| Hotline: 0983.970.780

Thị phi sau kỷ luật Phó chủ tịch huyện Tiên Lãng

Thứ Hai 18/06/2012 , 11:53 (GMT+7)

Khi nhắc đến Phó chủ tịch huyện Nguyễn Văn Khanh, nhiều người dân vẫn dành cho ông sự trân trọng, khác hẳn với những gì họ dành cho ông Lê Văn Hiền...

Ông Nguyễn Văn Khanh
Trong số 17 cán bộ của huyện Tiên Lãng (TP Hải Phòng) bị kiểm điểm và xử lý kỷ luật trong vụ thu hồi, cưỡng chế đất của ông Đoàn Văn Vươn, có 2 người bị nặng nhất, đó là ông Lê Văn Hiền, ông Nguyễn Văn Khanh, Chủ tịch và Phó chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng. Cả hai đều bị cách hết các chức vụ đảng và chính quyền. Đây cũng chính là hai án kỷ luật được dư luận quan tâm nhất.

Đối với ông Lê Văn Hiền, người ra các quyết định thu hồi đất trái pháp luật không chỉ đối với gia đình kỹ sư Đoàn Văn Vươn mà còn của nhiều hộ dân nuôi trồng thủy sản khác trong huyện, ra quyết định cưỡng chế khu đầm 19,3 ha của ông Vươn, gây nên sự kiện “động trời” ở Tiên Lãng, thì dư luận cho rằng chỉ cách chức là quá nhẹ. Ông Lương Văn Trong (xã Đông Hưng, Tiên Lãng) rất bức xúc:

- Điều 174 BLHS (Tội vi phạm các quy định về quản lý đất đai) đã quy định những hành vi cấu thành tội phạm là: Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để giao đất, thu hồi đất, cho thuê đất… trái pháp luật. Ông Lê Văn Hiền đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thu hồi đất của dân trái pháp luật. Và hành vi đó đã cấu thành tội phạm, được quy định tại khoản 2 điều 174, đó là thu hồi trái pháp luật những diện tích đất rất lớn, có giá trị rất lớn, gây hậu quả rất nghiêm trọng. Thế mà ông Hiền không những không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, lại còn được đưa vào một cơ quan chuyên tổ chức, sắp xếp bộ máy hành chính của cả thành phố là Sở Nội vụ. Làm như thế, là lãnh đạo TP Hải Phòng vừa khinh dân, vừa bất chấp công luận.

Trong khi ông Hiền “thoát hiểm” một cách rất ngoạn mục và cũng rất bất bình thường như vậy, thì ông Khanh vẫn nằm khoèo ở nhà, tránh mọi cuộc tiếp xúc. Và trừ người dân ra, không một ai trong số cán bộ của huyện Tiên Lãng chịu nói điều gì về ông cũng như vụ kỷ luật của ông. Ngay một số cán bộ ngành nông nghiệp, những người từng gắn bó với ông trong cả chục năm trời, dù giờ có người đã về hưu rồi, cũng từ chối khi chúng tôi tìm hỏi. Nhiều người cho rằng đã có một “sức ép” quanh vụ kỷ luật của ông Khanh. Bản thân ông đã có đơn khiếu nại về kỷ luật của mình nhưng rồi bị “ép” nên đành phải rút. Tuy chưa có điều kiện xác minh, nhưng chúng tôi thấy chuyện này rất không bình thường.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong nhiều năm, với cương vị là Phó chủ tịch huyện phụ trách nông nghiệp, ông Khanh đã có những đóng góp không nhỏ để đưa Tiên Lãng trở thành huyện có nền nông nghiệp phát triển khá. Ngoài năng suất lúa ngày càng được nâng cao, Tiên Lãng còn phát triển được nhiều trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, phát triển kinh tế biển, nuôi trồng thủy sản, hình thành những vùng trồng rau chuyên canh và cây vụ đông… mang lại hiệu quả kinh tế cao khiến đời sống của nhân dân ngày càng được nâng lên và bộ mặt kinh tế của huyện ngày càng sáng sủa.

Khi nhắc đến Phó chủ tịch huyện Nguyễn Văn Khanh, nhiều người dân vẫn dành cho ông sự trân trọng, khác hẳn với những gì họ dành cho ông Lê Văn Hiền. Nhất là ở những xã ven biển, nơi tập trung hàng trăm hộ dân làm nghề biển và nuôi trồng thủy sản, thì ngay cả những nạn nhân trực tiếp của vụ thu hồi, cưỡng chế trái pháp luật là chị Thương, chị Hiền, ông Luân… cũng không oán trách ông Khanh, dù ông là Trưởng đoàn cưỡng chế ngày 5/1/2012. Ông Luân tâm sự:

- Ông Khanh không phải là người không có sai lầm. Nhưng ông biết nghe, và khi nhận ra cái sai thì ông đứng hẳn về phía cái đúng để bảo vệ dân, người như vậy rất hiếm, khác với đa số lãnh đạo khác, họ chỉ nhận sai khi hết đường chối, hết đường lấp liếm. Là nạn nhân, nhưng chúng tôi quý, thương ông, làm đơn xin cấp trên xem xét lại kỷ luật của ông là vì thế.

