng đặc dụng và rừng phòng hộ là rừng tự nhiên, rừng sản xuất là rừng trồng.

Rừng trồng chủ yếu có vai trò về lâm sản, sản xuất kinh doanh là chính, vai trò phòng hộ rất hạn chế so với rừng tự nhiên. Rừng tự nhiên có vai trò lớn trong việc phòng hộ, chống sạt lở, xói mòn, rửa trôi đất, hạn chế thiên tai vì có cấu trúc 3 tầng tán gồm tầng sinh thái, tầng giữa, tầng thảm giúp hạn chế nước chảy bề mặt, chống xói mòn, rửa trôi đất.

Theo thống kê trong giai đoạn từ 2013 - 2023, tại vùng trung du miền núi phía Bắc, tỷ lệ che phủ rừng tăng rất nhanh, đứng thứ hai cả nước, tổng diện tích rừng cũng tăng trên 107.000 ha. Tuy nhiên, diện tích tăng chủ yếu là rừng rừng sản xuất, còn rừng tự nhiên lại giảm khoảng 126.000ha. Diện tích rừng và tỷ lệ che phủ rừng tăng nhưng chất lượng rừng giảm, điều này làm gia tăng nguy cơ sạt lở, xói mòn, rửa trôi đất thời gian qua.

Cần trồng xen các cây trồng dưới tán rừng để bảo vệ bề mặt đất tốt hơn. Ảnh: Thanh Tiến.

Cần trồng xen các cây trồng dưới tán rừng để bảo vệ bề mặt đất tốt hơn. Ảnh: Thanh Tiến.

Để tăng chất lượng rừng phòng hộ, cải thiện đất, các địa phương và ngành chức năng cần thực hiện đúng theo quy hoạch của ngành lâm nghiệp trong giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến 2050 theo Quyết định 895 của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, cần chú trọng tăng diện tích rừng tự nhiên, rừng phòng hộ. Chuyển đổi một số cây trồng có chu kỳ khai thác ngắn sang cây trồng có chu kỳ khai thác dài hơn. Tiếp tục tăng diện tích sản xuất rừng theo theo tiêu chuẩn FSC. Trồng mới rừng kết hợp với thiết lập các mô hình nông lâm kết hợp, trồng, khai thác, sử dụng cây dược liệu dưới tán rừng.

Thời gian qua, Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Miền núi phía Bắc đã tập trung nghiên cứu, xây dựng các mô hình khai thác bền vững trên đất dốc cho bà con. Thông qua những chương trình hợp tác quốc tế, các chương trình, các đề tài, dự án của Bộ Khoa học Công nghệ, Bộ NN-PTNT và các địa phương, Viện đã tiến hành nghiên cứu, xây dựng một số mô hình canh tác bền vững trên đất dốc tại một số địa phương như huyện Chợ Đồn (tỉnh Bắc Kạn), huyện Văn Yên, Văn Chấn (tỉnh Yên Bái) và một số huyện của tỉnh Sơn La, Điện Biên...

Tổng hợp kết quả nghiên cứu, đơn vị đã xây dựng thành các tiến bộ kỹ thuật về canh tác bền vững trên đất dốc, trong đó có quy trình canh tác sắn, ngô, chè và một số cây trồng khác bền vững trên đất dốc. Qua thực tiễn khi áp dụng các quy trình canh tác này cho thấy thu nhập của bà con tăng nhờ năng suất cây trồng tăng so với thông thường trên 20%, đa dạng thêm nguồn thu, ngoài cây trồng chính có thể thu nhập thêm từ cây trồng xen, cây làm thức ăn chăn nuôi... Đặc biệt, giúp giảm thiểu xói mòn, rửa trôi đất từ 70 - 90%, tăng độ phì của đất, giúp cây trồng phát triển ổn định hơn.

Theo ông Nguyễn Tử Hải, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Cây công nghiệp - Cây ăn quả (Cục Trồng trọt), để đảm bảo mục tiêu tái cơ cấu ngành trồng trọt theo hướng giá trị gia tăng và phát triển bền vững, các địa phương cần tận dụng những ưu thế của từng vùng, đặc biệt cần quan tâm đến phát triển sản xuất cây công nghiệp, cây ăn quả trên vườn đồi. Trong đó quan tâm vấn đề về giống, kỹ thuật canh tác, quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, sản xuất hữu cơ, áp dụng mô hình tưới nước tiết kiệm, sử dụng phân bón chuyên dụng phù hợp.

Cần chú trọng hướng dẫn người dân kỹ thuật canh tác trên đất dốc thông qua đội ngũ khuyến nông cơ sở ngay tại bản làng. Ảnh: Thanh Tiến.

Cần chú trọng hướng dẫn người dân kỹ thuật canh tác trên đất dốc thông qua đội ngũ khuyến nông cơ sở ngay tại bản làng. Ảnh: Thanh Tiến.

Ngoài ra, tổ chức liên kết sản xuất trong tiêu thụ sản phẩm, đăng ký chứng nhận các sản phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ và các tiêu chuẩn khác. Thực hiện chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả trên đất dốc sang trồng các loại cây khác như cây công nghiệp, cây ăn quả hiệu quả hơn. Song song đó, nghiên cứu và khảo nghiệm, thử nghiệm đưa vào sản xuất kinh doanh các giống cây trồng mới có năng suất cao, chất lượng tốt, có khả năng chống chịu được sâu bệnh và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Xây dựng các chương trình, đề án riêng về phát triển cây dưới tán rừng cho từng tỉnh sao cho khai thác có kiểm soát, có chương trình, không làm mất đi những giá trị đặc hiệu của rừng. Bên cạnh đó, tạo nguồn sinh kế dưới tán rừng cho nông dân theo chuỗi ngành hàng, tích hợp giữa sinh thái rừng với du lịch.

Có kế hoạch cập nhật kiến thức, hướng dẫn người dân về kỹ thuật canh tác trên đất dốc thông qua đội ngũ khuyến nông cơ sở ngay tại bản làng, đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với nhu cầu thị trường.

Về lâu dài, theo ông Hải cần phải xây dựng bản đồ chi tiết về cảnh báo nguy cơ sạt lở và cần quy hoạch di dân khỏi những vùng có nguy cơ sạt lở cao gắn với tạo sinh kế để người dân có thu nhập, từ đó bớt phụ thuộc vào canh tác cây ngắn ngày trên đất dốc và các cây lương thực như lúa, ngô, sắn…

Xem thêm
Khởi nghiệp thành công với mô hình chăn nuôi thỏ

SÓC TRĂNG Xuất phát điểm chỉ với 4 con thỏ vào năm 2018, anh Quốc hiện đã sở hữu đàn thỏ khoảng 200 con và dự định mở rộng lên 400 con.

Tăng cường tiêm phòng vacxin và giám sát dịch bệnh trên đàn vật nuôi

AN GIANG Các đàn gia súc, gia cầm được tiêm phòng vacxin đến nay ổn định, phát triển bình thường, công tác tiêm phòng, giám sát của các xã đến tận hộ chăn nuôi luôn thường xuyên.

Tiềm năng ứng dụng hệ sinh thái số RiceMoRe

Theo Trưởng nhóm Biến đổi khí hậu của IRRI, sự ra mắt RiceMoRe thể hiện sự đi trước của Việt Nam về đổi mới công nghệ trong sản xuất lúa gạo, giảm phát thải.

Bình luận mới nhất