| Hotline: 0983.970.780

Theo chân đội tàu khai thác ngao

Thứ Sáu 10/11/2023 , 14:07 (GMT+7)

Những vòi nước lớn bơm thẳng xuống cát, hất văng những con ngao đang ẩn mình lên cao vào các sọt lưới đã giăng sẵn. Thoáng cái mẻ ngao đầu tiên được đưa lên bè...

Tổ hậu cần chuyển bị bữa sáng cho đội khai thác ngao ngay trên tàu. Ảnh: Trung Quân.

Tổ hậu cần chuyển bị bữa sáng cho đội khai thác ngao ngay trên tàu. Ảnh: Trung Quân.

2h sáng, bến neo đậu tàu thuyền đê Bình Minh 3 (Kim Sơn, Ninh Bình) tối đen như mực, căng mắt lên cũng không nhìn rõ mặt người đứng đối diện. Tôi và anh bạn đồng nghiệp khệ nệ vác theo máy quay, chân máy, máy ảnh vừa đi vừa ngái ngủ, lò dò từng bước theo sự dẫn đường của anh Phan Văn Hải, Trạm trưởng Trạm Kiểm ngư - Thủy sản (Chi cục Thủy sản Ninh Bình) tìm đường xuống tàu khai thác ngao mà anh Hải đã liên hệ từ trước.

Bất chợt, ánh sáng của chiếc đèn pin không rõ từ đâu chiếu thẳng vào chúng tôi, kèm theo là giọng nói sang sảng của anh Tuấn lái tàu: “Tưởng ai! Anh Hải và 2 nhà báo đấy à. Anh em cứ đi thẳng vào trong tàu, em kiểm tra xong máy móc rồi vào ngay”.

Bước xuống tàu, điện sáng, tiếng cười nói vui vẻ của những thanh niên lực lưỡng, da ngăm đen khi đang cùng nhau so tài ngoài boong tàu xem ai không phải “quỳ gối” hay “quẹt nhọ” bằng bộ tú lơ khơ đã bạc màu làm chúng tôi đang trong cơn mê ngủ chợt bừng tỉnh.

“Anh Hải tham gia cùng chúng em cho vui không? Chịu thôi! Tớ mà vào các cậu cho quỳ đến sáng thì có thâm hết đầu gối, chẳng dại”. Cuộc trò chuyện chớp nhoáng nhưng không kém phần tếu táo của anh Hải và anh em trong đội khai thác ngao làm cả tàu được tràng cười vui vẻ. Dường như chẳng còn ai để ý tới thời gian và màn đêm đang bủa vây.

Sau khi được anh Hải giới thiệu có phóng viên đi cùng, mọi ánh mắt đều đổ dồn vào tôi và anh bạn đồng nghiệp. “Có nhà báo đi cùng nghĩa là hôm nay anh em tớ được lên báo, lên ti vi phải không? Để tớ đi mượn cái quần nào lành lặn mặc vào, chứ mấy cái đều rách đũng cả rồi, lên hình có mà lộ hết hàng”, một thanh niên trẻ lên tiếng khiến cả hội cười ngất.

Bác Hùng - một thành viên kỳ cựu của đội - cắt ngang, "anh Hải với các cháu cứ để đồ ở đấy, vào trong khoang lái làm chén trà cho tỉnh ngủ, ngồi với đội da trâu kia muỗi nó khênh xuống nước đấy". Nửa tin, nửa ngờ nhưng chúng tôi vẫn làm theo, nhanh chân bước vào khoang lái. Trong khoang lúc này có 5 thành viên cao tuổi của đội đang ngồi quây quần bên ấm trà nghi ngút khói. Sau màn giới thiệu như MC chuyên nghiệp của anh Hải, sự xa lạ ban đầu nhanh chóng tan biến.

Những đội tàu khai thác ngao hoạt động không kể ngày đêm, theo sự lên xuống của con nước. Ảnh: Trung Quân.

Những đội tàu khai thác ngao hoạt động không kể ngày đêm, theo sự lên xuống của con nước. Ảnh: Trung Quân.