Cái sai của ông Khanh, theo ông Luân, là việc trên cương vị Phó chủ tịch UBND huyện, ông đã ký bản Kế hoạch số 58 ngày 1/12/2004. Đây có thể nói là một văn bản vận dụng rất sai Luật Đất đai năm 2003 và nhiều văn bản pháp luật khác. Từ sự vận dụng sai (hay cố ý sai do động cơ không trong sáng) đó, UBND huyện Tiên Lãng khẳng định sẽ thu hồi đầm nuôi trồng thủy sản của dân về giao cho UBND các xã quản lý mà không giao lại cho dân, thu hồi không bồi thường, dù tất cả những đầm đó đều do dân đổ tiền của và mồ hôi trong cả chục năm trời để tạo dựng, cải tạo từ bãi biển hoang. Bản kế hoạch đó không được trình UBND TP Hải Phòng, không được UBND TP phê duyệt theo quy định tại điều 24 Luật Đất đai năm 2003 nhưng vẫn được triển khai thực hiện. Và như vậy, nó đích thực là “luật huyện” với mục đích tịch thu trắng tài sản của dân. Nhưng nói cho công bằng, thì dù ai trong lãnh đạo huyện ký quyết định đó cũng vậy thôi, bởi nó chỉ hiện thực hóa chủ trương của Huyện ủy Tiên Lãng…

Vì ký bản Kế hoạch số 58 này mà ông Khanh bị Chi hội Nuôi trồng Thủy sản huyện Tiên Lãng (chủ tịch là ông Đoàn Văn Vươn) gửi đơn tố cáo. Không biết lá đơn đó đã tác động đến ông Khanh thế nào? Chỉ biết sau đó ông kiên quyết phản đối chủ trương thu hồi đầm của dân, và càng kiên quyết phản đối chủ trương cưỡng chế. Theo quy định của Chính phủ về phân công nhiệm vụ đối với lãnh đạo các địa phương, từ năm 2009, lĩnh vực đất đai và tài nguyên môi trường do chủ tịch UBND các cấp trực tiếp phụ trách. Theo trình bày của ông Vũ Văn Luân (thư ký Chi hội nuôi trồng thủy sản Tiên Lãng) thì từ đó ông Khanh không được dự các cuộc họp liên quan đến các vấn đề trên nữa, nhưng ông vẫn không thay đổi quan điểm của mình, mà đỉnh điểm là ngày 18/10/2010.

Sáng 18/10/2010, lãnh đạo UBND TP Hải Phòng làm việc với Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng Lê Văn Hiền, nhằm giải quyết dứt điểm vụ khiếu kiện kéo dài của những hộ nuôi trồng thủy sản. Ông Hiền đưa ra tờ trình xin cưỡng chế thu hồi đầm của ông Vươn, ông Luân… Tờ trình đó bị lãnh đạo thành phố gạt đi. Buổi chiều, dù không phụ trách về đất đai, nhưng ông Khanh vẫn bị giao chủ trì, cùng với Chánh văn phòng, Trưởng phòng Tài chính, Trưởng phòng TN&MT huyện… làm việc với ông Vươn, ông Luân về đơn khiếu nại của hai ông. Đến lúc đó ông Khanh mới biết ngày 9/4/2010, giữa ông Luân, ông Vươn và UBND huyện Tiên Lãng đã đạt được sự thỏa thuận tại TAND TP Hải Phòng trong vụ kiện UBND huyện Tiên Lãng mà hai ông là nguyên đơn. Đó là việc nguyên đơn rút đơn kiện để được UBND huyện tiếp tục giao đầm. Ông Khanh đã kết luận: Không cưỡng chế đầm của ông Luân, ông Vươn; Giao Phòng TN&MT huyện hướng dẫn ông Luân, ông Vươn làm thủ tục để được huyện tiếp tục giao đầm nhằm ổn định tình hình, chấm dứt khiếu kiện kéo dài, tăng nguồn thu cho ngân sách…

Kết luận trên đã khiến không chỉ ông Vươn, ông Luân mà rất nhiều hộ nuôi trồng thủy sản khác như trút được gánh nặng. Nhưng rồi kết luận đó chẳng được ai thực hiện, để cuối cùng lệnh cưỡng chế được ông Hiền ký, và việc xuất hiện của ông Khanh trong cuộc cưỡng chế đầm của ông Vươn sáng ngày 5/1/2012 với tư cách trưởng đoàn (chức vụ này lẽ ra phải là của ông Hiền) khiến người dân vô cùng ngạc nhiên.

Duy chỉ có một người là không ngạc nhiên, đó là ông Vũ Văn Luân. Bởi theo ông, khi đưa ra những kết luận trong buổi chiều ngày 18/10/2010, là ông Khanh đã chống lại chủ trương của huyện  Tiên Lãng, đó là chủ trương  lấy bằng được đầm của dân. Do sự chống đối đó, ông Khanh đã bị ép phải nhận chức trưởng đoàn cưỡng chế, như một sự trừng phạt.

Tuy nhiên đó chỉ là nhận xét riêng của ông Luân. Còn thực hư thế nào, thì chỉ người trong cuộc mới biết rõ.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm