Sau Bình Định, Phú Yên, hiện trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi cũng xảy ra tình trạng lợn tiêm phòng vacxin dịch tả lợn Châu Phi bất ngờ xuất hiện các triệu chứng lạ, hàng chục con đã chết sau vài ngày tiêm.
Gia đình bà Võ Thị Sơn (trú thôn Bình Nam, xã Tịnh Bình, huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) đang nuôi 6 con lợn giống. Vừa qua, thấy dịch tả lợn Châu Phi đang có dấu hiệu bùng phát trở lại trên cả nước, trong đó tại tỉnh Quảng Ngãi cũng có 1 số địa phương xuất hiện dịch nên bà rất lo lắng, sợ dịch lây lan sang đàn lợn nhà mình.
Khi biết thông tin đã có vacxin phòng bệnh, bà Sơn nhanh chóng liên hệ với thú y đến tiêm phòng. Thế nhưng, sau 5 ngày tiêm, toàn bộ 6 con lợn của gia đình bà đều có biểu hiện lạ như da tím tái, tiểu ra máu và bỏ ăn. “Sức khỏe của cả đàn rất yếu, không biết có vượt qua được không”, bà Sơn nói.
Tương tự, 2 tuần trước, ông Võ Hồng Minh trú cùng thôn với bà Sơn khi biết 1 cơ sở bán thuốc thú y ở địa phương đã có vacxin phòng dịch tả lợn Châu Phi liền gọi điện thú y đến tiêm phòng cho 4 con lợn thịt và 2 con lợn nái đang nuôi. Theo ông Minh, mỗi liều vacxin được tiêm, gia đình ông phải trả 50.000 đồng.
“Tưởng là tiêm vaccine phòng dịch thì lợn sẽ an toàn. Vậy mà chỉ mấy ngày sau, hầu hết lợn của gia đình tôi tự dưng bỏ ăn, da tím tái. Cho đến thời điểm hiện tại, 3 con lợn thịt, 1 con lợn nái cùng 10 lợn con đang trong thời kỳ bú sữa mẹ đã chết”, ông Minh buồn rầu và không khỏi lo lắng khi số lợn còn lại của gia đình cũng đang bỏ ăn.
Nhận thông tin về việc một số hộ gia đình ở địa phương có lợn chết, biểu hiện lạ sau khi tiêm vacxin phòng dịch tả lợn Châu Phi, UBND huyện Sơn Tịnh đã chỉ đạo phòng NN-PTNT phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện cùng các địa phương tiến hành kiểm tra.
Theo khai báo của chủ hộ chăn nuôi và thú y hành nghề tư nhân tại các xã, loại vacxin được sử dụng là loại vacxin nhược độc đông khô dịch tả lợn Châu Phi, chủng ASFV-G-Delta-I 177l do Công ty Cổ phần Thuốc thú y Trung ương NAVETCO sản xuất. Loại này được mua tại cửa hàng thuốc thú y T.N (địa chỉ ở Tịnh Ấn Tây, TP Quảng Ngãi).
Hiện, một số hộ chăn nuôi ở các xã Tịnh Bình, Tịnh Hà, Tịnh Thọ, Tịnh Sơn đã tiến hành tiêm vacxin với số lợn được thống kê là 258 con (Tịnh Bình 66 con; Tịnh Sơn 89 con; Tịnh Thọ 9 con và Tịnh Hà 94 con). Hầu hết, số lợn sau khi tiêm đều có biểu hiện chung là bỏ ăn, nằm ly bì, da tím tái…
Trao đổi với Báo NNVN, ông Ngô Hữu Hạ, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Ngãi cho biết, tỉnh Quảng Ngãi không đăng ký tiêm thử nghiệm vacxin phòng dịch tả lợn Châu Phi của Công ty Cổ phần thuốc thú y Trung ương NAVETCO. Số vacxin người dân sử dụng được mua ở một cơ sở buôn bán thuốc thú y tư nhân.
Theo ông Hạ, hiện nay, đoàn thanh tra của Chi cục đang tiến hành kiểm tra các cơ sở kinh doanh thuốc thú y trên địa bàn tỉnh và mới chỉ phát hiện được 1 cửa hàng bán loại vacxin này. Số lượng vacxin đã bán ra khoảng 400 liều, đã tiêm được 258 liều còn lại thú y viên đang giữ, chưa tiêm. Trong cửa hàng còn lại 50 liều.
“Số vacxin này chủ cơ sở mua của công ty NAVETCO, công ty cũng đã đến kiểm tra, xác nhận đó là sản phẩm của họ. Hiện, chúng tôi đã thu hồi và trả lại cho công ty đồng thời thống kê số lượng lợn bị chết để hỗ trợ cho người dân. Phía công ty cũng thống nhất sẽ hỗ trợ cho người dân có lợn chết với mức hỗ trợ 2 triệu đồng/heo nái và 1 triệu đồng/heo thịt”, ông Hạ nói.
Cũng theo ông Hạ, số lợn đã chết sau khi tiêm vacxin dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn hiện nay khoảng vài chục con, lực lượng chức năng vẫn đang tiếp tục thống kê. Trước sự việc này, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Ngãi đã có văn bản gửi Trung tâm Dịch vụ và Phòng NN-PTNT các huyện cũng như các thú y viên tạm dừng, không cho lưu hành, tiêm vacxin đến khi có chỉ đạo mới.