Chú Sơn - một thành viên lớn tuổi khác của đội - trêu tôi: “Nhà báo muốn hỏi điều gì thì phải gọi tớ bằng anh. Tớ đang cưa em Huyền nên cần phải trẻ, gọi chú, xưng cháu là hỏng ăn ngay". Cô Huyền đang cặm cụi nhặt rau bên cạnh cười ngặt nghẽo, nói: “Ông tào lao hết sức, nói thế các cháu nó lại tưởng thật, không chuẩn bị bếp đi để còn luộc rau”.

Theo lời của các thành viên, ngày nào cô Huyền và cô Thanh cũng phụ trách chuẩn bị bữa sáng cho cả đội ngay trên tàu. Cũng bởi là phụ nữ, trong khi việc khai thác ngao lại rất vất vả nên 2 cô được các thành viên của đội quan tâm, yêu thương hết mực. Việc các chú hay trêu đùa cũng là một cách giúp 2 cô cảm thấy vui vẻ hơn, quên đi sự nhọc nhằn của nghề lênh đênh theo con nước.

Câu chuyện đang rôm rả thì anh Tuấn lái tàu bước vào khoang. Sau hàng loạt thao tác nhanh như điện của anh, con tàu bắt đầu nổ máy, đưa cả đoàn ra bãi khai thác ngao. Các thành viên trong khoang cũng lần lượt hạ giọng, người thì tranh thủ ngả lưng ngay tại chỗ, người thì ngồi trầm ngâm nhâm nhi chén trà đặc. Trong màn đêm tĩnh mịch chỉ còn tiếng gầm rú của động cơ tàu, tiếng gió rào rạt, tiếng sóng nối đuôi nhau đập vào thành tàu.

Trên chiếc ghế gỗ cao ngang thân người, anh Tuấn ung dung cài số, tăng ga. Con tàu không có đèn, chỉ có một thành viên đứng ở mũi tàu cầm chiếc đèn pin rọi đường. Mặc dù vậy, anh Tuấn vẫn có thể đưa con tàu chầm chậm men theo lạch nước dần rời xa bến. Căng mắt lên ngó trước, nhìn sau chỉ thấy những ánh đèn pin lập lòe, tôi bất giác mơ hồ vì không biết mình đã rời bến được bao xa và khi nào tới nơi cần đến.

Lúc này, tổ hậu cần cũng bắt đầu sửa soạn bếp, nồi để sẵn sàng chuẩn bị cho bữa ăn sáng. Thấy tôi nhìn chằm chằm vào rổ rau được đắp đầy đặt cạnh bếp, chú Sơn nhỏ nhẹ: “Bữa sáng của anh em thường chỉ có cơm, thịt rang, rau muống luộc. Mình nấu nhiều rau để mọi người ăn thêm cho chắc bụng. Hai anh em tranh thủ nghỉ một lát đi, không thường xuyên dậy sớm sẽ mệt đấy".

Các thành viên trong đội đưa máy sục xuống bè xốp nhỏ, di chuyển ra khu vực khai thác ngao. Ảnh: Trung Quân.

Các thành viên trong đội đưa máy sục xuống bè xốp nhỏ, di chuyển ra khu vực khai thác ngao. Ảnh: Trung Quân.

Tôi đưa tay kéo hai giỏ đựng quần áo của mọi người làm gối. Mặc dù không gian chẳng đủ để duỗi thẳng chân nhưng sau một hồi trằn trọc thì cũng ngủ thiếp đi lúc nào không hay.

Đang ngon giấc, tiếng hô lớn của anh Tuấn lái tàu “Anh em vào việc thôi!” khiến chúng tôi bừng tỉnh. Tôi nhanh chóng bật dậy, nhìn ra bên ngoài, trời đã hửng sáng. Phóng tầm mắt ra xa chỉ thấy mênh mông sóng nước, chốc chốc lại nghe tiếng rít động cơ của những chiếc thuyền bé chở ngao đang lao đi vun vút.  

