| Hotline: 0983.970.780

Thêm ca tử vong do bệnh dại tại Tây Ninh

Thứ Hai 15/07/2024 , 19:26 (GMT+7)

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Tây Ninh, tỉnh này vừa ghi nhận thêm trường hợp tử vong do bệnh dại tại thị xã Trảng Bàng.

Trường hợp tử vong là chị T.T.T. (sinh năm 1986), sống tại khu phố Bình Nguyên 2, phường Gia Bình, thị xã Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh.

Theo lời người nhà, vào ngày 19/5, chị T. bị chó nhà cắn vào ngón tay bên phải. Hai ngày sau khi cắn, người nhà đem chó cho hàng xóm gần nhà nuôi nhưng được hai ngày chó uống nước vào bị ngộp và chết. Gia đình hàng xóm đã thông báo cho gia đình chị T. là chó đã chết nhưng chị T. không đi tiêm phòng vacxin huyết thanh kháng dại sau khi bị chó cắn, vì đã uống thuốc Nam.

Sáng ngày 5/7, chị T. vẫn đi chợ bình thường. Đến trưa chị T. có triệu chứng đau mình, khó chịu nên người nhà mua thuốc tây về uống nhưng không giảm.

Đến 23h cùng ngày, chị T. có thêm các triệu chứng như sốt, uống nước không được và sợ gió. Chị T. ăn vào ói nên gia đình đưa bệnh nhân đến bệnh viện đa khoa Củ Chi.

Tại đây, các bác sĩ nghi chị T. bị bệnh dại nên được tư vấn chuyển đến bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP. HCM khám và được chẩn đoán bệnh dại. Đến 8h ngày 7/7, tình trạng bệnh của chị T. có dấu hiệu nặng và được bệnh viện cho về nhà. Đến 23h30 cùng ngày, chị T. tử vong.

Tình trạng chó thả rông, không rọ mõm và tỉ lệ tiêm chủng chưa cao khiến cho bệnh dại tại Tây Ninh đang diễn biến phức tạp. Ảnh: Lê Bình.

Tình trạng chó thả rông, không rọ mõm và tỉ lệ tiêm chủng chưa cao khiến cho bệnh dại tại Tây Ninh đang diễn biến phức tạp. Ảnh: Lê Bình.

CDC tỉnh Tây Ninh đã phối hợp Trung tâm Y tế thị xã Trảng Bàng xác minh, điều tra thông tin ca bệnh. Các đơn vị cũng đã tổ chức tư vấn người tiếp xúc với dịch tiết của bệnh nhân tử vong do dại nguy cơ phơi nhiễm và khuyến cáo tiêm vacxin phòng bệnh dại.

CDC Tây Ninh đã tiến hành xử lý, khử khuẩn tại nhà trường hợp tử vong theo quy trình bệnh truyền nhiễm, tiến hành điều tra những trường hợp tiếp xúc, hướng dẫn những người bị phơi nhiễm đi điều trị dự phòng và triển khai hoạt động phòng chống bệnh dại.

Như vậy, tính từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đã ghi nhận 4 trường hợp tử vong do bệnh dại. Trong đó, 2 trường hợp trên địa bàn thị xã Hòa Thành, 1 trường hợp trên địa bàn huyện Dương Minh Châu và 1 trường hợp vừa tử vong tại thị xã Trảng Bàng.

Theo đại diện Chi cục Chăn nuôi và Thú y Tây Ninh, trên địa bàn tỉnh ước tính có khoảng 81.607 con chó, mèo.

Số vật nuôi này chủ yếu là giống chó nội, được nuôi để giữ nhà và tổng đàn thường xuyên thay đổi. Bên cạnh chó, mèo cũng là vật nuôi phổ biến để diệt chuột. Việc nuôi chó, mèo nếu không được quản lý chặt chẽ có thể dẫn đến nguy cơ lây lan một số dịch bệnh từ động vật sang người, trong đó có bệnh dại.

Thực tế, nhiều địa phương của Tây Ninh vẫn chưa quản lý tốt đàn chó nuôi, nhất là chó mới phát sinh. Việc quản lý đàn chủ yếu là thống kê để thực hiện tiêm vacxin phòng dại, chưa có thống kê chính xác số lượng.

