| Hotline: 0983.970.780

Thị trường giải trí trực tuyến sôi động mùa Covid

Thứ Bảy 28/03/2020 , 13:15 (GMT+7)

Đại dịch toàn cầu đã làm tê liệt mọi sân chơi văn hóa và nghệ thuật, nhưng lại tạo cơ hội cho thị trường giải trí hốt bạc.

Netflix trở thành kho phim ăn khách mùa Covid-19. Ảnh: TL.

Netflix trở thành kho phim ăn khách mùa Covid-19. Ảnh: TL.

Sân khấu kịch nghệ, tụ điểm ca nhạc và hệ thống chiếu phim đều đóng cửa. Truyền hình sẽ thắng thế chăng? Đúng là công chúng ngồi nhà để thưởng thức các tiết mục trên màn ảnh nhỏ, nhưng Covid-19 cũng gây trở ngại cho những nhà sản xuất chương trình. Kế hoạch phát sóng của hầu hết game show trên tivi đều đảo lộn.

Những game show ăn khách nhất đều không thể tổ chức ghi hình đúng thời gian. Game show càng đông thành phần khán giả càng khó thực hiện.

Không thể quy tụ khán giả, những game show hào hứng như “Giọng ải giọng ai” hoặc “Thách thức danh hài” đều chấp nhận hủy kèo.

Ngay cả game show chỉ có người thi và giám khảo như “Người mẫu Việt Nam” cũng hoãn lại, vì người cầm trịch là siêu mẫu Võ Hoàng Yến phải cách ly tập trung sau khi lưu diễn ở Mỹ trở về.

Vậy công chúng tìm kiếm những chương trình giải trí gì trong mùa Covid-19? Đó là những kênh giải trí trên mạng. Chỉ cần mở điện thoại thông minh, thì hàng trăm kênh giải trí xuất hiện, có đủ cả âm nhạc lẫn điện ảnh.

Ứng dụng giải trí hàng đầu nước ta hiện nay là POPS đã đạt được lượng truy cập tăng vọt trong tháng 3/2020. Kênh Youtube của POPS tăng trưởng 22% trong nửa đầu tháng 3/2020 và tăng trưởng 40% trong nửa cuối tháng 3/2020.

Đại diện của POPS cho biết, có những sản phẩm cũ tưởng không còn khả năng thu hút người xem, cũng được hồi sinh ngoạn mục. Đặc biệt, hình thức livestream của nghệ sĩ tăng 300% người theo dõi và tương tác.

Một nhà cung cấp dịch vụ giải trí trực tuyến khác là Keeng cũng đạt được những kết quả ngoài tưởng tượng.

Chỉ riêng bộ phim “Người thầy y đức” được Keeng mua bản quyền để phát sóng cùng lúc với Đài truyền hình SBS của Hàn Quốc cũng mang lại lượt xem lý tưởng. Ngoài ra, phim sitcom “Chuyện ba chàng lính trẻ” do Viettel Media sản xuất, khi được Keeng phát sóng cũng thu hút hàng triệu lượt xem mỗi tập.

Thị trường giải trí trực tuyến của Việt Nam đã hình thành nhiều năm nay, nhưng giữa đại dịch toàn cầu thì giá trị của nó đã được khẳng định. Những nhà đầu tư cung cấp các chương trình trên mạng cho rằng, phát triển giải trí trực tuyến là xu hướng tất yếu.

Nếu chưa kể đến yếu tố thời sự do tình hình dịch bệnh thì giải trí trực tuyến vẫn đang tiếp tục phát triển và được lựa chọn ngày càng nhiều bởi yếu tố nhanh chóng, tiện lợi, phong phú. Các đơn vị cung cấp nội dung và nền tảng giải trí đang nỗ lực đầu tư ngày càng nhiều hơn để trở thành lựa chọn được ưu tiên của công chúng.

Giải trí trực tuyết tăng trưởng kỷ lục trong tháng 3/2020. Ảnh: TL.