Các thành viên của đội khai thác nhanh chóng thay quần áo, đeo trang bị, đưa máy sục xuống bè xốp nhỏ. Thủy triều đang rút dần, mực nước chỉ còn ngập chân. Anh bạn đồng nghiệp cũng nhanh chóng bật máy thu những bức hình đầu tiên.

Máy bơm nước sục ngao giúp việc khai thác trở nên thuận lợi hơn. Ảnh: Trung Quân.

Máy bơm nước sục ngao giúp việc khai thác trở nên thuận lợi hơn. Ảnh: Trung Quân.

Trong nắng sớm, lần lượt các bè xốp chở máy sục ngao nối đuôi nhau ra bãi khai thác, kéo theo là những bè xốp chứa sẵn túi lưới để đựng ngao. Mỗi tổ máy có 5 thành viên, thay phiên nhau điều khiển vòi phun, dựng lưới đón ngao và đưa ngao lên bè. Những vòi nước lớn bơm thẳng xuống cát, hất văng những con ngao đang ẩn mình lên cao vào các sọt lưới đã giăng sẵn. Thoáng cái đã thấy mẻ ngao đầu tiên được đưa lên bè.

Đồng nghiệp của tôi mặc dù không biết bơi nhưng vẫn quyết vác máy quay, nhờ một bè nhỏ đưa mình ra tận nơi để lấy được những khuôn hình đẹp nhất. Có sự xuất hiện của chúng tôi, không khí thu hoạch vốn đã rộn ràng lại càng trở nên sôi động hơn.

Vừa quan sát tổ máy làm việc, anh Tuấn vừa trò chuyện: "Chú thấy nghề này vất vả không? Muốn có được con ngao sáng đẹp, không có cát thì bắt buộc phải khai thác theo sự lên xuống của con nước; mà theo con nước thì chẳng có giờ giấc cố định nên anh em luôn phải trong trạng thái “sẵn sàng chiến đấu”. Nếu thu hoạch ngao với số lượng lớn, thường chủ bãi sẽ thuê theo công nhật với giá khoảng 3 triệu/máy, còn lượng ngao ít sẽ khoán theo sản phẩm với giá 500-600 đồng/kg.

Theo kinh nghiệm, khi nước dâng, ngao sẽ bắt đầu ăn, nếu khai thác vào lúc này ngao sẽ ngay lập tức khép miệng, ngậm luôn cả cát. Khi nước rút, ngao sẽ chủ động ngậm miệng đẩy hết cát ra ngoài, lúc này thu hoạch thì đảm bảo ngao sẽ không có cát". 

Có sự xuất hiện của phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam, không khí thu hoạch càng trở nên sôi động hơn. Ảnh: Trung Quân.

Có sự xuất hiện của phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam, không khí thu hoạch càng trở nên sôi động hơn. Ảnh: Trung Quân.

Anh Trường, quản lý bãi ngao, đứng cạnh nói thêm, "bây giờ có máy sục ngao hỗ trợ nên việc thu hoạch mới đỡ vất vả, thêm nữa là nhiều diện tích trong vùng ngao Kim Sơn đã được cấp chứng nhận ASC nên việc thu hoạch có chọn lựa, theo sự thống nhất, giúp giảm nhiều công lao động cũng như chi phí. Ngao tại bãi khi đưa lên tàu sẽ được lấy mẫu, chụp ảnh gửi về cho chủ bãi, khách hàng chọn size. Những con ngao nhỏ, chưa đến độ thu hoạch sẽ được thả luôn trở lại".

Tôi quay sang hỏi anh Hải thì được biết, nghề nuôi ngao được người dân Kim Sơn đưa về từ năm 2005. Ban đầu chỉ có vài héc-ta, nhưng khi thấy hiệu quả kinh tế cao, nhiều hộ đã tham gia nuôi, diện tích cũng nhờ đó mà tăng lên. Hiện tại, toàn huyện có trên 1.200ha nuôi ngao thương phẩm với sản lượng gần 30.000 tấn/năm. Bên cạnh đó, có hơn 300 cơ sở sản xuất ngao giống, cung cấp ra thị trường khoảng 95 tỷ con ngao giống/năm.