“Bên cạnh đó, phần lớn người nuôi chó không bảo đảm về chuồng nhốt, dây xích, rọ mõm cho vật nuôi của mình. Cùng với đó là tình trạng chó thả rông, virus dại đã lưu hành nhiều năm trên địa bàn tỉnh, tỷ lệ tiêm phòng thấp”, vị này thông tin.

Sở NN-PTNT Tây Ninh cũng cho biết, từ đầu năm 2024 đến ngày 31/5, ngành cũng đã tổ chức tiêm phòng 4.820 liều vacxin dại cho đàn chó nuôi trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, Sở cũng vận động người dân nuôi chó, mèo chủ động tiêm vacxin dại với 18.757 liều.

Tây Ninh đang tăng cường triển khai tiêm ngừa dại cho đàn vật nuôi với nhiều hình thức khác nhau tại tất cả các huyện, thị xã. Ảnh: Lê Bình.

Tây Ninh đang tăng cường triển khai tiêm ngừa dại cho đàn vật nuôi với nhiều hình thức khác nhau tại tất cả các huyện, thị xã. Ảnh: Lê Bình.

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch Thường trực Liên chi Hội truyền nhiễm TP. HCM, hầu hết các trường hợp tử vong do dại trên người là do người bị động vật nghi dại cắn.

Đặc biệt, các ca bệnh này không tiêm phòng huyết thanh kháng dại và không tiêm vacxin phòng dại hoặc tiêm muộn, tiêm không đủ liều, không đúng chỉ định.

“Bệnh dại hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Một khi bệnh nhân phát các triệu chứng dại nguy cơ tử vong gần như là 100%. Tuy nhiên, hoàn toàn có thể phòng, tránh được”, bác sĩ Khanh cho biết.

Để chủ động phòng chống bệnh dại, ngành Y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp như: Tiêm vacxin phòng dại đầy đủ và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y. Người nuôi chó phải xích, nhốt, khi ra đường phải mang rọ mõm. Đặc biệt, tuyệt đối không đùa nghịch, chọc phá chó, mèo.

“Khi bị chó, mèo cắn người bệnh cần rửa vết thương dưới vòi nước chảy ngay lập tức với xà phòng liên tục 15 phút. Nếu không có xà phòng, người bị chó, mèo có thể xối rửa vết thương bằng nước thông thường. Sau đó, vết thương cần được rửa sạch với cồn 70% hoặc cồn iod, hạn chế làm dập vết thương và không băng kín vết thương”, bác sĩ Khanh hướng dẫn.

Sau khi làm theo các hướng dẫn trên, người bệnh cần được đưa đến cơ sở y tế kịp thời để khám, tư vấn và tiêm vacxin phòng dại, huyết thanh kháng dại. Tuyệt đối không tự chữa trị hoặc nhờ thầy lang chữa trị.

Bệnh dại là bệnh lây truyền từ động vật sang người nguy hiểm do virus dại gây ra, thường tác động lên hệ thần kinh, tỷ lệ tử vong rất cao (gần như 100%). Người bị mắc bệnh dại do bị lây truyền virus dại qua vết cắn, vết cào, liếm của động vật bị dại trên da bị tổn thương (thường là chó, mèo).

Xem thêm
Nuôi lợn thịt theo hướng tuần hoàn, giá bán tăng 4 - 5 ngàn đồng/kg

HÀ TĨNH Nuôi lợn theo hướng tuần hoàn trên nền đệm lót sinh học chuồng luôn khô thoáng, không mùi hôi, không nước thải, giá cao hơn lợn nuôi truyền thống từ 4 - 5 ngàn đồng/kg.

Phòng trừ sâu đục lá cà chua Nam Mỹ

SƠN LA Thiệt hại do sâu đục lá cà chua Nam Mỹ gây ra có thể lên tới 80 - 100% nếu không có các biện pháp quản lý hiệu quả.

Báo động thoái hóa đất Tây Nguyên: [Bài 2] Giải pháp nâng cao sức khỏe đất

Phục hồi đất thoái hóa là quá trình lâu dài, bền bỉ và cần phải có giải pháp về cơ chế, chính sách, đầu tư hạ tầng, quản lý, khoa học công nghệ, khuyến nông...