Giải trí trực tuyết tăng trưởng kỷ lục trong tháng 3/2020. Ảnh: TL.

Thế nhưng, khi mọi ánh mắt đều trông vào thị trường giải trí trực tuyến, thì người ta cũng không khó phát hiện nhiều bất cập đang tồn tại.

Một trong những vấn đề gay gắt nhất là bản quyền. Chỉ cần một sản phẩm ăn khách, thì lập tức bị sao chép ra hàng chục kênh khác nhau, mặc kệ chất lượng âm thanh và hình ảnh ra sao.

Giới kinh doanh giải trí trực tuyến cho rằng, quảng cáo thực sự là nguồn dinh dưỡng cho những website vi phạm bản quyền, mà gián tiếp là các kẻ trộm thông tin mạng.

Thực chất của việc xem phim không mất tiền nhằm thu hút khán giả, qua đó giúp hút quảng cáo cho những đơn vị này.

Cụ thể hơn, đại diện một công ty cung cấp ứng dựng giải trí trực tuyến, phân tích: “Mỗi cộng đồng đều có quy định của riêng họ và YouTube cũng không ngoại lệ.

Dù là nền tảng mở nhưng người xem vẫn có tính chủ động cao, được quyền lựa chọn những nội dung mình yêu thích, được quyền phản hồi và bảo vệ sở hữu cá nhân. Quyền quyết định chính vẫn nằm ở người dùng.

Nếu như cách đây 1-2 năm, mọi thứ phát triển tương đối tự phát khi các nhóm sáng tạo trẻ đơn thuần là đam mê, sản xuất các phim ngắn, clip sau đó tải lên YouTube thì hiện nay mọi thứ đã rất khác biệt.

Nhiều nội dung đã được đầu tư bài bản, có định hướng, xác định được đối tượng khán giả và họ đã thành công.

Nhiều đơn vị nước ngoài cũng đã hợp tác trong việc cung cấp, sản xuất nội dung. Trong tương lai, tính chuyên nghiệp hóa sẽ còn được thể hiện rõ nét.

Khi thị trường ngày càng phát triển thì sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt và buộc các nghệ sĩ, các đơn vị sản xuất phải không ngừng cải thiện và nâng cao chất lượng các sản phẩm.

Từ đó, ngày có nhiều sản phẩm được đầu tư bài bản từ kinh phí cho đến nhân lực cũng như ý tưởng”.

Với biên bộ mở của internet thì thị trường giải trí trực tuyến không còn mang tính “sân nhà” cho những người đầu tư.

Xuất thân là kỹ sư phần mềm, Reed Hastings đã thành công trong việc xây dựng Netflix từ một cửa hàng cho thuê băng đĩa phim trở thành hiện tượng dẫn đầu xu thế giải trí mới trên thị trường gần đây.

Và với khả năng lãnh đạo của mình, Reed Hastings đã đưa Netflix vươn tầm trở thành một trong nhóm 5 doanh nghiệp công nghệ hàng đầu của nước Mỹ - FAANG.

Chỉ nhìn ở thời điểm virus corona đang hoành hành, thì Netflix đã chinh phục được một bộ phận khán giả Việt Nam. Những nhà làm phim cũng ưu tiên ký gửi sản phẩm cho Netflix thay vì hợp tác với các đối tác trong nước. Kho phim của Netflix thu hút hàng triệu lượt xem từ Việt Nam mỗi ngày.

Cuối tháng 3/2020, “Top 10 phim thịnh hành trên Netflix Việt Nam” đã đưa ra một danh sách gồm “Tầng lớp Itaewon”, “Chào mẹ tạm biệt”, “Hạ cánh nơi anh”, “Lời hồi đáp 1988”, “50 sắc thái tự do”, “Ngày xửa ngày xưa ở Hollywood”, “Em chưa 18”… 

Nhìn vào bảng xếp hạng trên, thì duy nhất một bộ phim Việt là “Em chưa 18”, còn lại sự yêu thích của khán giả Việt đều tập trung cho các bộ phim Hàn Quốc.