Cuộc trò chuyện đang rôm rả thì bè ngao đầu tiên đã cập tàu. Anh Trường và anh Tuấn ngay lập tức nhặt mẫu ngao chụp ảnh gửi về cho chủ bãi và khách hàng. Sau đó, từng tải ngao nối đuôi nhau được đưa lên tàu, loáng cái cả boong tàu đã đầy ắp ngao.

Anh Trường và anh Tuấn nhặt mẫu ngao, chụp ảnh gửi về cho chủ bãi và khách hàng chọn size. Ảnh: Trung Quân.

Anh Trường và anh Tuấn nhặt mẫu ngao, chụp ảnh gửi về cho chủ bãi và khách hàng chọn size. Ảnh: Trung Quân.

11h, nước lên, các tổ khai thác tắt máy, quay trở lại tàu. Mặc dù ngâm nước hàng tiếng đồng hồ, gắng sức khênh máy và những tải ngao có trọng lượng lên tới cả tạ nhưng các thành viên trong đội luôn giữ cho mình một tinh thần lạc quan, vui vẻ. “Các anh có quay em không? Em lên hình trông có đẹp trai như bên ngoài không? Sau lần này mà nổi tiếng, em đổi nghề đi làm diễn viên luôn”, một thanh niên trẻ tếu táo.

Sau khi thay quần áo, tất cả các thành viên trong đội ngồi quây quần trên mạn tàu; chuyện đời, chuyện nghề được trao đổi râm ran. Anh Tuấn bước từ trong khoang lái ra nói lớn: "Nước dâng không đủ cao nên tàu chưa thể quay về". Thấy chúng tôi có vẻ nóng lòng, anh Trường liền bốc máy gọi điện cho một chủ thuyền gần đó đến đưa anh Hải và chúng tôi trở về bờ trước. 

Thuyền nhỏ áp sát tàu ngao, sau những cái bắt tay thật chặt, các thành viên trong đội khai thác ngao đứng ở mạn tàu vẫy tay chào tạm biệt chúng tôi. Con thuyền có bề ngang chỉ bằng thân người, vốn đã nhỏ bé giữa sóng nước giờ lại càng tròng trành hơn khi phải đèo thêm 3 người có số cân nặng đều trên 70kg và lỉnh kỉnh đồ đạc.

Công việc nặng nhọc nhưng các thành viên trong đội khai thác ngao luôn giữ cho mình tinh thần lạc quan, vui vẻ. Ảnh: Trung Quân. 

Công việc nặng nhọc nhưng các thành viên trong đội khai thác ngao luôn giữ cho mình tinh thần lạc quan, vui vẻ. Ảnh: Trung Quân. 

Di chuyển được một quãng dài, con thuyền do chở nặng nên mũi thuyền bị đắm, nước tràn vào bên trong. Anh bạn đồng nghiệp ngồi mũi thuyền vừa dùng chiếc mũ cối của anh Hải để tát nước ra ngoài vừa thủ thỉ: “Người nông dân ở đâu cũng thế em nhỉ, điều kiện vật chất có khó khăn nhưng tình cảm thì luôn nồng ấm, dạt dào. Sự gian khó, nhọc nhằn, cái mặn mòi của nước biển cũng không thể làm họ trở nên bi quan. Mong sao mọi người luôn khỏe mạnh, bình an. Những điều tốt đẹp chắc chắn đang đợi họ ở phía trước”.

Xem thêm
Đã đến lúc nghĩ về phục hồi môi trường nuôi tôm, cá

Ngành nông nghiệp đang đi phục hồi dinh dưỡng đất; thủy sản cũng đã bắt đầu đến lúc nghĩ về phục hồi môi trường nuôi, Cục trưởng Trần Đình Luân nói.

Tổ đoàn kết trên biển góp phần chống khai thác IUU

BÌNH ĐỊNH Không chỉ tương trợ trong quá trình khai thác hải sản, các tổ đoàn kết trên biển ở Bình Định còn góp phần nâng cao ý thức cho ngư dân trong chống khai thác IUU.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.