Tuy nhiên, cũng có một tín hiệu đáng mừng, là khi khán giả tránh Covid-19 bằng cách giải trí trực tuyến thì Netflix đã bổ sung một loạt phim Việt vào thư mục phục vụ gồm “Hạnh phúc của mẹ”, “Lửa Phật”, “Hậu duệ mặt trời”, “Ngôi nhà bươm bướm”, “Trời sáng rồi ta ngủ đi thôi”, “Siêu sao siêu ngố”, “Mẹ chồng”, “Về quê ăn tết”, “Hương Ga”, “Âm mưu giày gót nhọn”, “Cô dâu đại chiến”, “Taxi em tên gì?”… Vì vậy, bằng cái nhìn lạc quan thì không ít ý kiến lại hy vọng sau đại dịch toàn cầu phim Việt sẽ được nhiều người Việt thích thú hơn.

Sơn Tùng M-TP vẫn là gương mặt kiếm tiền vô địch trên mạng. Ảnh: TL.

Sơn Tùng M-TP vẫn là gương mặt kiếm tiền vô địch trên mạng. Ảnh: TL.

Dù các ứng dụng giải trí trực tuyến không ngừng nỗ lực nâng cao chất lượng, thì những kênh Youtube cá nhân vẫn là đắc thắng trong thời Covid-19. YouTube quy định một kênh cá nhân chỉ có thể bật tính năng kiếm tiền khi đã đủ 4.000 giờ xem trong vòng 12 tháng và 1.000 lượt đăng ký. 

Và ngay khi tinh thần “ai ở đâu ngồi yên đấy” được thực thi, thì hàng loạt kênh cá nhân trên Youtube được dịp hốt bạc.

Khoản thu nhập mà YouTube trả cho các kênh cá nhân được chia thành từng khu vực cụ thể, một kênh YouTube ở Việt Nam có thể nhận được từ 600 - 3.000 đồng cho 1 lượt xem quảng cáo, thấp hơn nhiều so với một kênh Youtube cá nhân ở thị trường Âu - Mỹ được trả từ 6 - 10 USD. 

Thế nhưng, không ít kênh cá nhân ở Việt Nam trong tháng 2/2020 và tháng 3/2020 được Youtube trả cho khoản tiền lên đến vài chục ngàn USD nhờ lượng xem tăng kỷ lục.

Theo Social Blade - một chuyên trang phân tích các kênh YouTube, thì thu nhập của những kênh “hot” ở Việt Nam trong mùa Covid-19 có thể thu nhập đến hàng trăm ngàn USD. Ví dụ, kênh cá nhân của Sơn Tùng M-TP, kênh cá nhân của Hậu Hoàng, hoặc kênh cá nhân của Bà Tân Vlog.

Hầu hết các nghệ sĩ đều chuyển sang đầu tư sản phẩm để phát hành trên mạng trong đại dịch toàn cầu. Dẫu không so được với Sơn Tùng - MTP, nhưng kênh cá nhân của ca sĩ Mỹ Tâm, nghệ sĩ Đen Vâu, ca sĩ Đức Phúc, diễn viên Nhật Kim Anh… đều ăn nên làm ra không thua kém gì các công ty mì gói.

(Kiến thức gia đình số 13)

Xem thêm
Phụ nữ Hàn Quốc 'giả bệnh' trước kì nghỉ lễ Trung thu

Áp lực khi phải chuẩn bị cỗ bàn, chiều lòng các thành viên trong gia đình chồng, nhiều phụ nữ Hàn Quốc giả bệnh trước kì nghỉ lễ Trung thu.

Cưới người đã ba đời chồng

Nhung đã trải qua ba đám cưới. Cũng còn may cuối cùng cô đã có chốn dừng chân. Và có được đấng phu quân mới lấy vợ lần đầu.

Chúng ta ở quãng nào?

Nhiều người vẫn chép miệng tiếc nuối 'Sao thời xưa nghèo mà yên thế?'. Có thể họ muốn nói đến thời bao cấp chăng?

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm